Những thầy hiệu trưởng “kiểu mới”

14/11/2023 - 17:08

PNO - Đó là thầy hiệu trưởng được học sinh ưu ái gọi là "quản gia", là thầy hiệu trưởng được học sinh tin tưởng và không ngại chia sẻ tâm tư, nguyện vọng.

Đầu năm học, Lê Minh Ngọc (lớp 10A3,Trường THPT Bà Điểm, huyện Hóc Môn) mạnh dạn gõ cửa phòng thầy hiệu trưởng đề nghị thành lập CLB hội họa và được đồng ý.

“Suốt thời đi học, em chưa bao giờ dám gõ cửa phòng hiệu trưởng để trình bày vấn đề gì vì rất sợ. Do vậy, khi nêu vấn đề với thầy hiệu trưởng, em rất lo sẽ bị thầy gạt đi. Nhưng thật bất ngờ là thầy nói thầy rất thích ý tưởng của em và kêu em viết đơn gửi thầy để giới thiệu trước toàn trường. Và thầy đã làm như thế thật” - Minh Ngọc hào hứng kể.

Quản gia của trường là… thầy hiệu trưởng

Sau buổi giới thiệu đầy ấn tượng về câu lạc bộ hội hoạ của thầy hiệu trưởng, Minh Ngọc liên tiếp nhận được đơn xin tham gia câu lạc bộ của học sinh trong trường. Số thành viên thời điểm đầu lên đến 50, đến từ 3 khối lớp.

Không chỉ ủng hộ, cổ vũ câu lạc bộ thành lập, thầy hiệu trưởng còn “tài trợ” giấy vẽ, màu vẽ...

Thầy Võ Thành Danh được học sinh ưu ái gọi là quản gia của trường
Thầy Võ Thành Danh được học sinh ưu ái gọi là quản gia của trường

“Hôm 20/10, bức vẽ tuyên truyền về hình tượng người phụ nữ của câu lạc bộ đã được thầy đặt ở sảnh trước của trường khiến chúng em rất bất ngờ, tự hào. Hiện nay, cả câu lạc bộ đang cùng chung tay để hoàn thiện bức tranh sáp dầu chào mừng ngày 20/11 theo đặt hàng của thầy hiệu trưởng” - Minh Ngọc chia sẻ.

Ngoài câu lạc bộ hội họa, năm học này câu lạc bộ đan móc Trường THPT Bà Điểm cũng được thành lập theo hình thức… đặt hàng với thầy hiệu trưởng, nâng tổng số câu lạc bộ toàn trường lên đến 22. Em Phan Hoàng Hương Giang, học sinh lớp 10A3, chủ nhiệm câu lạc bộ đan móc, cho biết thầy hiệu trưởng còn tài trợ len cho câu lạc bộ, và đặt hàng câu lạc bộ làm các sản phẩm móc khóa, hoa tặng thầy cô nhân ngày 20/11 tới.

Gần gũi với học sinh, lắng nghe và đáp ứng những yêu cầu chính đáng của học sinh, thầy Võ Thành Danh - Hiệu trưởng Trường THPT Bà Điểm - được học sinh ưu ái đặt biệt danh là “quản gia” của trường. Từ những câu chuyện như lớp bị nắng chiếu vào, máy lạnh quá lạnh, quạt bị hư… cho đến góp ý, đề xuất những ý tưởng cho trường hay thậm chí là những câu chuyện cá nhân, gia đình…, học sinh đều gõ cửa phòng thầy hiệu trưởng chia sẻ.

“Phòng học các lớp đều đã được dán tấm chống nắng rồi nhưng nhiều lớp vẫn bị nắng chiếu vào. Các em than nắng, tôi sẽ trực tiếp lên lớp đo và đặt mua tấm dán, vào ngày nghỉ sẽ cùng các em dán. Qua những việc nhỏ này, thầy trò thêm gần gũi, các em kể với mình những câu chuyện mà nếu không tin tưởng không dễ dàng gì các em chia sẻ” - thầy Danh cho hay.

Là chủ nhiệm câu lạc bộ khuyến học của trường, thầy Danh sâu sát đến hoàn cảnh học sinh một cách rất tế nhị. Hàng tháng, qua danh sách học sinh “khất” đóng tiền học, thầy đều yêu cầu giáo viên chủ nhiệm tìm hiểu lý do vì sao để có thể hỗ trợ các em kịp thời.

“Có học sinh lớp 11 em khất đóng tiền học, khi tìm hiểu mới biết ba em bị ngã giàn giáo, sau em còn có 2 em nữa đang tuổi ăn học. Nhà trường đã trích nguồn quỹ khuyến học để hỗ trợ em đóng học phí và hỗ trợ thêm gia đình em” - thầy Danh kể.

Câu lạc bộ hội hoạ được thầy Danh tài trợ giấy, bút vẽ
Câu lạc bộ hội họa được thầy Danh tài trợ giấy, bút vẽ

Theo thầy Danh, hiện nay, nếu hiệu trưởng “đóng cửa phòng làm việc” với học sinh là đi ngược xu thế giáo dục tích cực. Để hiểu học sinh, để học sinh cởi mở, chia sẻ thì hiệu trưởng phải tìm đến học sinh.

“Khi nhìn thấy học trò bày tỏ tình cảm trong trường, tôi chỉ nhắc các em hãy xem tình cảm đó như động lực để cùng cố gắng, phấn đấu vì mục tiêu tương lai. Vì thế, nhiều em sẵn sàng kể cho tôi nghe câu chuyện của các em. Với tôi, niềm vui mỗi ngày đến trường là được học sinh tin tưởng… làm phiền” - thầy Danh vui vẻ.

Công khai số điện thoại, Facebook xin học sinh… hiến kế

Ngày đầu “ra mắt” gần 2.000 học sinh, thầy Nguyễn Hùng Khương - Hiệu trưởng Trường THPT Ten lơ man (quận 1) - công khai số điện thoại, Facebook cá nhân và nhắn học sinh mạnh dạn góp ý, hiến kế, “đặt hàng” hiệu trưởng để cùng xây dựng trường. Ngay sau khi công khai, điện thoại thầy hiệu trưởng đổ chuông liên tục, tin nhắn gửi đến tới tấp…

Thầy Nguyễn Hùng Khương công khai số điện thoại, Facebook cá nhân đến học sinh toàn trường
Thầy Nguyễn Hùng Khương 

“Nội quy của trường có quy định là nam không được để tóc mái dài qua chân mày. Hiện nay thời đại 4.0, việc ăn diện hay vẻ bề ngoài rất được quan tâm, việc để tóc mái dài hơn một chút cũng giúp nhiều bạn tự tin hơn. Em mong thầy hiệu trưởng có thể xem lại về quy định này…” - em N.S - học sinh lớp 11 gửi tin nhắn đến thầy hiệu trưởng. 

Thầy Nguyễn Hùng Khương kể, khi được gợi mở, học sinh rất thẳng thắn trình bày quan điểm, thể hiện ý kiến cá nhân của mình về việc giảng dạy của giáo viên, về cơ sở vật chất, về các hoạt động giáo dục, nội quy nhà trường, mong muốn góp sức xây dựng trường phát triển. Có em bày tỏ mong muốn trường tổ chức thêm giải bóng đá. Có em “đặt hàng” thầy hiệu trưởng sửa chữa nhà vệ sinh khu A, điều chỉnh nội quy, đầu tư thêm để các câu lạc bộ phát triển… Ngoài điện thoại, nhắn tin, học sinh còn trực tiếp xin gặp để trình bày ý kiến.

Trường học hạnh phúc do chính học sinh hiến kế
Trường học hạnh phúc do chính học sinh "hiến kế"

Từ những đề xuất, góp ý của học sinh, thầy Khương đã tổ chức đối thoại để lắng nghe ý kiến của các em nhiều hơn. Đồng thời, bàn với hội đồng sư phạm nhà trường các giải pháp để đáp ứng các yêu cầu, góp ý của học sinh trong thời gian tới. Trước mắt, trường sẽ xin chủ trương để sửa chữa nhà vệ sinh và tạo thêm nhiều sân chơi, hỗ trợ hoạt động các câu lạc bộ để học sinh phát triển năng khiếu, tạo môi trường học tập vui vẻ, thân thiện.

“Để xây dựng trường học hạnh phúc rất cần sự chung tay của học sinh. Hiệu trường càng gần học sinh bao nhiêu sẽ càng “được” bấy nhiêu. Chỉ khi học sinh được học tập, sinh hoạt trong môi trường mà các em mong ước, khi đó mới thực sự có trường học hạnh phúc...”.

Quốc Trung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI