Ngày 21/11/1918, Hildreth Heiney, một nữ giáo viên sống tại thành phố Indianapolis (bang Indiana, miền trung Mỹ), viết thư gửi vị hôn phu Kleber Hadley - một người lính đang ở ngoài mặt trận. Trong thư, Hildreth mô tả về sự xuất hiện đột ngột của những chiếc khẩu trang ở khắp nơi, không lâu sau khi nước Mỹ bị dịch cúm tấn công. “Em cũng mang chúng nữa, như tất cả mọi người xung quanh. Có đủ kiểu khẩu trang anh à - lớn lẫn nhỏ, dày lẫn mỏng. Một số được trang trí kiểu cọ. Em còn trông thấy một chiếc khẩu trang được vẽ thêm râu mèo”, cô viết với giọng văn vui tươi.
Yêu cầu mang khẩu trang nơi công cộng lúc bấy giờ vừa được ban bố ở Indiana trước nguy cơ đại dịch và Hildreth có vẻ vẫn giữ được sự điềm tĩnh. “Đời là thế, anh nhỉ? Chúng ta luôn cần đến khiếu hài hước để đối diện khó khăn”, cô viết, kèm theo mô tả về những chiếc khẩu trang ngộ nghĩnh bắt gặp trên phố.
|
Một lá thư Hildreth gửi cho hôn phu Kleber năm 1918. Người đàn ông trong ảnh là John, em trai cô ẢNH: ATLAS OBSCURA |
Những trang thư sống động của Hildreth hiện là một phần trong bộ sưu tập “văn bản, thư tín cá nhân” đồ sộ, ra đời vào giai đoạn dịch cúm Tây Ban Nha hoành hành (năm 1918-1919). Bộ sưu tập trên đang được lưu giữ tại Thư viện Y sinh Đại học California, Los Angeles. Ngoài nhiều lá thư tay của một số cá nhân, tuyển tập còn bao gồm các cuốn nhật ký, ảnh chụp, một số thư trao đổi công việc của thị trưởng California về tình hình dịch bệnh và cả bưu thiếp mừng lễ Tạ ơn được viết bởi trẻ nhỏ.
Thủ thư kiêm chuyên gia giám tuyển kỳ cựu Russell Johnson, người đứng sau dự án đặc sắc này, cho biết ông đã kiên nhẫn tìm kiếm, “góp nhặt từng lá thư”. Ban đầu, Johnson muốn theo đuổi chuyên ngành khoa học hành vi tại Đại học California nhưng ông sớm nhận ra đam mê thật sự với hoạt động thư viện.
“Lúc đầu chỉ đến để nghiên cứu về y khoa và khoa học thần kinh, sau cùng tôi lại thấy hứng thú trước công tác biên soạn, sưu tầm tư liệu ở thư viện trường”, ông nói.
Bộ sưu tập những lá thư tay được viết trong giai đoạn dịch cúm Tây Ban Nha hoành hành tại Mỹ giúp phác họa một thời điểm lịch sử gian khổ - xúc động khi đông đảo người dân, quân nhân cùng nỗ lực thích nghi và vượt qua dịch bệnh toàn cầu. Rất nhiều bức thư vẫn còn vẹn nguyên sức lay động, đặc biệt giữa lúc chúng ta đang chung tay đấu tranh với một đại dịch nguy hiểm khác.
|
Y bác sĩ đeo khẩu trang khi làm việc tại một trung tâm hỗ trợ y tế ở San Francisco, California năm 1918 - ẢNH: NYTIMES |
Mới đây, trên tạp chí du lịch Atlas Obscura (Mỹ), nhà giám tuyển Johnson đã có hàng loạt chia sẻ thú vị xoay quanh cách ông kiên trì xây dựng dự án, những điều đáng chiêm nghiệm qua mỗi bức thư và câu chuyện đặc biệt về một người lính tên Alton Miller.
* Ông bắt đầu lên kế hoạch cho bộ sưu tập như thế nào?
- Chuyên gia giám tuyển Russell Johnson: Thư viện Y sinh thuộc Đại học California sở hữu lượng lớn sách, tài liệu quý về lịch sử các ngành khoa học, y học. Nổi bật trong số này là những nội dung nghiên cứu xoay quanh nguồn gốc của bệnh truyền nhiễm, như đậu mùa và dịch tả. Khoảng 12 năm trước, nhân sự kiện tưởng niệm đại dịch cúm 1918-1919, tôi tìm hiểu và phát hiện chưa có nhiều tư liệu, thư từ, nhật ký liên quan đến giai đoạn này nên tôi bắt đầu bằng cách mua lại từng lá thư, phần lớn thông qua eBay.
* Ai rao bán qua internet thư tín, nhật ký cá nhân của người khác từ năm 1918?
- Ở vài trường hợp, những bức thư thuộc về khối gia sản lưu truyền lại trong một gia đình. Đôi khi người bán vô tình tìm thấy chúng mắc kẹt trong ngăn bàn, tủ tài liệu cổ họ mua từ ai khác. Bạn cũng có thể tìm thấy khá nhiều thứ thú vị thông qua những buổi đấu giá đồ cũ. Chẳng hạn, một chủ hiệu sách ở Berkeley, California từng bán cho chúng tôi tập thư chép tay quý hiếm, hoàn chỉnh của Alton Miller. Giới thủ thư chúng tôi luôn phải linh động liên hệ nhiều nguồn khác nhau để mở rộng thêm kho tài liệu sưu tầm.
|
Huy chương vinh danh Alton Miller trong Thế chiến thứ nhất, được chính quyền thành phố Kingston, New York trao tặng ẢNH: ATLAS OBSCURA |
* Xin ông giải thích về tập thư của Alton Miller?
- Thời trẻ, Alton làm nghề lái xe thuê. Trong Thế chiến thứ nhất, như số đông thanh niên đương thời, cậu ấy được triệu tập vào quân đội, lúc đầu đóng quân ở New Jersey. Alton thường viết thư thăm hỏi chị gái - Adah và bố mẹ. Tập thư chúng tôi có được từng thuộc sở hữu của Adah. Ngày 5/10/1918, Alton chuyển đến trại Zachary Taylor, tại Louisville, bang Kentucky và viết cho bố cậu: “Bố mẹ đừng lo quá nhưng con nghĩ mình đã bị cúm được bốn ngày. Hình dung tới viễn cảnh những nơi điều trị đều đang hỗn loạn ra sao, con chưa muốn báo cho phía chỉ huy. Có lẽ chỉ một tuần nữa thôi, trại của con sẽ bị cách ly”.
Hôm sau, trong bức thư có phần ảm đạm hơn gửi cho chị, Alton viết: “Adah, xe cứu thương đang đậu khắp nơi. Em nghĩ sớm thôi, trại lính sẽ phải đóng cửa. Nhưng em vẫn ổn”. Thế nhưng, chỉ ít lâu sau đó, Adah nhận được thư khẩn từ sĩ quan tuyên úy của trại lính, ngầm báo tin dữ. Rồi cũng đến ngày điện tín chính thức từ quân đội gửi về gia đình, xác nhận Alton vừa qua đời tại bệnh viện vì bệnh cúm. Đọc qua tập thư, tôi không khỏi xót xa cho người lính phải ra đi khi còn quá trẻ. Ngoài thư tay, còn có một chiếc huy chương vinh danh Alton sau khi chiến tranh kết thúc, được gửi đến mẹ cậu ấy.
|
Chân dung Alton Miller. Bên phải là bức thư tuyên úy trại lính gửi đến gia đình, thông báo tình trạng bệnh tình đang xấu đi của người lính trẻ - ẢNH: ATLAS OBSCURA |
* Thư tay có vẻ rất phổ biến ở giai đoạn này. Vì lẽ gì?
- Bấy giờ đang là Thế chiến thứ nhất. Để khích lệ tinh thần người lính, quân đội Mỹ hỗ trợ dịch vụ chuyển phát thư miễn phí. Một số tổ chức phúc lợi còn cung ứng miễn phí bút viết, văn phòng phẩm cho quân nhân. Những người lính đều thích viết thư trao đổi với người yêu, gia đình. Có khi 2-3 lá thư được gửi đi mỗi ngày, bất kể cách biệt địa lý.
* Ông nghĩ công chúng đương đại có thể học được điều gì qua những lá thư mang ý nghĩa lịch sử và bức thư nào để lại ấn tượng sâu sắc nhất với ông?
- Chúng ta có thể học hỏi thêm về cách tương tác, đối đãi lẫn nhau, nhất là khi đang có một trận đại dịch hoành hành trên toàn cầu. Mọi người khi ấy vẫn phàn nàn về một số điều bất tiện trong lúc cố gắng duy trì nếp sinh hoạt thường nhật. Họ cũng như chúng ta hiện tại, tìm niềm vui dù nhỏ bé, vụn vặt để vượt qua những khó khăn chung. Nhiều nội dung thư, như tập thư Hildreth viết cho hôn phu, góp phần lột tả chân thật đời sống xã hội.
Hiểu về bối cảnh lịch sử của mỗi trang thư, bạn có thể nhận ra dẫu phải đối diện bi kịch, con người luôn không ngừng hy vọng. Hildreth, một giáo viên, phải nghỉ dạy nhiều tuần do dịch bệnh, vẫn nói đùa về điều đó trong thư. Cô ấy chọn cách tiếp nhận cuộc sống lạc quan và vui vẻ dù hiện thực có khắc nghiệt chăng nữa. Tôi nghĩ, tinh thần ấy vô cùng đáng quý.
Như Ý (theo Atlas Obscura)