Những thói quen "bỏ túi" phòng COVID-19 khi học sinh quay lại trường học

17/11/2021 - 10:37

PNO - Bác sĩ CK1 Lê Thị Thanh Thảo - Phó trưởng khoa Hô hấp 1, Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM đã chia sẻ thông tin liên quan đến việc giúp trẻ phòng tránh COVID-19 khi quay trở lại trường học:

- Thời gian qua, dịch COVID-19 gây nhiều ảnh hưởng đến đời sống, tinh thần của người dân ở nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, trên thực tế, dịch bệnh ít nhiều cũng hình thành những thói quen, ý thức về phòng ngừa các bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp của mọi người khá tốt. 

phụ huynh nên tập cho trẻ các thói quen cần thiết ngay từ bây giờ.
Phụ huynh nên tập cho trẻ các thói quen cần thiết trong việc phòng dịch bệnh

So với trước đây, người dân đã và đang có thói quen thực hiện 5K, nhất là mang khẩu trang, rửa tay thường xuyên hơn. Y khoa thế giới cũng ghi nhận các thói quen này giúp mọi người phòng tránh không chỉ COVID-19 mà còn các loại siêu vi, vi trùng gây bệnh khác. Điển hình những bệnh về hô hấp như viêm tiểu phế quản, viêm cúm mùa thông thường, kể cả hen suyễn… đã giảm rõ rệt.

Trẻ cũng đã được tiêm vắc xin ngừa COVID-19, phụ huynh nên bình tĩnh, tiếp tục thực hiện 5K, đặc biệt là hướng dẫn, tạo thói quen này cho trẻ trước khi con em mình đi học lại.

* Lo ngại COVID-19, nhiều trẻ luôn được cha mẹ cho ở trong phòng máy lạnh để hạn chế việc ra ngoài, tiếp xúc. Bác sĩ có thể cho phụ huynh lời khuyên về vấn đề này?

Bác sĩ Lê Thị Thanh Thảo: Việc hạn chế cho trẻ ra ngoài, tiếp xúc là cần thiết, tuy nhiên không có nghĩa là phụ huynh luôn giữ trẻ trong phòng kín. Ít nhất, trẻ phải được ra phòng khách, ban công, hay khu vực đón nắng để trẻ hấp thu vitamin D tăng cường đề kháng cho cơ thể.

Ngay lúc này, phụ huynh nên tập dần để đến khi trẻ trở lại trường để có thể thích nghi với môi trường tự nhiên, hạn chế các vấn đề về hô hấp cho trẻ. Bên cạnh đó, bổ sung dinh dưỡng, cho trẻ uống đủ nước cũng là điều cần thiết.

Cha mẹ đừng cố gắng ép trẻ uống đủ số lượng nước hoạch định như 1 lít, 2 lít… chỉ cần nhắc nhở trẻ sẽ tốt hơn. Người lớn cũng nên lưu ý, lượng nước cho trẻ không chỉ tính là nước trẻ uống, mà tất cả nước mà con nạp vào kể cả từ sữa, canh, thức ăn, rau, nước uống… 

Hiện tại, chỉ có trẻ từ 12-17 tuổi tiêm vắc xin ngừa COVID-19, thực tế vắc xin cũng chỉ có hiệu quả bảo vệ nhất định, điều này làm nhiều phụ huynh vẫn chưa cảm thấy thật sự yên tâm. Bác sĩ có thể giải thích thêm?

- Đúng vậy, người lớn cần lưu ý, khi trẻ đi học trở lại sẽ có nhiều phát sinh khác như trẻ có sự tiếp xúc với nhau, có trẻ tiêm vắc xin ngừa COVID-19 rồi, có trẻ chưa tiêm. Ví dụ ở cấp 2, trẻ lớp 6 có thể chưa tiêm ngừa, từ lớp 7 trở lên đủ điều kiện mới tiêm ngừa.

Vì vậy, nhóm trẻ chưa được tiêm ngừa cần được lưu ý chặt chẽ, nhất là khi trẻ sử dụng dụng cụ cá nhân như ly nước, thước, viết… Ngay từ bây giờ, ngoài việc hình thành thói quen 5K, phụ huynh nên giải thích, hướng dẫn và tập cho trẻ sự độc lập, tuyệt đối không dùng chung ly, bình nước, nên trang bị cho trẻ đầy đủ thiết bị học tập, cũng như luôn luôn có khăn lau và nước rửa tay nhanh.

* Như vậy có thể tạo nên sự xa cách trong mối quan hệ bạn bè của trẻ, thưa bác sĩ?

- Khi trẻ hiểu về dịch COVID-19, tạo sự độc lập trong học tập nghĩa là trẻ vẫn sẽ biết cách giao tiếp an toàn với bạn bè. Chúng ta nên chỉ rõ cho trẻ cách phòng tránh chứ không phải hù dọa, bắt buộc trẻ phải thu mình trước bạn bè. Trẻ vẫn có thể mang khẩu trang, giữ khoảng cách khi trò chuyện, giao tiếp với bạn từ đó trẻ mới có một môi trường học tập thoải mái.

* Cảm ơn bác sĩ!

Phạm An (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI