Những “tay hòm chìa khóa” siêu hạng - Bài 1: WB được, Indonesia mất

03/11/2013 - 07:30

PNO - PN - Khi bà Sri Mulyani Indrawati thôi chức Bộ trưởng Tài chính Indonesia để làm giám đốc điều hành Ngân hàng Thế giới (World Bank - WB) vào đầu tháng 6/2010, nhật báo The Wall Street Journal chạy hàng tít lớn “Nhà cải cách thôi chức, Indonesia...

edf40wrjww2tblPage:Content

Là một nhà kỹ trị, tiến sĩ kinh tế Sri Mulyani Indrawati được Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono bổ nhiệm làm Bộ trưởng Tài chính năm 2005. Trước đó hai năm, khi còn làm Giám đốc điều hành đặc trách 12 nền kinh tế Đông Nam Á của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), bà từng phát biểu: “Nếu không cải cách cấu trúc tài chính, kinh tế Indonesia khó cất cánh”.

Không thuộc đảng phái nào, bà Sri Mulyani được tổng thống ủng hộ và “bật đèn xanh” cho một chiến dịch chống tham nhũng lớn, bắt đầu từ nội bộ ngành. Vào thời điểm đó, tình trạng tham nhũng ở đất nước này là trở ngại lớn nhất trong việc thu hút đầu tư nước ngoài và tăng trưởng kinh tế.

Nhung “tay hom chia khoa” sieu hang - Bai 1: WB duoc, Indonesia mat

Bà Sri Mulyani lúc còn là Bộ trưởng Tài chính Indonesia

“Ánh sáng chói lọi”

Những cơ quan tham nhũng nhất lúc bấy giờ ở Indonesia là thuế và hải quan, thuộc Bộ Tài chính. Do vậy, bà Sri Mulyani bắt đầu chiến dịch từ Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan. Bà không hô hào mà hành động thiết thực, sáng rõ như cái tên của bà (Sri, theo ngôn ngữ Jawa, có nghĩa là ánh sáng chói lọi). Tại Tổng cục Hải quan, bà thuyên chuyển toàn bộ 1.300 nhân viên, tuyển mới 800 người với mức lương cao gấp bốn lần lương cũ. Một cuộc thay máu chấn động cả đất nước.

Bà nói với những người mới: “Nếu các anh chị nhận hối lộ, sẽ đi tù với mức án cao nhất. Lúc đó đừng trông cậy gì ở tôi. Không có chuyện “dĩ hòa vi quý” ở đây”. Với cấp trên, bà thuyết phục: “Nếu họ không được trả lương đúng với thực tế, không thể bắt họ làm việc đàng hoàng. Tôi biết, so với khu vực tư nhân, đồng lương đó vẫn còn thấp, nhưng nếu không làm vậy càng khó xoay chuyển tình thế”.

Tất nhiên, bà Sri Mulyani cũng biết, không thể có phép lạ chỉ sau một đêm. Thật vậy, mấy tháng sau, khi nhân viên Ủy ban Chống tham nhũng đột kích phòng hải quan sân bay Tanjung Priok, Jakarta, đã phát hiện vô số phong bì chứa đầy tiền nhét trong tủ, hộc bàn làm việc, thậm chí trong những chiếc vớ. Tổng số tiền tịch thu được lên đến 60.000 USD.

Những kẻ hoài nghi và chống đối được dịp công kích tân bộ trưởng tài chính. Bà lên truyền hình xin lỗi dân nhưng không nản chí. Bà khẳng định: “Tôi không hề mong đợi sau sáu tháng cải cách, mọi người đều trở nên trong sạch. Dưới tay tôi có 62.000 nhân viên. Đây là một cuộc chiến lâu dài, các nhà lãnh đạo phải nỗ lực không ngừng”.

Nhung “tay hom chia khoa” sieu hang - Bai 1: WB duoc, Indonesia mat

Bà Sri Mulyani Indrawati - Ảnh: Reuters

Chính sách hoàng hôn

Tuy chiến dịch chống tham nhũng không thắng lợi như ý, nhưng tình hình nội bộ Tổng cục Thuế và Hải quan đã khá hơn. Dọn dẹp nhà cửa xong, bà bắt đầu cải cách chính sách thuế, đề xuất sửa đổi Luật Đầu tư nước ngoài, minh bạch hóa tình hình tài chính. Các nhà đầu tư nước ngoài đã có những phản ứng tích cực. Năm 2004 ông Yudhoyono mới lên làm tổng thống, Indonesia chỉ nhận được 4,6 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) thì năm đầu tiên dưới thời Bộ trưởng Tài chính Sri Mulyani đã nhận được 8,9 tỷ USD.

Một trong những cải cách thuế táo bạo của bà Sri Mulyani mang tên chính sách hoàng hôn ra đời năm 2006. Tất cả cá nhân và đơn vị từng trốn thuế được Bộ Tài chính “tha thứ” nếu nghiêm túc làm nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước. Dĩ nhiên, vẫn còn nhiều người và đơn vị kinh tế “chai mặt”, nhưng nói chung tình hình thu thuế đã khả quan hơn nhiều. Số tiền thu được không được phép tiết lộ, nhưng theo ước tính của các chuyên viên kinh tế, doanh thu thuế đã tăng hơn 50%. Quan trọng hơn cả là bà Sri Mulyani đã góp phần phá vỡ cấu trúc tài chính chủ nghĩa tư bản thân hữu của cựu Tổng thống Suharto, giúp nước này trở thành một trong những nền kinh tế mới nổi có mức tăng trưởng “nóng” vào năm 2009, chỉ đứng sau Trung Quốc và Ấn Độ.

Nhung “tay hom chia khoa” sieu hang - Bai 1: WB duoc, Indonesia mat

Vợ chồng bà Sri Mulyani Indrawati và vợ chồng Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono - Ảnh: Jakarta Globe

Trong những năm bà Sri Mulyani làm Bộ trưởng Tài chính, dự trữ ngoại tệ đạt 50 tỷ USD, mức kỷ lục mọi thời đại. Đồng thời, nợ công giảm phân nửa so với trước, cụ thể là 30% GDP so với trước là 60%. Mức giảm này giúp Indonesia bán nợ cho các nhà đầu tư nước ngoài dễ dàng hơn.

Năm 2007, Indonesia đạt mức tăng trưởng kỷ lục 6,6%, cao nhất kể từ khi bùng nổ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997. Trong hai năm liền (2007 và 2008), bà Sri Mulyani được tạp chí kinh tế Emerging Markets vinh danh Bộ trưởng Tài chính châu Á trong năm. Bà cũng được tạp chí Euromoney (2006) và The Banker (2007) bầu chọn là Bộ trưởng Tài chính trong năm. Tháng 8/2008, tạp chí Forbes xếp bà hạng 23 trong danh sách 100 phụ nữ quyền lực nhất thế giới.

Nổi tiếng như vậy, nên khi có thông tin WB chọn bà làm một trong ba giám đốc điều hành, chỉ số chứng khoán Indonesia giảm ngay 3,8% và đồng nội tệ rupiah giảm gần 1% so với đồng đô la Mỹ. Tổng thống Yudhoyono cũng luyến tiếc vì mất đi người cộng sự được coi là “bộ mặt chống tham nhũng” của mình. Người dân càng tiếc rẻ vì cuộc chiến chống tham nhũng vẫn chưa thể kết thúc.

 VĂN ANH

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI