Những thánh đường Hồi giáo tuyệt đẹp ở An Giang

01/11/2024 - 09:09

PNO - Du lịch đến An Giang ngoài thăm viếng miếu Bà Chúa Xứ linh thiêng, bạn có thể ghé check-in các thánh đường Hồi giáo để chiêm ngưỡng vẻ đẹp mang đậm sắc màu Hồi giáo và phong cách kiến trúc của người Chăm theo đạo Hồi (Islam) nơi đây.

Một trong số đó là thánh đường Masjid Jamiul Azhar, ở xã Châu Phong, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang. Ngôi thánh đường trông khá giản dị nhưng đầy tinh tế và uy nghiêm nằm ẩn mình trong ngôi làng Chăm lâu đời.

Nhìn từ xa, thánh đường Masjid Jamiul Azhar gây ấn tượng và thích thú cho nhiều du khách bởi vẻ đẹp thuần khiết với 2 gam màu chủ đạo là trắng và xanh ngọc; phong cách thiết kế đơn giản mái vòm đặc trưng có biểu tượng vầng trăng khuyết và ngôi sao 5 cánh (thể hiện âm lịch đạo Hồi và sự thành tâm thuận theo ý Đấng toàn năng - Allah)…

Phía sau cổng thánh đường, nằm dọc hai bên lối dẫn vào nhà nguyện - nơi người Chăm tập trung cầu nguyện - là nghĩa trang nhỏ (maqbara) với nhiều bia đá lâu đời. Theo người dân địa phương, đây là khu vực an táng của các tín đồ Hồi giáo ở Việt Nam. Cũng theo người dân địa phương, thánh đường chính thức mang tên Masjid Jamiul Azhar từ năm 1959, còn trước đó mang tên khác và cũng không được xây dựng bằng chất liệu đá, ximăng… như hiện tại.

Bên trong thánh đường là nhiều cột đá có vân tự nhiên đẹp mắt trông khá hài hòa với hoa văn của trần nhà và chùm đèn chùm trang trí… Đến giờ cầu nguyện, các tín đồ sẽ tập trung tại nơi này. Tuy nhiên, chỉ nam giới được vào còn thì phụ nữ thì không.

Một điều đặc biệt nữa ở thánh đường của người Hồi giáo là vào đây bạn sẽ không thể tìm thấy bàn thờ, tượng thờ hay các ảnh thờ nào bởi họ chỉ tôn thờ duy nhất một Thánh Allah, mà đấng tối cao này không có hình dáng cụ thể. Tuy vậy, với người Hồi giáo, thánh đường là nơi rất thiêng liêng và quan trọng, gắn liền với cuộc sống hàng ngày của họ. 1 ngày, họ có 5 thời điểm để cầu nguyện: trước khi mặt trời mọc, trước giữa trưa, xế chiều, tối và trước khi đi ngủ.

Sau khi tham quan thánh đường Masjid Jamiul Azhar, nếu muốn tìm hiểu thêm về các thánh đường Hồi giáo khác bạn có thể đến Mubarak (xã Châu Phong, thị xã Tân Châu). Ngôi thánh đường này đã được công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia vào ngày 12/12/1986 - được xem là biểu tượng văn hóa, một trong những nơi sinh hoạt tôn giáo của cộng đồng người Chăm nơi đây.

An Giang là tỉnh có đông đồng bào dân tộc sinh sống, gồm các dân tộc Kinh, Hoa, Chăm, Khmer... Chính sự đa dạng về dân tộc và giao thoa văn hóa đã làm An Giang mang sắc thái văn hóa đặc thù riêng của vùng đất Tây Nam Bộ.

Đến An Giang du lịch, ngoài thăm viếng miếu Bà Chúa Xứ, check-in các thánh đường Hồi giáo để tìm hiểu thêm những thú vị của vùng đất này, bạn đừng bỏ qua chợ Châu Đốc (được mệnh danh là “vương quốc” mắm), tượng đài cá ba sa, làng bè sắc màu, lăng Thoại Ngọc Hầu!

Bài và ảnh: Lan Hồ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI