Những thầy giáo tận tụy vì học trò Mã Liềng

11/11/2023 - 06:31

PNO - Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và THCS Lâm Hóa (xã Lâm Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình) ở sâu giữa núi rừng Trường Sơn. Dù vậy trường vẫn đón nhận gần 300 học sinh, với 152 em là người Mã Liềng. Đó là nhờ vào sự kiên trì của những người thầy quyết không để các em thất học.

 

Ngày ngày, thầy giáo Lê Viết Minh vẫn say sưa dạy học cho học sinh đồng bào Mã Liềng - Ảnh do nhân vật cung cấp
Ngày ngày, thầy giáo Lê Viết Minh vẫn say sưa dạy học cho học sinh đồng bào Mã Liềng - Ảnh do nhân vật cung cấp

Vào tận miền Nam đưa học trò về đi học

Xã Lâm Hóa rộng hơn 100km2 nhưng chỉ có gần 1.300 người, 50% là người Mã Liềng. Ở đây, các thầy cô phải tốn nhiều công sức để “bắt” học sinh đến trường.

Thầy Nguyễn Hữu Tâm - Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và THCS Lâm Hóa - cho biết: “Đầu năm học, giáo viên đã đến từng thôn, bản động viên các em đi học. Được 1, 2 tháng, các em lại nghỉ học. Có phụ huynh mắng thẳng: Đã không thích học rồi, thầy cứ lì lợm”.

Hiện, trường có khoảng 7 em học sinh muốn bỏ học. Sợ thầy cô sau đó lại đến “bắt” về trường, các em thường trốn sang các xã khác rồi bắt xe vào các thành phố xin làm thuê, có em đã bỏ học vào miền Nam. 
Một phần vì không muốn các em nghỉ học, phần thì sợ các em bị lừa lọc nên thầy cô đã tìm mọi cách đưa các em về.

Năm 2018, khi vừa lên trường nhận công tác, thầy Hữu Tâm đã đưa ra giải pháp vào tận miền Nam “bắt” học sinh quay lại trường. Thầy Hoàng Ngọc Lâm - người được giao trọng trách này - nhớ lại: “Năm 2019, chuẩn bị thi học kỳ I, trường có 8 học sinh lớp Chín bỏ học, theo lời rủ rê vào miền Nam. Thầy Tâm giao tôi phối hợp cùng 1 công an xã vào đưa các em về”. Mất gần cả tuần tìm kiếm khắp các ngóc ngách ở TPHCM, tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, “đội đặc nhiệm” mới tìm được 7 em. Từ năm 2018 đến nay, trường đã tổ chức 5 lần như vậy, tìm và đưa được 13 học sinh trở về, đi học lại. 

Người thầy của 4 thế hệ đồng bào

Bên bìa rừng núi Quạt là điểm trường bản Cáo của Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và THCS Lâm Hóa, nơi thầy Lê Viết Minh (59 tuổi) đã gắn bó với các học sinh đồng bào Mã Liềng suốt gần 4 thế hệ. Thầy tâm sự: “Năm 1988, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự ở mặt trận Vị Xuyên (tỉnh Hà Giang) trở về tỉnh Quảng Bình, tôi xung phong đi học trung cấp tiểu học với mong muốn vào xã Lâm Hóa dạy chữ cho con em Mã Liềng”.

Năm 1992, thầy tốt nghiệp, được phân công về dạy ở bản Kè. Năm ấy, từ xã Lâm Hóa vào Kè, thầy phải đi bộ hơn 2 giờ đồng hồ, vượt suối, mưa lũ. Ban ngày, thầy dạy học trò trong lán dựng lên từ tre luồng, mái lợp lá cọ. Đêm đến, thầy dạy người lớn ở lớp xóa mù chữ dưới ánh đuốc.

Nhìn lại, thầy đã có hơn 30 năm gắn bó với đồng bào. Già Cao Dụng ở bản Kè nhớ lại: “Năm xưa, thầy Minh vào đây dạy mình, rồi dạy thằng Cao Ngụ con mình. Con nó lớn lên cũng tiếp tục học thầy Minh. Giờ đây, đến bậc chắt của đồng bào Mã Liềng được thầy Minh cho chữ đấy”. Một học trò Mã Liềng của thầy là Nguyễn Thế Trường đã tốt nghiệp Trường đại học Y Huế, nay là Phó trạm trưởng Trạm Y tế xã Lâm Hóa.

Ông Hồ Phong - một phụ huynh ở bản Chuối - kể: “Thầy còn đến bản Chuối dạy, rồi đưa chữ đến bản Cáo, tất cả đều vì học trò Mã Liềng. Hồi xưa, mình học với thầy, khổ lắm. Thầy ở lại cắm bản, ăn cùng dân, ở cùng dân, mua gạo cho học sinh ăn nên ai cũng kính trọng”. Ngày nay, con em người Mã Liềng đi học được nhà nước đài thọ, cung cấp tiền ăn, nhưng không ít em hoàn cảnh quá khó khăn, thầy Minh lại mua mì, sữa, kẹo bánh tặng bữa sáng cho các cháu. 

Ông Hồ Duy Thiện - nguyên Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa - kể: “Năm 2001, tôi lên làm việc ở xã Lâm Hóa, người ta kể về thầy Minh rất nhiều. Thầy lo cho dân bản, lúc đó 36 tuổi vẫn chưa có vợ. Tôi chỉ đạo đưa thầy về xã Lâm Hóa dạy để kiếm vợ. Bà con Mã Liềng lúc đó họp, già làng xin thầy ở lại. Chúng tôi giải thích là cho thầy về quê, khi được vợ sẽ đưa thầy lên lại với đồng bào”. 

Giờ thì gia đình thầy Minh đã có 2 đứa con ngoan hiền. “Vợ tôi cũng là giáo viên, từng đi bộ cùng tôi, vào dạy ở Mã Liềng. Con em Mã Liềng đã tiến gần hơn với tri thức và nhờ con chữ, bản làng Lâm Hóa đang ngày một đổi thay. Đó là điều hạnh phúc nhất, níu tôi ở lại với mảnh đất này” - thầy Minh xúc động nói. 

 Thuận Hóa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI