Bỏ độc quyền sách giáo khoa
Thông tin rất quan trong đối với GDPT là Bộ GD-ĐT đã quyết định bỏ độc quyền biên soạn sách giáo khoa (SGK). Theo đó Bộ chỉ xây dựng, ban hành chương trình, cũng như đưa ra những chuẩn tối thiểu cần đạt đối với học sinh sau khi hoàn thành từng cấp học ở bậc phổ thông; khâu còn lại - viết SGK - sẽ được xã hội hóa, các tổ chức, cá nhân, nếu có đủ năng lực, đều có thể tham gia. Khâu chọn SGK để dạy và học cũng do tập thể thầy cô giáo và phụ huynh các trường tự bàn bạc quyết định.
|
Bỏ độc quyền biên soạn sách giáo khoa mang lại nhiều lợi ích cho xã hội. |
Có thể nhìn thấy ngay việc xóa bỏ độc quyền SGK sẽ đem đến nhiều lợi ích cho xã hội: sẽ có nhiều và ngày càng nhiều bộ SGK mới ra đời (chứ không phải chỉ có một bộ như lâu nay) với chất lượng ngày càng được nâng cao, giá cả cũng sẽ ngày càng cạnh tranh, phụ huynh học sinh và giáo giới sẽ có thêm nhiều quyền chọn lựa để có được bộ sách ưng ý… Nhà nước cũng sẽ không còn phải tốn quá nhiều tiền cho việc biên soạn, chỉnh sửa và thay SGK như lâu nay.
Vì những lợi ích này, từ lâu dư luận đã đòi hỏi phải “xóa bỏ độc quyền”, phải “xã hội hóa” việc biên soạn - in ấn - phát hành SGK. Nhưng mọi góp ý, đòi hỏi cứ như “đấm vào không khí”.
Ngay cả khi Quốc hội yêu cầu phải “ (theo Nghị quyết số 88 về đổi mới chương trình, SGK GDPT) vào cuối năm 2014dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục vừa được trình lên Chính phủ. Đề xuất này cho thấy quyết tâm thay đổi căn cơ vấn đề.
Trả quyền tự chủ cho các trường
Trong dự thảo quy chế tuyển sinh 2017 được công bố vào cuối năm 2016, Bộ GD-ĐT dự định bỏ quy định về ngưỡng chất lượng đầu vào ĐH (gọi nôm na là điểm “sàn”). Nội dung này liền gây ra nhiều tranh cãi giữa hai “phe” ủng hộ và phản đối.
Mới đây, khi quy chế tuyển sinh chính quy trình độ ĐH, CĐ năm 2017 chính thức được ban hành,Bộ quyết định vẫn duy trì điểm “sàn” cho kỳ tuyển sinh năm 2017, nhưng từ năm 2018 trở đi, cái “quái thai” điểm “sàn” sẽ được bãi bỏ, các trường sẽ tự xác định mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển cho mình. Có thể nhận thấy quyết định này là một sự “nhượng bộ” để “dung hòa” nhưng kiên quyết bỏ điểm “sàn”.
Điều này chứng minh rằng Bộ sẽ trả lại quyền tự chủ tuyển sinh (và nhiều quyền tự chủ khác) cho các trường. Không dừng lại, quy chế tuyển sinh mới còn trao quyền cho các trường được lập ra các tổ hợp bài thi/môn thi mới để thuận lợi trong xét tuyển (nhưng phải đảm bảo trong các tổ hợp môn thi phải có ít nhất một trong hai bài thi toán và văn, hai môn còn lại phải gắn với yêu cầu của ngành đào tạo), được nhân hệ số môn thi chính; được tự do chọn lựa một trong các phương thức tuyển là: xét tuyển qua kết quả thi THPT, xét tuyển qua học bạ (không sử dụng kết quả thi phổ thông), hoặc tổ chức thi riêng.
Quy chế cũng trả lại quyền và sự thuận lợi cần thiết cho thí sinh thay cho những quy định đẩy cái khó về cho thí sinh như trước. Cụ thể, thí sinh sẽ không còn bị giới hạn số nguyện vọng đăng ký xét tuyển, có thể điều chỉnh nguyện vọng sau khi có kết quả thi THPT quốc gia, có quyền từ chối nhập học ở nguyện vọng này để chờ được xét vào nguyện vọng khác…
Để bảo vệ quyền lợi của người đi học, hàng loạt những yêu cầu cụ thể cũng được đặt ra đối với các trường ĐH nhằm buộc các trường nâng cao chất lượng đào tạo, như phải cung cấp đầy đủ thông tin về cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, quy mô đào tạo nhằm đảm bảo chất lượng; từ năm 2018 trở đi, các trường sẽ phải công bố tổng chi phí đào tạo mỗi sinh viên/năm, tỷ lệ sinh viên có việc làm sau 12 tháng từ khi tốt nghiệp…
Tất cả những thông tin đó phải được công bố đồng thời trên trang thông tin điện tử của trường, cổng thông tin tuyển sinh của Bộ. Những trường không công khai đầy đủ theo quy định sẽ không được tuyển sinh. Bộ cũng sẽ tổ chức thẩm định độc lập về những thông tin mà các trường công bố, nếu phát hiện đơn vị nào công bố sai sự thật thì sẽ ra quyết định dừng tuyển sinh đối với các ngành và nhóm ngành liên quan…
Trước đó, Bộ GD-ĐT đã rà soát và siết chặt công tác đào tạo tiến sĩ với yêu cầu: tiến sĩ là bậc đào tạo ra những người làm nghiên cứu, luận án tiến sĩ phải là một công trình khoa học chứa đựng tri thức mới, bởi thế nó không dành cho những người thiếu thực lực, thực tài trong nghiên cứu khoa học.
Nghiên cứu sinh nhất thiết phải giỏi ngoại ngữ ngay từ đầu (chứ không phải chờ đến đầu ra như lâu nay) để có thể học tập, tham khảo tư liệu bằng tiếng nước ngoài trong quá trình học tập, nghiên cứu. Đất nước đang cần có nhiều tiến sĩ, nhưng phải là tiến sĩ thật chứ không cần "tiến sĩ giấy". Những yêu cầu này được thể hiện rất kiên quyết trong quy chế đào tạo tiến sĩ mới được ban hành.
Dư luận lâu nay vẫn thường bi quan về sự trì trệ của nền GD-ĐT nước nhà. Nhưng với những ý định và quyết định của mình: từ bỏ độc quyền SGK để phát huy trí tuệ và kinh nghiệm của toàn xã hội trong viết SGK; trả lại quyền tự chủ cho các trường ĐH để các trường được chủ động, sáng tạo trong mọi hoạt động và phát triển, nhưng đồng thời cũng đòi hỏi các trường phải có trách nhiệm nhiều hơn trong việc nâng cao chất lượng đào tạo.
Siết chặt công tác đào tạo tiến sĩ và sẽ còn nhiều thay đổi đúng hướng khác nữa, người ta đang dần nhìn thấy sự kiên quyết, mạnh mẽ của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ. Dám mạnh tay phá bỏ những tồn tại đã trở thành “cố tật” trong nền GD-ĐT và trong tư duy của nhiều người, nhất là những đồng nghiệp cấp dưới là không hề đơn giản, nhiều khó khăn đang chờ tân bộ trưởng ở phía trước. Chỉ mong rằng ông nói được - làm được, nói đi đôi với làm, quyết tâm và kiên định thay đổi để lấy lại niềm tin của dân chúng đối với ngành GD-ĐT.
Minh Nhật