Những tọa độ nương náu trong tâm hồn

15/11/2022 - 07:40

PNO - Trong lời mở đầu quyển sách "Những tọa độ song song" (Nhà xuất bản Thế giới), tác giả Nguyễn Mai Chi khiêm tốn nhận mình là người thợ ghi chép lại những câu chuyện xung quanh.

Niềm thôi thúc cô cầm bút một cách mê hoặc xuất phát từ dòng thư của nhà thơ Lưu Quang Vũ: “Nếu chúng ta là kẻ không có tài trí lắm, không viết được điều gì to tát thì cũng sẽ viết được những trang sách về những năm tháng ta sống, về những cay đắng và niềm yêu thương đơn giản của con người”.

Và Nguyễn Mai Chi đã viết nên tập bút ký Những tọa độ song song - nơi độc giả có thể tìm thấy được điều gì đó từ những rong ruổi đường dài của tuổi trẻ, những thước phim hay giai điệu, những người lạ; cả những điều không thể gọi tên, không hình dạng hay mùi vị… Nhưng, dù ngoại cảnh có là gì chăng nữa, bạn đọc cũng sẽ được tác giả đưa đến với những chuyện tình. “Xét cho cùng, cuộc sống của tất cả chúng ta, mọi thứ chúng ta đang làm đều xuất phát từ trái tim yêu thương đấy thôi” (trích từ tập sách).

Đọc Những tọa độ song song, độc giả sẽ cảm nhận được những tọa độ an trú đầy cảm xúc, như cảnh tượng ở vườn Tuileries hay Luxembourg, khi tác giả chạm mặt hàng trăm người đọc mang đến suy tư về việc đọc sách - có lẽ là cách đơn giản nhất khiến người ta trở nên “có tình người” hơn và sách cũng giúp người ta có thể sống qua nhiều cuộc đời, nhiều thân phận.

Hay người thợ sửa giày ở Paris ngỏ ý muốn truyền nghề rồi tặng lại cửa hàng cho tác giả. Ông tức tưởi kể về việc lũ con nghĩ ông điên, trong khi ông thống thiết: “Đánh mất nguồn gốc là mất tất cả, cô à!”. Mai Chi còn viết về những kẻ ôm giấc mơ nơi xứ người, chấp nhận đánh đổi và chiến đấu với những khó khăn chật vật. Với tác giả, ở Hà Nội, Sài Gòn cũng chẳng khác Paris, London hay bất kỳ đâu; cứ nghĩ về từng ấy nỗ lực đường hoàng, để không có bất cứ lý do gì cho phép bản thân bỏ cuộc. Người trưởng thành khác con nít ở chỗ họ biết ra đi để trở về.

Về tình yêu và tuổi trẻ, ta vốn luôn phải học nhưng chẳng có trường lớp, bằng cấp, chứng chỉ nào đảm bảo cho ta một tư cách để yêu hay được yêu. Mai Chi kể về “trường lớp” của ông bà, cha mẹ - những người của thế hệ cũ. Họ phải học cách yêu thương, tôn trọng lẫn nhau; nếu có thứ gì hỏng hóc thì họ tìm cách sửa chứ không vứt đi. Cùng chủ đề đó, Mai Chi chia sẻ về những trăn trở giữa sống và yêu. Khi một người trưởng thành mở lòng, nói lời yêu là khi họ đã từng trải, mất mát và chia ly… Lời của họ có sức nặng của tình cảm chứ không chỉ sáo rỗng đầu môi…

Nếu một người viết không thực sự chú tâm để sống cuộc đời mình thì cũng chẳng có gì để viết. Sở hữu ngòi bút nhạy cảm, tinh tế và có chất riêng trong cách chọn lọc chi tiết, Nguyễn Mai Chi khiến người đọc có thể tìm thấy nhiều ý nghĩa trong thông điệp lớn toát ra từ quyển sách. Đọc Những tọa độ song song, độc giả sẽ cảm thấy được chở che bởi những trang sách từ một người viết có tâm tình thiết tha: “Cầu mong bạn, dù ở bất cứ đâu, cũng tìm được cho mình những tọa độ nương náu trong tâm hồn, để không bao giờ lạc lối”. 

Trần Duy Thành

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI