Những tổn thương của trẻ cần được trị liệu

15/03/2023 - 06:37

PNO - Tiến sĩ xã hội học, thạc sĩ tâm lý trị liệu Phạm Thị Thúy - giảng viên Học viện Hành chính quốc gia, Phân viện TPHCM - đã dành cho Báo Phụ nữ TPHCM cuộc trò chuyện về ảnh hưởng của bạo lực gia đình đối với trẻ em.

Phóng viên: Việc chứng kiến cảnh cha mẹ bạo hành ảnh hưởng như thế nào đến nhận thức, tâm lý, lối sống, cuộc đời của trẻ, thưa bà?

Tiến sĩ Phạm Thị Thúy: Cảm giác không an toàn, lo sợ là tâm lý chung của những đứa trẻ dưới 6 tuổi chứng kiến cảnh cha mẹ bạo hành. Về biểu hiện, trẻ có thể trở nên hung hăng, hay gặp ác mộng khi ngủ, biếng ăn hoặc ăn uống mất kiểm soát. Cảm giác này tác động mạnh mẽ và có thể khiến trẻ tè dầm, khóc đêm trở lại dù đã lớn. Lớn hơn một chút, trẻ có thể nhạy cảm hơn, mất niềm tin vào cha mẹ và “khó dạy” hơn.

Chứng kiến sự bạo hành của cha mẹ với nhau, trẻ nghĩ lỗi của ai thì sẽ thù ghét người đó, nên đã có trường hợp án mạng giữa cha và con xuất phát từ sự thù ghét này. Khi chứng kiến cha mẹ đánh nhau, con trai sẽ thích dùng bạo lực, con gái sẽ tự ti, mặc cảm, nhút nhát hoặc trở nên nổi loạn, gai góc, hung hăng do không muốn mình yếu thế, bị đánh như mẹ. Lớn lên, đối diện với tình yêu và quan hệ hôn nhân, trẻ sẽ đầy định kiến giới và khi gặp khó khăn, không hạnh phúc trong quan hệ tình cảm, chúng sẽ lặp lại một cách vô thức những kiểu ứng xử mà mình từng chứng kiến. 

Bạo hành giữa cha mẹ để lại hậu quả rất nghiêm trọng đến trẻ ngay cả khi chúng chứng kiến gián tiếp. Người lớn thường nghĩ mình che giấu được trẻ, nhưng đây là quan niệm sai lầm. Có một thực tế là đa phần trẻ trong các gia đình này đều ít nhiều trực tiếp chịu sự bạo lực từ cha mẹ do bị “giận cá chém thớt”, bị đánh lây…

* Trẻ cần được hỗ trợ thế nào khi phải chịu tổn thương đó, thưa bà?

- Nếu cha mẹ chưa nhận ra mình đang ảnh hưởng độc hại đến con thì đứa trẻ cần được ai đó kéo thoát ra và nâng đỡ tinh thần. “Ai đó” có thể là ông bà, chú bác, thầy cô. Vì vậy, tôi thường nói khi xử lý bạo lực học đường, các thầy cô cần nhân văn và tế nhị, tìm hiểu gốc rễ. Không chấm dứt bạo lực gia đình thì còn lâu mới chấm dứt được bạo lực học đường.

Thứ hai là chính đứa trẻ cần biết tự cứu mình. Mới đây, có cô bé lớp Mười một nhận ra mình bị trầm cảm đã nhờ mẹ đưa đi trị liệu. Mẹ bé là giảng viên đại học. Qua quá trình trò chuyện, tôi thấy có mối liên hệ của tình trạng trầm cảm này với một quá trình dài chứng kiến cha mẹ bạo hành tinh thần lẫn nhau trước khi ly hôn. 

* Bà có lời khuyên nào dành cho những bậc phụ huynh trong các gia đình có lục đục, bạo hành?

- Tôi không nghĩ họ cần được khuyên, mà là cần được giúp đỡ. Nếu không tìm ra nguyên nhân mâu thuẫn, xung đột, những tổn thương bên trong đằng sau hành vi mất kiểm soát bạo lực của họ thì không ăn thua. 
Bạo lực là vòng quay lặp lại từ đời này sang đời khác, vòng tròn bạo lực thường được nuôi dưỡng, ẩn giấu trong các thế hệ, có tính “di truyền”, dù bản thân họ rất thương con. Có cặp vợ chồng nhờ tôi trị liệu tâm lý cho người chồng. Anh này bình thường rất yêu thương, chăm lo cho vợ con nhưng hễ nóng lên là đánh đập vợ con không thương tiếc. Thì ra, lúc 3 tuổi, anh đã mất mẹ; sau 1 tháng mất mẹ, cha anh cưới người khác và bắt anh gọi mẹ. Anh không chấp nhận do chưa có sự gắn kết với mẹ kế, trở nên bướng bỉnh nên thường bị cha đánh. 

Tôi khuyến khích người vợ đồng hành với chồng trong quá trình trị liệu và hỗ trợ cho chồng để chồng bỏ được tảng đá tổn thương đè nặng hàng chục năm qua, chuyển hóa những cảm xúc tiêu cực bên trong, từ đó giảm dần các hành vi bạo lực.

* Xin cảm ơn bà 

Tuyết Dân (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI