Những tấm gương giáo viên không ngừng học tập

21/11/2024 - 06:16

PNO - Sở GD-ĐT TPHCM vừa trao giải thưởng Võ Trường Toản cho 50 nhà giáo có nhiều đóng góp tích cực cho sự nghiệp “trồng người”. Nhiều thầy cô không chỉ giảng dạy giỏi mà còn là tấm gương sáng cho học sinh về tinh thần học tập suốt đời.

Liên tục nâng cấp kiến thức

Trong một tiết học của học sinh lớp Tám, thầy Nguyễn Thành Nghĩa - 41 tuổi, giáo viên khoa học tự nhiên Trường THCS Nguyễn Thị Thập (quận 7) - chỉ tay vào ký hiệu các nguyên tố hóa học rồi giải thích: “Đây là nguyên tố canxi, còn đây là nguyên tố natri”. Lớp học đang yên ắng bỗng rộ lên nhiều tiếng cười. Một học sinh thưa: “Thầy ơi, chương trình mới không gọi là canxi, natri nữa, mà gọi là calcium, sodium ạ”. Thầy Nghĩa ngớ người, nhận ra sự thiếu sót của mình và nói: “Cách đọc này còn mới với thầy nên thầy sẽ về nhà nghiên cứu lại. Giờ bạn nào đọc hết những nguyên tố này để thầy học trước nhé”. Nhiều lần khác, thầy cũng bị học sinh vặn hỏi những kiến thức mà mình chưa hiểu thật rõ, phải xin thêm thời gian nghiên cứu và trả lời sau.

Thầy Nguyễn Thành Nghĩa trao đổi kiến thức cùng học trò sau giờ học
Thầy Nguyễn Thành Nghĩa trao đổi kiến thức cùng học trò sau giờ học

Sở dĩ, xảy ra chuyện “éo le” như vậy là vì thầy Nghĩa vốn là giáo viên dạy sinh học gần 15 năm. Khi chuyển sang chương trình mới, thầy phải đảm nhận bộ môn khoa học tự nhiên, bao gồm kiến thức của 3 môn: vật lý, hóa học, sinh học. Thầy phải đi học bổ sung kiến thức tại Trường đại học Sài Gòn nhưng vì chỉ mới học trong thời gian vài tháng, thầy chưa thể hoàn toàn nắm chắc tất cả kiến thức. Do đó, thầy vừa dạy, vừa tranh thủ học thêm từ đồng nghiệp và cả học sinh của mình. “Cái gì ban đầu cũng khó, nhưng không đổi mới thì làm sao thích nghi được. Thời nay, không còn chuyện thầy dạy trò học, thầy đọc trò ghi mà phải là cùng nhau học” - thầy chia sẻ.

Tốt nghiệp ngành sinh học của Trường đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia TPHCM nhưng thầy Nghĩa lại bén duyên với nghề giáo được hơn 18 năm nay. Thầy kể, thời còn là sinh viên, thầy thường đi dạy kèm để kiếm thu nhập. Thấy công việc thú vị, thầy đăng ký học thêm lớp nghiệp vụ sư phạm để nắm các kỹ năng cần thiết. Cứ thế, thầy không biết mình đã yêu nghề dạy học từ lúc nào. Năm 2006, thầy tốt nghiệp đại học và vào làm việc tại viện nghiên cứu khoa học của trường. Nhưng vì “đã yêu nghiệp dạy” nên khi thấy Sở GD-ĐT TPHCM đăng tuyển giáo viên dạy sinh học, thầy lập tức dự tuyển và được đưa về dạy tại Trường THCS Nguyễn Thị Thập cho đến nay.

“Nhiều bạn bè thấy tiếc cho tôi khi từ bỏ công việc nghiên cứu để đi dạy nhưng tôi thấy hạnh phúc. Mục tiêu của tôi là dạy học, là trở thành người truyền lửa cho các thế hệ học trò” - thầy nói. Suốt nhiều năm nay, mỗi khi thấy một học sinh không tỏ ra sôi nổi, hào hứng trong lớp, thầy lại tự vấn: “Các em không thích vì cách dạy của mình khô khan hay vì nó không thuộc sở trường của các em?”. Kết thúc buổi học, thầy chủ động tâm sự với những học trò đó để tìm câu trả lời. Nếu cách dạy không phù hợp, thầy sẽ điều chỉnh để tốt hơn. Ngược lại, thầy sẽ hỗ trợ nhiều hơn để các em hoàn thành mục tiêu chương trình.

Quan niệm học là để khám phá thế giới, thầy Nghĩa thường xuyên tổ chức các dự án để học sinh trải nghiệm thực tế. Điển hình là dự án nuôi tinh thể muối ăn tại nhà của lớp Tám A4. Từ ngày được thầy giao nhiệm vụ, tất cả học sinh đều tích cực chia sẻ về chuyển biến của tinh thể cho nhau nghe, khiến không khí trong lớp lúc nào cũng rộn ràng. Thầy Nghĩa giải thích: “Cùng một cách thức thực hiện nhưng quá trình làm của từng nhóm sẽ khác nhau, thành quả cũng sẽ khác nhau. Có nhóm tinh thể to và đẹp nhưng cũng có nhóm tinh thể nhỏ, cạnh không đều. Nhưng dù thành công hay thất bại cũng đều tốt. Các bạn biết được nguyên nhân tinh thể không đẹp là do mình khuấy không đều tay, nhiệt độ nhà quá thấp… là đã tiếp thu tốt kiến thức rồi”.

Ở lớp Chín, thầy cũng cho học sinh làm nhiều dự án như: xe chạy bằng năng lượng mặt trời, xe thế năng chạy bằng nước… Nếu xe chạy không tốt, học sinh phải tìm ra sai sót và tự mình khắc phục. Đôi khi, thầy chia lớp thành 2 nhóm để phản biện và bảo vệ cùng một quan điểm khoa học. Thông qua các hoạt động này, học sinh sẽ học được những thứ mà không sách vở nào dạy được. Đó là kỹ năng làm việc, sắp xếp thời gian, nghiên cứu, thuyết trình, xử lý sai sót… Em Phạm Linh Đan - học sinh lớp Chín TH (tích hợp) - kể rằng: “Nhờ những dự án của thầy mà em thấy môn khoa học tự nhiên trở nên thú vị và thực tế hơn nhiều”.

18 năm trong nghề, giải thưởng Võ Trường Toản không chỉ là sự công nhận cho năng lực của thầy Nghĩa, mà còn là động lực để thầy cố gắng mỗi ngày, dạy tốt hơn nữa.

Đồng hành cùng học trò mọi lúc

Gần 35 năm giảng dạy, cô Đoàn Thị Hường - 55 tuổi, giáo viên khoa học xã hội Trường THCS Hoàng Quốc Việt, quận 7 - đã có hơn 30 năm gắn bó với môn lịch sử. Khi chuyển sang dạy môn khoa học xã hội của chương trình mới, gồm môn địa lý và lịch sử, cô cũng phải đi tập huấn tại Trường đại học Sài Gòn. Không chỉ học từ giảng viên, cô còn tích cực đọc sách báo, tài liệu, hỏi han đồng nghiệp… để nhanh chóng trang bị kiến thức của môn địa lý. Khác biệt lớn nhất ở chương trình mới là học sinh hoạt động nhiều hơn, giáo viên chỉ là người hướng dẫn học sinh khám phá để rút ra kết luận. Do đó, song song việc dạy học ở trường, cô thường cùng học sinh đến thăm các điểm di tích lịch sử như: Địa đạo Củ Chi, Dinh Độc Lập, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Nhà tưởng niệm Bác Hồ… Dù có hướng dẫn viên nhưng với phần lớn câu hỏi của học sinh, cô đều giải đáp cặn kẽ, kết hợp với những kiến thức trên lớp để học sinh dễ tiếp nhận hơn.

Cô Đoàn Thị Hường trong một tiết dạy khoa học xã hội cho học sinh lớp Bảy
Cô Đoàn Thị Hường trong một tiết dạy khoa học xã hội cho học sinh lớp Bảy

Tốt nghiệp ngành sư phạm lịch sử Trường cao đẳng Sư phạm Đà Lạt năm 1990, cô Hường dạy học ở tỉnh Lâm Đồng. Năm 1998, cô lập gia đình và chuyển về dạy tại TPHCM. Đến năm 2007, cô được chuyển về Trường THCS Hoàng Quốc Việt và dạy cho đến nay. “Thời gian khó khăn nhất là khi tôi mới vào TPHCM. Mỗi ngày, tôi phải đạp xe đạp đến trường dù khoảng cách rất xa. Khi học sinh nghỉ học vì hoàn cảnh khó khăn, tôi đã đến từng nhà vận động các em đến trường. Dù vậy, tôi chưa bao giờ nghĩ sẽ chuyển sang nghề khác. Bởi vì, tôi có học trò chạy theo hỏi điều này, điều kia mỗi giờ tan học. Đó chính là động lực để tôi cố gắng mỗi ngày” - cô Hường kể.

Hiện tại, cô Hường còn là giáo viên chủ nhiệm lớp Bảy. Biết trong giai đoạn dậy thì, học sinh cần được hỗ trợ mọi lúc, khuyến khích cái đúng và ngăn chặn cái sai, cô dành rất nhiều thời gian gặp gỡ các em. Cô vừa dạy môn khoa học xã hội, môn hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp, vừa làm bảo mẫu trong giờ ăn trưa của lớp. Dạo trước, thấy một học sinh nữ học rất tốt nhưng thái độ khá bất cần, cô liền động viên rằng em đã rất giỏi, nhưng nếu em có thái độ hòa nhã nữa thì tương lai em sẽ rất thành công. Vì cô không trách móc nên học sinh này rất hợp tác. Giờ đây, em đã hòa đồng và thân thiện hơn.

Không chỉ vậy, cô Hường còn đăng ký làm trợ giảng cho những giáo viên dạy kỹ năng sống ở trường để biết thêm tâm sinh lý của học sinh. Cô kể: “Có lần, trong một tiết hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp, học trò muốn được mở nhạc để hát. Để các em vui, tôi cho các em hát và hát cùng các em nhưng chỉ những bài hát về thầy cô, bạn bè. Có em về nhà kể cho cha mẹ, rồi cha mẹ nói lại với tôi rằng không ngờ cô lại “chịu chơi” như vậy, tôi cũng thấy vui”. Em Hoàng An Thi - học sinh lớp Tám TC2 - chia sẻ: “Cô rất tôn trọng ý kiến và hiểu suy nghĩ của chúng em. Những tiết học của cô đều rất vui và thoải mái”.

Xuất thân trong gia đình có cha và nhiều chị em theo nghề giáo, con trai cũng đang là giáo viên Trường THCS Phạm Hữu Lầu (quận 7), cô Hường xem nghề giáo như một phần không thể thiếu của cuộc đời mình. Nhận giải thưởng Võ Trường Toản ở tuổi sắp về hưu đối với cô là một niềm vui khôn xiết, chứng nhận cho những đóng góp không ngừng nghỉ của cô nhiều năm qua. Cô Hường cũng là giáo viên bồi dưỡng học sinh giỏi, nhiều năm liền có học sinh đạt học sinh giỏi cấp quận, thành phố.

Trang Thư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI