Những trận động đất gây ám ảnh trong thế kỷ 21

06/02/2023 - 22:35

PNO - Động đất có khả năng gây ra sự hủy diệt và thiệt hại về người trên diện rộng. Kể từ năm 2000, nhiều trận động đất kinh hoàng đã dẫn đến thương vong không kể xiết.

Một trận động đất 7,8 độ Richter đã tấn công Thổ Nhĩ Kỳ và Syria vào sáng sớm 6/2 với những chấn động cảm nhận được trên khắp khu vực, từ Lebanon, Jordan, cho đến Israel và Hy Lạp. Vụ việc không khỏi khiến nhiều người nhớ về những trận động đất kinh hoàng nhất của thế kỷ 21.

Động đất ở Bam, Iran, 2003

Với cường độ 6,6 độ Richter, thảm họa thiên nhiên này đã tấn công thành phố Bam ở Iran vào ngày 26/12/2003. Trận động đất khiến hơn 26.000 người chết và 30.000 người bị thương.

Chấn động gây ra thiệt hại trên diện rộng cho thành phố, phá hủy hoặc làm hư hại nghiêm trọng nhiều tòa nhà, bao gồm cả nhà cửa và các công trình kiến trúc lịch sử. Sau đó, hỗn loạn lan rộng khi mọi người phải vật lộn để tìm thức ăn, nước uống và chăm sóc y tế.

Một cảnh chụp trên không cho thấy mức độ thiệt hại sau trận động đất ở Bam, Iran, ngày 27/12/2003
Một cảnh chụp trên không cho thấy mức độ thiệt hại sau trận động đất ở Bam, Iran, ngày 27/12/2003

Động đất và sóng thần Sumatra, Indonesia, 2004

Thảm họa thiên nhiên lớn này xảy ra ở bờ biển Sumatra, Indonesia, vào ngày 26/12/2004. Trận động đất 9,1 độ Richter gây ra sóng thần lớn ảnh hưởng đến một số quốc gia ở khu vực Ấn Độ Dương.

Với hơn 230.000 người thiệt mạng ở 14 quốc gia, nó vẫn là một trong những cơn sóng thần nguy hiểm nhất trong lịch sử được ghi lại. Sóng thần đã gây ra sự tàn phá trên diện rộng dọc theo bờ biển, quét sạch các ngôi làng và làm hư hại cơ sở hạ tầng quan trọng, chẳng hạn như đường, cầu và mạng lưới thông tin liên lạc.

Một người đàn ông kiểm tra những gì còn sót lại trong ngôi nhà của mình sau trận sóng thần lớn quét qua bờ biển Sri Lanka vào ngày 26/12/2004
Một người đàn ông kiểm tra những gì còn sót lại trong ngôi nhà của mình sau khi cơn sóng thần lớn quét qua bờ biển Sri Lanka vào ngày 26/12/2004

Động đất lớn ở Tứ Xuyên, Trung Quốc, 2008

Thảm họa xảy ra ở tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc vào ngày 12/5/2008. Trận động đất mạnh 8,0 độ Richter gây ra sự hủy diệt và thiệt hại về người trên diện rộng.

Động đất khiến hơn 80.000 người chết và 375.000 người bị thương. Nhiều tòa nhà, bao gồm trường học và bệnh viện, bị hư hại hoặc phá hủy hoàn toàn, khiến hàng chục ngàn người mất nhà cửa. Trận động đất cũng gây ra sạt lở đất và cắt đứt mạng lưới đường bộ và thông tin liên lạc, đặt ra những thách thức lớn cho các nỗ lực cứu hộ và cứu trợ.

Lực lượng cứu hộ tìm kiếm các nạn nhân tại một trường học bị sập sau trận động đất ở tỉnh Tứ Xuyên vào ngày 12/5/2008
Lực lượng cứu hộ tìm kiếm các nạn nhân tại một trường học bị sập sau trận động đất ở tỉnh Tứ Xuyên vào ngày 12/5/2008

Động đất tại Haiti, 2010

Sự kiện thảm khốc này xảy ra ở Haiti vào ngày 12/1/2010 với cường độ 7,0 độ Richter. Trận động đất đã gây ra sự tàn phá trên diện rộng ở thủ đô Port-au-Prince và các khu vực lân cận, khiến hơn 220.000 người chết và 300.000 người bị thương.

Nhiều tòa nhà, bao gồm nhà ở, trường học và bệnh viện, bị phá hủy hoặc hư hại nghiêm trọng, khiến hàng trăm ngàn người mất nhà cửa. Trận động đất cũng gây ra sự hoảng loạn và hỗn loạn trên diện rộng khi mọi người phải vật lộn để tìm thức ăn, nước uống và chăm sóc y tế sau đó.

Một người phụ nữ suy sụp khi đứng gần những tòa nhà bị phá hủy sau trận động đất ở Port-au-Prince, Haiti vào ngày 13/01/2010
Một người phụ nữ suy sụp khi đứng gần những tòa nhà bị phá hủy sau trận động đất ở Port-au-Prince, Haiti vào ngày 13/01/2010

Động đất và sóng thần ở Sendai, Nhật Bản, 2011

Trận động đất mạnh 9,0 độ Richter có tâm chấn nằm cách thành phố Sendai, tỉnh Miyagi 130 km về phía đông. Trận động đất gây ra cảnh báo sóng thần trên khắp khu vực Thái Bình Dương.

Sóng thần lan đi với tốc độ gần 800 km một giờ, bao gồm những con sóng cao từ 3,3 - 3,6 mét dọc theo bờ biển Kauai và Hawaii.

Con số chính thức về những người được xác nhận đã chết hoặc mất tích tăng lên hơn 20.000. Mặt khác, sau vụ việc, một số nhà máy điện hạt nhân ở vùng Tōhoku bị hư hại và đối mặt nguy cơ rò rỉ phóng xạ.

Các thành viên của Lực lượng Phòng vệ mặt đất Nhật Bản trong các hoạt động cứu hộ và phục hồi ở Ōfunato, tỉnh Iwate, Nhật Bản, sau trận động đất và sóng thần ngày 11/3/2011
Các thành viên của Lực lượng Phòng vệ mặt đất Nhật Bản trong các hoạt động cứu hộ và phục hồi ở Ōfunato, tỉnh Iwate, Nhật Bản, sau trận động đất và sóng thần ngày 11/3/2011

Động đất Ấn Độ-Nepal, 2015

Thảm họa thiên nhiên thảm khốc này xảy ra ở Nepal vào ngày 25/4/2015 với cường độ 7,8 độ Richter. Trận động đất đã gây ra sự tàn phá và thiệt hại về người trên diện rộng, với hơn 9.000 người chết và 22.000 người bị thương ở Nepal, cũng như hơn 200 người chết ở Ấn Độ.

Trận động đất Ấn Độ-Nepal năm 2015 vẫn là một trong những trận động đất kinh hoàng nhất trong lịch sử gần đây và tác động của nó vẫn còn hằn sâu trong tâm thức người dân Nepal ngày nay.

Người dân khiêng một nạn nhân bị mắc kẹt trong đống đổ nát sau trận động đất ở Kathmandu, Nepal, ngày 25/4/2015
Người dân khiêng một nạn nhân bị mắc kẹt trong đống đổ nát sau trận động đất ở Kathmandu, Nepal, ngày 25/4/2015

Linh La (theo Alarabiy, Reuters, AP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI