Tôi cũng từng bị quỳ giống cô giáo T.N. Chỉ có điều, khi đó, tôi không phải là giáo viên.
Hồi đó tôi chừng 6 tuổi. Chuyện tôi đánh trả thằng bé hay gây sự trở thành to chuyện khi nó về méc mẹ. Mẹ nó xách đứa con trai bị đánh sưng trán đến gặp mẹ tôi bắt đền và không quên lớn tiếng “tố giác” để cả xóm cùng biết tôi “là con gái mà đánh nhau”. Mẹ tôi (có lẽ) xấu hổ vì chuyện đó nên một mực bắt tôi quỳ ngay trước mặt mẹ con “đối thủ”.
Lúc đó, tôi biết mình bị oan và không muốn quỳ trước một người còn sai hơn mình. Nhưng trước những ồn ào buộc tội và cả cơn nóng nảy của mẹ, tôi không còn cách nào khác.
Có lẽ, người ta sẽ thấy cái quỳ trẻ con đầy oan ức và thỏa hiệp của nó thật quen thuộc và khác xa cái quỳ gối mới đây của cô giáo T.N. Nhưng, bỏ qua những yếu tố liên quan đến tư cách hay hình ảnh nhà giáo thiêng liêng, để nhìn vào hành trình đã khiến cái hành vi cung kính, hay hạ mình nhận lỗi nọ - trở thành một lựa chọn để đạt được mục đích, giải quyết vấn đề. Và, khía cạnh ấy cho tôi thấy cái nét quen thuộc đến đau lòng của hành động quỳ gối đang thời sự.
Mỗi lần nhìn người ta xúm lại một đứa trẻ mới tập nói mà hồn nhiên yêu cầu: “ạ đi bà cho bánh”, “ạ đi bà lì xì”, rồi cả “chào hết cả nhà đi rồi mẹ mới đưa về”. Tôi hay thắc mắc, trước khi “ạ” để được cho bánh, được lì xì, được về nhà đó - đứa trẻ đã kịp hiểu cái “ạ” có ý nghĩa là gì chưa? Hay người lớn chỉ cảm thấy đó là việc bắt buộc phải làm? Đến mức, họ không thể kiên nhẫn để đợi ý thức đó lớn dần lên theo sự trưởng thành của một đứa trẻ mà phải bằng mọi giá để nó được thực hành.
Còn với trẻ con, trước mỗi điều kiện “ạ đi bà cho bánh” - thì mỗi cái dạ thưa đó trở thành một cách làm để đạt mục đích được có bánh, có tiền lì xì... Những hành động lễ phép được dạy, thậm chí được ép buộc phải thực hiện từ lúc mới bi bô tập nói, nhưng mãi đến khi trưởng thành, người ta lại chưa một lần được dạy để hiểu và trân trọng về những thực hành cung kính của mình.
Ta lại gặp những cái dạ thưa như thế trong những người trưởng thành hơn - những cái dạ thưa còn tréo ngoe và hạ mình hơn, vì những mục đích lớn hơn.
Những cái dạ thưa nén chặt trong công sở, làm một nhân viên “biết điều” và “được lòng sếp” để thuận đường thăng tiến. Những cái cúi đầu và giấm giúi phong bì vào xấp hồ sơ của cảnh sát giao thông, để giải quyết nhanh gọn một hành vi phạm luật mà tiếp tục công việc. Hay cũng những phong bì ấy, tiếp tục được giúi vào túi áo blouse trắng nơi bệnh viện, thay cho những lời cảm ơn và gửi gắm sinh mệnh của người thân.
Rồi cả những khoản biếu xén không chứa nổi trong một phong bì, để có được chỗ làm cho một cử nhân khỏe mạnh.
Những cái dạ thưa hay biếu xén đó, đều là những thực hành cung kính mang trong nó một lựa chọn giải quyết vấn đề, để đạt được mục đích, để được yên thân. Và lâu dần, khi sự “biết điều” trở thành một tiêu chí tuyển dụng, tiêu chí đánh giá “tiềm năng phát triển” của một nhân sự, khi sự “dễ bảo” trở thành một căn cứ để đánh giá đạo đức học trò - thì điều lớn nhất mà người ta được dạy là gì, nếu không phải là sự thỏa hiệp (mà biểu hiện cao nhất là nhịn nhục và quy hàng), để được lợi (dù cái lợi đôi khi chỉ là sự yên thân)?
Xã hội này không thiếu những nguyên tắc ràng buộc và giới hạn hành vi của con người. Nhưng, có vẻ như người ta đã được dạy quá nhiều về những phép tắc, mà không kịp hiểu và trân trọng chính những logic nhân bản đã khiến con người làm ra những phép tắc đó.
Rồi, người ta đội nón bảo hiểm vì sợ cảnh sát giao thông. Người ta chạy đúng tốc độ cũng vì sợ cảnh sát giao thông. Giáo viên lâu nay vốn quen bạo lực theo đúng “truyền thống yêu cho roi cho vọt” ở xứ mình, đến một ngày, chủ trương “chống bạo lực học đường” được truyền xuống, họ răm rắp thực hiện - vì “chủ trương”.
Rồi đến khi tinh thần không bạo lực đó lan tràn khắp xã hội và đến với cả phụ huynh, giáo viên lại có thêm một lý do để không dám bạo lực, là vì “sợ phụ huynh”.
Rồi trong cái giới hạn “không bạo lực” mới đặt ra cho công việc dạy học của mình, họ chật vật chỉnh sửa hành vi để đối phó với tất cả những “thế lực giám sát”. Các cô giáo mầm non có thêm “chiêu” mới để phạt trò, là đánh vào bàn chân, bật dây thun để không lưu lại dấu.
Phía quản lý thì nghĩ trăm phương ngàn cách để quản lý giáo viên. Trường mẫu giáo nào cũng lắp camera cùng khắp. Nhưng, mọi chiếc camera đều có “điểm chết”. Và phụ huynh, cấp quản lý, hay cả những quy chế sư phạm đều có lúc sẽ vắng mặt, để cơ hội cho bạo lực diễn ra.
Chỉ có lương tâm, tinh thần và triết lý giáo dục trong mỗi người làm thầy mới là thứ có thể luôn luôn có mặt để điều chỉnh và đồng hành tuyệt đối với hành trình giáo dục của họ.
Tiếc là, người ta chưa bao giờ “phổ biến” cho nhau hiểu thật sâu cái tinh thần giáo dục đã khiến cho cả thế giới văn minh phản đối bạo lực học đường.
“Không bạo lực” chỉ mới dừng lại ở quy chế, chủ trương. “Không bạo lực” chưa từng là một lời kêu gọi chạm được đến tinh thần giáo dục, quan điểm làm nghề để mỗi giáo viên hiểu rằng, đó là một cách giáo dục nhân văn, ưu việt, là một cảnh giới giáo dục mà họ buộc phải theo đuổi và bằng mọi cách thực hiện nó.
Và điều họ cần phải đối phó, là chính cái quán tính bạo lực phản giáo dục trong bản thân mình, chứ không phải một thế lực mang tên “phụ huynh”, “quản lý” hay “quy chế sư phạm”.
Rồi với phụ huynh, quản lý hay quy chế sư phạm - người ta lại có những lựa chọn giải quyết vấn đề khác, khác rất xa so với những tiếng nói chân thật từ ý thức của bản thân họ.
Có lẽ, cái quán tính giải quyết vấn đề đó sẽ mãi mãi là chuyện đương nhiên, nếu nó không được thể hiện đến mức cực đoan trong cái quỳ gối của cô giáo ở trường Bình Chánh. Cô chọn quỳ, “để mọi việc giải quyết xong”.
Lựa chọn này bị phản đối, vì nó va chạm tới lòng tôn sư trọng đạo và hình ảnh người thầy thiêng liêng trong mỗi người. Tôi không muốn bàn về cái quỳ gối trong tương quan với “sự cao quý của nghề giáo”, tôi chỉ nhìn nó như một lựa chọn giải quyết sự cố của một con người trưởng thành.
Nền giáo dục đương đại hẳn sẽ đau lòng vì sự cố đó xảy ra với chính nhân sự của họ.
Nhưng, một nền giáo dục đúng nghĩa sẽ phải đau lòng và phẫn nộ không kém, nếu nó là cái quỳ gối của một nhà báo, một tiểu thương, một viên chức, hay một người lao công… Vì khoảnh khắc đó đã tố cáo một lịch sử giáo dục khuyết trầm trọng một nội dung (hay thời lượng, chất lượng) về lòng tự trọng, về sự trân trọng và yêu thương chính những cử chỉ tuân thủ, cung kính, lễ phép, yêu thương của mình.
Thế giới này lâu nay quá bận bịu với những chuyện vô nghĩa. Những kỹ thuật “đắc nhân tâm” dẫn dụ cả thế giới vào mê cung phức tạp, chồng chéo và vô nghĩa của con người, để phỏng đoán, mưu tính và đối phó nhau. Giáo dục mải mê giảng dạy bằng những định nghĩa, khái niệm, tên gọi - mà không đi từ ý nghĩa bên trong của từng vỏ từ ấy để thuyết phục người học.
Thầy cô nói không với bạo lực là vì một giá trị giáo dục chứ không phải vì quy chế.
Nhân viên lễ phép với lãnh đạo là vì cái tôn trọng thực tâm của một người lớn lên trong xã hội có trên có dưới, nó khác xa sự thuần phục vô điều kiện để công việc thuận lợi.
Con cái vâng lời vì được những tình yêu và những giảng giải của bố mẹ thuyết phục, chứ không phải cái bất chấp quan điểm mà dằn lòng vâng lời vì “bố mẹ luôn đúng”.
Rồi lại cho ra đời những thế hệ giỏi làm vừa lòng, giỏi vâng lời và cũng giỏi đối phó, mà bất chấp những tiếng nói chân thật bên trong mình, chứ không cung cấp được cho thế giới đa dạng này một sinh thể độc lập có tư duy riêng.
Suy cho cùng, cái quỳ gối của cô giáo tiểu học tự nhận mình non nớt kia, cũng giống như một lựa chọn giải quyết vấn đề quen thuộc ở cả những người không còn non nớt. Và, khi nhớ về khoảnh khắc cũng mới đây thôi, sau khi thỏa hiệp với những lo lắng tột độ của gia đình, khi một tôi-trưởng-thành cầm phong bì đưa cho vị bác sĩ sản khoa sắp đỡ ca đẻ khó cho chị mình, tôi nhận ra rằng, cái quỳ gối nọ đã từng có trong tôi.
Minh Trâm