Những tiết học lúc nửa đêm

20/05/2020 - 07:44

PNO - Trải nghiệm với lớp học cách xa nửa vòng trái đất giữa đêm khuya có lẽ là điều không thể nào quên với những du học sinh vừa rời khỏi trời Âu, Mỹ về Việt Nam tránh dịch.

Thầy trò cùng ứng phó hoàn cảnh

Cứ khung giờ 1-3g sáng, Nguyễn Lê Bích Quân, sinh viên năm thứ hai Trường đại học Fordham (New York - Mỹ) lại online kết nối với tiết học của giảng viên ở nơi cách xa nửa vòng trái đất.

“Học online với tôi không xa lạ gì vì tôi đã làm quen với những khóa học như thế từ mấy năm trước. Tuy nhiên, giờ học theo kiểu này thì đây là lần đầu tiên”, Quân chia sẻ cảm nhận về việc duy trì chương trình tại trường đại học trong khoảng thời gian khó quên này.

Đỗ Phương Thanh cùng Nguyễn Lê Bích Quân với dự án Pay It Forward trong những ngày nghỉ học vì COVID-19
Đỗ Phương Thanh cùng Nguyễn Lê Bích Quân với dự án Pay It Forward trong những ngày nghỉ học vì COVID-19


Ngày 21/3, Quân rời New York khi nơi đây đang là tâm điểm của dịch bệnh. Cũng không hẳn là “tránh dịch”, vì học kỳ kết thúc giữa tháng Năm, Quân có đến hai tháng nghỉ hè để chuẩn bị cho học kỳ mùa thu. Đó là lý do Quân quyết định về Việt Nam, mặc dù biết rằng việc hoàn thành kỳ học từ xa sẽ khó khăn. Hành lý về nước nặng thêm vì sách vở, tài liệu cho những môn thi và cả những môn học cho kỳ tới nếu như dịch bệnh chưa cho phép quay lại trường học vào tháng Tám. 

So với những buổi học trực tiếp tại trường, học online khá hạn chế về khả năng tương tác với giảng viên; hoạt động làm việc nhóm, trao đổi, thuyết trình hầu như không có. Nhưng khó khăn lớn nhất vẫn là làm sao vượt qua… cơn buồn ngủ. “Dù đã rất cố gắng để theo những lớp học online nhưng rất nhiều ngày tôi phải bỏ cuộc vì không thể giữ được sự tỉnh táo trong khoảng thời gian đó”, Quân cho biết. 

Hiểu được khó khăn này, có giảng viên đã đồng ý để Quân không phải tham gia những tiết học online. Thay vào đó, thầy cô sẽ ghi hình bài giảng để sinh viên có thể học sau đó. Có giảng viên còn tạo điều kiện bằng cách cho Quân chọn một giờ học phù hợp, dù lớp học chỉ một thầy - một trò. 

Cũng như Quân, Lê Trúc Phương, sinh viên Trường đại học Greenwich (Anh), cho hay, việc học lệch múi giờ là trở ngại lớn nhất trong trải nghiệm học online suốt hai tháng qua. “Dù đã cố gắng ngủ bù vào ban ngày để có thể tham gia những lớp học ban đêm, nhưng rất khó để đón nhận việc học lúc nửa đêm về sáng, bởi khoảng thời gian ấy được mặc định cho việc nghỉ ngơi”, Phương nói. 

Ngoài ra, có rất nhiều tác động khiến cho hiệu quả học từ xa không thể nào đạt được như học trên lớp. Phương chia sẻ: “Không khí ở lớp học khiến mọi người đều tập trung học, bỏ lại mọi thứ khác bên ngoài cánh cửa lớp. Còn học online ở nhà thì lại hay “lo ra”, kiểu như không biết tụi bạn mình đang học hay đi chơi, không biết mẹ mình đang nấu món gì dưới bếp…”.

Sẽ về Việt Nam làm việc

Xây dựng kế hoạch học tập cụ thể cũng như đặt ra những nguyên tắc cho bản thân trong quá trình học là điều quan trọng để du học sinh Việt Nam vẫn có thể tiếp tục chương trình đào tạo tại nước ngoài trong điều kiện học tập quá nhiều khó khăn. 

Với chuyên ngành truyền thông, trong học kỳ vừa rồi, Quân học bốn môn: triết học, văn học, lý thuyết - lịch sử truyền thông và nhạc lý. Trong đó, việc học từ xa vẫn đạt hiệu quả trong mức độ chấp nhận đối với ba môn học đầu vì phần lớn nội dung là lý thuyết. Riêng môn nhạc lý, sinh viên rất thiệt thòi trong việc học online. “Yêu cầu của môn này là cần một phòng học phù hợp với thiết bị đầy đủ.

Mặc dù giảng viên đã cố gắng để đáp ứng môn học bằng cách thị phạm ngay trên chính cây đàn piano tại nhà, nhưng với điều kiện nghe nhìn hạn chế thông qua những phần mềm trực tuyến, khả năng tiếp nhận môn học rất thấp”, Quân tiếc nuối. Học kỳ mùa thu, nếu như tình hình ổn hơn, Quân sẽ quay lại trường. Tuy nhiên, trong tình huống bắt buộc vẫn phải học từ xa, thì Quân sẽ thay đổi một số môn nặng về lý thuyết để phù hợp hơn, thay cho những môn thực hành. 

Còn Trần Duy Khoa, sinh viên chuyên ngành công nghệ kỹ thuật ô tô tại Trường đại học Siegen (Đức), cho biết, với đặc thù của chuyên ngành, việc đào tạo từ xa khó đáp ứng mục tiêu cần đạt được đối với môn học thiên về thực hành, mặc dù nhà trường đã cố gắng tổ chức những lớp học mô phỏng gần giống nhất với thực tế. Do đó, để vượt qua những môn học này, Khoa cũng như các bạn chọn cách đầu tư nhiều hơn vào những học phần lý thuyết để cân bằng điểm số môn học mà không phải nợ lại cho những học kỳ sau.

Hoàn cảnh mới cũng mang đến thay đổi trong kế hoạch hậu tốt nghiệp của nhiều du học sinh. Trong thời gian đợi lễ tốt nghiệp sẽ diễn ra tháng Mười tới tại Geneva (Thụy Sĩ), Đỗ Phương Thanh dự tính sang New York thực tập, trải nghiệm môi trường làm việc trước khi việc học kết thúc.

Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh quá phức tạp khiến Mỹ siết chặt biên giới, đặc biệt đối với những người đến từ châu Âu - hiện cũng đang là một trong những ổ dịch lớn nhất thế giới. Thanh rời Thụy Sĩ về Việt Nam, cùng một số bạn cũng là du học sinh thực hiện dự án Pay It Forward với mục đích quyên góp hỗ trợ Chính phủ trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Số tiền quyên góp đến từ hoạt động chia sẻ kinh nghiệm cũng như hỗ trợ các bạn trẻ Việt Nam tiếp cận với chương trình học bổng du học quốc tế.

Dạy tiếng Anh online, chia sẻ kinh nghiệm du học bên cạnh việc thực tập tích lũy kinh nghiệm trước khi tốt nghiệp là những hoạt động của Thanh trong những ngày về nước nghỉ dịch. Đồng hành với đất nước trong những ngày khó khăn đó, suy nghĩ “về Việt Nam làm việc cũng hay” bắt đầu xuất hiện và thay thế cho dự tính sẽ tìm kiếm cơ hội làm việc tại Mỹ mà Thanh đã đặt ra cho mình trước đây. 

“Có thể tôi sẽ đến New York vào đầu mùa thu để thực hiện kế hoạch trước đó rồi quay lại Thụy Sĩ dự lễ tốt nghiệp vào tháng Mười, nhưng sẽ về Việt Nam làm việc”, Thanh bộc bạch. 

Thu Lê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI