edf40wrjww2tblPage:Content
Xem bệnh nhân như người nhà
“Chị thấy trong người thế nào rồi? Mấy hôm nay chị có ăn được không? Chị nhớ ăn đồ loãng thôi nhe, nếu thèm cơm quá thì phải giã nhuyễn chứ không sẽ ảnh hưởng đến vết mổ”, nghe chị Nguyễn Ngọc Dung (SN 1983) điều dưỡng viên (ĐDV) Bệnh viện (BV) Quận 1 ân cần dặn dò, chị Nguyễn Thị Thắm (bệnh nhân) nở nụ cười hàm ơn. Có lẽ, chị Thắm cảm nhận được sự chân tình trong từng lời dặn dò và từng cử chỉ khẽ khàng của nữ điều dưỡng trẻ này. Mà, hình như chị Dung luôn tạo được cho người đối diện cảm giác gần gũi, chúng tôi nhận ra điều đó bởi những bệnh nhân trong phòng đều bày tỏ sự thân mật như người nhà với chị.
Chị Dung kể: “Mẹ tôi trước đây là y sĩ, hồi nhỏ theo mẹ đi trực riết nên tôi yêu cái nghề này lúc nào không hay, và quyết tâm theo học ngành điều dưỡng rồi về đầu quân cho BV Quận 1...”.
Chị làm việc ở khoa ngoại, lại thường xuyên phụ các ca phẫu thuật nên áp lực công việc rất lớn, 8-9 giờ đêm mới rời khỏi BV là điều bình thường. Gần 10 năm gắn bó với nghề, chị quan niệm nghề ĐDV có một quy tắc đạo đức hàng đầu là chăm sóc tốt bệnh nhân và phải cẩn trọng chú ý từng chi tiết biểu hiện của người bệnh để báo cáo chuẩn xác với bác sĩ. Với chị, mối quan hệ giữa điều dưỡng và bệnh nhân không thể là quan hệ “khách hàng”, mà giữa họ cần có mối quan hệ gần gũi, cần được cảm thông, chia sẻ như người một nhà.
Điều dưỡng viên Nguyễn Ngọc Dung đang chăm sóc bệnh nhân
Chị nói: “Bệnh nhân nằm BV dài ngày, mọi chuyện từ vệ sinh, ăn uống… rất cần bàn tay ĐDV, có những bệnh nhân dễ tính nhưng có người rất khó chịu. Lúc đau đớn, nhiều người không kiềm chế được bản thân, đôi khi có những câu nói, lời lẽ không hay. Mình phải đặt mình vào tâm trạng bệnh nhân lúc đó để hiểu họ, nhẹ nhàng động viên họ cố gắng vượt qua… Tôi còn nhớ như in một trường hợp, hôm đó có cặp vợ chồng đưa con vào mổ, trong lúc chờ bác sĩ hội chẩn, bố mẹ của bé lo con đói nên mất bình tĩnh, cứ đòi cho bé ăn và cáu với chúng tôi. Tôi phải nhẹ nhàng giải thích. Đến khi bình tĩnh, họ mới hiểu, đến xin lỗi. Hay trường hợp một phụ nữ bị bệnh hiểm nghèo, chồng ly hôn, ngày nào cô cũng khóc. Mình rất thương chị ấy và động viên hàng ngày, dần dần tinh thần chị ấy lạc quan hơn”.
Chị Đ.K., một bệnh nhân được chị Dung chăm sóc, xúc động nói: “Tôi mổ bướu cổ ở đây được vài ngày, cô Dung và các y bác sĩ ở đây rất tận tụy, nhiệt tình, chăm sóc bệnh nhân chu đáo…”.
Không chỉ xung phong nhận những việc khó, chị Dung còn giúp đỡ đồng nghiệp cùng làm tốt công việc. Ít ai ngờ, người ĐDV nhẹ nhàng, hiền lành này lại là người rất quyết liệt với những điều trì trệ. Sáng kiến cải tiến đổi mới phương pháp tuyên truyền giáo dục sức khỏe cho bệnh nhân khoa Ngoại của chị được Ban giám đốc BV đánh giá cao.
“Trước đây, công tác tuyên truyền giáo dục sức khỏe chỉ theo một chiều, nghĩa là mình nói như thế nào, người dân sẽ nghe theo như vậy, và không biết họ hiểu biết bệnh đến đâu. Do đó, tôi đã đề xuất trước khi tuyên truyền, mình cần có một cuộc trắc nghiệm nhỏ cho người dân, bằng cách đưa ra những câu hỏi về bệnh mình sắp tuyên truyền, từ đó nắm bắt được những nội dung mà họ quan tâm, để khi phổ biến bệnh có sự tương tác và hiệu quả hơn”, chị Dung tâm sự.
Với sự tận tụy, không ngừng cố gắng trong công việc và sự quan tâm của lãnh đạo đơn vị, chị Dung được tuyên dương học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác; hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đạt chiến sĩ thi đua cấp cơ sở năm 2013, được đề nghị chiến sĩ thi đua cơ sở năm 2014 và là một đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2013, 2014.
Thầy giáo luôn sợ sự “lỗi thời”
“Bản chất lịch sử là những con số, rất khó nhớ và khó thuộc. Nếu giáo viên cứ giảng đi, giảng lại trong sách giáo khoa, không cập nhật kiến thức mới, không biết biến những sự kiện lịch sử khô khan thành câu chuyện sinh động thì sẽ rất nhàm chán”, thầy giáo Phòng Quốc Tuấn, giáo viên dạy sử Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi (Q.Gò Vấp) - bộc bạch. Và, để cho những câu chuyện lịch sử không còn khô khan, anh đã mạnh dạn sáng tạo cách truyền đạt, dồn tâm huyết trong từng bài giảng để truyền lửa đam mê môn lịch sử đến học trò, biến môn học khô khan này trở thành hấp dẫn.
Ngay từ khi còn đi học, thầy giáo Quốc Tuấn đã được cô giáo truyền niềm yêu thích môn lịch sử. Mỗi sự kiện, mỗi địa danh trong quá khứ hào hùng của dân tộc luôn lôi cuốn cậu học trò này, thôi thúc cậu gắn đời mình với ngành lịch sử. Tốt nghiệp Khoa sư phạm KHXH Trường Đại học Sài Gòn, Tuấn được về công tác tại Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi (Q.Gò Vấp). Đây là niềm vui nhưng cũng là thử thách đối với anh.
Thầy giáo Phòng Quốc Tuấn
Nắm được tâm lý nhiều học sinh “quay lưng” với môn lịch sử bởi nó cứng nhắc, gắn với các mốc thời gian, sự kiện khó ghi nhớ, Quốc Tuấn luôn trăn trở làm sao để học sinh không chỉ say mê học sử mà còn biết vận dụng vào cuộc sống. Nghĩ là làm, anh luôn tìm tòi, sáng tạo và đổi mới phương pháp giảng dạy để truyền đạt cho học sinh một cách hiệu quả nhất.
“Dạy lịch sử phải tạo cho các em tinh thần thoải mái, không áp lực thì các em mới yêu thích. Tôi không bao giờ yêu cầu các em đọc thuộc lòng từ đầu đến cuối mà thu hút các em bằng cách tranh luận, cho ý kiến. Các bài giảng được lồng ghép bởi các câu chuyện lịch sử, tăng hình ảnh tư liệu minh họa để sống động hơn. Một bài giảng lịch sử có chất lượng không chỉ đòi hỏi những kiến thức trong sách vở, mà người thầy cần có sự nghiên cứu, sưu tầm tư liệu, cập nhật để không bị “lỗi thời”.
Và Quốc Tuấn đã ghi dấu ấn của mình bằng cách làm lan tỏa tình yêu lịch sử nối tiếp giữa các thế hệ học trò. Sự nỗ lực không ngừng của anh được đền đáp khi chỉ mới 28 tuổi nhưng đã có một loạt thành tích “đáng nể”. Đó là Bằng khen của UBND TP hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, giáo viên dạy giỏi cấp Trường, cấp Quận và cấp TP năm học 2013 - 2014; Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác cấp Quận năm 2014; Nhà giáo Trẻ tiêu biểu cấp TP năm 2014; Gương điển hình “LĐ giỏi, LĐ sáng tạo” cấp Quận năm 2014, Đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2013, 2014…
“Niềm vui sướng và hạnh phúc nhất của người giáo viên không chỉ là danh hiệu giáo viên dạy giỏi, mà hơn thế, chính là những tiết học của mình ngày ngày được học trò đón nhận nồng nhiệt. Thành tích tôi có được hôm nay chính là sự quan tâm của ban giám hiệu nhà trường, và đặc biệt nhờ tôi học tập ở Bác Hồ tình yêu thương và tính chuyên cần. Tình yêu thương đối với học sinh và lời dạy của Người là nguồn động lực lớn để tôi phấn đấu vươn lên”. Tuấn tâm sự.
Người làm dâu trăm họ
“Năng nổ, nhiệt tình, hết lòng vì người lao động”, là lời nhận xét của rất nhiều công nhân về Chủ tịch công đoàn Công ty cổ phần Phú Trường Quốc Tế Trang Thị Ngọc Trinh (SN 1980).
Tốt nghiệp ngành công nghệ thực phẩm, Trinh đi làm ở một vài nơi rồi mới xin vào Công ty cổ phần Phú Trường Quốc Tế. Trinh cho biết: “Khi được BGĐ giao nhiệm vụ chủ tịch công đoàn, tôi bất ngờ và lo lắng nhiều lắm. Công ty có hàng ngàn công nhân, tôi luôn trăn trở làm sao để tham mưu cho BGĐ giúp người lao động (NLĐ) có chế độ, phúc lợi ngày một cải thiện và nâng cao hơn so với trước đây”.
Chị Trang Thị Ngọc Trinh thăm công nhân bị tai nạn
Để thực hiện tốt các chế độ chính sách áp dụng cho NLĐ theo quy định của pháp luật, Trinh đã phối hợp cùng công ty tham khảo lấy ý kiến của NLĐ để có sự nhất trí và đồng thuận trước khi ban hành nội quy lao động, thỏa ước lao động tập thể. Bên cạnh đó, luôn cập nhật các quy định, thay đổi về các chế độ chính sách để áp dụng và thực hiện kịp thời.
Với Trinh, những gì làm cho chị em công nhân hoàn toàn không khiên cưỡng mà đầy cảm thông và tinh thần trách nhiệm. Đó không phải là “công tác” gì to tát, mà là những việc phải làm có lợi cho NLĐ.
Trinh tâm sự: “Làm công đoàn như làm dâu trăm họ, chân thành nhưng phải khéo léo mới có thể thỏa hiệp với lãnh đạo doanh nghiệp và NLĐ vào chung một con thuyền, cùng chèo cật lực để về đích sớm. Trong quá trình làm việc tại công ty, đôi lúc không tránh khỏi phát sinh những mâu thuẫn về quyền lợi và nghĩa vụ giữa NLĐ và người sử dụng lao động. Lúc này, người cán bộ công đoàn cần phải bình tĩnh, công tâm, gặp gỡ các bên có liên quan để tổng hợp thông tin và đưa ra phương án hòa giải nhằm đảm bảo việc thực hiện tốt quyền lợi hợp pháp, chính đáng của NLĐ và cũng để xây dựng quan hệ lao động hài hòa và bền vững hơn tại doanh nghiệp”.
Với tất cả lòng nhiệt tình trong công tác công đoàn, chị Trinh vinh dự nhận bằng khen của Liên đoàn Lao động Q.7 trao tặng về thành tích xuất sắc trong phong trào hoạt động công đoàn và Tháng công nhân lần thứ 6. Trong năm 2013, chị đạt danh hiệu “Đảng viên đủ tư cách - hoàn thành tốt nhiệm vụ” và năm 2014 đạt danh hiệu “Đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”.
QUỲNH MAI
Tuyên dương 85 gương sáng Đảng viên “Đối với các đồng chí đảng viên được tuyên dương trong chương trình hôm nay, tôi tin rằng đây là điểm tựa, một dấu ấn trong đời, một vạch xuất phát mới để tiến về phía trước, tiếp tục là những đảng viên tiên phong, những bông hoa luôn tỏa hương, những tấm gương luôn sáng, hãy là nòng cốt tạo sự lan tỏa, lôi cuốn đảng viên phấn đấu rèn luyện để ngày càng có nhiều đảng viên là cán bộ, công nhân, viên chức, NLĐ được tuyên dương. Tôi đề nghị Liên đoàn Lao động TP và các cấp công đoàn cần sâu sát phát hiện những nhân tố tích cực để có những hình thức biểu dương, ghi nhận phù hợp, tạo động lực thúc đẩy các phong trào thi đua yêu nước của công đoàn ngày càng phong phú hiệu quả”. Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm đã nhấn mạnh tại Lễ tuyên dương 85 gương sáng đảng viên năm 2015 do Liên đoàn Lao động TP.HCM tổ chức sáng 29/1, Nhân kỷ niệm 85 năm Ngày thành lập Đảng Cộng Sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2015). 85 gương sáng đảng viên được tuyên dương năm nay là những công chức, viên chức, công nhân trực tiếp sản xuất và công nhân dịch vụ đã có những thành tích xuất sắc, những tấm gương tiêu biểu trong học tập, tu dưỡng, rèn luyện; tích cực học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, được đồng nghiệp tín nhiệm. QUỲNH MAI |