Những "thỏi nam châm" của trạm y tế phường - xã

08/04/2021 - 06:51

PNO - Trong khi nhiều trạm y tế từng bị Bảo hiểm xã hội TP.HCM đưa vào danh sách ngưng khám bảo hiểm y tế do không hiệu quả, thiếu bác sĩ, vắng bệnh nhân… thì ngay tại nội thành TP.HCM, có nhiều trạm như thỏi nam châm hút bệnh nhân.

 

Bác sĩ của Trạm Y tế P.Tân Quý, Q.Tân Phú trao đổi chuyên môn với bác sĩ chuyên khoa của Bệnh viện Trưng Vương
Bác sĩ của Trạm Y tế P.Tân Quý, Q.Tân Phú trao đổi chuyên môn với bác sĩ chuyên khoa của Bệnh viện Trưng Vương

Bệnh nhân đông vì trạm y tế thay đổi

Nằm sâu trong con hẻm 440 đường Thống Nhất, Q.Gò Vấp nhưng Trạm Y tế phường 16 vẫn đông bệnh nhân đến khám bảo hiểm y tế (BHYT). Ngay tại cổng có bảng thông báo: “Trạm Y tế phường 16 có bác sĩ Bệnh viện (BV) Q.Gò Vấp, Trung tâm Y tế Q.Gò Vấp tham gia khám bệnh; có bác sĩ BV Nhi Đồng 2, Nhân dân Gia Định và các BV chuyên khoa của thành phố hỗ trợ chuyên môn”. 

Trạm có hai tầng lầu được sửa chữa mới, với nhiều khoa, phòng như BV tuyến huyện. Tại khu vực khám bệnh, trạm công bố danh sách 30 bác sĩ có học vị thạc sĩ, tiến sĩ từ các BV tuyến quận, tuyến cuối của thành phố hợp tác với trạm, chữa trị nhiều loại bệnh từ tiêu hóa, nội tiết, hô hấp, thần kinh, lão khoa, tim mạch, tiết niệu đến chấn thương chỉnh hình... Bên cạnh đó là danh mục kỹ thuật được thực hiện tại trạm, có phòng siêu âm, đo điện tim, máy sóng ngắn… kèm giá viện phí cụ thể. Người bệnh có thể so sánh giá với các phòng khám tư gần đó và cả BV tuyến trên.

Lúc 9 giờ ngày 3/4, có khoảng 30 bệnh nhân đến trạm khám, trong đó có nhiều người trẻ thế hệ 9X. Vừa đưa thẻ BHYT cho nhân viên nhập vào máy, anh Nguyễn Hùng Khoa (25 tuổi) cho hay: “Mấy bữa nay trời nóng, tôi bị viêm họng nên đến trạm nhờ bác sĩ khám, cho thuốc uống. Bệnh không quá nặng thì vào trạm y tế là tốt nhất, vì BV đông người, chen chúc mệt mỏi. Còn ra tiệm thuốc mua vừa tốn tiền vừa không có bác sĩ tư vấn, uống kháng sinh lung tung cũng lo”. Anh Hùng cho biết bác sĩ ở trạm tư vấn rất kỹ, chủ động hỏi thăm người bệnh, dặn dò còn hơn ở phòng mạch tư. Điều này lý giải vì sao trạm luôn có đông bệnh nhân. 

Nhiều bệnh nhân đến khám bảo hiểm y tế tại Trạm Y tế phường 27 quận Bình Thạnh
Nhiều bệnh nhân đến khám bảo hiểm y tế tại Trạm Y tế phường 27 quận Bình Thạnh

“Dù dịch COVID-19 nhưng mỗi ngày nơi đây có 120 - 130 bệnh nhân đến khám BHYT. Đó là chưa kể những người đến khám dịch vụ, tiêm vắc-xin… Trạm có bốn bác sĩ khám, bệnh nhân vào ra liên tục”, bác sĩ Nguyễn Thị Thương, Trưởng trạm Y tế phường 16, chia sẻ.

Trong khi diện tích Trạm Y tế P.27 Q.Bình Thạnh (địa chỉ 33 Thanh Đa) không rộng như BV nhưng đủ cạnh tranh với một phòng khám đa khoa cỡ lớn. Năm 2017, mỗi ngày trạm chỉ có 5 - 7 bệnh nhân đến khám BHYT, nhưng hiện tăng lên 60 - 80 ca. Ngay lối vào tiếp nhận bệnh là phòng nha và phòng khám y học cổ truyền hoành tráng.

Khu tiếp nhận bệnh được phân chia rõ ràng: quầy thu phí, quầy hướng dẫn, quầy nhận thuốc để người bệnh dễ làm thủ tục. Có mặt tại trạm lúc 10 giờ ngày 1/4, chúng tôi ghi nhận có hơn 40 bệnh nhân chờ khám. Điều lạ là có cả bệnh nhân từ các phường khác, thậm chí từ TP.Thủ Đức, tỉnh Bình Dương, Đồng Nai cũng đến đây. 

Không tính các trạm ngoại thành ở H.Cần Giờ, Bình Chánh, Củ Chi với số lượng bệnh nhân đến khám BHYT lên đến vài chục ngàn người, thì TP.HCM còn có nhiều trạm nội thành khác cũng đông bệnh nhân BHYT như: Trạm Y tế P.Tân Quý (Q.Tân Phú) với hơn 8.000 lượt người đến khám/năm, Trạm Y tế P.5 (Q.3) khoảng 1.200 bệnh nhân/năm...

Bệnh nhân trẻ đến khảm bảo hiểm y tế tại Trạm Y tế phường 16, Quận Gò Vấp
Bệnh nhân trẻ đến khảm bảo hiểm y tế tại Trạm Y tế phường 16, Quận Gò Vấp

Giải mã sức hút từ tuyến trạm

Điểm chung của trạm nội thành thu hút được người bệnh đến khám là không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc; đủ máy móc, bác sĩ kinh nghiệm, khám nhiều loại bệnh, dịch vụ xét nghiệm đa dạng như một phòng khám đa khoa. Các trạm còn triển khai thêm dịch vụ khám bệnh như tuyến trên để đáp ứng nhu cầu đa dạng của bệnh nhân và trang bị phòng telemedicine (khám chữa bệnh từ xa). Nếu gặp ca nặng thì hội chẩn gấp với các bác sĩ hàng đầu ở BV lớn, giúp bệnh nhân yên tâm điều trị.

Bác sĩ Võ Hồng Ngọc, Phó phòng Nghiệp vụ y Sở Y tế TP.HCM, cho rằng bản thân các trạm nỗ lực, biết chọn thế mạnh phù hợp làm mũi nhọn cạnh tranh. Ví dụ, Trạm Y tế P.Tân Quý, Q.Tân Phú phát triển lực lượng bác sĩ giỏi và đa dạng, có cả bác sĩ chẩn đoán hình ảnh riêng và lương y. Còn Trạm Y tế P.27, Q.Bình Thạnh được đầu tư máy X-quang, khám BHYT và tiêm vắc-xin dịch vụ cả sáng thứ Bảy. Trạm Y tế P.16, Q.Gò Vấp tăng cường dịch vụ khám chữa bệnh tại nhà, đẩy mạnh lĩnh vực đông y, phục hồi chức năng… Với các trạm nội thành, việc thu hút bệnh nhân đến khám còn cạnh tranh với nhiều BV lớn, phòng mạch tư… Do đó, bản thân trạm phải nỗ lực mỗi ngày, chứ không dậm chân tại chỗ.

Máy siêu âm hiện đại ở Trạm Y tế phường 16 quận Gò Vấp
Máy siêu âm hiện đại ở Trạm Y tế phường 16 Quận Gò Vấp

Để quảng bá hình ảnh thân thiện của Trạm Y tế P.16, Q.Gò Vấp, bác sĩ Nguyễn Thị Thương chia sẻ, trạm khuyến khích người lớn tuổi và bệnh nhân vào tập dưỡng sinh buổi sáng tại trạm với khuôn viên rộng rãi, nhiều cây xanh. Trạm còn dọn một phòng cho những bệnh nhân khám xong nhưng do trời nắng nóng chưa muốn về nhà, con cháu chưa đến đón, hay muốn ngồi chia sẻ chuyện nhà, chuyện cô đơn của tuổi già... Ở ngoài sân còn có những luống rau sạch để bà con có thể hái đem về sau khi khám bệnh.

Còn “thỏi nam châm” thu hút bệnh nhân đến với Trạm Y tế P.27 chính là bác sĩ Trưởng trạm Thân Thị Kim Lợi. Tốt nghiệp Trường đại học Y Dược TP.HCM, có bằng chuyên khoa 1 (tương đương thạc sĩ) nhưng chị muốn làm việc ở trạm để cống hiến cho y tế địa phương. “Trạm thu hút được người bệnh đến khám cũng nhờ lãnh đạo Q.Bình Thạnh, Sở Y tế TP.HCM hỗ trợ để mở rộng danh mục thuốc, mặt bệnh và các kỹ thuật. Tôi ước mơ Trạm y tế P.27 sẽ hình thành mô hình như một phòng khám đa khoa đúng nghĩa. Lúc đó, việc đầu tư máy móc, thu hút nhân sự dễ dàng hơn để phục vụ bệnh nhân tốt hơn”, bác sĩ Kim Lợi bày tỏ. 

Thu nhập cải thiện nhờ bệnh nhân bảo hiểm y tế 

Bác sĩ Nguyễn Thị Thương, Trưởng trạm Y tế P.16, Q.Gò Vấp, “bật mí“: “Tôi thường dặn nhân viên không được quyền từ chối bệnh nhân. Chính bệnh nhân cho chúng tôi những bài học về nghề, về cách phát triển trạm. Do đó, người bệnh đến đây, dù trạm không điều trị được cũng phải tư vấn người bệnh biết đi đến đâu để điều trị đúng bệnh. Chúng tôi trao đổi số điện thoại với bệnh nhân để nếu họ lo lắng thì có thể gọi bác sĩ tư vấn thêm…

Nhờ điều trị bằng cả tấm lòng nên nhiều bệnh nhân sau khi điều trị ổn định bệnh mạn tính ở BV thì quay về với trạm. Người bệnh đến đông nên thu nhập nhân viên tương đối ổn. Ngoài lương cố định, các khoản phúc lợi từ các chương trình y tế thì tùy mỗi tháng, chúng tôi còn các khoản thu nhập tăng thêm nhờ người bệnh đến khám, từ 20 - 50%”.

Trạm Y tế phường 16 Quận Gò Vấp trồng rau sạch tặng cho bệnh nhân đến khám bệnh

Trạm thu hút bệnh nhân, giải quyết được nhiều vấn đề

PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, chia sẻ: các trạm y tế thu hút được bệnh nhân BHYT là kết quả bước đầu của việc đổi mới theo nguyên lý y học gia đình. Ngoài việc phải cải tạo cơ sở hạ tầng, thiết bị thiết yếu ban đầu, danh mục thuốc đa dạng thì các trạm luôn có từ hai bác sĩ trở lên với chuyên môn vững. Điều này giúp trạm không thiếu bác sĩ khi bệnh nhân đến khám. Chưa kể, nhiều trạm vắng bệnh nhân, một phần vì bác sĩ thường đi họp. 

Để thu hút người bệnh, Sở Y tế sẽ không để các trạm đơn lẻ trong công tác khám chữa bệnh phục vụ người dân. Sở giao nhiệm vụ để bác sĩ BV quận về túc trực hỗ trợ, thấu hiểu công việc ở trạm. Còn bác sĩ ở trạm sẽ về BV quận để trải nghiệm, tiếp xúc nhiều bệnh nhân hơn. Công việc này sẽ luân phiên để chăm sóc người bệnh ở trạm tốt hơn. Sở cũng triển khai hình thức để các trạm khi gặp ca khó thì kết nối được ngay với các bác sĩ chuyên khoa ở BV như: BV Nhân dân 115, BV Nhi Đồng 1, BV Nguyễn Tri Phương… Người bệnh ở trạm sẽ gặp bác sĩ giỏi nhất của thành phố qua màn hình. Với cách làm này, bác sĩ ở trạm tự tin còn bệnh nhân an tâm. 

Khi trạm thu hút được bệnh nhân thì ngành y tế thành phố mới phát triển được nhiều vấn đề khác, như việc tham gia lập hồ sơ sức khỏe điện tử cho toàn dân, kết nối người dân để theo dõi bệnh mạn tính không lây… Nếu trạm không thu hút được người dân thì sẽ không triển khai được hoạt động này. Do đó, ngành y tế đòi hỏi các trạm phải nỗ lực thực hiện tốt hơn.

Văn Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI