Những thước phim tự hào về Sài Gòn - TP.HCM

26/04/2021 - 06:38

PNO - Phim tài liệu "Sài Gòn - TP.HCM - 50 năm thực hiện di chúc của Bác Hồ" là dự án được Thành ủy, UBND TP.HCM giao cho Hội Điện ảnh TP.HCM thực hiện từ năm 2019.

Nhân kỷ niệm 46 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2021), và 131 năm ngày sinh của chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2021), cuối tuần qua, Hội Điện ảnh TP.HCM đã có buổi gặp gỡ ê-kíp làm phim tài liệu Sài Gòn - TP.HCM - 50 năm thực hiện di chúc của Bác Hồ để giới thiệu về bộ phim dự kiến sẽ phát sóng vào dịp lễ 30/4 này trên HTV. 

Đây là dự án được Thành ủy, UBND TP.HCM giao cho Hội Điện ảnh TP.HCM thực hiện từ năm 2019. Phim gồm chín tập, phần lớn do các đạo diễn chuyên về phim tài liệu như NSƯT Nguyễn Hoàng, Dương Cẩm Thúy, Nguyễn Mộng Long, Hồ Thanh Tuấn… đảm nhiệm. 

Những thước phim quý hiếm về  chuyến đi Pháp gặp gỡ kiều bào của  Bác Hồ và  cố thủ tướng  Phạm Văn Đồng  năm 1946 có  trong tập 6  những người xa xứ
Những thước phim quý hiếm về chuyến đi Pháp gặp gỡ kiều bào của Bác Hồ và cố thủ tướng Phạm Văn Đồng năm 1946 có trong tập 6 Những người xa xứ

Với độ dài mỗi tập từ 40-45 phút, phim dẫn dắt người xem nhớ về cột mốc ra đời bản di chúc của Bác (tập 1 Bản Di chúc vĩnh cửu); điểm lại những trận chiến vang dội trong lịch sử từ năm 1968-1975 (tập 2 Tiến lên, toàn thắng ắt về ta); những dấu son buổi ban đầu của TP.HCM sau ngày giải phóng (tập 4 Những thành tựu đầu tiên); các bước đi đổi mới của thành phố (tập 5 Đêm trước đổi mới) để rồi kết thúc là đem đến hình ảnh về một thành phố nhân ái (tập 8 Thành phố nghĩa tình) và hiện đại (tập 9 Khát vọng qua những công trình). Trong di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, khía cạnh con người, nguồn lực luôn được coi trọng, và điều này được nhắc đến trong các tập 3 (Chiến lược trồng người), tập 6 (Những người xa xứ), tập 7 (Thầm lặng mà cao cả). 

Đa số các thước phim trong chín tập thuộc dạng tư liệu, xen kẽ một ít là phần hình ảnh hiện tại. Cách dựng hình ảnh tương phản về mặt thời gian, cùng với việc đoàn phim gặp lại những nhân chứng ngày xưa để nghe họ kể chuyện quá khứ, đã đem đến cảm xúc bồi hồi cho người xem.

Thật xúc động khi thấy hình ảnh thời trẻ của nguyên chủ tịch nước Trương Tấn Sang khi còn làm giám đốc nông trường Phạm Văn Hai (1979-1983); nghe kiến trúc sư nổi tiếng Lê Văn Năm - một trong hàng vạn học sinh của mô hình giáo dục đặc biệt trong lịch sử giáo dục Việt Nam - kể về năm 16 tuổi từ Nam ra Bắc học, được người dân cưu mang cho ở nhờ; hay ngậm ngùi nghe chiến sĩ biệt động Sài Gòn Nguyễn Thị Nhu nhắc chuyện một đồng đội mới cưới vợ bảy ngày đã hy sinh trong trận đánh tòa đại sứ Mỹ.

Chia sẻ cảm xúc khi tham gia làm phim, đạo diễn Nguyễn Hoàng (tập 3 Chiến lược trồng người) cho biết: “Có những câu chuyện nhiều người biết và bản thân mình cũng từng được nghe đến, nhưng chỉ khi tìm hiểu sâu để làm phim, mới phát hiện vẫn còn nhiều điều lý thú chưa được biết tới. Như chuyện các học sinh miền Nam ra Bắc học tập. Lâu nay mình vẫn nghĩ họ chỉ đi đường bộ, đến khi nghe chính họ kể, mới biết họ phải đi bằng rất nhiều phương tiện, và đi trong một thời gian rất dài”. 

Bà Dương Cẩm Thúy, Phó chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, tổng đạo diễn của bộ phim chia sẻ: “Trong thời gian thực hiện, đoàn phim nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình về hình ảnh tư liệu của cả trăm nhân vật. Nhiều tư liệu ít người biết đến, như hình ảnh Bác Hồ và cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng gặp gỡ bà con Việt kiều trong tập 6 Những người xa xứ. Sự giúp đỡ đó vừa là thuận lợi, vừa là khó khăn, vì phải xác minh, đồng thời chắt lọc nhân vật thích hợp để đưa vào, chứ không thể đưa hết vài chục người/tập sẽ thành ra liệt kê. Có những nhân vật trong phim như Anh hùng lao động, tiến sĩ Bùi Văn Toản đã qua đời mà không kịp xem phim, khiến đoàn phim rất tiếc nuối”. 

Hương Nhu

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI