Những tập sách thời COVID-19: Trải nghiệm mất mát để yêu thương và trưởng thành

06/08/2020 - 18:00

PNO - Trong những ngày dịch bệnh, nhiều tác giả đã dành thời gian giãn cách xã hội để viết nên thông điệp tích cực, chia sẻ đến cộng đồng. “Cô-Vy” tự sự - Gió và tình yêu vẫn thổi", "Những ngày cách ly", "Đi qua hai mùa dịch" là 3 quyển sách phản ánh chân thực những cảm xúc trong mùa dịch COVID-19.

“Cô-Vy” tự sự - Gió và tình yêu vẫn thổi: Lòng nhân ái, sự san sẻ là ngọn lửa ấm giữa đại dịch

“Cô Vy” tự sự - Gió và tình yêu vẫn thổi (Nhà xuất bản (NXB) Hà Nội phối hợp DuCa Books xuất bản) là tập tản văn và truyện ngắn chia sẻ chân thực những cảm xúc, trải nghiệm của các tác giả trên khắp mọi miền đất nước, và cả người bị "mắc kẹt'" trong vùng dịch ở nước ngoài.

Chỉ với 6 truyện ngắn, tản văn của 5 tác giả, nhưng “Cô Vy” tự sự - Gió và tình yêu vẫn thổi  là những góc nhìn khác biệt và đa đạng về cuộc sống, ranh giới giữa hạnh phúc và đau thương, giữa lòng tốt và sự hoài nghi, giữa sự sống và cái chết...  Ranh giới rất đỗi mong manh mà đôi khi chỉ cần một chút yếu lòng, thiếu tỉnh táo, ai cũng có thể bị xô lệch về phía xấu hơn.

“Cô Vy” tự sự - Gió và tình yêu vẫn thổi, người đọc có thể cảm nhận được sự "lạnh lùng" và sức tàn phá của dịch bệnh đối với đời sống vật chất lẫn tâm hồn con người trên toàn thế giới. Ở đó có nỗi lo cơm áo gạo tiền, có nỗi đau của sự chia ly... Nhưng trong những ngày tháng khó khăn ấy, tình yêu thương lại hiện hữu rõ ràng hơn bao giờ hết; lòng nhân ái, sự san sẻ là ngọn lửa ấm giữa băng giá, sưởi ấm những nỗi đau, mất mát mà con người trên thế giới này đang phải đối mặt. 

Có một điều rất giống nhau ở cả 5 tác giả và có lẽ cũng là suy nghĩ chung của rất nhiều người trong cơn đại dịch của thế kỷ: những ngày tháng này cũng là khoảng thời gian để ta sống chậm lại, cảm nhận bản thân, cảm nhận những ký ức tốt đẹp đã vô tình bị lãng quên trong cuộc sống tấp nập, bộn bề...

Đi qua hai mùa dịch: Mỗi ký ức đi qua giúp ta trưởng thành hơn

Tác giả Dy Khoa, tên thật Nguyễn Hoàng Anh Khoa là một tên tuổi khá nổi tiếng trong cộng đồng những người thích xê dịch, với những bài viết về trải nghiệm, góc nhìn riêng về cuộc sống xung quanh. Vì lẽ đó, Đi qua hai mùa dịch (NXB Văn hoá - Văn nghệ TPHCM và Công ty Cổ phần Swememo) của Dy Khoa cũng khá đặc biệt. Đặc biệt không chỉ bởi những cảm nhận, góc nhìn rất riêng của Dy Khoa về dịch bệnh mà còn vì, anh từng là bệnh nhân của virus cúm A/H1N1

Đi qua hai mùa dịch là tác phẩm đầu tay của tác giả Dy Khoa
Đi qua hai mùa dịch là tác phẩm đầu tay của tác giả Dy Khoa. Ảnh: Internet

Đi qua hai mùa dịch được Dy Khoa viết trong thời gian giãn cách xã hội. Khi dịch COVID-19 bùng phát, thấy những khó khăn và nỗi lo của người dân cả nước, ký ức lúc mình bị nhiễm virus cúm A/H1N1 chợt ùa về trong Khoa. Những trang viết đầu tiên của bản thảo Đi qua hai mùa dịch ra đời với mong muốn truyền đi năng lượng tích cực, cổ vũ mọi người cùng lạc quan vượt qua những khó khăn trong đại dịch COVID-19.

"Ai cũng có những ký ức để nhớ. Nó đẹp đẽ hay xấu xí không quan trọng. Quan trọng là nó làm ta trưởng thành hơn" - đó là những chia sẻ chân thành của Dy Khoa. Cũng giống như cách chúng ta đối mặt với dịch bệnh lần này, một giai đoạn khủng hoảng và tồi tệ với cả thế giới, nhưng khi nhịp sống buộc phải chậm hơn, là lúc để mỗi người có thời gian nghĩ về những gì mình đã làm, lắng nghe bản thân mình nhiều hơn và trân trọng những người xung quanh.

Đi qua hai mùa dịch được chia thành hai phần: Trận dịch cúm A/H1N1 (từ 11 năm trước) và câu chuyện của dịch bệnh COVID-19 hôm nay. Khi là "người trong cuộc" của dịch bệnh, Dy Khoa cũng trải qua nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, từ hoang mang, lo lắng (bởi ở thời điểm 11 năm trước, thông tin về dịch bệnh chưa rõ ràng và nhanh chóng như hiện nay), đến niềm vui, hạnh phúc khi chứng kiến những tình cảm giữa các bệnh nhân, giữa các nhân viên y tế với bệnh nhân...

Khỏi bệnh trở về nhà, anh mang theo những ký ức và cảm nhận rất đẹp về tình người, về lòng yêu thương và hơn bao giờ hết, Khoa hiểu rằng mẹ, gia đình mãi mãi là chỗ dựa của mình, giúp mình vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống. Nhưng quan trọng hơn tất cả, những ngày nằm viện đã làm anh thay đổi cách nhìn nhận về cuộc sống, biết quan tâm và yêu thương mọi người nhiều hơn.

Sự trưởng thành của Dy Khoa sau 11 năm thể hiện khá rõ ở phần II của cuốn sách, khi anh trở thành người quan sát và lắng nghe nhịp điệu của cuộc sống trong dịch COVID-19. Mệt mỏi, chán chường với tất cả mọi thứ khi dịch bệnh lan rộng và kéo dài là tâm trạng chung của không ít người, nên không khó để nhận ra ở phần II là niềm tin mãnh liệt của Dy Khoa, rằng mọi chuyện rồi sẽ ổn, hãy lạc quan và mạnh mẽ, chúng ta sẽ chiến thắng đại dịch thế kỷ.

Những ngày cách ly: Hãy học cách đón nhận khó khăn, dù đó là những điều tồi tệ nhất

Sách Những ngày cách ly được tác giả Nguyễn Quang Thắng hoàn thành chỉ trong 12 ngày - Ảnh Internet
Sách Những ngày cách ly được tác giả Nguyễn Quang Thắng hoàn thành chỉ trong 12 ngày. Ảnh: Internet

Những ngày cách ly (NXB Tổng hợp TPHCM)cuốn tiểu thuyết hư cấu viết về dịch COVID-19 được tác giả Nguyễn Quang Thắng hoàn thành trong 12 ngày. Nội dung xoay quanh gia đình ông bà Trương và tiểu thư Hoàng Cúc. Cuộc sống của họ đảo lộn khi phải vào khu cách ly trong đại dịch COVID-19.

Những thay đổi nội tâm của từng nhân vật trong thời gian ở khu cách ly được tác giả mô tả khá sinh động. Cùng một gia đình, nhưng mỗi người lại có một cách đi qua khó khăn, dịch bệnh khác nhau và có những cảm nhận, trải nghiệm riêng. Có người chợt nhận ra rằng trước sự sống và cái chết, người giàu cũng như người nghèo, người nổi tiếng cũng như người bình thường, tất cả đều bình đẳng như nhau và vật chất là những thứ vô nghĩa. Có người tìm thấy giá trị của chính mình, giá trị nhân văn vốn bị lãng quên bởi cuộc sống vội vàng đến nỗi quên mất lòng trắc ẩn với cuộc đời, với con người.

Bên cạnh gia đình ông Trương, Những ngày cách ly còn có những người trẻ với quan niệm khác nhau về lối sống, tình yêu, sự sẻ chia, cống hiến... Và dù có là ai, có quan điểm sống khác nhau đến thế nào thì “Điều quan trọng không phải là chuyện gì sẽ xảy đến với mình mà mình sẽ đối diện với chuyện đó như thế nào”.

Hãy học cách vui vẻ đón nhận những khó khăn, dù đó có là những điều tồi tệ nhất, bởi chỉ khi biết cách chấp nhận và học cách vượt qua, ta mới có được trải nghiệm, những ký ức đáng nhớ từ chính hành trình chúng ta đã đi qua.

Kim Ngân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI