Những “tay hòm chìa khóa” siêu hạng - Bài cuối: Nhà kinh tế vì dân

13/11/2013 - 10:50

PNO - PN - Bà Janet Yellen (ảnh bên), 67 tuổi, người phụ nữ đầu tiên được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng Thống đốc Ngân hàng Trung ương Mỹ (Fed), chưa kịp ngồi ghế nóng đã bị dọa ngáng đường.

edf40wrjww2tblPage:Content

Nửa tháng sau khi được Tổng thống Obama chính thức bổ nhiệm làm “sếp” Fed, bà Janet Yellen bị Thượng nghị sĩ Rand Paul, đại biểu đảng Cộng hòa bang Kentucky, phá đám. Ông này yêu cầu Thượng viện ra lệnh kiểm toán Fed trước khi phê chuẩn việc bổ nhiệm bà Yellen vì “Fed và chính phủ thiếu minh bạch”. Theo luật pháp Mỹ, bất cứ thượng nghị sĩ nào cũng có quyền yêu cầu đình chỉ việc bổ nhiệm các chức vụ quan trọng của tổng thống và việc này từng xảy ra nhiều lần.

Tuy vậy, những người am hiểu nội tình quốc hội không tin chuyện bà Yellen (đương kim Phó chủ tịch Fed) dễ dàng bị Thượng viện cho ra rìa vì việc tìm người khác thay thế nữ kinh tế gia tài năng này là không đơn giản.

Nhung “tay hom chia khoa” sieu hang - Bai cuoi: Nha kinh te vi dan

Siêu sao kinh tế

Bà Janet Yellen, một siêu sao trên vòm trời kinh tế Mỹ, là nhận định của đài CNN. Hiếm có nhà kinh tế nào, nhất là phái nữ, sở hữu một lý lịch đáng nể như bà Yellen. Bà là một phụ nữ nhỏ bé, chỉ cao hơn 1,50m, nhưng về tri thức, bà được ví như tòa tháp cao ngất ngưởng. Janet Yellen sinh năm 1946 tại Brooklyn, thành phố New York. Cha bà là bác sĩ gia đình, mẹ là giáo viên cấp II. Thuở trung học, bà Yellen sớm nổi tiếng là “sao” trong trường. Vào Trường ĐH Brown, bà đậu thủ khoa môn kinh tế năm 21 tuổi và trở thành tiến sĩ kinh tế tại Trường ĐH Yale năm 25 tuổi. Thật ra bà rất giỏi toán nhưng lại chọn kinh tế vì nó “có ích cho đời sống người dân”.

Từ năm 1971 đến 1977, bà Yellen làm trợ giảng ở ĐH Harvard và chuyên viên kinh tế ở Fed. Từ đầu thập niên 1980, bà nghiên cứu và dạy môn kinh tế vĩ mô tại Trường ĐH kinh tế Haas, thuộc ĐH California, Berkeley, nơi bà hiện vẫn còn tiếp tục giảng dạy với chức danh giáo sư danh dự.

Bà Yellen tham gia Hội đồng Thống đốc Fed từ năm 1994 đến 1997, trước khi được Tổng thống Bill Clinton bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng Cố vấn kinh tế Nhà Trắng từ 1997- 1999. Từ tháng 6/2004 đến 2010, bà làm Chủ tịch và Giám đốc điều hành Ngân hàng Trung ương ở San Francisco. Năm 2004, bà đã tiên đoán việc đẩy giá nhà đất lên quá cao sẽ lãnh hậu quả khốc liệt và thực tế là đến năm 2008, tình trạng này đã trở thành cơn ác mộng tài chính của nước Mỹ.

Đồng vợ đồng chồng

Công tác ở Fed, bà Yellen không chỉ trải nghiệm những công việc lý thú ở một ngân hàng có quyền lực lớn nhất thế giới mà còn có cơ hội gặp gỡ người chồng tương lai là nhà kinh tế George Akerlof vào năm 1977. Cuộc tình “sấm sét” giữa hai ngôi sao kinh tế tiến triển rất nhanh. Chỉ một năm sau khi chạm mặt lần đầu, họ tổ chức hôn lễ. Vợ chồng nhà Akerlof quyết định rời khỏi Fed, trở lại với nghề dạy học ở trường ĐH kinh tế London, Anh quốc. Giáo sư danh dự Lord Desai của trường này vẫn còn nhớ nhà Akerlof đã có ảnh hưởng rất lớn đến sinh viên và giảng viên. Riêng với Lord Desai, vợ chồng bà Yellen quả là “đôi lứa xứng đôi”: “George Akerlof là một nhà kinh tế thiên tài, những ý tưởng của ông ấy luôn bay bổng, sáng tạo. Còn Yellen là một phụ nữ rất nghiêm túc, một nhà kinh tế giỏi. Đánh giá Yellen như cái bóng của Akerlof là một sai lầm mà nhiều người mắc phải lúc bấy giờ”.

Thật vậy, khi cả hai bắt đầu hợp tác nghiên cứu những vấn đề của kinh tế vĩ mô, bà Yellen chưa bao giờ lép vế, dù bà vẫn khiêm tốn là “của chồng công vợ”. Điều này được chính ông Akerlof thừa nhận trong phần ghi chú cuốn tiểu sử của mình sau khi nhận giải Nobel kinh tế năm 2001 (cùng với Michael Spence và Joseph E. Stiglitz): “Không những chúng tôi hoàn toàn hòa hợp về cá nhân mà cả trong nhận thức về kinh tế vĩ mô”. Sự hòa hợp này vẫn bền chặt hàng chục năm qua. Mỗi lần đi làm về, bà Yellen không bao giờ để đầu óc thảnh thơi dù bà rất thích nấu nướng và nhấm nháp rượu vang. Đêm nào bà cũng chia sẻ công việc với chồng. Thời làm Chủ tịch Hội đồng Cố vấn kinh tế cho Tổng thống Clinton, bà bận túi bụi, nhiều lúc không có thời gian để về nhà với chồng con, nên ông Akerlof tự nguyện làm nội trợ chăm sóc đứa con trai duy nhất.

Ông Stiglitz, bạn thân của hai vợ chồng, rất cảm mến bà Yellen. Theo ông, cái giỏi của bà là am tường mọi ngóc ngách phức tạp của kinh tế vĩ mô và khi truyền đạt những kiến thức đó, bà có cách làm cho ngay cả những người không có kiến thức cơ bản về kinh tế cũng có thể tiếp thu khá dễ dàng. Tài năng bẩm sinh đó thật sự hữu dụng khi bà thuyết trình trước Thượng viện chương trình hành động trong tương lai của Fed.

Nhung “tay hom chia khoa” sieu hang - Bai cuoi: Nha kinh te vi dan

Vợ chồng bà Janet Yellen

Ưu tiên giải quyết thất nghiệp

Ở Mỹ, tuổi về hưu trung bình của người lao động là 61 nhưng bà Janet Yellen, năm nay 67 tuổi, lại mới bắt đầu công việc nặng nhọc nhất. Nếu được Thượng viện phê chuẩn, bà sẽ chính thức ngồi vào ghế Chủ tịch Fed vào tháng 1/2014. Nếu người tiền nhiệm Ben Bernanke trải qua một năm đầu khá nhàn hạ thì trái lại, bà Yellen sẽ bị “thử lửa” ngay trong những ngày đầu tiên. Fed đang đứng trước hai thử thách lớn. Thứ nhất, làm sao và làm vào lúc nào để đưa lãi suất cơ bản trở lại bình thường mà không kích hoạt một đợt suy thoái kinh tế mới? Thứ hai, làm gì với tình trạng thất nghiệp cao ngất ngưởng trong lịch sử?

Ông Bernanke đã để lại một di sản nặng nề: chính sách “nới lỏng định lượng” (QE), in thêm tiền bơm vào nền kinh tế nhằm tăng thanh khoản, kích thích đầu tư và chi tiêu, cân đối ngân sách và giải quyết tạm thời nợ công. Kinh tế Mỹ nay đã có dấu hiệu phục hồi, đã đến lúc phải giảm bớt QE. Bà Yellen sẽ giải quyết ra sao? Nổi tiếng là “bồ câu” trong chính sách tiền tệ, đồng nghĩa với chấp nhận lãi suất thấp để tạo ra nhiều việc làm và tăng trưởng kinh tế, liệu bà có trì hoãn QE?

Không giống các nhà kinh tế tầm cỡ khác, bà Yellen không bị cuốn hút vào phân tích kinh tế và thống kê. Bà quan tâm nhất đến đời sống người dân mà cụ thể là việc làm. Quan điểm này đã được thể hiện trong các bài viết và bài nói chuyện mang tính học thuật của bà. “Thất nghiệp lâu dài là thảm họa cho người lao động và gia đình họ. Một khi lạm phát nằm trong tầm kiểm soát nhưng tỷ lệ thất nghiệp vẫn còn cao thì giải pháp thích hợp nhất là tạo công ăn việc làm tối đa” - bà nhấn mạnh. Theo nhiều chuyên gia kinh tế ở phố Wall, chắc chắn bà Yellen sẽ ưu tiên giải quyết nạn thất nghiệp trước rồi mới tính đến chuyện tăng lãi suất cơ bản.

 VĂN ANH

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI