Những tội ác được gắn biển 'chuyện riêng tư'

14/05/2018 - 11:30

PNO - Thổ lộ chuyện vợ chồng thầm kín vốn đã khó khăn với các bà vợ, huống hồ chia sẻ về việc bị chồng bạo lực tình dục, bạo lực tinh thần... càng khó hơn.

Những tội ác vì thế cứ tiếp tục diễn ra trong bóng tối, trong im lặng, sau những cánh cửa được gắn biển “chuyện riêng tư”. Ngay cả các nạn nhân đôi khi cũng hoang mang về nỗi đau của mình, về quyền được bảo vệ của mình thì làm sao người ngoài có thể can thiệp.

Nhung toi ac duoc gan bien 'chuyen rieng tu'
 

Có phải mình bị bạo lực?

Gần cuối học kỳ của năm thứ hai, Hoàng Xuân, nữ sinh viên xinh đẹp, thông báo với mọi người rằng, mình sửa soạn về nhà để… lấy chồng. Cả lớp ai cũng bật ngửa vì trước giờ có nghe Xuân nói có người yêu đâu. Xuân cười thẹn thùng, nói sẽ cưới một thanh niên gần nhà, chỉ biết nhau sơ sơ thời trẻ con, nhưng cha mẹ hai bên thì thân nhau nên gả cưới. Nhà xa, lại đang thời gian học chuẩn bị thi nên Xuân không mời ai dự lễ cưới. Thế nhưng, chỉ mới 5 ngày sau lễ cưới mọi người đã thấy Xuân quay trở về ký túc xá, gương mặt thất thần, đầy sợ hãi. Câu chuyện Xuân kể về đêm tân hôn khiến các cô bạn đều… nổi gai ốc.  

Ngay đêm tân hôn, chồng bắt Xuân phải làm theo những gì chồng đã xem trong phim cấp 3. Hậu quả là những trò bệnh hoạn của anh ta khiến Xuân bị tổn thương vùng kín nặng nề, ra máu liên tục. Vừa đau đớn, vừa hoảng sợ, Xuân về kể với mẹ. Không ngờ, mẹ không muốn nghe con gái kể. Mẹ không tin hay đúng hơn không muốn tin. Khi Xuân cho mẹ xem những vết bầm tím trên người thì mẹ lấy dầu xoa bóp cho con gái và khuyên hãy cố gắng chịu đựng, rồi sẽ… quen và qua thôi. Xuân nức nở kể rằng, mẹ bảo làm vợ là phải chiều chồng, khổ sở một chút cũng phải cố, đừng có mang ra nói, người ta cười chê. 

Hai ngày sau khi trở lại ký túc xá, chồng của Xuân lên tận nơi dùng mọi cách ép buộc Xuân quay về. Hắn vừa năn nỉ, vừa dọa dẫm, khiến Xuân hoảng sợ đành phải theo chồng về quê. Cả tháng sau là chuỗi ngày kinh hoàng với cô gái trẻ. Cứ trời sập tối là Xuân rúm ró hết cả người. Người chồng ban ngày hiền lành, nhỏ nhẹ nhưng ban đêm lại hiện hình một con thú. Đến sáng hôm sau, khi nhìn thấy những vết bầm tím trên người vợ và sự hoảng hốt của vợ, hắn lại xin lỗi, hứa rằng sẽ thay đổi. Kinh sợ nhất là Xuân phát hiện ra bí mật chồng từng có người yêu hứa hôn, nhưng cô gái biết được sở thích quan hệ quái lạ của anh ta nên đã bỏ chạy.

Nhung toi ac duoc gan bien 'chuyen rieng tu'
Ảnh minh họa

Không biết kêu với ai, nói ra sợ xấu hổ, Xuân cắn răng chịu đựng hằng đêm, hy vọng có lúc chồng sẽ mệt mỏi mà buông tha. Thế nhưng, sự sợ hãi, chịu đựng của Xuân dường như càng kích thích thú tính của chồng trẻ. Không chịu đựng được nữa, một đêm Xuân bỏ trốn lên thành phố, rồi kiếm việc làm và thuê nhà ở. Mãi đến 10 năm sau, Xuân vẫn chưa dám yêu ai, vì cứ nghĩ đến chuyện gần gũi đàn ông là thấy hoảng sợ. 

Cách đây không lâu, chị Hạnh Dung - phụ trách chuyên mục Nhỏ to tâm sự của Báo Phụ Nữ - nhận được bức thư của một phụ nữ kể rằng, cô và chồng kết hôn đã được 5 năm, thế nhưng mỗi lần vợ chồng mâu thuẫn là đêm đến chồng nằm đơ như khúc gỗ bên cạnh cô. Cô phải tìm mọi cách hòa giải. Cách hòa giải duy nhất hiệu nghiệm là làm sao cho chồng chịu quan hệ theo kiểu ban phát cho nô lệ thì anh ta mới nói chuyện với vợ con. Càng ngày, cô cảm giác càng tồi tệ, chuyện quan hệ vợ chồng trở nên nhục nhã không chịu nổi. Nó như một cuộc đổi chác, hiến thân mà cô là một nạn nhân, một kẻ bị rẻ rúng. 

Biết tìm đến ai?

Cũng giống như bạo lực tình dục, bạo lực tinh thần trong gia đình cũng diễn ra bằng nhiều hình thức khác nhau, có thể là lời nói, sự dọa dẫm cay nghiệt như trường hợp của Linh Yên. “Tội” của cô đối với chồng (trưởng công an phường ở một quận trung tâm) là quá xinh đẹp và anh ta thì quá ghen. Yên làm việc trong công ty truyền thông nên thường xuyên giao tiếp với khách hàng. Không thể theo vợ suốt ngày, kiểm soát vợ mọi chốn nên chồng dùng phương pháp dọa dẫm để phòng ngừa.

Nhung toi ac duoc gan bien 'chuyen rieng tu'
Ảnh minh họa

Thỉnh thoảng, vào giờ làm việc, chồng ghé văn phòng của Yên, quan sát cô làm việc, tiếp khách và bảo: em có nghĩ là có ngày tôi xách súng vào bắn chết cả em lần những thằng em cười nói hay không. Vừa nói, chồng vừa đập bộp bộp vào bao súng bên hông. Kinh khủng nhất là chồng cảnh báo Yên: “Nếu mà em phản bội, tôi sẽ lấy ma túy bôi vào vùng kín. Em sẽ bị viêm nhiễm, sẽ ngồi không được, nằm không xong”. Chẳng biết cái cách tra tấn đó anh ta nghe được từ đâu, nhưng nó ám ảnh Yên kinh khủng. 

Mới đây, chị Hạnh Dung nhận được đơn kêu cứu của một chị có chồng là tổng giám đốc. Chuyện là khi chị phát hiện chồng ngoại tình với nhân viên ở công ty thì chồng đã phản công chị bằng bạo lực tinh thần. Chị kể: “Ông ấy dọn ra ngoài, thuê nhà ở riêng và ngừng mọi giao tiếp với mẹ con tôi. Tôi nấu đồ ăn mang đến công ty thì ông ấy không ăn. Tôi tìm gặp để nói chuyện thì bảo, nếu còn đến công ty sẽ kêu bảo vệ chặn lại, để tôi bẽ mặt thì thôi. Tôi không còn biết làm gì để cứu vãn gia đình mình, ngoại trừ việc đồng ý ngó lơ cho ông ấy bồ bịch”. Chị bảo rằng, bị trầm cảm nặng vì cách đối xử lạnh lùng của chồng và cũng hiểu rằng, mình đang bị bạo lực tinh thần. “Tôi phải gặp ai để kêu cứu, ai có thể giúp tôi được đây?”.

Câu hỏi của chị, bị chồng hành hạ tinh thần mà không thể làm gì để thoát ra, cứu mình, để kẻ bạo hành phải thay đổi là câu hỏi rất đau thương nhưng không có lời giải. Không thể nói với ai là tình trạng chung của những nạn nhân bị bạo lực tình dục và bạo lực tinh thần. Bởi những câu chuyện này đều riêng tư, khó miêu tả tỉ mỉ hay đưa ra bằng chứng. Chẳng những người kể mà ngay cả người nghe cũng có cảm giác ngại ngùng khi phải tham gia vào phân tích, hòa giải chứ đừng nói là tìm kiếm biện pháp xử phạt đối tượng gây bạo lực. Vì thế, ngoài việc kể cho những người hết sức thân thiết và yêu thương mình, hay bí mật trò chuyện với nhà tư vấn tâm lý, họ ít khi dám công khai về những điều này. Cuối cùng, những biện pháp họ tìm đến đôi khi chỉ có tác dụng duy nhất là xoa dịu tâm lý để họ… tiếp tục chịu đựng nỗi đau hay chạy trốn như cô sinh viên Hoàng Xuân mà thôi. 

Song Văn

Cần định nghĩa và phân loại rõ các nhóm hành vi

Khoản 2 điều 1 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007 đưa ra định nghĩa: “Bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình” và liệt kê các hành vi được coi là bạo lực gia đình tại khoản 1 điều 2. Tức là, pháp luật đã thừa nhận các nhóm hành vi bạo lực: bạo lực về thể chất, bạo lực về tinh thần, bạo lực về kinh tế nhưng lại không đưa ra định nghĩa rõ ràng và cũng không phân loại hành vi của từng nhóm. Những hành vi được quy định cũng khá chung chung.

Hành vi bạo lực về tinh thần: bao gồm các hành vi lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý gây hậu quả nghiêm trọng; ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu, giữa cha, mẹ và con, giữa vợ và chồng, giữa anh, chị, em với nhau; hành vi trái pháp luật buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở; cưỡng ép tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ. Còn hành vi bạo lực về tình dục: gồm có hành vi cưỡng ép quan hệ tình dục…

Cho nên, khó nhận biết được các hành vi bạo hành về tình dục và tinh thần trong gia đình cho đến khi những bằng chứng hiển nhiên được xác lập bằng những thương tích trên thể xác hoặc khi nạn nhân tự tử mới vỡ lẽ ra…

Đối với các hành vi bạo hành về tinh thần thì có thể nhận biết gián tiếp qua tâm lý, tình cảm, thái độ của người bị bạo hành và người bạo hành. Cũng có những trường hợp khi tiến hành ly hôn, nhiều người đã thu âm, ghi hình lại những lời nói, hành động bạo hành tinh thần xem như đó là bằng chứng để tòa công nhận ly hôn. Do đó, cần quy định rõ trong luật, những hình ảnh, file ghi âm này có giá trị là chứng cứ về bạo hành tình dục, tinh thần để dễ áp dụng biện pháp chế tài, xử phạt; trường hợp nghiêm trọng, có thể truy cứu trách nhiệm hình sự với người gây bạo lực.

Luật sư Bùi Minh Nghĩa, đoàn luật sư TP.HCM

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI