Cho con ngày vui

Những thay đổi, xáo trộn đang 'quá sức' đối với trẻ em

22/08/2021 - 07:04

PNO - Giao lưu với bạn bè là nhu cầu rất tự nhiên, chính đáng và không thể thiếu đối với trẻ. Tuy nhiên, khi giãn cách, trẻ không được đáp ứng nhu cầu này.

Theo các chuyên gia tâm lý, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang hoành hành, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội như hiện nay, các bậc phụ huynh càng cần đồng hành cùng con hơn bao giờ hết.

Trước khi con cái thay đổi, bố mẹ phải thay đổi mới có thể truyền được những cảm xúc tích cực đến con đồng thời luôn song hành với con để cùng giải quyết mọi tình huống biến động xảy ra vì COVID-19. Bởi, trong nguy cơ tổn thương và chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh, đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất là trẻ em. 

Nhàm chán là tâm lý chung của trẻ em trong những ngày không được đến trường và phải ở nhà thực hiện giãn cách để phòng, chống dịch.

Theo phó giáo sư - tiến sĩ tâm lý học Trần Thành Nam, trẻ em dưới 10 tuổi là nhóm đối tượng dễ stress hơn vì các em chưa đủ năng lượng để kiểm soát cảm xúc, chưa biết tự điều phối và hướng mối quan tâm của mình vào các kế hoạch cá nhân với mục tiêu, hoạt động cụ thể.

Ông đưa ra giải pháp giúp phụ huynh có thể giúp con cái giảm bớt sự nhàm chán bằng việc cùng con lập thời gian biểu (bố/mẹ định hướng, gợi ý và bàn luận những đề xuất của con).

Bà Đoàn Thị Hương -  thạc sĩ tâm lý lâm sàng  trẻ em và vị thành niên
Bà Đoàn Thị Hương - thạc sĩ tâm lý lâm sàng trẻ em và vị thành niên

Theo ông, thời gian biểu của trẻ nên cân bằng cả ba yếu tố: thân (các hoạt động rèn luyện kỷ luật, vận động thân thể), tuệ (là những kiến thức con cần học và kiến thức con nên học), tâm (những hoạt động giải trí, thư giãn tâm lý).

Trẻ bị lây lan sự tức giận, lo âu… từ người lớn

21 triệu trẻ em đang là đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp từ đại dịch COVID-19. Trường học đóng cửa, trẻ phải làm quen với việc học online từ những năm đầu tiểu học; nhiều trẻ bị ảnh hưởng cả tinh thần và thể chất do bố mẹ mất việc.

Với 6 triệu trẻ khuyết tật, những ảnh hưởng từ đại dịch còn cao hơn. Khó khăn ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe, COVID-19 không chừa một ai hay lứa tuổi nào. Song, theo các chuyên gia tâm lý, những thay đổi, xáo trộn đó là “quá sức” đối với trẻ em.

Do đó, không còn cách nào khác là bố mẹ phải đồng hành cùng con trong những ngày “không thể đặc biệt hơn” này.

Một trong những yếu tố ảnh hưởng lớn đến trẻ em trong mùa dịch là việc học liên tục bị xáo trộn. Bà Đoàn Thị Hương - thạc sĩ tâm lý lâm sàng trẻ em và vị thành niên, Viện Tâm lý và Tâm thần học Việt - Pháp - phân tích: “Bất kỳ xáo trộn nào trong sinh hoạt, trong cuộc sống đều gây ra những lo âu, căng thẳng nhất định.

Trẻ em không ngoại lệ. Việc trẻ phải dừng đến trường, những buổi đầu các em có thể vui mừng vì ngày mai không phải đi học nữa.

Tuy nhiên, cảm xúc này không tồn tại được lâu. Nhiều cảm xúc tiêu cực sinh ra từ xáo trộn trong cuộc sống sẽ tích lũy dần và ảnh hưởng đến trẻ, khiến các em dễ căng thẳng, cáu gắt, lo lắng…

Nhịp sinh hoạt như giờ ăn, giờ ngủ cùng rất nhiều hoạt động khác của các em cũng bị ảnh hưởng. Đó là chưa kể những trẻ có sẵn vấn đề về tâm lý như lo âu, trầm cảm…

Đặc biệt, trong những ngày rất nhiều gia đình phải thực hiện giãn cách, chính những căng thẳng, stress của phụ huynh cũng vô tình ảnh hưởng đến sự tương tác trong gia đình, bầu không khí trong gia đình cũng như cách làm cha mẹ; đồng thời những cảm xúc, tâm lý của bố mẹ cũng sẽ ảnh hưởng gián tiếp đến tâm lý của con cái.

Trẻ có thể bị lây lan sự tức giận, lo âu… đó. Việc trẻ không được đến trường cùng những xáo trộn, căng thẳng do dịch COVID-19 gây ra trong cuộc sống hằng ngày không chỉ ảnh hưởng đến tâm lý của các em mà còn ảnh hưởng đến cả những khía cạnh cần thiết khác như: nhu cầu giao lưu, giao tiếp, tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, vận động thể chất và rất nhiều cơ hội khác”.

Bố mẹ cần một khoảng thời gian tối thiểu trong ngày để chơi với con 

Một trong những vấn đề lớn mà cả cha mẹ và trẻ phải đối mặt là học online. Rất nhiều chuyện bi hài trong giờ học trực tuyến đã được các phụ huynh trải nghiệm và chia sẻ.

Bà Đoàn Thị Hương chia sẻ: “Mỗi giai đoạn, mỗi lứa tuổi, ý chí và khả năng tập trung, ghi nhớ của các em là khác nhau. Dù lứa tuổi nào, khi học online mà ngó ngoáy, không tập trung, có những chống đối nhất định cũng là chuyện thường xảy ra, đặc biệt với lứa tuổi tiểu học và đầu trung học cơ sở.

Đó không phải là hành vi hư hỗn hay cố tình giả vờ gây ảnh hưởng đến phụ huynh mà là đặc điểm có thể xảy ra ở nhiều trẻ. Việc ngồi đối mặt với màn hình rất khác với ngồi trong lớp. Ngồi học mà đối mặt với màn hình rất dễ gây ra cảm giác không thoải mái. Trong giai đoạn này, có quá nhiều thứ trẻ phải thích ứng, phải thay đổi, chưa kể cùng với đó là sự nhàm chán”.

Theo các chuyên gia tâm ý, khi trẻ có những lý do để trốn tránh việc học online, bố mẹ không nên cho rằng đó là hành vi giả vờ, gây chú ý của con mà nên thấy đó là một tín hiệu báo cho chúng ta biết rằng con đang không thoải mái, không ổn, cần sự giúp đỡ. Lúc con thực hiện hành vi đó, bố mẹ nên nhắc nhở nhẹ hoặc phớt lờ.

Thế nhưng sau buổi học, bố mẹ nên ngồi cùng con để trao đổi về điều này. Bố hoặc mẹ hoàn toàn có thể chia sẻ rằng: “Khi con học online, bố/mẹ thấy con đang không tập trung, đang không thoải mái… Con có thể chia sẻ những cảm giác của con khi đó với bố/mẹ không?”.

Bà Đoàn Thị Hương khuyên phụ huynh nên lắng nghe, ghi nhận những điều mà con cái chia sẻ và cần phản hồi theo hướng thấu hiểu với con, rằng bố/mẹ hiểu là không dễ dàng, không thoải mái khi các con phải học online trong thời gian dài…

Bà Đoàn Thị Hương đưa ra giải pháp: “Phụ huynh cần giải thích với con rằng đây là tình huống cả bố/mẹ, con, thầy cô và mọi người đều không mong muốn. Việc học online là nhiệm vụ mà tất cả học sinh đều phải đối diện trong hoàn cảnh này, bởi đó là giải pháp tốt nhất cho học sinh trong đại dịch.

Chúng ta không thể tránh được nhiệm vụ này nhưng bố/mẹ rất mong muốn có thể lắng nghe con, thảo luận với con xem có cách nào để con có thể vẫn học online mà cảm thấy đỡ khó khăn hơn”.

Sau đó, bố/mẹ nên nghe ý kiến của con cũng như chủ động có những cách thức để giúp con, ví dụ cùng con cố gắng biến việc học online thành một trò chơi - như là một nhiệm vụ mang tính thử thách chẳng hạn.

Bố/mẹ có thể giúp con, đặc biệt là những trẻ có khả năng tập trung kém tách nhỏ tiết học ra một chút, chẳng hạn cứ 10-15 phút cho phép con làm một động tác nhỏ - những động tác không gây ảnh hưởng đến tiết học cũng như không gây ảnh hưởng đến bầu không khí chung, như lấy nước để uống.

Có gia đình, bố mẹ tận dụng thời gian giãn cách phòng dịch  để trang bị kỹ năng nấu nướng cho con - ẢNH: YÊU BẾP
Có gia đình, bố mẹ tận dụng thời gian giãn cách phòng dịch để trang bị kỹ năng nấu nướng cho con - ẢNH: YÊU BẾP

Với những trẻ lần đầu học online, bố mẹ phải đầu tư thời gian, ngồi học cùng con trong vài buổi đầu và luôn có sự ghi nhận, khích lệ những cố gắng của con.

Đặc biệt, giao lưu với bạn bè là nhu cầu rất tự nhiên, chính đáng và không thể thiếu đối với trẻ. Tuy nhiên, khi giãn cách, trẻ không được đáp ứng nhu cầu này.

Do đó, bố mẹ cần duy trì một khoảng thời gian tối thiểu trong ngày để trở thành những người bạn cùng chơi với con. Bố mẹ rất nên, rất cần xem bối cảnh này là cơ hội để có thể tương tác, kết nối, cũng như thể hiện tình yêu thương và thấu hiểu con cái nhiều hơn. 

Ngọc Minh Tâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI