Những tờ báo thơm mùi mực ở hẻm chợ Ông Hoàng

30/09/2024 - 06:31

PNO - Mấy mươi năm nay, tôi cũng như nhiều người ghé chợ Ông Hoàng (đường Lý Thường Kiệt, quận Tân Bình, TPHCM) đã quá quen với hình ảnh đôi vợ chồng già cần mẫn ngồi bán báo trên vỉa hè bên trong hẻm chợ.

Hơn 22 năm bán báo, giao báo

Gọi “sạp báo” cho sang chứ chỗ bán báo của ông bà chỉ là cái kệ được làm bằng gỗ, bên trên có mấy khúc gỗ, thanh tre nhỏ cột lại bằng dây kẽm để treo và kẹp những tờ báo, giúp khách dễ nhìn thấy tờ báo mình yêu thích. Bà tên là Nguyễn Thị Mật - năm nay 76 tuổi, tên thường gọi là “bà Út bán báo”; chồng bà là ông Lâm Ngọc Sơn - 84 tuổi.

Hơn 20 năm qua, đôi vợ chồng lớn tuổi vẫn kiên trì gắn bó với sạp báo giấy nhỏ, coi đó là niềm vui, lẽ sống của mình - ẢNH: PHÙNG HUY
Hơn 20 năm qua, đôi vợ chồng lớn tuổi vẫn kiên trì gắn bó với sạp báo giấy nhỏ, coi đó là niềm vui, lẽ sống của mình - Ảnh: Phùng Huy

Một chiều đầu thu, tôi ghé thăm chỗ ở trọ của ông bà. Vào hẻm chợ Ông Hoàng, hỏi nơi ở của “bà Út bán báo”, hầu như ai cũng biết rồi chỉ dẫn tận tình. Căn phòng trọ của ông bà nhỏ xíu trên lầu 2, rộng chừng mươi mét vuông và nóng hầm hập dù có chiếc quạt được mở số lớn. Vừa trò chuyện, bà vừa nhặt mớ rau để chuẩn bị bữa cơm tối đạm bạc.

Bà quê ở tỉnh Tiền Giang, mồ côi mẹ từ lúc còn rất nhỏ. Do cuộc sống ở quê nghèo khó nên năm bà hơn 4 tuổi, cha dắt bà lên Sài Gòn để mưu sinh. Bà theo cha ở trọ hết chỗ này đến chỗ khác, ai kêu gì làm nấy để kiếm tiền. Vì quá nghèo, cha gửi bà cho một trường học của nhà thờ dành cho trẻ mồ côi. Rồi cha qua đời, bà thực sự trở thành trẻ mồ côi, tự làm thuê để kiếm sống. Cuộc đời đưa đẩy bà gặp ông cũng từ vùng quê nghèo khó Kiên Giang theo người thân lên Sài Gòn mưu sinh. Đồng cảnh ngộ, bà đã đến với ông bằng tình yêu thương chân thành. Để nuôi con, ông bà đi làm thuê, ai kêu gì làm nấy, miễn sao có tiền.

Hơn 22 năm về trước, do tuổi cao, sức yếu, bà bàn với ông kiếm việc gì đó nhẹ nhàng hơn, phù hợp với tuổi già để mưu sinh. Ông bà quyết định chọn nghề bán báo, giao báo. Bà bảo, hơn 22 năm qua, từ chỗ xem bán báo là nghề mưu sinh, ông bà dần xem đây là niềm vui sống mỗi ngày.

Cứ chừng 4g sáng, khi con hẻm chợ còn yên vắng, ông bà đã thức dậy, rời phòng trọ để ra địa điểm quen thuộc, ngồi đó chờ đại lý mang báo tới rồi tỉ mẩn sắp xếp, treo báo lên kệ. Phụ bà sắp xếp, treo báo ngay ngắn xong, chừng 5g sáng, ông bắt đầu đạp chiếc xe đạp cũ đi giao báo. Giao xong hơn 30 tờ cho những khách quen, ông đạp xe về phụ bà bán báo đến tận trưa.

Ông kể, hơn 10 năm trước, ông đi giao báo bằng xe Honda Cub. Mấy năm nay, tuổi cao, sức yếu, ông không chạy được xe máy nữa, chỉ đi xe đạp. Dù lớn tuổi, ông vẫn minh mẫn. Ông lấy tờ giấy có tiêu đề “Phiếu thu tiền báo tháng” đưa cho tôi xem rồi nói, mỗi khi đạp xe đi giao báo cho khách hàng, ông đều ghi chú cẩn thận tên đầu báo, số lượng, đơn giá, thành tiền vào tờ giấy này.

Mấy chục năm qua, ngày mưa cũng như ngày nắng, ông bà không nghỉ bán ngày nào, vì “không bán thấy nhơ nhớ, khó chịu trong người lắm”. Tết Nguyên đán, các báo nghỉ phát hành 6 ngày, ông bà như thấy thời gian dài hơn, cứ mong sớm hết tết để được bán báo trở lại.

Còn sức, còn tiếp tục bán báo

Bà kể, năm 2021, khi dịch COVID-19 hoành hành ở TPHCM, ông bà vẫn tiếp tục bán báo, giao báo. “Lúc dịch, người ta mong chờ tờ báo mỗi sáng để nắm bắt thông tin kịp thời, xem dịch bệnh diễn ra thế nào, để thấy mình vẫn kết nối với cuộc sống. Người ta cần báo lắm” - ông nói.

Vợ chồng bà Nguyễn Thị Mật, ông Lâm Ngọc Sơn hằng ngày vẫn cùng nhau bán báo để mưu sinh - ẢNH: PHÙNG HUY
Vợ chồng bà Nguyễn Thị Mật, ông Lâm Ngọc Sơn hằng ngày vẫn cùng nhau bán báo để mưu sinh - Ảnh: Phùng Huy

Khi đó, ông được chính quyền, công an địa phương cấp “giấy thông hành” để đạp xe đi giao báo, nhưng khi dịch lên đến đỉnh điểm, ông bà không được phép bán nữa. Hơn 2 tháng giãn cách xã hội ở phòng trọ, nhờ ơn trời, đôi vợ chồng già không nhiễm bệnh. Thế nhưng, không được bán báo, giao báo, không được cầm tờ báo mỗi sáng, họ cảm thấy trống vắng vô cùng. Ông bà nhớ mùi giấy báo, nhớ cả chỗ ngồi bán báo quen thuộc mấy mươi năm qua, nhớ mỗi người quen cứ sáng sớm lại ghé mua tờ báo, nhớ cả những khách hàng thân thuộc mà ông đạp xe đi giao báo mỗi ngày.

“Trước đây, từ sáng đến trưa tiền lời bán báo, giao báo có khi được gần 200.000 đồng, cũng đủ chi tiêu, ăn uống, thuê trọ, để dành chút đỉnh thuốc thang khi ốm đau. Nhưng nhiều năm nay, báo giấy ế ẩm, mỗi buổi, tụi tui chỉ kiếm được chừng 120.000 đồng, mà tiền thuê phòng trọ đã hết 1,5 triệu đồng/tháng, chưa tính điện, nước” - bà kể.

Thương hoàn cảnh của ông bà, hàng xóm báo với tổ dân phố để đề xuất hỗ trợ. Hiện nay, ông bà được chính quyền địa phương hỗ trợ 700.000 đồng/tháng, một nhà thờ gần đó cũng hỗ trợ thêm 500.000 đồng/tháng.

Ông Đỗ Hoàng Nhất - 71 tuổi, có nhà ở đầu hẻm chợ, gần nơi trọ của ông bà - nói với chúng tôi: “Ông bà sống rất hiền từ, đạo đức. Dù nghèo khó nhưng họ không xin xỏ ai bao giờ, chỉ lo tự kiếm sống bằng sức mình. Tui để ý thấy mấy chục năm qua, dù mưa hay nắng, thậm chí lúc dịch bệnh, ông bà vẫn cần mẫn bán báo, giao báo”. Còn chủ nhà nơi ông bà để ké sạp báo trong mấy chục năm nay cho biết: “Vì thấy ông bà nghèo khó, tội nghiệp nên tôi cho để ké sạp báo, coi như mình làm từ thiện, giúp đỡ người ta vậy”.

Cách đây mấy tháng, bà Nguyễn Thị Mật bị đụng xe, bị thương nặng ở cột sống lưng. Bà phải ra vào bệnh viện để điều trị hết mấy tháng trời. Từ đó đến nay, sức khỏe của bà yếu hẳn. Mấy tháng nay, cứ tờ mờ sáng, bà thức dậy là ông phải dìu bà ra sạp báo vì bà đi một mình không vững. Sức khỏe của ông cũng suy yếu hẳn, 1 bên tai bị điếc và 1 mắt bị mù chục năm nay. Cứ 3 tháng, ông lại phải vào bệnh viện mắt tái khám.

Có người khuyên ông bà nghỉ ngơi, chứ bán báo, giao báo không lời bao nhiêu tiền, nhưng ông bà không chịu. Bà nói: “Con cái cũng khó khăn. Thôi thì trời thương, mình còn sức, còn đi đứng được thì ráng làm việc, kiếm thêm chút tiền ăn uống, thuốc thang. Nghề bán báo nó thành cái nghiệp rồi, không thể bỏ được, bán đến khi nào không còn sức nữa thì thôi”.

Cùng với xu thế chuyển đổi số, báo online, truyền thông đa nền tảng đang phát triển như vũ bão, cập nhật tin tức từng giờ, từng phút. Thế nhưng, đâu đó trên đường phố hay trong con hẻm của thành phố sôi động nhất cả nước, vẫn còn những sạp báo dành cho những độc giả trung thành với báo giấy, như ba má tôi vậy. Còn với nhiều người bán báo giấy, họ không chỉ coi đó là công việc kiếm chút tiền lời mà còn xem những tờ báo thơm mùi mực mỗi sớm mai là niềm vui và lẽ sống không dễ dàng từ bỏ, như câu chuyện đời, chuyện nghề của đôi vợ chồng ông lão bán báo in trong chợ Ông Hoàng mà tôi vừa kể.

Nguyễn Đước

Tác phẩm tham gia cuộc thi viết về Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, chủ đề “Thành phố của tôi” xin gửi về: tòa soạn Báo Phụ nữ TPHCM, 311 Điện Biên Phủ, quận 3, TPHCM; ngoài bì thư ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Thành phố của tôi” hoặc gửi qua email: saigon-tphcm@baophunu.org.vn; tiêu đề ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Thành phố của tôi”.
Hạn chót nhận bài thi: 31/12/2024.


Cơ cấu giải thưởng:
- 1 giải Đặc biệt trị giá 70 triệu đồng.
- 1 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng.
- 2 giải Nhì, trị giá 40 triệu đồng/giải.
- 3 giải Ba, trị giá 30 triệu đồng/giải.
- 10 giải Khuyến khích, trị giá 10 triệu đồng/giải.
- 1 giải Bài viết hay nhất về phụ nữ TPHCM trị giá 30 triệu đồng.
- 1 giải Bài viết hay dành cho tác giả là người nước ngoài, kiều bào sinh sống ở nước ngoài, trị giá 30 triệu đồng.
- Giải tháng: 10 triệu đồng/giải.
Ngoài ra, còn có các giải ấn tượng do ban giám khảo bình chọn cho bài viết chân dung phụ nữ, tác giả nữ cao tuổi nhất, tác giả có nhiều bài chất lượng nhất… Đặc biệt, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM sẽ xem xét trao giải cho bài viết hay vào mỗi quý.
Xem thông tin chi tiết về cuộc thi tại đây:
https://www.phunuonline.com.vn/cong-bo-cuoc-thi-viet-thanh-pho-cua-toi-a1503685.html

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI