Tôi không phải là một vị phụ huynh hoàn hảo, kể cả gần như thế cũng không. Nhưng tôi luôn cố gắng không bao giờ cố ý làm con tổn thương dù là bất cứ hoàn cảnh nào. Dù vậy thì cũng đã có lúc tôi không nhận ra mình đang làm con cảm thấy xấu hổ, và thường thì điều đó sẽ để lại hậu quả lâu dài.
Tôi rất sợ những khoảnh khắc có thể thay đổi tính cách, suy nghĩ của con, vì vậy, sau mỗi ngày, tôi lại cảm thấy hơi hối hận vì những hành động trong ngày của mình.
Những đứa con của tôi rất tuyệt vời. Chúng lớn lên, trưởng thành và rất thông minh, độc lập và có tiếng nói ở nhà.
Tuy nhiên, khi nhớ về tuổi thơ của con, hầu hết những gì tôi còn nhớ không phải là ký ức về những cuộc trò chuyện chân thành giữa tôi và con hay những bài học cuộc sống phức tạp nào cả, thay vào đó là những lần tôi lên giọng với con, những lần sức chịu đựng của tôi không đủ lớn và những lần tôi nói trong sự thất vọng mà không suy nghĩ gì cả.
Tôi chắc chắn là rất nhiều phụ huynh cũng đã từng trải qua những khoảnh khắc như thế. Bạn không thể tự hoàn thiện bản thân mà không mắc phải một chút (hoặc rất nhiều) sai lầm được.
Tuy nhiên, chắc hẳn rằng chúng ta đều muốn học hỏi từ những sai lầm từ quá khứ và chú ý nhiều hơn đến những gì mình nói và cách mà mình nói với con để trong tương lai, con mình sẽ không phải cảm thấy xấu hổ với nhiều kiểu cảm xúc khác tương tự.
Sau đây là một số điều mà bạn có thể không nhận ra bạn đang làm trẻ cảm thấy tội lỗi, vì vậy sau khi đọc những dòng này thì hãy học hỏi và trở thành những vị phụ huynh tốt hơn chúng ta lúc trước nhé.
Bạn nói với con rằng bạn đang bận
Tôi hiếm khi nhận ra tôi đã nói “Mẹ đang bận” với con tôi bao nhiêu lần, cho đến khi tôi nói câu đó lần thứ 20 khi các con tôi gọi mình. Vì tôi làm việc tại nhà nên công việc của tôi hơi khác biệt một chút. Tôi phải làm việc cả 7 ngày trong tuần và luôn cố gắng làm việc vào ban ngày để buổi tối còn được nghỉ ngơi.
Tôi biết là lũ trẻ cần đến tôi nhưng khi tôi nói “Mẹ đang bận” hơi nhiều thì cái mà tôi muốn chúng hiểu là tôi quá bận để dành thời gian cho chúng. Dù cuối cùng thì lũ trẻ cũng sẽ ngừng việc mè nheo và tôi có thể giải quyết việc mà chúng cần sau, nhưng sau đó thì sẽ là quá muộn để sửa chữa việc đó.
Sự xấu hổ mà lũ trẻ nhà tôi phải cảm nhận đó là khi mẹ của chúng có rất ít hoặc không hề dành thời gian cho chúng (thực sự là như thế), và chúng lại tiếp tục đòi hỏi, tôi cảm thấy đau lòng vì điều đó. Đây là lý do tại sao vào buổi tối và trước khi đi ngủ tôi đều dành 100% sự chú ý của tôi cho con. Có lẽ tôi không hề hoàn hảo nhưng tôi đang học hỏi dần dần.
Bạn yêu cầu chúng cần phải nhanh lên
Những gì thực sự xảy ra khi tôi giục con mình nhanh lên là tôi chỉ thể hiện sự thất vọng của mình trong khi điều đó không bao giờ làm cho lũ trẻ làm mọi thứ nhanh hơn. Giục con khẩn trương lên sẽ chỉ làm chúng cảm thấy có lỗi vì đã làm cả nhà bị muộn mà thôi.
Mỗi đứa trẻ đều có tốc độ di chuyển riêng và thay vì la hét và than phiền về việc cả nhà đang bị muộn thì cách tốt hơn là chính tôi cần phải giúp đỡ chúng bằng hành động. Nếu như con trai tôi đang gặp khó khăn trong việc buộc dây giày thì tôi có thể giúp thằng bé. Nếu con gái tôi không thể tìm thấy vở của con bé thì tôi có thể nhắc nhở con bé cần phải để đồ ở nơi dễ nhớ hơn.
Trẻ con hiển nhiên đứa nào cũng có thể bị lạc trong chính thế giới của chúng và mất khái niệm về thời gian. Những gì tôi học được là cứ mặc cho con của mình là những đứa trẻ con như vậy để chúng không phải cảm thấy xấu hổ và có thể làm bất cứ cái gì mà một đứa trẻ nên làm.
Đưa ra một hình phạt
Nói những câu như là “Đợi bố về xử lý nhé,” giống như một cách để nâng hình phạt lên không giúp được gì nhiều đâu. Đó chỉ là một cách khác mà bạn đang vô tình khiến trẻ cảm thấy xấu hổ đấy. Nếu con bạn mới 5 tuổi như con trai tôi thì thằng bé sẽ chẳng nhớ nổi điều gì mình đã làm sai khi mà bố về đến nhà đâu.
Hoặc nếu đó là một đứa khác lớn hơn một chút, như đứa con gái 10 tuổi của tôi thì thời gian chờ bố về sẽ là một khoảng thời gian con bé không cảm thấy gì ngoài việc cảm thấy tội lỗi và đó là một khoảng thời gian không cần thiết.
Kéo dài thời gian như vậy làm cho tôi cảm thấy tôi là một con khủng long bạo chúa thích nhìn người khác đau khổ vậy. Điều này sẽ làm lũ trẻ giận tôi và có thể là không tôn trọng tôi bằng bố chúng nữa. Tôi yêu con mình và tôi sẽ cố gắng tìm ra cách tốt nhất để dạy cho chúng mà không để cho chúng tự cảm thấy có lỗi nữa.
Bạn vô tình so sánh hai đứa con với nhau
Hai đứa con của tôi không thể khác hơn được và nhìn lại thì chúng cũng giống như em trai tôi với tôi vậy. Mọi người đều so sánh khả năng điền kinh của nó với tôi và sự sáng tạo của tôi với nó. Cho dù là ai nói về chúng tôi đi nữa thì một trong 2 người chúng tôi đều cảm thấy xấu hổ về bất cứ cái gì mà mình không giỏi (mặc dù trên thực tế thì chúng tôi đều có những tài năng của riêng mình).
Mỗi đứa trẻ đều có một khả năng, vị trí và cá tính của riêng mình, do đó để so sánh thành tích của một người với thất bại của người khác là không công bằng tí nào. Trong khi hầu hết các bậc cha mẹ đều không có ý gì khi nói những điều như là “Nếu con có thể ngoan như em gái mình thì tốt”, nhưng điều đó không thể thay đổi đứa trẻ đó được.
Tất cả những gì câu nói đó sẽ ảnh hưởng và khiến cho đứa trẻ đó cảm thấy xấu hổ, có lỗi vì đã không được như tiêu chuẩn mà người khác so sánh mình.
Bạn yêu cầu con mình ngừng khóc
Phản ứng tự nhiên khi bạn cảm thấy mệt mỏi trong trường hợp này là bảo con nín khóc đi. Con gái của tôi rất nhạy cảm và khá mít ướt nên con bé dễ dàng khóc kể cả khi con bé chỉ làm rơi mũ của mình. Không phải là tôi không muốn con bé tự do thể hiện cảm xúc nhưng tôi sợ rằng con bé quá nhạy cảm và tôi rất hy vọng con bé có thể cứng cỏi lên một chút để thế giới đáng sợ này không nuốt chửng con bé.
Tuy nhiên, khi tôi nói con bé ngừng khóc thì những gì thể hiện ra là tôi đang có ý nói rằng những cảm xúc và cảm nhận của con là không phù hợp vào lúc này. Tôi đang thực sự nói rằng con bé không nên thể hiện bản thân mình như thế bởi vì nó làm cho tôi cảm thấy khó chịu.
Bạn than thở về cân nặng quá nhiều
Điều này chắc chắc phải được liệt kê vào danh sách “những điều tôi đã không nhận ra”. Tôi chỉ nhận thấy sự xấu hổ gần đây của con gái tôi với cân nặng của mình sau khi thấy cái cân bị lấy ra vào một buổi sáng.
Tôi giữ sức khỏe bằng việc chạy bộ nên tôi dĩ nhiên khá là để ý đến cân nặng của mình trước và sau khi chạy nên tôi biết tôi cần phải bổ sung bao nhiêu năng lượng sau đó.
Nhưng nếu tôi sử dụng cái cân mà không có lý do hợp lý thì nó sẽ kéo theo một trận chiến không bao giờ kết thúc giữa các thành viên nữ trong gia đình với cân nặng, mà điều đó có thể động đến lòng tự trọng của con gái tôi.
Tôi sẽ cố gắng lưu ý nhiều hơn về các chủ đề cân nặng với con gái mình để con bé không cần phải đánh vật với cân nặng trong cuộc đời mình. Điều cần thiết là chăm sóc sức khỏe thật tốt và ăn uống hợp lý. Tôi chỉ cần là một người ủng hộ con bé trong việc đảm bảo con hiểu và cảm thấy thoải mái với cơ thể của mình mà thôi.
Bạn luôn nói “Để mẹ làm cho”
Đó là phản ứng tự nhiên khi bạn muốn can thiệp và đưa con bạn ra khỏi vòng tròn tuyệt vọng mà con bạn đang đứng ở giữa. Nhưng để làm được điều đó, chúng ta đã vô tình khiến con mình thấy rằng mình không tin rằng lũ trẻ có thể tự thoát ra được.
Tôi tự nhận mình là một người khá thẳng tính nhưng kể cả như vậy thì tôi cũng để chúng tự mắc sai lầm khi tôi có thể. Nếu lúc nào tôi cũng can thiệp thì chúng sẽ không học được cách tiếp tục mà không có tôi, chúng sẽ cảm thấy xấu hổ khi biết tôi không tin chúng.
Chúng ta luôn làm những điều tốt nhất chúng ta có thể làm. Chúng ta cứ tiến lên phía trước mà không có hướng dẫn và (hy vọng) học hỏi được từ những thứ không hiệu quả.
Vấn đề là khi bạn nhận ra có những lúc bạn đã làm con cảm thấy xấu hổ hay có lỗi thì hãy giải quyết bằng cách làm tốt hơn lần sau. Trẻ luôn tha thứ cho những sai lầm mà chúng ta đã mắc phải, nhưng đó chỉ khi chúng ta cho chúng cơ hội để làm điều đó mà thôi.
Thảo Thanh