Những thực phẩm hạn chế ăn khi mang thai

10/03/2019 - 06:00

PNO - Mang thai là một trong những giai đoạn quan trọng và nhạy cảm nhất trong cuộc đời của người phụ nữ. Vì vậy, ăn một chế độ ăn uống lành mạnh rất quan trọng với phụ nữ đang mang thai.

Cá sống hoặc hải sản có vỏ

Nhung thuc pham han che an khi mang thai
 

Cá sống, đặc biệt là sò vẹm (chỉ chín khi nhiệt độ rất cao) có thể gây ra một số bệnh nhiễm khuẩn. Chúng có thể là virus, vi khuẩn hoặc ký sinh trùng, chẳng hạn như Norovirus, Vibrio, Salmonella và Listeria

Đặc biệt, phụ nữ mang thai dễ bị nhiễm khuẩn Listeria cao gấp 20 lần so với người bình thường. Listeria có thể truyền từ mẹ cho thai nhi qua nhau thai, ngay cả khi người mẹ không có dấu hiệu bị bệnh.

Điều này có thể dẫn đến sinh non, sảy thai, thai chết lưu. Vi khuẩn này có thể được tìm thấy trong đất và nước hoặc thực vật bị ô nhiễm. Cá sống có thể bị nhiễm khuẩn trong quá trình chế biến như xông khói hoặc sấy khô.

Do đó, phụ nữ mang thai nên tránh cá sống và các loại hải sản có vỏ (sò, vẹm) và cả sushi.

Trứng sống

Nhung thuc pham han che an khi mang thai
 

Trứng sống có thể bị nhiễm Salmonella. Các triệu chứng nhiễm khuẩn Salmonella thường chỉ do người mẹ trải qua và bao gồm: sốt, buồn nôn, nôn, co thắt dạ dày và tiêu chảy. Tuy nhiên, trong một số ít trường hợp, nhiễm trùng có thể gây ra chuột rút trong tử cung, dẫn đến sinh non hoặc thai chết lưu.

Thực phẩm thường chứa trứng sống bao gồm:

• Trứng khuấy

• Trứng chần

• Nước sốt Hollandaise 

• Mayonnaise làm tại nhà

• Salad

• Kem tự làm

• Bánh kem

Hầu hết các sản phẩm có chứa trứng sống được làm bằng trứng tiệt trùng và an toàn để tiêu thụ. Tuy nhiên, hãy đọc nhãn sản phẩm để đảm bảo.

Thịt nội tạng

Nhung thuc pham han che an khi mang thai
 

Thịt nội tạng chứa nhiều chất dinh dưỡng như sắt, vitamin B12, vitamin A và đồng - tất cả đều tốt cho phụ nữ mang thai và em bé. Tuy nhiên, không nên ăn quá nhiều vitamin A có nguồn gốc từ động vật. Nó có thể gây ngộ độc vitamin A, cũng như nồng độ đồng cao bất thường, có thể dẫn đến dị tật bẩm sinh và nhiễm độc gan.

Do đó, phụ nữ mang thai không nên ăn thịt nội tạng nhiều hơn một lần một tuần.

Caffeine

Nhung thuc pham han che an khi mang thai
 

Caffein có chủ yếu trong cà phê, trà, nước ngọt và ca cao. Phụ nữ mang thai thường được khuyên nên hạn chế lượng caffeine dưới 200 mg mỗi ngày, hoặc khoảng 2 cốc cà phê. 

Caffeine được hấp thụ rất nhanh và dễ dàng đi vào nhau thai và thai nhi. Bởi vì trẻ sơ sinh và nhau thai không có enzyme chính cần thiết để chuyển hóa caffeine, dễ tích tụ ở mức độ cao.

Lượng caffeine tiêu thụ nhiều trong thai kỳ dẫn đến hạn chế sự phát triển của thai nhi và làm tăng nguy cơ nhẹ cân cho trẻ lúc sinh. Nếu cân nặng từ 2,5 kg trở xuống có thể tăng nguy cơ tử vong ở trẻ sơ sinh và mắc các bệnh mãn tính ở tuổi trưởng thành, như bệnh tiểu đường loại 2 và bệnh tim.

Tóm lại, phụ nữ mang thai nên hạn chế lượng caffeine ở mức 200 mg mỗi ngày, tức 2 - 3 tách cà phê. 

Rượu, bia

Nhung thuc pham han che an khi mang thai
 

Phụ nữ mang thai nên tránh uống rượu hoàn toàn, vì nó làm tăng nguy cơ sảy thai và thai chết lưu. Ngay cả một lượng nhỏ cũng có thể tác động tiêu cực đến sự phát triển não bộ của bé, cũng có thể gây ra hội chứng thai nhi nghiện rượu, dị tật khuôn mặt, dị tật tim và chậm phát triển trí tuệ. 

Không có nồng độ cồn nào được chứng minh là an toàn khi mang thai, do đó hãy tránh sử dụng rượu, bia dù chỉ một lượng nhỏ.

Đồ ăn vặt

Nhung thuc pham han che an khi mang thai
 

Mang thai là thời gian tăng trưởng nhanh chóng. Do đó, phụ nữ mang thai cần bổ sung nhiều chất dinh dưỡng thiết yếu, bao gồm protein, folate và sắt. Tuy nhiên, mặc dù về cơ bản là ăn cho hai người, nhưng bạn không cần tiêu thụ gấp đôi lượng calo. Hãy tiêu thụ thêm khoảng 350 - 500 calo mỗi ngày trong kỳ thứ 2 và thứ 3 của thai kỳ.

Đồ ăn vặt chế biến thường có ít chất dinh dưỡng và nhiều calo, đường và chất béo bổ sung. Hơn nữa, tiêu thụ nhiều đường dẫn đến nguy cơ phát triển một số bệnh, bao gồm bệnh tiểu đường loại 2 và bệnh tim.

Tăng cân là cần thiết trong thai kỳ tuy nhiên tăng cân quá mức có liên quan đến nhiều biến chứng và bệnh tật như tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ, cũng như các biến chứng khi mang thai hoặc sinh và tăng nguy cơ sinh con thừa cân. Điều này gây ra các vấn đề sức khỏe lâu dài vì trẻ em thừa cân có nhiều khả năng trở thành người trưởng thành thừa cân.

An Tuệ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI