Những thói quen gây nhiễm khuẩn trong thai kỳ

19/04/2016 - 00:00

PNO - Nhiều thói quen xấu trong thai kỳ đã gây viêm nhiễm ở một số cơ quan của thai phụ.

Không chỉ gây đau, khó chịu tại chỗ, sự viêm nhiễm còn có thể đẩy cả thai phụ lẫn thai nhi vào tình huống nguy hiểm như vỡ ối sớm, sinh non, thai nhẹ cân, thậm chí nhiễm trùng sơ sinh.

Từ răng miệng...

Nhiều thai phụ không ngờ việc vệ sinh răng miệng kém lại gây nguy hiểm cho sức khỏe bản thân và đứa con họ đang mang nặng. Khảo sát năm 2015 trên 288 sản phụ tại khoa Hậu sản Bệnh viện Từ Dũ, do GS-TS Trần Thị Lợi thực hiện, cho thấy sản phụ bị viêm nha chu (VNC) có nguy cơ sinh non (dưới 37 tuần tuổi), sinh nhẹ cân (dưới 2,5kg) tăng gấp hai lần so với sản phụ không bị VNC.

Theo BS Nguyễn Thị Xuân Mai, Trưởng khoa Nha chu, Bệnh viện Răng Hàm Mặt TP.HCM, trong giai đoạn mang thai, thai phụ thường gặp rắc rối với bệnh răng miệng hơn người bình thường do nhiều nguyên nhân: sự thay đổi hormone trong cơ thể, sự tăng tuần hoàn máu khiến đáp ứng của cơ thể đối với viêm nhiễm tăng theo; thay đổi thói quen và sở thích ăn uống trong thai kỳ như ăn nhiều chất ngọt, ăn vặt nhiều lần trong ngày; giai đoạn đầu thai kỳ, nhiều thai phụ có triệu chứng ốm nghén, buồn nôn, làm tăng độ pH trong miệng; giảm tiết nước bọt làm khô miệng…

Khi bị VNC, tình trạng nhiễm trùng cùng các nội độc tố không chỉ tồn tại ở vị trí mô nướu răng mà đi khắp các phần khác trong cơ thể theo đường máu, xâm nhập vào nhau thai gây ra cơn gò tử cung, vỡ ối, khởi phát chuyển dạ sớm và sinh non. Nguy hiểm là không ai biết nguyên nhân khiến họ sinh sớm, bé nhẹ cân lại đến từ… những mảng bám trên răng.

Từ thực tế khảo sát cho thấy, có đến trên 70% số thai phụ sinh non, sinh nhẹ cân dù mới bị nha chu ở mức độ viêm nướu với biểu hiện là răng có nhiều vôi bám, nướu viêm đỏ, dễ chảy máu khi đánh răng, khi nhai đồ ăn cứng. BS Xuân Mai cảnh báo: “Nếu đã bị viêm nướu hoặc VNC trước khi mang thai thì mức độ viêm nhiễm trong thời gian mang thai càng trầm trọng hơn với những biểu hiện như nướu sưng, phù nề, dễ chảy máu hay nặng hơn là phát triển thành u nướu, làm cản trở vệ sinh răng miệng và ăn uống”.

Nhung thoi quen gay nhiem khuan trong thai ky
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Đến phần phụ...

Thai phụ cũng thường bị nhiễm nấm, vi khuẩn hoặc vi trùng ở âm đạo. Nguy hiểm nhất là nhiễm khuẩn tăng nguy cơ vỡ ối sớm, sinh non và nhiễm trùng em bé sau sinh (trong 72 giờ đầu, trẻ có nguy cơ nhiễm trùng huyết dẫn đến viêm màng não, thậm chí tử vong nếu không được xử lý kịp thời).

Tỷ lệ thai phụ bị nhiễm khuẩn ước khoảng 14-15% (có triệu chứng và không có). Việt Nam nằm trong vùng dịch tễ, tỷ lệ thai phụ bị nhiễm khuẩn còn có thể cao hơn do nhiều yếu tố thuận lợi như: thời tiết nóng ẩm, điều kiện chăm sóc thai kỳ còn kém, dùng kháng sinh tùy tiện.

BS Hồ Viết Thắng, bộ môn Sản phụ khoa, ĐH Y Dược TP.HCM, lưu ý: “Tình trạng nhiễm khuẩn chủ yếu xuất phát từ những sai lầm trong thói quen vệ sinh âm đạo của phụ nữ. Thông thường, bề mặt âm đạo có độ nhờn, ẩm đặc trưng. Khi dùng dung dịch sát khuẩn quá mạnh và thường xuyên; thụt rửa sâu, bề mặt âm đạo sẽ trở nên khô ráp, những lợi khuẩn bị tiêu diệt, tạo điều kiện cho khuẩn có hại hoạt động”.

Dấu hiệu nhận biết nhiễm khuẩn là âm đạo tiết dịch bất thường về lượng, về thời điểm và gây mùi khó chịu, tiểu rát, niêm mạc âm đạo nổi chấm đỏ li ti. Nhiễm khuẩn càng sớm thì càng có nguy cơ cao cho thai phụ và thai nhi. Tuy nhiên, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nhiễm khuẩn âm đạo có thể được điều trị ngay từ ba tháng đầu của thai kỳ mà không gây hậu quả xấu. Cả khi có dấu hiệu dọa sinh non mà “bắt” được nguyên nhân là do nhiễm khuẩn âm đạo, việc điều trị cũng mang lại hiệu quả nhanh chóng, ngăn chặn được nguy cơ sinh non.

Dù việc điều trị VNC cho thai phụ có thể thực hiện trong thời kỳ thai từ 13-26 tuần tuổi song vẫn cần được chọn lọc để đảm bảo an toàn cho mẹ và thai nhi. Điều quan trọng nhất vẫn là phòng ngừa và tầm soát VNC trước khi mang thai. Khi có dự định mang thai, bạn nên khám và điều trị các bệnh về răng miệng.

Trong thời gian mang thai cũng nên đến nha sĩ để khám và lấy vôi mảng bám trong miệng khi thai ổn định. Vệ sinh răng miệng ít nhất hai lần mỗi ngày với bàn chải lông mềm và dùng chỉ nha khoa làm sạch kẽ răng sau bữa ăn. Nếu dễ buồn nôn khi đánh răng, bạn có thể đánh răng sau khi ăn 15-30 phút hoặc nhai kẹo chewinggum và súc miệng sạch với nước muối sinh lý; hạn chế ăn uống chất ngọt.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI