Từ những hạt cát trắng được mang về từ đảo Sinh Tồn Đông, bức tranh cát Gạc Ma - Vòng tròn bất tử đã hình thành. Tác phẩm đặc biệt này đã lưu chuyển từ Việt Nam qua tận thủ đô Seoul, đến những tấm lòng và tình yêu dành cho biển đảo của cộng đồng người Việt Nam tại Hàn Quốc, thông qua cuộc đấu giá được tổ chức ngày 9/4/2017. Tiếp nối hành trình ý nghĩa ấy, những tấm bia đã đến Trường Sa, đặt tại những ngôi chùa nơi đảo xa, tưởng niệm 64 anh hùng, liệt sĩ hy sinh tại Gạc Ma ngày 14/3/1988…
Từ ý nguyện của chùa Song Tử Tây
Hiện có 6 ngôi chùa trên các đảo Trường Sa Lớn, Song Tử Tây, Sơn Ca, Sinh Tồn, Phan Vinh và Nam Yết. “Đảo Sinh Tồn đã có bia tưởng niệm từ trước. Bia được làm bằng đá granite, khắc tên 64 liệt sĩ hy sinh ở đảo Gạc Ma. Còn chúng tôi, ban đầu làm bia tưởng niệm theo ý nguyện của Đại đức Thích Nhuận Đạt, trụ trì chùa Song Tử Tây, sau đó mới trở thành ý tưởng chung là sẽ đặt bia tưởng niệm tại các chùa còn lại ở Trường Sa” - nhà báo Phạm Hoài Nam (hiện công tác tại báo Sài Gòn Giải Phóng) cho biết. Anh cũng chính là người đã kết nối đất liền và đảo, vận động kinh phí, chọn đá và đặt hàng chế tác các bia tưởng niệm.
|
Chùa Sơn Linh nhìn từ hải đăng đảo Sơn Ca |
Giữa tháng 9/2018, bia tưởng niệm do Hội Phật tử Việt Nam tại Hàn Quốc được đưa ra chùa Vinh Phúc trên đảo Phan Vinh. Tiếp đó, ngày 14/3/2019, đúng dịp kỷ niệm 31 năm sự kiện Gạc Ma, tấm bia tưởng niệm thứ hai, được làm theo nguyện vọng của Đại đức Thích Nhuận Đạt, được đưa ra đảo Song Tử Tây.
Bia được làm bằng đá granite nguyên khối, nặng 2,5 tấn, được chọn từ những tảng đá đẹp nhất trên mỏ đá núi Vĩnh Khánh. Đại đức Thích Nhuận Đạt lấy mẫu theo bia tưởng niệm từ Đại Nội (Huế). Các nghệ nhân chế tác trong gần ba tháng trước khi được mang ra đảo.
“Trường Sa chưa bao giờ mưa vào tháng Ba. Trái lại, đó còn là mùa cao điểm nắng nóng ở Song Tử Tây. Vậy mà khi Đại đức Thích Nhuận Đạt vừa đặt bia đá vào nhà chuông thì có mưa, kéo dài 15 phút. Cho đến bây giờ, tôi vẫn có niềm tin tâm linh rằng, chính những tác duyên vô hình đã cho chúng tôi hoàn thành được tâm nguyện” - nhà báo Phạm Hoài Nam chia sẻ.
Những đáp đền tiếp nối
Công trình bia tưởng niệm xuất phát từ ý tưởng cá nhân, nhưng đã kết nối những tấm lòng vì biển đảo. Kinh phí thực hiện tấm bia tại chùa Vinh Phúc trên đảo Phan Vinh là của những người con đất Việt sinh sống tại Hàn Quốc.
“Năm 2015, tôi từng dự lễ đấu giá bức tranh Gạc Ma - Vòng tròn bất tử ở chùa Vĩnh Nghiêm. Lần này, nghe sư cô nói, tôi xin phép họa sĩ Bùi Lệ Trang cùng ông Lê Viết Hải là người trúng đấu giá bức tranh này và ông Nguyễn Văn Phước - Giám đốc Công ty First News - Trí Việt, chế tác thêm một phiên bản nhỏ để mang đi Seoul đấu giá. Anh Hải và anh Phước đồng ý ngay và nảy sinh sáng kiến làm tranh cát. Nhiều năm đi Trường Sa, tôi có mang hai chai cát trắng lấy từ đảo Sinh Tồn Đông về làm kỷ niệm. Dịp này, tôi gửi hết số cát ấy cho họa sĩ Ý Lan thực hiện bức tranh cát Gạc Ma - Vòng tròn bất tử. Vậy là có thêm một phẩm vật ý nghĩa mang sang buổi lễ cầu siêu ở Seoul. Bức tranh đấu giá được hơn 200 triệu đồng, cộng với nhiều cá nhân, tổ chức ủng hộ thêm hơn 200 triệu đồng nữa, ban tổ chức gửi về cho gia đình 64 liệt sĩ. Nhờ sự lan tỏa ấy mà đến lần cầu siêu thứ hai ở chùa Phụng Nguyên, khi nói về ước vọng làm những tấm bia tưởng niệm cho chùa ở Trường Sa, chúng tôi đã nhận được sự ủng hộ của rất nhiều người” - nhà báo Phạm Hoài Nam kể.
|
Viên gạch xây chùa có khắc quốc huy Việt Nam, chụp trên đảo Phan Vinh |
Tất cả các ngôi chùa ở Trường Sa đều được xây bằng những viên gạch có khắc quốc huy Việt Nam. Trên bia tưởng niệm cũng có quốc huy, khẳng định chủ quyền. Đây không chỉ là công trình tưởng niệm mà còn để lại giá trị cho muôn đời sau. Từng viên gạch, từng tấm bia đá đều là dấu mốc chủ quyền của ta trên biển, đảo. Trên tấm bia tưởng niệm đặt tại chùa Vinh Phúc (đảo Phan Vinh) còn khắc tên người Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân - thiếu úy Nguyễn Phan Vinh - thuyền trưởng tàu không số, hy sinh năm 1968.
Chỉ xót xa một điều, người cựu chiến sĩ Trường Sơn Nguyễn Văn Cư đã mất trước khi được chứng kiến tấm bia tưởng niệm do ông đóng góp được hình thành (ông mất vào tháng 6/2018). Tấm bia ở đảo Song Tử Tây, bên dưới, góc phải, có khắc thêm một cái tên: Nguyễn Văn Cư. Nhà báo Phạm Hoài Nam nói, họ - những người lính, dù mất ở đất liền hay dưới lòng biển sâu, cuối cùng cũng đã được gặp nhau…
Tiếng chuông chùa bình yên... Chuyến công tác ra Trường Sa, tôi may mắn đã đến được 4/6 ngôi chùa nơi đảo xa. Đứng trên hải đăng, nhìn về phía chùa Sơn Linh (đảo Sơn Ca), cảm nhận thật rõ sự thanh bình linh thiêng của một mái chùa uy nghiêm giữa biển cả. Giữa bốn bề sóng nước, một tiếng chuông chùa ngân lên nghe thành kính và yêu thương như thanh âm của quê nhà. Nhẹ nhàng, bảo bọc, xoa dịu, bình an… Buổi tối, khi đoàn đại biểu và nhân dân thưởng thức chương trình văn nghệ trên đảo Trường Sa Lớn, tôi đứng trước ngôi chùa tĩnh lặng trong đêm. Dưới bầu trời đầy sao, trên mảnh đất nơi đầu sóng này, ngôi chùa như một biểu tượng của hòa bình, thiện lành, bác ái. Nơi chiếc bàn trà trong khuôn viên chùa Sinh Tồn là đôi dòng: “Hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình. Hãy tự mình tựa vào chính mình, chớ có ý tựa vào một cái gì khác. Dùng Chánh pháp làm chỗ nương tựa. Dùng Chánh pháp làm ngọn đèn…”. Sáu ngôi chùa xây bằng những viên gạch khắc quốc huy Việt Nam là sự khẳng định giá trị tâm thức và chủ quyền muôn đời của dân tộc Việt Nam. |
Bùi Tiểu Quyên