“Phải chăng mình đã chọn sai ngành?”
Tốt nghiệp Đại học Kinh tế TPHCM chỉ hơn nửa năm nhưng Trần Ngọc Hà - 24 tuổi, ở quận Bình Tân - đã thử việc, vào làm ở 4 nơi khác nhau. Gần 3 tháng nay, cô nghỉ làm bởi không thấy hứng thú với những công việc không đúng chuyên môn. Cô dự định trong thời gian ở nhà, sẽ bình tâm kiếm cho mình một chỗ làm phù hợp hơn.
Ngọc Hà kể, sau khi ra trường, cô ứng tuyển làm kế toán cho một công ty tư nhân. Tuy nhiên, do mới ra trường, cô vô cùng ngỡ ngàng, lúng túng với những nhiệm vụ được giao bên cạnh việc làm sổ sách. Thấy sếp tỏ vẻ khó chịu, liên tục phàn nàn mình không biết làm, 3 ngày sau, cô chủ động nghỉ việc. Cô tiếp tục ứng tuyển và được nhận vào làm thu ngân, phục vụ ở các nhà hàng khác nhau. Thế nhưng, công việc đơn điệu cộng với đồng lương ít ỏi khiến cô quyết định nghỉ việc.
|
Các bạn trẻ tìm hiểu thông tin việc làm tại sàn giao dịch việc làm liên kết khu vực TPHCM với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long tổ chức vào tháng 11/2023 - Ảnh: Tú Ngân |
Tương tự, tháng 7/2022, đúng 1 tháng sau ngày tốt nghiệp cử nhân ngành tâm lý học, Lý Thiện - 25 tuổi, ở quận 12 - được một bệnh viện tư nhân ở quận Tân Bình nhận vào bộ phận tư vấn tâm lý. Tuy nhiên, sau 3 tháng đi làm, ngoài công việc chính là tư vấn, Thiện còn được yêu cầu làm các công việc liên quan đến truyền thông như thiết kế hình ảnh, quay phim để quảng cáo cho bệnh viện và các bác sĩ. Không chấp nhận làm quần quật 12 giờ/ngày với những công việc ngoài chuyên môn, Thiện xin nghỉ việc, tìm chỗ làm mới. Thế nhưng, hơn 1 năm nay, cậu vẫn chưa có việc làm dù đã nộp hồ sơ dự tuyển khắp nơi.
Nhớ lại ngày rạng rỡ trong bộ đồ cử nhân với hy vọng sẽ trở thành một nhà tâm lý giỏi, giúp ích được nhiều người, Lý Thiện buồn bã: “Đôi lúc em nghĩ, phải chăng mình đã chọn sai ngành? Với chuyên ngành này, nhà tuyển dụng nào cũng yêu cầu kinh nghiệm cùng nhiều kỹ năng khác, như thiết kế, làm truyền thông. Sinh viên mới ra trường như tụi em không dễ gì đáp ứng được các yêu cầu này”.
Hoàn thành chương trình đại học ngành xã hội học từ năm 2022, nhưng do thiếu bằng Anh văn, đến cuối năm 2023, Nhật Linh - 24 tuổi, ở quận Thủ Đức - mới có bằng tốt nghiệp. Trong thời gian đợi bằng, Linh nộp đơn dự tuyển cho một số nơi. Tháng 12/2023, cô được một trung tâm ngoại ngữ ký hợp đồng thử việc nhân viên kinh doanh (sales), lương 7 triệu đồng/tháng, chưa tính hoa hồng. Là người hướng nội, cô phải “gồng mình” mỗi ngày, cố gọi điện thoại cho hàng chục khách hàng để giới thiệu chương trình đào tạo của trung tâm, thuyết phục họ đăng ký học. Sang tháng thứ hai, trung tâm đặt ra định mức doanh thu 100 triệu đồng/tháng khiến cô chới với. Thêm vào đó, do không hài lòng với một số quy định có phần vô lý của công ty, cô quyết định nghỉ việc.
|
Nhiều người trẻ tìm việc ở khu công nghiệp VSIP, tỉnh Bình Dương hồi tháng 2/2024 - Ảnh: Tú Ngân |
Lướt mạng tìm việc, nhìn bạn bè trạc tuổi mình khoe cảnh đi công tác, du lịch chỗ này chỗ kia cùng công ty, Nhật Linh bỗng thiếu tự tin, cảm thấy mình vô dụng. Cô căng thẳng đến mức phải dùng thuốc ngủ. Có những ngày cảm xúc bùng phát, cô gọi về nhà khóc với người thân.
Được cha mẹ động viên, vỗ về, Nhật Linh bình tĩnh hơn, tự nhủ mình không nên quá vội vàng, cứ cẩn trọng tìm kiếm công việc thật sự phù hợp. Cô cũng tranh thủ nhận viết kịch bản phim ngắn, kịch bản quảng cáo theo đơn đặt hàng để có đồng vô đồng ra. Vẫn khá bất an khi nghĩ về tương lai nhưng Linh cũng đặt ra những yêu cầu cho công việc của mình: làm trong giờ hành chính, công việc mang tính độc lập, thôi thúc khả năng sáng tạo, không đòi hỏi phải giao tiếp nhiều.
Tự học để tăng tính cạnh tranh
Theo Tổng cục Thống kê, trong quý I/2024, cả nước có khoảng 1,4 triệu thanh niên 15-24 tuổi không có việc làm và không tham gia học tập, đào tạo. Đáng chú ý, tỉ lệ thất nghiệp của người từ 15-24 tuổi trong quý I/2024 là 7,99%, tăng 0,37% so với quý trước và tăng 0,38% so với cùng kỳ năm trước. Tỉ lệ thất nghiệp của thanh niên ở khu vực thành thị là 10,18%, cao hơn 3,31% so với khu vực nông thôn.
Theo thạc sĩ Nguyễn Hương Giang - Giám đốc chuyên môn của Viện Nghiên cứu và Đào tạo Tâm Việt - tình trạng thất nghiệp của những người sinh trong giai đoạn 1997-2012 (thường được gọi “gen Z”) là thất nghiệp tạm thời do cung và cầu của thị trường lao động thiếu ăn khớp, do chênh lệch cơ cấu lao động, số lượng lao động, yêu cầu về chất lượng lao động. Sự thiếu ăn khớp này khiến doanh nghiệp không tìm được nhân sự phù hợp, người lao động lại không tìm được việc làm đúng theo năng lực bản thân.
Thạc sĩ Nguyễn Hương Giang phân tích thêm, thế giới vừa trải qua dịch bệnh, đang suy thoái kinh tế, môi trường và cách thức làm việc thay đổi nhanh chóng do cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với sự xuất hiện của trí tuệ nhân tạo, quá trình robot hóa quy trình sản xuất. Tham gia thị trường lao động trong bối cảnh đặc biệt này, gen Z phải đối diện với nhiều thách thức mới. Để vượt qua thách thức, họ phải tự trang bị một số kỹ năng đặc biệt, trong đó tự học là kỹ năng hết sức quan trọng giúp họ chủ động cập nhật kiến thức mới, thích ứng nhanh với những yêu cầu mới.
Thạc sĩ Đinh Văn Mãi - giảng viên chuyên ngành công tác xã hội, Trường đại học Văn Lang - cho rằng, thế hệ sinh năm 1981-1996 (gen Y) vẫn đang là lực lượng chủ lực trên thị trường lao động hiện nay. Gen Z phải cạnh tranh với các thế hệ gen Y, gen X (thế hệ sinh năm 1965-1980) và Baby Boomer (sinh năm 1946-1964) trên thị trường lao động, tạo nên môi trường làm việc đa thế hệ với sự giao thoa đa dạng về quan điểm, tính cách, phong cách làm việc. Điều này có thể dẫn đến những mâu thuẫn, áp lực, đôi khi khó hòa nhập cho gen Z - một thế hệ mong muốn được trao quyền để làm hơn là phụ thuộc. Các thế hệ đi trước cũng có thể có cái nhìn thiếu thiện cảm về cách giao tiếp, làm việc của thế hệ Z.
“Để không bị thất nghiệp hoặc bị cắt giảm nhân sự, gen Z cần trang bị những giải pháp nhằm gia tăng tính cạnh tranh trên thị trường lao động. Trong đó, cần tự nâng cao các kỹ năng mềm, nhất là 4 kỹ năng trọng yếu gồm giao tiếp, hợp tác, tư duy sáng tạo, tư duy phản biện. Đặc biệt, gen Z cần chủ động tìm kiếm cơ hội thực tập, làm việc kể cả khi chưa có nhu cầu, nhằm tích lũy kinh nghiệm, đồng thời tận dụng tối đa sự am hiểu và nhạy bén trong tiếp cận thông tin, công nghệ để xây dựng thương hiệu cá nhân, xây dựng những mối quan hệ có chất lượng” - thạc sĩ Đinh Văn Mãi khuyên.
|
Trong thời gian nghỉ việc, Trần Ngọc Hà phụ giúp gia đình để khuây khỏa - Ảnh: Tú Ngân |
Nhiều hệ lụy nếu bỏ phí nguồn nhân lực trẻ Tình trạng thất nghiệp của giới trẻ có thể dẫn đến một số hệ quả không tốt cho xã hội. Không có việc làm, người lao động sẽ không có nguồn thu nhập trang trải cuộc sống, dẫn đến chi tiêu kém, không tạo được nguồn cầu tiêu dùng trên thị trường khiến các doanh nghiệp khó tiêu thụ được hàng hóa. Vòng tròn luẩn quẩn giữa thất nghiệp và suy giảm doanh số bán hàng của các doanh nghiệp khiến quy mô nền kinh tế bị thu hẹp và có thể suy thoái. Bên cạnh đó, thất nghiệp tăng cao, kéo dài có thể tạo ra một nhóm người trẻ bất đắc chí, “nhàn cư vi bất thiện”, tạo ra một tầng lớp không thể tạo ra giá trị cho xã hội và dễ bị cuốn vào các hoạt động vô bổ, thậm chí gây hại cho xã hội. Việc không sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực cũng triệt tiêu động lực phấn đấu, phát triển của nhóm lao động trẻ và tạo tiền lệ xấu khiến các thế hệ lao động tiếp theo không muốn phấn đấu, phát triển bản thân. Thạc sĩ Nguyễn Hương Giang Tú Ngân (ghi) |
Nguyệt Minh - Tú Ngân