Những thay đổi từ Trung Quốc khiến chúng ta phải tính toán lại

06/11/2019 - 11:15

PNO - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT - Nguyễn Xuân Cường cho rằng, trong quan hệ thị trường với Trung Quốc, gần đây Việt Nam phải chủ động thay đổi cơ chế bởi những chính sách nhập khẩu của nước này liên tục thay đổi.

Tình trạng nông sản rớt giá hàng loạt, những ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung với nông sản Việt Nam hay các vấn đề liên quan đến đời sống nông dân không được cải thiện... được rất nhiều đại biểu đặt ra với Bộ trưởng Bộ NN&PTNT - Nguyễn Xuân Cường trong buổi chất vấn Bộ trưởng Bộ NN&PTNT- Nguyễn Xuân Cường tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV sáng 6/11.

Trung Quốc thay đổi

Đại biểu Trần Thị Hiền, tỉnh Hà Nam đặt chất vấn Bộ Nông Nghiệp về khó khăn giữa quan hệ thương mại của Việt Nam, Hoa Kỳ và Việt Nam với Trung Quốc.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định, Hoa Kỳ và Trung Quốc là hai đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Trong đó có sản phẩm nông nghiệp của chúng ta. 

Thị trường Trung Quốc được cho là "thị trường khổng lồ có 1,4 tỷ dân, trong đó mỗi năm nhập khẩu 150 tỷ USD nông sản. Những năm qua chúng ta khai thác được, lợi thế kề cạnh thị trường bạn; văn hoá tiêu thụ gần như nhau; có nhóm nông sản bộ trợ cho nhau.

Ví dụ, Việt Nam có nhóm nông sản nhiệt đới mà Trung Quốc rất thích vì họ không thể có được lợi thế như Việt Nam. Do đó, 2018 chúng ta xuất sang Trung Quốc 8,7 tỷ USD nông sản, nhập về gần 3 tỷ USD. Đây là thị trường chúng ta có thặng dư, có tổng khối lượng về thương mại lớn nhất trong tất cả 6 thị trường lớn của Việt Nam.

Tuy nhiên, từ năm 2018 Trung Quốc có một bước chuyển rất căn bản về cơ quan quản lý thị trường. Nếu như trước kia từ nhiều bộ phận thuộc Bộ nông nghiệp nhưng năm vừa rồi chuyển sang Tổng cục hải quan quản lý. 

Thay đổi nữa là trước đây ngoài chính ngạch, Trung Quốc có cho phép nhập khẩu tiểu ngạch nhưng đến gần đây thì tất cả 100% mặt hàng yêu cầu phải nhập chính ngạch hết.

Ngoài ra, Trung Quốc quay trở lại quan tâm đến nhóm sản phẩm nông nghiệp, tập trung chấn hưng nông nghiệp, nông thôn bằng các chương trình, dự án rất cụ thể, do đó nhóm sản phẩm nông sản của nước này tăng rất nhanh. Ngay như lương thực chẳng hạn, năm 2018 Trung Quốc nhập đến 5-6 triệu tấn gạo/năm nay lại xuất khẩu được gạo. 

Nhung thay doi tu Trung Quoc khien chung ta phai tinh toan lai
Đại biểu Trần Thị Hiền, tỉnh Hà Nam đặt chất vấn Bộ Nông Nghiệp về khó khăn giữa quan hệ thương mại của Việt Nam, Hoa Kỳ và Việt Nam với Trung Quốc. Ảnh chụp màn hình

"Do đó chúng ta phải tính 3 nguy cơ này, để từ đó cơ cấu lại, hướng sản xuất, tổ chức lại thị trường chúng ta", Bộ trưởng Bộ NNPTNT cho biết.

Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, đặc biệt là Bộ Nông nghiệp, Bộ Công Thương, Đại sứ Bộ ngoại giao, các địa phương nhất là các địa phương biên giới. Chúng ta nắm bắt được tình hình để chương trình hành động một cách chủ động. Riêng năm nay, chúng ta làm việc 6 lần với đại sứ vùng 3 của các bạn. Vừa qua, chúng tôi cũng mời Bộ nông nghiệp Trung Quốc sang làm việc.

Một là chúng tôi sẽ áp dụng, nhất trí với việc nhập khẩu hoàn toàn bằng đường chính ngạch, việc này phù hợp với các bạn và cũng phù hợp với Việt Nam. 

Thứ hai, tăng cường trao đổi tháo gỡ những thủ tục hành chính mà giai đoạn chuyển tiếp còn khó khăn. 

Thứ ba, đề nghị Trung Quốc nhập nhiều hơn các sản phẩm cho nhập chính thức, hiện nay nhập chính thức chúng ta chỉ có 9 loại quả tươi sang Trung Quốc, về thuỷ sản có 128 loại, vừa được bổ sung 17 loại. Đồng thời tăng số lượng doanh nghiệp được cấp phép, chẳng hạn thuỷ sản hiện có 600 doanh nghiệp, chúng ta đang kiến nghị bổ sung thêm. 

Kết quả nữa rất tích cực 2 bên ký nghị định thư vào tháng 4//2019, thì đến ngày 22/10 vừa qua chúng ta đã xuất được lô sữa đầu tiên đi Trung Quốc, mở ra triển vọng thị trường sữa 10 tỷ USD. Chúng tôi tiếp tục trình với cơ quan chuyên ngành nước bạn thêm 9 loại trái cây, chúng tôi ưu tiên thứ tự những loại trái cây có sản lượng lớn của Việt Nam.

Nhung thay doi tu Trung Quoc khien chung ta phai tinh toan lai
Việt Nam đã xuất khẩu được lô sữa đầu tiên sang  trị trường Trung Quốc

Nông nghiệp Việt Nam cũng đang thay đổi

Liên quan đến vấn đề chất lượng nông sản, bà Lê Thị Nguyệt - Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc chất vấn đến vai trò giám sát chất lượng sản phẩm từ các cơ quan chuyên trách.

Theo bà Nguyệt, hệ thống thanh tra từ Trung ương đến địa phương chưa được quan tâm về tổ chức cũng như đầu tư các phương tiện cần thiết đảm bảo minh bạch theo chuẩn quốc gia, quốc tế… chưa kể các tổ chức kiểm nghiệm chứng nhận sản phẩm của khu vực ngoài Nhà nước chưa được tạo điều kiện phát triển, tham gia giám sát chất lượng nông sản thực phẩm. 

"Có giải pháp gì để nông sản, thực phẩm của Việt Nam khi thông quan không bị ép bán giá rẻ, hoặc “quay đầu” vì không đạt yêu cầu quốc tế?", bà Nguyệt đặt câu hỏi.

Nhung thay doi tu Trung Quoc khien chung ta phai tinh toan lai
Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường có hơn 96 đại biểu đăng ký chất vấn

“Chúng ta đang hoạt động bám vào tiêu chuẩn, quy chuẩn hoàn toàn phụ thuộc vào công nghệ các phòng kiểm nghiệm, phòng công nhận các hoạt động kiểm soát. Một tin rất vui để đánh giá các hoạt động này, đó là vừa qua Hoa Kỳ ính thức công nhận hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm cá da trơn của Việt Nam tương đương Mỹ, khi kiểm soát an toàn thực phẩm với con cá tra", ông Cường cho hay.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho hay, công tác kiểm soát chất lượng là khâu hết sức quan trọng. Hiện Bộ đã có Cục quản lý chất lượng (dưới đó là có 6 chi Cục của 6 vùng) đang thực hiện đường hướng xã hội hoá, có nghĩa là tất cả các doanh nghiệp, cá nhân đều có điều kiện tham gia chuỗi kiểm soát này.

Tiếp tục lấy ngành hàng cá tra làm ví dụ, ông Cường cho biết, con cá tra những năm gần đây rất khó vào thị trường Mỹ. Để Mỹ công nhận hệ thống kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm tương đương với họ chứng tỏ rằng các khâu từ ban hành văn bản pháp luật đến các khâu khác… đã dần đồng bộ.

"Khi thực hiện đánh giá, điểm của mặt hàng cá tra Việt Nam là số 1 (trên 80 điểm) so với Trung Quốc chỉ đứng vị trí thứ 2 (50 điểm) và Thái Lan số 3. Qua đó cũng là ví dụ cho thấy rằng chúng ta đang hoàn thiện hơn chuỗi kiểm soát an toàn thực phẩm, không chỉ riêng con cá mà các mặt hàng khác", ông Cường nhấn mạnh.

Đối với vấn đề, lâu nay từ Trung ương đến địa phương đều nhận định, đánh giá sản xuất nông nghiệp là nhỏ lẻ, manh mún... Đến bao giờ và giải pháp như thế nào để khắc phục dứt điểm nhận định trên, nhất là khi chúng ta đang bước vào cách mạng công nghiệp 4.0 (?) được đại biểu tỉnh Vĩnh Phúc đưa ra. Bộ trưởng Cường cho biết, đây là vấn đề chúng ta đang quyết tâm nhưng không thể giải quyết một sớm một chiều, “bởi vì 6,8 triệu hộ, 70 triệu miếng ruộng thì làm sao nhanh được”.

Ngay cả trường hợp tỉnh Vĩnh Phúc, địa phương thực hiện hiệu quả việc dồn điền đổi thửa, nhưng đó cũng chỉ là một bước. Dồn điền đổi thừa thật ra là mỗi hộ 3 sào thì thành 1 miếng 1000 m2, chưa đạt mức 1 hecta, 2 hecta.

Vấn đề này đi đôi với chính sách chung và phải tháo gỡ những nút thắt khác mà cụ thể là vấn đề về đất đai. Thủ tướng chính phủ đã giao cho Bộ Tài nguyên môi trường cùng với các Bộ tập trung khắc phục các vấn đề tích tụ đất đai. Từ đó, chúng ta mới có thể giảm nhanh số hộ nhỏ lẻ cùng với phát triển cơ cấu kinh tế đất nước, tăng dần dịch vụ, tăng dần đô thị, tăng dần công nghiệp giảm bớt nông nghiệp thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước, góp phần sản xuất lớn tăng lên.

Cũng tại phiên chất vấn sáng nay, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng đưa ra lý giải một số nhóm hàng nông sản như hạt tiêu, cao su, cà phê... liên tục rớt giá khiến nông dân thua lỗ do nguồn cung các sản phẩm này đã vượt nhu cầu. 

Chẳng hạn, diện tích cà phê, hồ tiêu của Việt Nam phát triển quá nóng khi giá những mặt hàng này tăng cao, đến nay sản lượng đã vượt nhu cầu của thế giới dẫn đến giá giảm.

Đối với mặt hàng cao su, ông Cường cho rằng, hiện các nhà sản xuất trên thế giới vẫn nhắm đến các nguyên liệu hóa thạch từ dầu mỏ nên những sản phẩm cao su thiên nhiên chưa thể phục hồi. Tuy nhiên, trong tương lai, nhu cầu chắc chắn sẽ có vì xu hướng tiêu dùng các sản phẩm từ thiên nhiên được cho là tất nhiên của thế giới văn minh.

Để đối phó với tình trạng nông sản rớt giá, hiện Bộ đang chuyển hướng sang tập trung vào chiến lược thay đổi cách bán hàng, tập trung vào các sản phẩm chế biến, sản phẩm có chất lượng cao...

Với hồ tiêu ngoài các sản phẩm vốn có, các nhà sản xuất hồ tiêu còn đang chuyển sang hướng phát triển các sản phẩm có giá trị cao như dầu hạt tiêu, hạt tiêu hữu cơ... Hay ngành gạo cũng sẽ được định hướng giảm dần diện tích, chuyển đổi sang các giống cây trồng có giá trị cao, hay phát triển những giống lúa dược liệu vốn đang dần trở thành xu hướng tiêu dùng tại nhiều thị trường.

Quốc Thái

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI