Những tấm ảnh cũ

25/02/2013 - 17:21

PNO - PN - Khi biết tin tôi chuẩn bị ly hôn, chị bạn gửi qua email cho tôi một tấm ảnh đen trắng với lời chú thích: “Thời của chúng tôi, cái gì hư người ta sẽ sửa chứ không vứt nó đi!”.

Trong ảnh, hai nhân vật có gương mặt hằn sâu vết thời gian nhưng có vẻ vô cùng an nhiên, hạnh phúc. Cụ bà ngả mái đầu pha sương vào bờ vai bạn đời, còn bờ môi, đầu mũi cụ ông thì đang cọ vào tóc bà đầy âu yếm. Hình ảnh này từng gây xúc động mạnh và lan truyền trên internet như thông điệp kêu gọi gìn giữ hôn nhân...

Nhung tam anh cu 

Chị bạn trách tôi chưa chi đã muốn vứt đi cuộc sống chung bảy năm nhưng chị không biết, trong ví người chồng sắp trở thành cũ của tôi cũng có một tấm ảnh trắng đen tương tự như thế: ảnh ba mẹ anh thuở còn mặn nồng. Họ tựa sát vào nhau, mỉm cười nhìn ống kính...

Trên tường nhà ông bà nội tôi còn có một tấm ảnh cũ, trong ảnh là ông bà áo dài khăn đóng ngồi bên nhau chờ cháu con chúc thọ ngày Tết... Nhìn họ cũng đầy mãn nguyện.

Các cụ đã sống với nhau ra sao và sửa chữa hỏng hóc thế nào để có những tấm ảnh cho đời sau chiêm ngưỡng như vậy?

Má chồng tôi gá nghĩa cùng một người đàn ông đã qua một lần đò, có ba đứa con riêng. Bà sinh cho ông thêm mấy người con nữa và suốt mấy mươi năm ròng làm vợ ông, vài bận bà cũng đi đánh ghen, mấy lần nuốt nước mắt vào trong nghe từng đứa con riêng của ông gọi bà là “má lớn”. Từ ngày về làm dâu, tôi thấy má không ngơi tay, vừa trông quầy hàng gia đình, vừa việc nhà, vừa lo bầy cháu lít nhít phụ con gái, con dâu... Ông bà riêng giường từ lâu. Đêm đêm, nhiều khi bà ho sù sụ còn ông ở giường bên đằng hắng ra điều khó chịu vì mất ngủ. Có những đêm giường ông trống người chỉ còn hơi. Nhưng, mắt má vẫn lóe lên ánh nhìn vui vẻ, trong veo như trẻ thơ được quà mỗi khi được ba chở đi khám bệnh, mua cho chai dầu gió... Mấy năm nay hình như hờn ghen, cãi vã, xô xát đã lui vào quá khứ khi ông không còn vắng nhà qua đêm. Hai tiếng “vứt bỏ” có lẽ chẳng tồn tại trong từ điển của bà. Còn ba từng bảo với tôi, má luôn là người vợ chính thức duy nhất mà ông không bao giờ từ bỏ...

Nhung tam anh cu

Ông nội thì trở lại chiếu bạc ngay sau lễ tân hôn và chỉ trở về nhà mỗi lúc hết tiền. Mười năm cuối đời, một trận tai biến khiến chân ông không thể ra cửa theo ý muốn, tay chẳng còn nhấc lên cầm nổi lá bài và tiếng nói cũng không thể phát ra từ cái lưỡi cứng đơ. Bất động trên giường, sinh hoạt cá nhân ông đành nhờ vợ con. Tối tối, bà nắm lấy bàn tay chồng mềm nhũn mà đay nghiến: “Cái tay này là quả báo, là trời phạt ông... “.

Chị bạn lại bảo sao tôi toàn kể chuyện không vui, đâu hiếm các bức hình cũ có câu chuyện nền tươi sáng hơn. Ngay cả trong hai câu chuyện về hạnh phúc khốc liệt trong gia đình tôi, cuối cùng thì tình nghĩa cũng là thứ còn đọng lại trong ảnh. Nghĩa tào khang sứt mẻ dù ít dù nhiều, nhưng các cặp vợ chồng trong mấy tấm ảnh cũ ấy không chia lìa, vì cái tình giữa họ không đơn thuần là tình yêu có thể đổi thay như thay quần đổi áo và cái nghĩa nặng sâu cũng chẳng như nghĩa của nhiều kẻ đến với nhau trong một vài thoáng vui. Đó là tình gắn bó giữa những con người đã coi nhau như người thân, như phần thân thể không đành cắt bỏ của chính mình. Đó là cái nghĩa người với nhau được cộng hưởng từ nhiều thứ như trách nhiệm, ân tình chia ngọt sẻ bùi trước bao trở ngại và lo toan đời thường... Hành trình hôn nhân dài đằng đẵng không phải lúc nào cũng êm đềm mãn nguyện như một khoảnh khắc lên ảnh, quyết định sửa chữa hay vứt bỏ cũng tùy người tùy cảnh... Có những hỏng hóc không thể sửa, chấp nhận sống chung hay giải thoát để tốt hơn cho người, cho mình, cho cả những hệ lụy vô tội liên quan như con cái, mẹ cha. Từ hoàn cảnh cha mẹ chồng tôi, một trong những người con của ông bà đã không nhìn hôn nhân như một khế ước yêu thương thiêng liêng nữa. Anh ngả vào những vòng tay khác nhưng miệng bảo vợ hãy như má, làm bến neo thuyền vĩnh viễn đợi anh...

Tôi không phải là má, là bà thuở trước. Thời hiện đại cho người ta nhiều lựa chọn hơn. Song, dẫu lựa chọn như thế nào, hạnh phúc không phải là tiêu chí quan trọng nhất mà ai nấy cũng đều khao khát hay sao? Lồng vào ngón tay một chiếc nhẫn thề hẹn để nâng niu cả bàn tay và giữ nhẫn luôn sáng bóng, nhưng nếu để nhẫn rỉ sét và siết ngón tay đến đớn đau thì liệu còn ý nghĩa? Và, tôi phải đánh bóng nhẫn cùng sửa chữa bàn tay của tôi ra sao đây, để có một tấm ảnh cũ giữ lại cho con cháu niềm tin vào hạnh phúc chứ không phải ẩn chứa sau nó những bi kịch?

ÁI NGUYÊN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI