Những thương vụ bản quyền sách triệu đô

09/04/2021 - 15:27

PNO - Khi dịch COVID-19 xuất hiện và ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực, ngành xuất bản lại kiếm được những phi vụ làm ăn béo bở với điện ảnh, truyền hình.

Dịch COVID-19 khiến làng giải trí một năm qua nhuốm màu u ám. Nhiều ngành nghề phải cắt giảm nhân sự vì thời gian đóng cửa quá lâu. Nhưng cũng trong dịch bệnh, nhiều nghề liên quan đến văn hóa, giải trí lại phát triển nhanh chóng. Trong đó, việc các nhà xuất bản bán bản quyền sách cho các đoàn làm phim đang cực thịnh.

2 tác phẩm được các nhà làm phim săn đón: Project Hail Mary,
2 tác phẩm được các nhà làm phim săn đón: Project Hail Mary Caste

Đại diện của CAA books, Michelle Kroes cho biết: “Chúng tôi phải tận dụng tối đa các cơ hội để tiếp thị sách. Nếu không làm vậy, chúng tôi thật thiển cận”. Theo Hollywood Reporters, thời gian qua, cả CAA và UTA đều đạt hợp đồng mua bán bản quyền với khoảng 250 tác phẩm. Số lượng đầu sách này sẽ được chuyển thể thành phim.

Jason Richman, đại diện của UTA, cho biết có quá nhiều thay đổi trong đại dịch tạo ra cơ hội. Nổi bật nhất là dịch vụ phát trực tuyến tăng nhanh số lượng người dùng. Do đó, dù rạp chiếu đóng cửa, hàng loạt nhà sản xuất phim vẫn thiếu kịch bản hay để chuyển thể, lấy cảm hứng hoặc phóng tác. Họ tìm đến sách để mong gặp được những tác phẩm hay và nhanh chóng đi đến thương lượng.

Tháng 3/2020, cuốn tiểu thuyết mới nhất của nhà văn Andy Weir, Project Hail Mary, đã được bán cho hãng sản xuất phim MGM. Vụ giao dịch thu hút sự chú ý của dư luận vì trị giá đến 3 triệu USD.

Tháng 8/2020, tác phẩm đầu tay The Upper World của tác giả Femi Fadugba, được Netflix mua với giá 2 triệu USD. Cuốn sách sẽ được chuyển thể thành phim với sự tham gia của ngôi sao Daniel Kaluuya.

Tháng 2 năm nay, Makeready và nhà sản xuất Misha Green đã bắt tay vào việc khai thác tiểu thuyết đầu tay của Namina Forna. The Gilded Ones là một trong những tiểu thuyết giả tưởng bán chạy nhất năm 2020.

Khi thị trường xuất bản có ảnh hưởng đến ngành công nghiệp điện ảnh nhiều hơn thì cũng là lúc tầm quan trọng của những nhà văn và đơn vị đại diện được nâng lên. Trước đây, khi tác phẩm được bán đi, nhà văn thường phó mặc hay nói đúng hơn là không thể can thiệp sâu vào kịch bản phim. Biên kịch, đạo diễn đều có cách khước từ mọi sự chen ngang của tác giả. Còn hiện tại, Josie Freedman của ICM books nói tác giả có quyền kiểm soát việc sáng tạo nhiều hơn: "Chúng tôi có thể yêu cầu những điều mà trước đây chúng tôi không thể".

Flora Hackett của WME nói có những nhà làm phim đến công ty và đưa ra yêu cầu rằng họ cần những tác phẩm hay đến từ các tác giả da màu. Nếu những tác phẩm đó mang tiếng nói riêng, độc đáo và là trải nghiệm của chính tác giả thì càng được họ chi tiền mạnh.

Các nhà xuất bản cho biết từ khi dịch bệnh xuất hiện, họ nhận được một lưu ý rằng hãy nỗ lực tìm kiếm những nội dung thể hiện sự lạc quan. “Nếu trong đại dịch, nội dung chỉ tập trung vào một vài kiểu nhân vật, sự việc diễn ra trong một thời điểm nhất định thì xu hướng này nhanh chóng biến mất.

Nội dung đang được mua nhiều liên quan đến không gian viễn tưởng, nơi người xem có thể trở thành người làm chủ, có sức mạnh phi thường. Không ai muốn xem về ngày tận thế ngay bây giờ, cũng không ai muốn thưởng thức một câu chuyện có virus”, Flora Hackett cho biết.

Minh Tú

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI