Việc phẫu thuật gọt cằm cho chị T.T.Đ. (38 tuổi, sống ở Thủ Đức, TP.HCM) theo chính các bác sĩ Bệnh viện Emcas nhận định là không có gì khó khăn, chỉ như cắt amidan hay cắt ruột thừa. Giám đốc Bệnh viện Emcas cũng cho rằng phẫu thuật viên cho chị Đ. là giảng viên đại học, chủ nhiệm bộ môn tại trường y khoa nên tay nghề không có gì phải bàn cãi.
Vậy vấn đề của ca tử vong nằm ở đâu?
Bệnh viện thẩm mỹ Emcas - nơi xảy ra sự cố đau lòng dẫn đến cái chết của người phụ nữ chỉ muốn làm đẹp
Chị Đ. là khách hàng của bác sĩ Trần Ngọc Quảng Phi. Bệnh viện Emcas là nơi được bác sĩ Phi thuê để thực hiện ca phẫu thuật gọt cằm. Bệnh viện Emcas chỉ đảm bảo cơ sở vật chất, bác sĩ gây mê hồi sức để thực hiện ca này.
Sự cố xảy ra sau đó cho thấy một lỗ hổng rất lớn. Trong thời khắc sinh mạng chỉ tính bằng giây, ai có đủ quyền ra y lệnh để cứu người khi khách hàng không phải của cơ sở thẩm mỹ?
Bác sĩ gây mê: tôi can thiệp không được
Bác sĩ gây mê hồi sức trong ca phẫu thuật gọt cằm (chỉnh hình xương hàm) cho chị T.T.Đ. là bác sĩ Lê Đức Dũng – người từng có nhiều năm công tác tại Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM. Hiện ông là bác sĩ gây mê hồi sức của Bệnh viện thẩm mỹ Emcas.
Bác sĩ Lê Đức Dũng cho biết ông là người gây mê và cũng là người chứng kiến cảnh chị Đ. chảy máu sau khi ra phòng hậu phẫu: “Báo chí cứ nói tai biến do bệnh viện; nhưng mổ xong rồi, rút nội khí quản ra, chị Đ. tỉnh táo bình thường. Sau đó, chị Đ. mới chảy máu, mới gọi người của bác sĩ Phi qua khâu lại.
Bác sĩ Lê Đức Dũng: "Chảy máu giống như là bóp cổ. Nhanh lắm"
Chảy máu giống như là bóp cổ. Nhanh lắm! Tôi can thiệp không được vì đây không phải là bệnh của chúng tôi mà là của bên ngoài đưa vào. Phải xin phép, hỏi ý kiến bác sĩ phẫu thuật. Giờ tôi yêu cầu làm cái này cái kia mà người ta chưa cho phép thì sao làm được. Tôi đã cố gắng hết sức để cấp cứu bệnh nhân. Máu của bệnh nhân chảy trước mặt tôi đây…
Đây không phải chảy máu ngoài da mà chảy máu bên trong họng. Tức là mắt thường chỉ thấy một ít thôi còn chảy máu bên trong, dưới niêm mạc, gọi là bóp cổ bên trong. Tôi cố gắng cứu bệnh nhân nhưng vẫn có khoảng thời gian thiếu oxy.
Vì mình phải hỏi ý kiến, mà phải chờ ý kiến chứ đâu được xông thẳng vào. Máu chảy ra chẹn vào đường thở. Chỉ cần cho tôi mở khí quản sớm một tí là không có chuyện gì để nói nữa rồi. Vì tắc ở trên, chỉ cần mở ở dưới là được. Nhưng cuối cùng tôi không chờ nữa mà xắn tay vào làm”.
Tử vong do chảy máu sau phẫu thuật gây tắc đường hô hấp trên
Bác sĩ Phạm Xuân Khiêm - Giám đốc Bệnh viện thẩm mỹ Emcas: "Ca này, là biến chứng chảy máu sau phẫu thuật, gây tắc đường hô hấp trên".
Bác sĩ Phạm Xuân Khiêm cho rằng để biết nguyên nhân tử vong của chị Đ., phải qua giải phẫu tử thi nhưng người nhà chị Đ. không yêu cầu. Bác sĩ Khiêm nhận định đây là tử vong do tai biến y khoa: “Bệnh viện Emcas được cho phép tiến hành những phẫu thuật lớn, trong đó có phẫu thuật chỉnh hình xương hai hàm.
Cũng như các bệnh viện khác, từ trang thiết bị đến con người Emcas đều đã được chuẩn hóa và cấp phép rõ ràng. Bản thân chủ thể bệnh viện không thể nào gây ra biến chứng. Nhưng tai biến y khoa đến từ phẫu thuật, mổ xẻ. Ca này, là biến chứng chảy máu sau phẫu thuật, gây tắc đường hô hấp trên”.
Bác sĩ Phạm Xuân Khiêm, Giám đốc Bệnh viện Emcas: "Những ca này, nếu bác sĩ Phi còn trực tiếp ở đó, thì đơn giản vô cùng"
Bác sĩ Khiêm cho rằng tay nghề của phẫu thuật viên là tiến sĩ, bác sĩ Trần Ngọc Quảng Phi - Chủ nhiệm bộ môn Răng hàm mặt và Tạo hình của trường Đại học y khoa Phạm Ngọc Thạch TP.HCM là không có gì bàn cãi vì ông ấy là thầy dạy tại trường y khoa.
“Về kỹ thuật, bác sĩ Phi làm không sai. Khi sự cố xảy ra, lúc đó bác sĩ Phi đã quay về trường để dạy, để cho một bác sĩ khác ở lại đây. Bác sĩ này cùng với bên Emcas xử lý nhưng không kịp.
Những ca như thế này, nếu bác sĩ Phi còn trực tiếp ở đó, thì đơn giản vô cùng. Chỉ cần ra một y lệnh là xử lý được ngay. Thậm chí, chỉ cần bác sĩ Phi giao cho bên Emcas xử lý được liền luôn”.
Bác sĩ Phạm Xuân Khiêm giải thích, khi phẫu thuật chỉnh hình xương hàm, có những mạch máu xương khi những vết cắt còn nóng thì không chảy máu nhưng khi bệnh nhân tỉnh, mạch bục ra, chảy máu. Lúc đó, người nào đã cầm dao mổ thì mới biết rõ cần xử trí gấp chỗ nào.
“Còn ở Bệnh viện Emcas, chúng tôi chỉ đảm bảo phần gây mê. Và bệnh nhân gây mê đã ra phòng hồi sức rồi. Bệnh nhân đã tỉnh được một tiếng rồi mới chảy máu. Lẽ ra lúc tai biến, người bác sĩ có mặt kịp thời hơn, làm quyết liệt hơn thì có thể không đến sự vụ như thế này”.
Giá như lúc đó không chuyển viện sang Singapore
Bác sĩ Phạm Xuân Khiêm cũng tiếc nuối lẽ ra lúc xảy ra sự cố, gia đình không nên cố chuyển chị Đ. sang Singapore: “Thời điểm đó, nếu như thuyết phục được người nhà giữ lại (Bệnh viện Nhân dân 115) thì khá ổn. Vì lúc đó, não còn đang phù nề. Dù chuyển bằng chuyên cơ nhưng chắc chắn nồng độ oxy sẽ không bằng ở dưới mặt đất được.
Thời điểm đó nếu nằm lại Việt Nam thì đã khá hơn nhiều. Lúc đó, chúng tôi không được sự hỗ trợ từ phía nào cả, chỉ là bệnh viện với bác sĩ Phi và người nhà. Thuyết phục lắm nhưng không dịu được, nên tôi đành phải chiều ý người nhà.
Bệnh viện bên Singapore cũng gần như không xử lý gì thêm. 1 tháng sau thì chị Đ. được chuyển về lại Việt Nam, vào Bệnh viện FV, cũng theo yêu cầu của người nhà. Nằm ở đây khoảng 1 tháng, lúc đó chị Đ. có những vết loét nên chuyển qua Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM. Nằm tại đây gần 2 tháng thì xin về nhà. Cho đến ngày 10/2/2018 thì người nhà thông báo chị Đ. tử vong, dù trước đó diễn tiến khá ổn, hồng hào, không còn vết loét nữa”.
Bác sĩ Phạm Xuân Khiêm cho biết trong quá trình cứu chữa cho chị Đ., cả Bệnh viện Emcas và bác sĩ phẫu thuật cho chị Đ. là tiến sĩ Trần Ngọc Quảng Phi đều đồng hành với nhau. Sau đám tang, sẽ liên lạc với gia đình để hỗ trợ con cái của chị Đ. ăn học cho đến khi vào đại học.
Chuyện kể từ những người trong cuộc cho thấy ranh giới sự sống và cái chết thật mong manh sau mỗi ca phẫu thuật – dù là để làm đẹp hay để cứu sống một nhân mạng. Trong những tình huống quyết định cứu sinh mạng của bệnh nhân, quyền chỉ định nơi nào điều trị, điều trị như thế nào là trách nhiệm của bác sĩ, chứ không phải chiều theo ý người nhà bệnh nhân sang Singapore, vì họ không phải là bác sĩ!
Như vậy, dư luận có thể đặt câu hỏi, nếu ngày định mệnh 17/9/2017, chị Đ. không phẫu thuật gọt cằm tại Bệnh viện Emcas mà thực hiện ở một cơ sở y tế công lập, liệu chị có tránh được sự cố chết người không?
Một chuyên gia thẩm mỹ khẳng định nếu thực hiện tại một bệnh viện công lập, quy trình tại bệnh viện sẽ bắt tất cả các chuyên khoa liên quan xử trí, chứ không như kiểu "việc ai nấy làm", giúp tình huống cấp cứu chị Đ. tránh được chuyện đáng tiếc.
Trước thực trạng quản lý, kiểm định nước sinh hoạt ở chung cư còn nhiều bất cập khiến chất lượng nước chưa bảo đảm, các chuyên gia đã đề xuất giải pháp.