Với mong muốn mang lịch sử TPHCM đến gần học sinh hơn, từ tháng 3/2024, thầy giáo trẻ Nguyễn Tuấn Anh - Phụ trách bộ môn giáo dục địa phương Trường THPT Lương Thế Vinh (quận 1) - đã thực hiện Hành trình di sản TPHCM, cùng học trò “mục sở thị” nhiều địa điểm văn hóa, lịch sử của thành phố.
![Những tiết học lịch sử độc đáo trên phố, trên sông Thầy Nguyễn Tuấn Anh (người cầm sách) cùng học trò tham quan bến Nhà Rồng - ẢNH: TRANG THƯ](https://image.phunuonline.com.vn/fckeditor/upload/2025/20250206/images/6998_6-1.jpg) |
Thầy Nguyễn Tuấn Anh (người cầm sách) cùng học trò tham quan bến Nhà Rồng - ẢNH: TRANG THƯ |
Thầy trò đi khắp phố
Hơn 7g một buổi sáng Chủ nhật đầu năm, nhóm 15 bạn trẻ có mặt tại bến Nhà Rồng. Nhóm gồm các học sinh lớp Tám, Mười một, Mười hai (Trường THPT Lương Thế Vinh có cả bậc học THCS và THPT) và có cả sinh viên đại học, do thầy Nguyễn Tuấn Anh dẫn đầu.
Sau khi dâng hương Chủ tịch Hồ Chí Minh, thầy trò đi bộ dọc theo cầu Khánh Hội sang bến Bạch Đằng. Vừa đi thầy vừa kể: “Cầu Khánh Hội xưa được gọi là cầu quay. Vì cầu có thể quay khúc giữa vào giờ nhất định trong ngày cho tàu thuyền từ Chợ Lớn ra cảng Sài Gòn. Người xưa có hẳn câu thơ: Chừng nào cầu quay nọ thôi quay/ Thì qua với bậu mới dứt dây cương thường”.
Đám học trò tai lắng nghe, chân nhanh bước theo thầy như sợ bỏ lỡ điều gì đó. Đến bến Bạch Đằng, thầy Nguyễn Tuấn Anh chỉ tay về phía đường Hàm Nghi hỏi: “Các em có biết đây từng là con rạch không?”. Học trò tròn xoe mắt, không ngờ con đường lớn này chính là rạch Cầu Sấu xa xưa. Điểm qua các địa danh như bến đò Thủ Thiêm, kênh Chợ Vải…, thầy trò bắt đầu đi thuyền trên sông tìm hiểu dòng chảy của sông Sài Gòn, bán đảo Bình Quới - Thanh Đa.
Hành trình kết thúc vào giữa trưa, khi mặt trời đứng bóng. Em Lưu Lê Thùy Linh - học sinh lớp Mười một Trường THPT Lương Thế Vinh - bộc bạch: “Em thấy ngày Chủ nhật rất ý nghĩa khi được đi cùng thầy Tuấn Anh tìm hiểu về một góc của Sài Gòn xưa. Những tiết học trên lớp của thầy cũng rất thú vị. Thầy đã củng cố ước mơ trở thành người nghiên cứu lịch sử của em càng thêm vững chắc”.
Đi trong nhóm còn có học trò cũ của thầy là Phan Gia Quốc, hiện là sinh viên năm thứ hai ngành quản trị kinh doanh Đại học Kinh tế TPHCM. Quốc nói: “Hồi phổ thông, tôi đã thích học thầy vì cách thầy nói về lịch sử rất dí dỏm, sinh động. Giờ, tôi theo thầy để hiểu thêm về những địa danh mình vẫn đi qua hằng ngày nhưng chưa rõ. Tôi sẽ còn tham gia với thầy nhiều lần nữa để hiểu hơn về con người, vùng đất Sài Gòn - TPHCM”.
Ngoài những địa điểm ven sông Sài Gòn, hành trình vào Chủ nhật của thầy giáo trẻ 29 tuổi này còn đưa học trò đến nhiều địa điểm khác như: Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Bảo tàng TPHCM…
Thầy Nguyễn Tuấn Anh cho biết, hành trình này hoàn toàn miễn phí và không có quy tắc, ai có thời gian và có nhu cầu tìm hiểu lịch sử đều có thể tham gia. Lúc đầu, nhóm chỉ có vài học sinh giỏi môn lịch sử mà thầy phụ trách ôn luyện. Dần dần, học sinh truyền tai nhau, cũng như đọc bài viết trên Facebook của thầy nên ngày càng nhiều người biết đến hơn. Có hôm nhóm lên đến 20 người, gồm cả phụ huynh, giáo viên và sinh viên đi cùng.
![Những tiết học lịch sử độc đáo trên phố, trên sông Thầy Nguyễn Tuấn Anh là Nhà giáo trẻ tiêu biểu của TPHCM năm 2024 - Ảnh do nhân vật cung cấp](https://image.phunuonline.com.vn/fckeditor/upload/2025/20250206/images/1174_6-5.jpg) |
Thầy Nguyễn Tuấn Anh là Nhà giáo trẻ tiêu biểu của TPHCM năm 2024 - Ảnh do nhân vật cung cấp |
Ấp ủ nhiều chương trình mới
“Trong quá trình giảng dạy, tôi nhận ra rằng nếu học sinh hiểu hơn về văn hóa địa phương thì sẽ có ý thức bảo vệ, xây dựng và phát triển thành phố hơn nữa. Hành trình này cũng giúp các em tiếp cận với thế giới xung quanh, có thời gian nghiền ngẫm, tận hưởng vẻ đẹp thành phố bên ngoài phòng học” - thầy Nguyễn Tuấn Anh nói về cơ duyên bắt đầu hành trình.
Thầy vốn tốt nghiệp ngành sư phạm lịch sử Trường đại học Sư phạm TPHCM. Sau 7 năm đi dạy, theo chương trình mới, thầy hiện dạy môn khoa học xã hội cho bậc THCS, môn lịch sử cho bậc THPT và môn giáo dục địa phương cho cả 2 bậc học.
Những ngày đầu dạy môn học khác, thầy phải chật vật thích nghi. Thầy Nguyễn Tuấn Anh đã dành nhiều thời gian để nghiên cứu cách soạn bài học, tổ chức hoạt động sao cho học sinh hứng thú hơn. Sau đó, thầy cùng đồng nghiệp thực hiện các hoạt động cấp trường như chương trình “Khi tôi là đại sứ di sản quốc gia” (học sinh thuyết trình về di sản bằng cả tiếng Anh, tiếng Việt) và những dự án quy mô lớp học.
Cuối tuần, thầy lại dắt học trò tham quan bảo tàng, địa điểm lịch sử. Thời gian đầu, thầy cũng đôi lần nghe lời “nói ra, nói vào” rằng mình lo chuyện bao đồng. Thầy còn gặp khó khăn vì không phải hướng dẫn viên chuyên nghiệp. Những điều này khiến thầy từng muốn bỏ cuộc.
Nhưng rồi thầy nhận ra, nếu cứ để tâm vào những điều tiêu cực thì sẽ bỏ quên mục tiêu quan trọng. Thế là những chuyến đi của thầy vẫn được tiếp tục, ngày càng phong phú hơn, thu hút nhiều thành viên hơn.
Để tư liệu môn học của mình thêm đa dạng, sau 5 năm nghiên cứu và ghi chép lịch sử, thầy đã cho ra mắt quyển sách Sông nước với đô thị Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh. Cuốn sách đưa độc giả ngược dòng thời gian về thế kỷ XVII, khi những lưu dân đầu tiên đặt chân đến vùng đất mới - Nhà Bè nước chảy chia hai, rồi đến đô thị sông nước hiện đại. Thầy để sách ở thư viện nhà trường như một tài liệu tham khảo, giúp học sinh có thêm kiến thức về chính nơi mình sinh ra.
Thầy cũng đang ấp ủ kế hoạch mở thêm nhiều chương trình khác để học sinh chủ động chia sẻ về văn hóa, lịch sử hoặc cho các em gặp nhân chứng lịch sử tại các địa điểm lịch sử cách mạng... “Điều quan trọng nhất của người thầy là không ngừng hoàn thiện bản thân, mỗi ngày đến trường đều phải khơi gợi được sự yêu thích môn học cho học trò. Đó là lý do tôi không cho phép mình ngừng học hỏi những điều mới” - thầy Nguyễn Tuấn Anh chia sẻ.
Ông Hà Hữu Thạch - Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh - cho biết: “Là giáo viên trẻ, thầy Nguyễn Tuấn Anh luôn xung kích trong nhiều hoạt động. Thầy luôn tìm phương pháp để tiết dạy ngày càng hấp dẫn hơn. Thầy cũng có nhiều sáng kiến để phát triển hoạt động Đội Thiếu niên tiền phong của trường, quận.
Ngoài ra, thầy còn đam mê nghiên cứu lịch sử, nhất là lịch sử Nam Bộ. Đây là điều mà tôi thấy rất hiếm hiện nay, khi thầy giáo trẻ tìm về cội nguồn và cố gắng lan tỏa nó đến cộng đồng. Đây là một gương sáng của trường, lan tỏa tinh thần thay đổi đến nhiều đồng nghiệp”.
Suốt 7 năm công tác, thầy Nguyễn Tuấn Anh đã đạt được nhiều thành tích như: danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở của Sở GD-ĐT TPHCM 3 năm liền (năm học 2021-2022, 2022-2023, 2023-2024); giấy chứng nhận sáng kiến ảnh hưởng cấp ngành năm học 2022-2023 và 2023-2024 của Sở GD-ĐT TPHCM; bằng khen của Chủ tịch UBND TPHCM cho những đóng góp xuất sắc trong 2 năm học liền kề 2021-2022 và 2022-2023; danh hiệu Nhà giáo trẻ tiêu biểu TPHCM năm 2024 của Thành đoàn TPHCM. |
Trang Thư