edf40wrjww2tblPage:Content
Vance McElhinney luôn ám ảnh bởi điều mà theo anh chính là “ma”. Là một trong 100 trẻ em được đưa sang Anh thông qua chiến dịch không vận trẻ em, Vance McElhinney được một gia đình ở Bắc Ireland nhận nuôi vào năm 1975.
Vance McElhinney cùng ba mẹ nuôi
Anh luôn tự hỏi mình là ai. Sự đau khổ luôn bủa vây trái tim của người đàn ông Việt mặc dù cha mẹ nuôi đối xử rất tốt với anh. Anh khát khao được một lần hòa mình cùng với những người có cùng màu da, sắc tộc, và chính khát khao đó thôi thúc anh hướng về nguồn cội.
Vance ước mong được một lần trở về Việt Nam để tìm kiếm sự yên bình trong tâm hồn. “Tôi muốn loại bỏ con ma đã ám lấy tôi suốt 40 năm qua”, Vance McElhinney nói. “Tất cả nỗ lực của tôi trong cuộc đời này đó chính là xóa những điều phiền muộn trong tâm trí. Tôi cần được về nhà để có thể đồng hành với những người máu mủ, ruột thịt. Tôi muốn mình thuộc về đa số chứ không phải là thiểu số. Hy vọng trong chuyến đi sắp tới tôi sẽ đạt được ước nguyện”.
Với Vance McElhinney, mong mỏi tìm lại cội nguồn là động lực sống
Vance đang tìm niềm vui trong việc viết sách, kể câu chuyện về chính cuộc đời của mình. Anh tin rằng những điều không may đến với mình là bởi cảm giác bất an. Anh đã mất đi cơ hội có được một việc làm hứa hẹn, nghiện cờ bạc và anh đã trắng tay sau hai cuộc hôn nhân thất bại.
Giờ đây, Vance cảm giác như sống lại khi có động lực và niềm tin ở phía trước, đó chính là được gọi hai tiếng thân thương “cố hương”.
Vance McElhinney và Tanya Mai Johnston là hai đứa trẻ được đưa sang Bắc Ireland. Tanya Mai Johnston là một họa sĩ nổi tiếng sống và làm việc tại Belfast. Tanya Mai bị bỏ rơi ở cửa chùa vào năm 1974. Cô bé suy dinh dưỡng khi rời khỏi Việt Nam.
Dù có cuộc sống tốt đẹp ở xứ người và nhận được sự yêu thương, đùm bọc của những người nuôi nấng mình, nhưng Tanya Mai luôn khát khao muốn biết về nguồn cội. “Tôi không biết mình là ai. Tôi không biết gia đình ruột thịt của mình như thế nào, hoặc tôi thừa hưởng những đặc điểm, tính cách này từ đâu. Tôi thậm chí còn không biết ngày sinh của mình. Giấy tờ đều đã mất sạch trong thời chiến. Tất cả những gì tôi có là giấy khai sinh giả để đưa tôi ra nước ngoài”, Tanya Mai tâm sự.
“Tôi cảm thấy sự khác biệt khi trưởng thành vì mái tóc đen và nước da ngăm. Thời niên thiếu của tôi ở trường phổ thông Coleraine rất khó khăn. Các bạn bắt nạt và xúc phạm tôi. Tôi từng ước mình có làn da trắng và mái tóc vàng hoặc nâu như các bạn, để được hòa đồng và chấp nhận như những cô gái khác. Tôi đã khóc rất nhiều”.
Tanya Mai dù vẫn chưa biết cha mẹ ruột của mình, song cô vẫn có cảm giác gắn bó nguồn cội khi trở lại quê hương - Ảnh: Telegraph
Vào năm 1996, Mai trở về Việt Nam để dự lễ kỷ niệm 21 năm chiến dịch không vận trẻ em từ Sài Gòn đến Luân Đôn. “Một cảm giác rất lạ khi được nhìn thấy nhiều người giống mình”, Mai nhớ lại.
“Sự ấm áp, mùi hương, hình ảnh xe kéo, không một thứ nào giống với cuộc sống hàng ngày của tôi. Nhưng tôi nghĩ rằng mình sẽ có sự gắn kết với nơi này, nơi tôi được sinh ra”.
Cũng là tên Mai nhưng có lẽ Mai Thi Ngoc Tran Cashion không may mắn như Tanya Mai. Trần Thị Ngọc Mai chào đời vào ngày 25/1/1974 ở Vĩnh Long. Tên cha mẹ ruột của cô được đề “không biết” trong giấy khai sinh. Và đứa bé tám tháng tuổi trở thành trẻ mồ côi trong số hàng ngàn trẻ được đưa từ Sài Gòn đến Mỹ.
Mai được đi trên chuyến bay đầu tiên đưa các em mồ côi rời Việt Nam, tuy nhiên chiếc máy bay đã gặp nạn khiến hơn 150 người chết, trong đó 78 trẻ em. Nhưng rất may, Mai là một trong số 18 trẻ còn sống sót.
Mai Thi Ngoc Tran Cashion là trẻ mồ côi bị bỏ rơi ở cổng chùa trước khi có cha mẹ nuôi ở Mỹ
Cha mẹ nuôi của Mai là Peter và Marie Cashion đã sửng sốt khi xem tin tức về chuyến bay trên đài truyền hình. Ông Peter là một khoa học gia chuyên về ngành sinh hóa, bà là một giáo sư chuyên dạy ngành giáo dục đặc biệt. Họ lo lắng cho bé Mai mặc dù chưa bao giờ gặp bé mà chỉ biết mặt qua một tấm hình gởi đến cho cha mẹ nuôi.
Ban đầu, em bé có vẻ bị chấn động do tiếng bom đạn nên không thể bò hoặc thậm chí không thể cầm lấy đồ chơi.
Thế nhưng nhờ tình thương yêu của cha mẹ nuôi và hai anh trai, Mai lớn lên và trở thành một đứa trẻ mê thích đọc sách, tính tình ngổ ngáo như con trai và chơi đá banh giỏi có tiếng trong vùng.
Mai Thi Ngoc Tran Cashion không thể vượt qua chứng trầm cảm
Ở tuổi mới lớn, Mai bắt đầu có dấu hiệu của bệnh trầm cảm. Cô muốn tìm lại nguồn cội của mình và không ai hiểu vì sao Mai lại luôn đặt sự khắc khoải về cội nguồn lên trên cuộc sống thực tại.
Anna Silk, một người bạn thân bạn thân của Mai kể lại: “Cô ấy giống như liều mình vào tất cả những gì mà cô đang làm. Mai hay bị quá khích. Cô ấy rất nhạy cảm với thế giới này”.
Vào năm 1996, bà Marie và Mai cùng trở về Việt Nam để tìm gốc gác của cô, thế nhưng họ đã không thể tìm thấy bất kỳ manh mối nào.
Mai đã ở lại Việt Nam và dạy tiếng Anh một năm. Sau đó cô đến Bỉ và làm nghề chăm trẻ. Một năm sau, Mai làm nghề người mẫu ở Tây Ban Nha. Vào cuối năm 1998, cô gia nhập vào tu viện Phật giáo ở Pháp. Nhưng cuộc sống gò bó ở tu viện không phù hợp với cá tính phóng khoáng của cô, nên ba năm sau cô từ bỏ việc tu hành.
Mặc dù vậy trong Mai chưa bao giờ nguôi ngoai nỗi khắc khoải cội nguồn.
Năm 2004, Mai quyết định trở đến Montreal (Canada) và có cuộc sống tự tại cùng với những con chó, thú cưng yêu thích nhất của cô. Mai không kết hôn và chưa bao giờ có ý định này. Tuy có được niềm vui với cuộc sống thực tại, song không ít lần cô tìm đến cái chết vì chứng trầm cảm không có dấu hiệu thuyên giảm.
Ngày 17/6/2004, Mai nói cha mẹ rằng cô sẽ đến nhà một người bạn và sẽ ở qua đêm. Qua ngày hôm sau cô không về nhà. Cảnh sát tìm thấy xác của Mai trong công viên Odell Park, ở thành phố Fredericton. Khi ấy Mai chỉ mới 39 tuổi.
CẨM NHUNG
(tổng hợp)