Những tòa nhà bỏ hoang giữa kinh đô ánh sáng được… đánh thức

12/03/2023 - 21:52

PNO - Trên khắp thủ đô nước Pháp, các nhà ga cũ, nhà máy, khuôn viên trường đại học đang được biến thành nhà hát, xưởng vẽ và một số câu lạc bộ sôi động của thành phố.

 

Hangar Y từng là nơi sản xuất tàu bay và khinh khí cầu đến khi Thế chiến thứ nhất kết thúc - Ảnh: Salvador Banyo
Hangar Y từng là nơi sản xuất tàu bay và khinh khí cầu đến khi Thế chiến thứ nhất kết thúc - Ảnh: Salvador Banyo

Một không gian lễ hội và sáng tạo mới trong rừng Meudon

Một tòa nhà khổng lồ theo trường phái Tân nghệ thuật mọc lên từ rừng Meudon. Mặt trước tòa nhà được làm hoàn toàn bằng kính. Bên trong, trên trần nhà là 1 airship (tàu bay) Zeppelin sáng bóng, dài 21m, trông như bất cứ lúc nào cũng có thể nổ tung... 

Tàu bay là tác phẩm nghệ thuật của nghệ sĩ Hàn Quốc Lee Bul, được thiết kế để thu hút sự chú ý cho Hangar Y - nhà chứa tàu bay đầu tiên trên thế giới, được xây dựng năm 1878. Đây từng là nơi sản xuất tàu bay và khinh khí cầu đến khi Thế chiến thứ nhất kết thúc. Sau đó, Hangar Y được sử dụng làm Bảo tàng Hàng không một thời gian ngắn trước khi bị bỏ hoang trong vòng 40 năm.

Các tòa nhà đô thị bị bỏ hoang đang được chuyển đổi thành các trung tâm văn hóa với nhiều mục đích sử dụng khác nhau như trung tâm triển lãm, nhà hát, cơ sở cho các tổ chức từ thiện... Hangar Y là một trong số những tòa nhà bị bỏ trống suốt nhiều năm ở khu vực Paris đang được cải tạo nhằm mang một diện mạo mới. Nơi đây sẽ trở thành một không gian hoành tráng dành cho mọi đối tượng: gia đình, những người yêu thiên nhiên, giới khoa học và nghệ thuật.  

“Hangar Y là một địa điểm đáng chú ý và nổi tiếng trong thế giới hàng không. Mục đích của chúng tôi là tổ chức các sự kiện mang tính cộng đồng quy mô lớn” - Aideen Halleman - Tổng giám đốc Hangar Y - cho biết.  

Hangar Y dự kiến mở cửa đón khách từ ngày 21/3. Các cuộc triển lãm sẽ diễn ra ở khu vực gác lửng rộng rãi. Không gian còn lại của tòa nhà được sử dụng cho các buổi hòa nhạc, hội nghị, trải nghiệm thực tế ảo… Cuộc triển lãm đầu tiên sẽ đề cập đến lịch sử ngành hàng không, với những tác phẩm từ phòng trưng bày nghệ thuật Tate và các nhà sưu tập tư nhân như Henri Seydoux (cha của diễn viên Léa Seydoux - một người am tường về các hiện vật hàng không). Một công viên điêu khắc nằm cạnh hồ ở khu vực bên ngoài sẽ dành riêng để trưng bày những tác phẩm nghệ thuật sắp đặt của các nghệ sĩ quốc tế bao gồm Subodh Gupta, Olafur Eliasson và Kiki Smith.

Biến xưởng phim cũ thành… công viên văn hóa

Bản phác thảo “công viên giải trí văn hóa” thuộc khu vực Éclair do Soukmachines phát triển - Ảnh: agathe bouvachon
Bản phác thảo “công viên giải trí văn hóa” thuộc khu vực Éclair do Soukmachines phát triển - Ảnh: Agathe Bouvachon

Cải tạo và tái sử dụng các tòa nhà hiện có không phải là điều mới mẻ nhưng trong vài năm qua, những công trình được khôi phục đã trở thành nơi lui tới phổ biến của người dân Paris. 

Được thành lập tại Épinay-sur-Seine hơn 100 năm, tập đoàn Éclair đã ghi dấu ấn trong lịch sử điện ảnh Pháp và tham gia sản xuất, phát hành hơn một nửa số phim của thế kỷ XX: Les Tontons flingueurs (Những ông chú cầm súng) của Georges Lautner, Léon: Professional (Sát thủ chuyên nghiệp) của Luc Besson, Astérix et Obélix: Mission Cléopâtre (Astérix và Obélix: Sứ mệnh Cléopâtre) của Alain Chabat… Suốt hơn 1 thế kỷ, Tập đoàn Éclair là hãng phim lớn thứ ba sau Gaumont và Pathé.

Năm 2011, ngành điện ảnh vận hành quá trình chuyển đổi kỹ thuật số dẫn đến việc đóng cửa các phòng chiếu phim 35mm. Cơ sở Éclair ngừng hoạt động vào năm 2013. Năm 2018, chính quyền thành phố quyết định mua lại khu đất của Éclair rộng 4ha theo sáng kiến của Thị trưởng Hervé Chevreau và giao cho công ty tổ chức sự kiện Soukmachines với mục đích biến nơi đây thành một “công viên giải trí văn hóa”. Việc khai trương dự kiến sẽ diễn ra vào tháng Sáu tới.

“Tôi nghĩ nhiều du khách muốn nhìn thấy một khía cạnh khác của Paris - những nơi độc đáo hơn ngoài tháp Eiffel, nhà thờ Đức Bà Paris, Bảo tàng Louvre” - Yoann-Till Dimet - người sáng lập Soukmachines - nói.

Diện mạo mới trong khuôn viên cũ của Đại học Sorbonne-Nouvelle

Hangar Y là một địa điểm đáng chú ý và nổi tiếng trong thế giới hàng không - Ảnh: Paudal
Hangar Y là một địa điểm đáng chú ý và nổi tiếng trong thế giới hàng không - Ảnh: Paudal

Tại một thành phố thủ đô sầm uất với chi phí sinh hoạt đắt đỏ, chính quyền đang thực hiện chính sách hỗ trợ các dự án hồi sinh những không gian bị “lãng quên”. Cerema - cơ quan quy hoạch đô thị quốc gia - đã tiến hành khảo sát các mảnh đất bỏ trống để kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực bất động sản này. 

Một không gian rộng 25.000m² có tên "Césure" là dự án cải tạo khuôn viên cũ Censier của Đại học Sorbonne-Nouvelle trong 2 năm. Đây là dự án hợp tác giữa công ty đô thị Yes We Camp và hợp tác xã Plateau Urbain.

Victor Houillon - thành viên của Plateau Urbain và là Giám đốc truyền thông của Césure - cho biết việc cải tạo các tòa nhà bỏ trống, sau đó cho thuê có lợi hơn về mặt tài chính so với việc thuê một công ty bảo vệ để ngăn chặn những kẻ lấn chiếm. “Plateau Urbain cho hội sinh viên, tổ chức từ thiện địa phương và nghệ sĩ thuê với giá thấp hơn 60% so với giá thị trường” - Victor Houillon cho hay.

Jeanne Yanopoulos - thành viên của Yes We Camp - nói thêm: “Điều quan trọng là phải có không gian ở các trung tâm thành phố không chỉ dành cho mục đích thương mại. Chúng tôi muốn tạo ra một không gian thân thiện với môi trường để du khách có thể dành thời gian ở đó mà không cần mua bất cứ thứ gì. Chúng tôi đang cố gắng thúc đẩy du lịch ít thụ động hơn, ít tập trung vào tiêu dùng hơn. Chúng tôi muốn du khách thấy rằng Paris luôn đi đầu trong các vấn đề khí hậu”. 

Vòng đời thứ hai của những toa tàu

Kiến trúc sư Bill Bensley đã biến một loạt toa tàu cũ của Thái Lan thành những căn phòng khách sạn hạng sang - ẢNH: CNN
Kiến trúc sư Bill Bensley đã biến một loạt toa tàu cũ của Thái Lan thành những căn phòng khách sạn hạng sang - Ảnh: CNN

Cách Bangkok khoảng 200km về phía đông bắc, công viên quốc gia Khao Yai - công viên lâu đời nhất của Thái Lan - là nơi luôn thu hút người dân và du khách đến tham quan, nghỉ ngơi. Những con đường mòn đi bộ ngắm chim, cây xanh, thác nước cũng như nhà máy rượu vang, sân gôn… đều hướng ra phong cảnh núi non hùng vĩ. Năm 2005, công viên quốc gia Khao Yai cùng dãy núi Dong Phaya Yen được UNESCO công nhận là Di sản thế giới.

Nằm ở rìa công viên, khu nghỉ dưỡng InterContinental Khao Yai Resort có 61 phòng, trong đó 16 phòng được tái sử dụng từ các toa tàu di sản có chủ đề xuyên suốt, hài hòa với kiến trúc và không gian nơi đây, hứa hẹn mang đến trải nghiệm độc đáo. Kiến trúc sư nổi tiếng Bill Bensley là người đã mang đến vòng đời thứ hai cho các toa tàu cũ này.

“Chúng tôi luôn cân nhắc cách thức tốt nhất để xây dựng mà không làm tổn hại đến cảnh quan và môi trường núi rừng tự nhiên xung quanh. InterContinental Khao Yai Resort là dự án lớn nhất của chúng tôi về cải tạo. Khu đất rộng hơn 400.000m2 với 50.000 cây xanh, 7 hồ nước, 61 phòng và tuyệt vời nhất là 16 phòng hạng sang được cải tạo từ các toa tàu di sản” - Bill Bensley cho biết.

Khách nhận phòng trong một không gian dễ thương được trang trí bằng những kỷ vật đường sắt.

Lấy cảm hứng từ nhà ga xe lửa Pak Chong thế kỷ XIX, Bill Bensley đã vận dụng khả năng sáng tạo của mình để kể lại câu chuyện xung quanh những hành trình đường sắt vĩ đại của Đông Nam Á thời đó, kết hợp cùng kiến trúc thời đại Rama V để tạo nên diện mạo của khách sạn như hiện tại.

Thụy Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI