Những “tay hòm chìa khóa” siêu hạng - Bài 2: Người đàn bà “rắc rối”

06/11/2013 - 07:54

PNO - PN - Năm 2012, khi Ngân hàng Thế giới (World Bank-WB) tổ chức cuộc tuyển chọn chủ tịch mới thay cho ông Robert Zoellick đã mãn nhiệm kỳ, có ba nhân vật được đề cử là Jim Yong Kim, Ngozi Okonjo-Iweala và Jose Antonio Ocampo.

edf40wrjww2tblPage:Content

Nhung “tay hom chia khoa” sieu hang - Bai 2: Nguoi dan ba “rac roi”

“Người đàn bà rắc rối” Ngozi Okonjo - Iweala

Thất bại đáng tiếc

Xưa nay, có một nguyên tắc tuy bất thành văn nhưng luôn được tuân thủ là chủ tịch WB chỉ là người Mỹ hoặc châu Âu. Các nước đang phát triển đả kích chính sách này, cho rằng như vậy, WB luôn hướng đến quyền lợi của các nước lớn. Khi có một nhân vật ở châu Phi được đề cử, phải chăng WB chịu thay đổi chính sách?

Thật ra, việc đề cử bà Ngozi Okonjo-Iweala vào danh sách ứng viên không chỉ vì lý do chính trị, bởi người đàn bà Nigeria 58 tuổi này là một chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực tài chính, có rất nhiều kinh nghiệm trong việc vay, cho vay cũng như giãn nợ, xóa nợ. Tốt nghiệp các trường đại học nổi tiếng nhất nước Mỹ là Harvard và Massachusetts Institute of Technology (MIT), bà đang là Bộ trưởng Tài chính Nigeria và từng là Giám đốc điều hành của WB. Có thể nói, bà Ngozi là nhân vật xứng đáng nhất cho cương vị chủ tịch WB.

Thế nhưng, phương Tây đã không dám mạo hiểm để lọt chức chủ tịch WB ra ngoài. Với sự ủng hộ của Tổng thống Barack Obama, ông Jim Yong Kim, vốn là một tiến sĩ y học và đang là chủ tịch của trường đại học Dartmouth, đã giành phần thắng trong cuộc bỏ phiếu. Các nước đang phát triển chỉ trích kịch liệt điều này. Nhiều nhân vật nổi tiếng trên thế giới cho rằng WB đã bỏ lỡ cơ hội quý giá trong việc đổi mới.

Tuổi thơ gian khổ

Nhiều nước ủng hộ bà Ngozi vì tin rằng, nếu trở thành chủ tịch WB, bà sẽ hết lòng hỗ trợ các nước đang phát triển, do bản thân bà rất thấu hiểu cảnh ngộ của người nghèo. Bà Ngozi lớn lên trong thời kỳ bùng phát khốc liệt nhất của cuộc nội chiến tại Nigeria từ năm 1967-1970. Trước đó, việc lãnh thổ Biafra đòi tách khỏi Nigeria khiến đất nước này lâm vào cảnh nồi da xáo thịt. Bom đạn, chết chóc và đói khát là chuyện thường xuyên tại đất nước từng được xem là hùng mạnh bậc nhất châu Phi này.

Người ta ước tính, có đến hai triệu người đã chết trong cuộc nội chiến này, phần lớn vì đói và dịch bệnh mà đa số là phụ nữ và trẻ em. Gia đình Ngozi cũng là nạn nhân trực tiếp của cuộc nội chiến khủng khiếp đó vì là người thuộc bộ tộc Igbo, vốn không được giới lãnh đạo Nigeria lúc đó ưa thích. Gia đình bà phải bỏ lại gia sản ở Lagos để đến một vùng đất xa xôi thuộc sự kiểm soát của phe nổi dậy. Vốn là một giáo sư nổi tiếng, thuộc dòng dõi quý tộc ở Nigeria, nhưng cha bà cũng buộc phải trở thành một vệ binh với khẩu súng trên tay.

Trong một cuộc phỏng vấn của tờ Guardian, bà kể lại lần cõng đứa em nhỏ đi hơn 10km để chữa bệnh tại một bệnh xá do một tổ chức thiện nguyện quốc tế điều hành. Lúc đó bà mới 15 tuổi, đứa em lên ba. “Cả gia đình tôi chỉ ăn mỗi ngày một bữa, ngủ trên nền đất ẩm ướt và phải luôn di chuyển từ nơi này đến nơi khác”, bà Ngozi kể. Tuy nhiên, những ngày tháng gian khổ ấy đã biến bà thành một người cương nghị và luôn biết cách vượt qua trở ngại. “Tôi biết cách chịu đựng cảnh khổ nhọc. Bất cứ lúc nào tôi cũng có thể ngủ trên nền đất, nhưng nếu có cơ hội tôi sẽ không từ chối chiếc giường có nệm ấm chăn êm”, bà nói với phóng viên của tờ Guardian.

Nhung “tay hom chia khoa” sieu hang - Bai 2: Nguoi dan ba “rac roi”

Bà Ngozi Okonjo-Iweala

Thu dọn những mảnh vỡ

Cuộc nội chiến ở Nigeria kết thúc. Khi đất nước tiến hành việc tái thiết, bà Ngozi nhận được một học bổng của đại học Harvard. Bà chọn ngành kinh tế vì tin điều quan trọng nhất đối với nước Nigeria thời hậu chiến là tái thiết kinh tế. Tốt nghiệp thạc sĩ ở Harvard, bà tiếp tục học nghiên cứu sinh tại MIT với đề tài “Phát triển kinh tế khu vực”. Hoàn tất luận án này, bà Ngozi chưa vội về nước mà vào làm việc ở WB để có cơ hội thu thập kinh nghiệm và có thêm kiến thức về ngân hàng có ảnh hưởng đến toàn thế giới này.

Cơ hội trở về phục vụ quê hương đến với bà khi Tổng thống Olusegun Obasanjo nhờ bà viết một đề án cải cách kinh tế cho Nigeria. Những gì bà trình bày trong đề án khiến ông Obasanjo nhận ra, không ai thích hợp hơn người phụ nữ này trong việc dọn dẹp những mảnh vỡ của đất nước sau thời gian dài nằm trong sự cai trị của nhóm độc tài quân phiệt. Ông mời bà nhận chức Bộ trưởng Tài chính. Đó là vào năm 2003.

Hai năm sau, bà Ngozi đã lập một “thành tích” ngoạn mục và vô cùng quý giá cho đất nước. Năm 2005, bà dẫn đầu phái đoàn Nigeria sang “đấu” với CLB Paris, vốn gồm những chủ nợ chính của Nigeria, với mục đích thương lượng lại việc thanh toán khoản tiền 18 tỷ USD Nigeria còn nợ. Bà Ngozi đã thành công ngoài sức tưởng tượng khi thuyết phục được các chủ nợ đồng ý ghi lại khoản nợ mới là 12 tỷ USD, cho trả từng đợt, xóa toàn bộ khoản nợ cũ 18 tỷ USD. Trước đó, mỗi năm Nigeria phải trả cho các chủ nợ này một tỷ USD coi như tiền lãi, nợ gốc vẫn giữ nguyên.

Lúc mới trở thành Bộ trưởng Tài chính dưới thời Tổng thống Obasanjo, bà Ngozi được đặt biệt danh là “Người đàn bà rắc rối” vì bà không bao giờ chấp nhận sự lươn lẹo trong việc sử dụng công quỹ. “Tôi chẳng quan tâm đến việc họ gọi tôi là gì. Tôi tự cho mình là một chiến binh và sẽ tập trung vào những việc mà tôi thấy cần thiết cho đất nước. Bất cứ kẻ nào ngáng đường tôi, tôi sẽ đá văng kẻ đó ra ngoài lề”, bà Ngozi nói với tờ Guardian. Bà nói thêm: “Điều tôi ghét nhất trên đời là thói tham nhũng”.

Năm 2003, Nigeria được các tổ chức quốc tế đánh giá là tham nhũng nhất thế giới, bà Ngozi đã “dọn dẹp” bằng cách sa thải mọi quan chức tham nhũng dưới quyền, đưa không ít kẻ vào tù. Thậm chí, cả những người trong giới quan chức và quân sự cấp cao cũng bị bà Ngozi đưa vào danh sách “phải bỏ tù” vì tham nhũng. Phản ứng từ nhóm này đến ngay và sức ép nặng nề dồn lên vai Tổng thống Obasanjo.

Trước nguy cơ nổ ra một cuộc chính biến từ quân đội, ông Obasanjo không còn cách nào khác là đề nghị bà Ngozi từ chức. Bà chấp nhận và hầu như ngay lập tức, Chủ tịch WB Robert Zoellick nắm lấy cơ hội cử bà làm Giám đốc điều hành của WB kể từ ngày 1/12/2007.

Năm 2011, Tổng thống mới của Nigeria là Goodluck Jonathan lại mời bà Ngozi giữ chức Bộ trưởng Tài chính một lần nữa. Thế là bà xin thôi việc ở WB để về nước, lần này còn có quyền hành rộng hơn khi phụ trách thêm mảng điều phối kinh tế. Giờ thì bà Ngozi đã có kinh nghiệm nhiều hơn trong lĩnh vực chính trị, nhưng bà tiếp tục khẳng định: “Tôi vẫn không bao giờ nhân nhượng với tệ tham nhũng”.

 THIỆN NGA

Kỳ tới: Tham vọng và thử thách

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI