Những tiếng nói nhỏ trong "Thế chiến thứ hai"

19/08/2022 - 17:44

PNO - Trong cuốn "Thế chiến thứ hai" (tựa gốc: The Second World War) do Nhà xuất bản Hà Nội và Omega+ mới ra mắt tại Việt Nam, bên cạnh những đại cảnh rộng lớn, nhà văn, sử gia trứ danh người Anh Antony Beevor đã dành những trang quan trọng đề cập đến những tiếng nói nhỏ, những tiểu tự sự của những nhân vật bình thường nhất.

Đó có thể là mô tả của một người lính Hồng quân trẻ về cuộc tấn công lúc rạng sáng của anh trong một lá thư gửi về nhà. “Đó là lần đầu con nhìn thấy một người lính chết trận, anh nằm đó, không có đầu, ở dưới rãnh chắn mất lối. Mãi đến lúc đó con mới nhận ra mình cũng có thể bị giết… Ở đây trống không và yên tĩnh. Con không bao giờ quên con hào đất dài với một bên nắng rọi. Đạn bay khắp nơi…”.

Bìa cuốn Thế chiến thứ hai
Bìa cuốn Thế chiến thứ hai

Hoặc cũng có thể một cảm trạng của nhà báo Liên Xô Vasily Grossman: “Người ta đi thành từng đoàn xe ngựa kéo, hàng nghìn chiếc xe phủ bạt đủ màu. Có cả những đám đông đi bộ với ba lô, gói bọc, va li… Những cái đầu con trẻ, tóc sáng và sẫm, thò ra dưới các mái lều tự chế trên xe kéo và ngó nghiêng, cả chòm râu của các bô lão Do Thái, những cái đầu tóc đen của phụ nữ Do Thái.

Cái im lặng đó trong mắt họ, nỗi buồn thấu hiểu đó, thật là một chấn động của số phận”… Hay chia sẻ nguyên văn góc nhìn của một người lính trinh sát khác: “Tôi chỉ có thể nói đó không còn là một cuộc chiến nữa”, “đó là sự hủy diệt do hai thế giới quan mà nên”… Chính cái tiểu tự sự đó làm cho cuốn sách dày cả ngàn trang bớt đi tính khô khan, nặng nề, liệt kê sử liệu mà nhiều cuốn sách viết về đề tài quân sự, chiến tranh gặp phải.

Antony Beevor viết: “Bạo lực tập thể, như nhà thơ Ba Lan Czelaw Miloz đã chỉ ra, hủy diệt cả ý nghĩa về một loài người nói chung và mọi lẽ công bằng tự nhiên”. “Giết người trở nên chuyện bình thường trong thời chiến”, Miloz viết, “và thậm chí còn được coi là hợp pháp nếu có được thực hiện nhân danh kháng chiến. Cướp bóc cũng trở nên bình thường, cũng như giả dối và ngụy tạo. Người ta đã biết cách ngủ trong những âm thanh từng đánh thức cả khu: tiếng súng máy, tiếng kêu rên của người sắp chết, tiếng chửi rủa của cảnh sát lôi người hàng xóm đi”.

Nếu đọc cuốn sách sẽ biết, Antony Beevor đã dụng công trong việc tham khảo, sưu tầm tư liệu, các báo cáo, ghi chép, thư từ liên quan đến cuộc chiến này ra sao. Để rồi, trong khối lượng khổng lồ sử liệu ấy, ông đã “lẩy” ra được những câu chuyện đắt giá để kể. Có khi đó là những điều hệ trọng lớn lao; nhưng cũng có lúc, đó chỉ là một tâm sự hết sức vụn vặt, tầm thường, một lát cắt nghĩ suy xẹt ngang giữa cuộc chiến của những người lính trẻ, những người “vô danh tiểu tốt”, phụ nữ, người già. Những câu chuyện nhỏ lồng trong câu chuyện lớn, một phân cảnh tiểu tự sự cài cắm giữa một mớ hỗn độn rộng khắp của chiến tranh… Những câu chuyện chết đuối, bệnh tật, đói khát, hãm hiếp, thảm sát, cướp bóc, chạy trốn, lưu vong, những xung đột sắc tộc… Những người đã chết, và cả những người còn có thể trở về sau cuộc chiến. 

Antony Beevor là một trong những nhà sử học hàng đầu thế giới về Thế chiến thứ hai với các đầu sách nổi tiếng như Stalingrad: The Fateful Siege: 1942-1943 (Stalingrad: Trận chiến định mệnh), Berlin: The Downfall 1945 (Berlin: Cuộc sụp đổ năm 1945), The Second World War (Thế chiến thứ hai)…
Antony Beevor là một trong những nhà sử học hàng đầu thế giới về Thế chiến thứ hai 

1.165 trang, với 50 chương, cuốn sách Thế chiến thứ hai như một cuốn phim dài tập dựng lại một cách sống động sự kiện đặc biệt nhất của thế kỷ XX. Có đại cảnh và có cả tiểu cảnh. Từ khi cuộc chiến nổ ra, lan đi khắp thế giới, cho tới đống đổ nát, “những thành phố của người chết” và cuộc chiến kết thúc. Sự hỗn loạn mà Quốc xã đem đến cho khắp các lục địa hiện rõ đến nỗi “trên con đường nước Đức ngày nay”, tác giả, phóng viên chiến trường người Úc Godfrey Blunden viết, “là cả một câu chuyện về châu Âu, hoặc nói cho cùng là thế giới”. Con số thống kê người chết - dù 60 hay 70 triệu - đã vượt xa những gì ta có thể hình dung. Chưa kể, bao người còn sống và trở về với một vết thương tật nguyền cả về tâm lý lẫn thể xác. 

Là một người lính từng tham gia phục vụ quân đội, sử gia Antony Beevor đã tái hiện cuộc chiến từ vị trí của một người trong cuộc - một phóng viên chiến trường. Những cảnh quay về cuộc chiến từ các bên tham chiến được ông khắc họa một cách chân thực đến khốc liệt, đau thương và ám ảnh. Ông cài cắm các câu chuyện của nhân chứng làm cho cuốn Thế chiến thứ hai gia tăng tính chân thực, rộng lớn nhưng cũng hết sức tinh tế, đi vào thân phận con người. 

Trong chương gần cuối của cuốn sách - Thành phố của người chết - Godfrey Blunden kể lại chuyện gặp một nhóm tù binh Mỹ trẻ đói khát với “những dẻ xương sườn như đàn gõ”, má hõm sâu, cổ ngẳng và “đôi tay lòng khòng” mới được thả ra từ các trại tù binh Đức. Họ bước vào cuộc chiến này vài tháng và bị bắt ngay sau đó trong cuộc phản công của quân Đức ở Ardennes, bị nhốt từ nơi này đến nơi khác. Godfrey Blunden viết: “Một số trong số họ bị lính Đức đánh chết chỉ vì ra khỏi hàng nhổ củ cải đường ngoài đồng”. Ông gọi họ là “những người đáng thương”, chỉ vì là những cậu bé từ một gia đình tử tế ở một đất nước thanh bình đi nhập ngũ mà không biết gì về châu Âu… Họ không biết đang có chuyện gì đang xảy ra. 

Cái sự mơ hồ này có khác gì không nhỉ? Ngay cả ngày nay, ý nghĩa của cuộc chiến kinh hoàng này vẫn khó nắm bắt. Trong Thế chiến thứ hai, Antony Beevor gọi đó là “một thảm họa do con người gây ra lớn nhất trong lịch sử”. Ông đã chỉ ra bản chất của cái ác dường như luôn đem đến một sức quyến rũ không dứt. Vì thế, lựa chọn đạo đức là yếu tố nền tảng trong bi kịch của con người, vì nó nằm ngay giữa trái tim của chính loài người. Ông mang đến cho độc giả một cách quan sát đa chiều, khách quan về lịch sử để nhắc nhở thế giới ngày nay cần phải thấu suốt giá trị của hòa bình thế giới. 

Đậu Dung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI