Những 'tay đua' lão tướng

28/11/2014 - 12:10

PNO - PN - Ở tuổi có cháu nội, cháu ngoại nhưng các thành viên trong Câu lạc bộ xe đạp Q.4, TP.HCM vẫn luôn khỏe khoắn, năng động. Việc đạp xe, sinh hoạt, thư giãn đã giúp các "tay đua" ngăn ngừa và chống chọi được các...

edf40wrjww2tblPage:Content

Nhung 'tay dua' lao tuong

Câu lạc bộ xe đạp Q.4 là sân chơi của nhiều người cao tuổi

Niềm vui tuổi già 

Tờ mờ sáng, trên đường Võ Văn Kiệt (Q.1), các “lão tướng” đạp xe hăng hái, trông không khác những tay đua chuyên nghiệp. 

Bác Lê Văn Long (89 tuổi) gắn bó với môn thể thao này từ những năm 1950, cho biết: “Thời trẻ, một ngày đạp trăm cây số là chuyện bình thường, giờ lớn tuổi, đạp dưỡng sinh từ 20-30 cây số trở lại”. Bác Long rong ruổi từ Bắc chí Nam, hàng loạt cây cầu như Phú Mỹ, Mỹ Thuận, Rạch Miễu, Cần Thơ… đều in dấu xe của bác. 

Với bác Long, niềm vui của tuổi già là mỗi sáng được dắt chiếc xe đạp ra khỏi nhà. Nhớ lại lần theo các tay đua trẻ lên Đà Lạt cách đây ba năm, bác Long hồ hởi: “Tụi thanh niên tham gia chạy quãng đường 120km. Đường đèo dốc mới đạp được nửa đường, thấm mệt tui tưởng phải bỏ cuộc. Nhưng thấy phía trước có nhiều người cổ vũ, phấn khởi, tui đạp hăng hẳn lên. Về đến đích, mấy cậu thanh niên bảo ông già ”gân” quá. Nói vậy thôi chứ lớn tuổi rồi, giờ chủ yếu là tập thể dục nên đạp chậm thôi”. 

Mỗi ngày, các thành viên trong câu lạc bộ dành từ 30 phút đến một giờ đạp xe. Chủ nhật, câu lạc bộ tổ chức các chuyến dã ngoại Long An, Cần Giờ, Đồng Nai, Bình Dương… Ngoài việc đạp xe để rèn luyện sức khỏe, mỗi năm câu lạc bộ còn tổ chức thăm các di tích lịch sử và làm từ thiện. Chú Hồ Trung Nghĩa (60 tuổi), chủ nhiệm câu lạc bộ, cho biết: “Kinh phí do anh em trong nhóm tự đóng góp. Địa hình khó thì đi xe đò. Đoạn đường nào dễ, anh em bỏ xe xuống đạp. Thấy nhiều anh lớn tuổi tham gia, tôi cũng lo, nhưng điều đáng quý là ai cũng lượng được sức khỏe bản thân”.

Nhung 'tay dua' lao tuong

Nhờ đạp xe, các bác luôn khỏe mạnh, vui vẻ  

Chống chọi bệnh tật 

Từng là vận động viên đua xe, năm 45 tuổi, bác Long tưởng phải giã từ sở thích đạp xe: “Sau trận ốm năm ấy, tui bị suy giảm sức khỏe nhiều. Nhìn hai chân ngày càng teo nhỏ, không đạp được xe, tui buồn lắm. Tui quyết tâm tập luyện, mới đầu phải nén đau mà đạp. Nhờ kiên trì tập luyện trong thời gian dài, sức khỏe tui hồi phục dần”. 

Cô Võ Thị Bê (63 tuổi) tham gia câu lạc bộ được hơn ba năm nay. Cô Bê bộc bạch: “Ông xã mất hơn 10 năm, thời gian đầu mới nghỉ hưu, ở nhà buồn lắm, quanh đi quẩn lại với ti vi, cơm nước, con cháu bận bịu nên không có ai chuyện trò. Qua một người bạn giới thiệu, tôi tham gia cho vui, không ngờ gắn bó tới giờ”. Theo cô Bê, từ ngày đạp xe, cô có thêm nhiều bạn bè để chuyện trò, tâm sự. Mang bệnh hở van tim hai lá, cao huyết áp, bác sĩ dặn không nên chạy bộ, cô Bê chọn đạp xe nhẹ nhàng, vừa sức. 

Theo chú Nghĩa, nhiều bác có vợ/chồng mất, con cháu bận bịu, tuổi già cô đơn nên tham gia câu lạc bộ để rèn luyện sức khỏe, vừa giao lưu, gặp gỡ giúp tuổi già khuây khỏa. Từng bị viêm khớp nhưng nhờ đạp xe đều đặn đến nay, chú Nghĩa tự hào không bị bệnh tật hành hạ. “Ăn cơm ngon miệng, ngủ cũng ngon như thời thanh niên trai tráng”, chú Nghĩa nửa đùa, nửa thật. 

 NGUYỄN NGA

Với những người mới làm quen với bộ môn đạp xe, cần lưu ý việc lựa chọn chiếc xe đạp thể thao vừa ý. Giá xe đạp đua khá đa dạng từ vài triệu đến cả trăm triệu đồng/chiếc. Nhiều năm kinh nghiệm đạp xe, bác Long góp ý: Để việc đạp xe thoải mái, có lợi cho sức khỏe, người đạp phải điều chỉnh độ cao của yên xe vừa tầm với chân của mình. Với người cao tuổi, nên đạp xe thành nhóm ở những con đường rộng rãi, ít xe cộ qua lại.

Việc chọn giày và quần áo cho môn đạp xe rất quan trọng. Nên chọn loại quần chuyên dụng, tránh mặc quần jeans, kaki vải dày, cứng, vì khi đạp, ma sát sẽ làm phồng rộp da. Đạp xe đúng kỹ thuật, điều chỉnh tốc độ, cường độ phù hợp với sức khỏe của mỗi người, không gắng sức khi thấy mệt.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI