Hoa tươi ướp, nhất là các sản phẩm nghệ thuật từ hoa tươi ướp vẫn còn khá mới mẻ với nhiều người. Với sự đam mê và sáng tạo, chị Nguyễn Thị Thúy Phượng, sinh năm 1987, ở thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi, đã thành công trong việc tạo hình các sản phẩm từ hoa tươi ướp.
|
Một tác phẩm từ hoa tươi ướp của chị Nguyễn Thị Thúy Phượng |
Đam mê nghệ thuật và bén duyên với hoa tươi ướp, Phượng luôn cảm thấy tiếc khi hoa tươi chỉ chưng được vài ngày, còn hoa khô tuy bền hơn nhưng lại dễ bay màu và khô cứng.
Phượng chia sẻ, vì yêu hoa nên chị hay lên mạng tìm kiếm, tìm hiểu về các loài hoa cũng như kỹ thuật xử lý để hoa tươi lâu. Trong một lần, Phượng biết đến hoa tươi ướp.
|
Thúy Phượng đang thực hiện một tác phẩm |
Hoa tươi ướp có đặc điểm màu sắc tươi nguyên, cánh hoa mềm mại và sống động như vừa mới được hái. Hoa có "hạn sử dụng" khá lâu, nếu được bảo quản tốt có thể lên đến 5 năm, thậm chí 10 năm vẫn còn nguyên màu sắc. Phượng nói, hoa tươi ướp như là định mệnh với mình, yêu ngay từ cái nhìn đầu tiên vì quá đẹp, quá đặc biệt.
Phượng băn khoăn, hiện thị trường chưa có nhiều người kinh doanh loại hoa này, mình có nên đưa về Quảng Ngãi để phát triển không. Trước giờ mình không hề có kinh nghiệm trong lĩnh vực này, mình có làm được không. Nhưng hoa tươi ướp như có ma lực kỳ lạ, không dằn lòng được, Phượng lên tận nơi sản xuất hoa tươi ướp ở Đà Lạt để tìm hiểu và mua hoa về. Phượng chính thức bén duyên cùng hoa tươi ướp. Nghề dược vẫn giữ, nhưng chị có thêm nghề khác, sáng tạo và đam mê hơn.
|
Hoa tươi ướp giữ được màu sắc rất nhiều năm |
Những ngày đầu, Phượng mua hoa tươi ướp về để cắm bình và làm tranh treo tường. Khách hàng thưa thớt vì giá thành khá cao, nhiều người không hiểu lại so sánh, rằng tại sao hoa khô rẻ mà hoa ướp lại cao. Bạn bè, người thân cho rằng Phượng đang kinh doanh một mặt hàng cao cấp, kén khách, giá bán từ vài trăm đến vài triệu đồng ở một địa phương còn nghèo là không phù hợp.
Hoa tươi ướp tuy giá thành cao hơn, nhưng qua thời gian dài vẫn tươi mới. Còn hoa tươi hay hoa khô, tốn cũng hàng trăm nghìn đồng nhưng chỉ thời gian ngắn đã hư hỏng. Suy cho cùng thì hoa tươi ướp vẫn… rẻ.
|
Sản phẩm từ hoa tươi ướp có giá thành khá cao |
Tay nghề của chị Phượng cứ thế được nâng dần lên. Việc sắp xếp bố cục, phối màu bức tranh như thế nào đều được Phượng chăm chút kỹ lưỡng. Nhiều áp lực đặt lên Phượng. Nhưng Phượng vẫn kiên quyết với con đường mình đã chọn. Chị không ngừng tìm kiếm, học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước. Phượng không ngại cực khổ, tốn kém, ra Bắc vào Nam “tầm sư học đạo”. Không những học cách “vẽ tranh” bằng hoa tươi ướp, Phượng còn học cách viết thư pháp, cách làm cho hoa luôn chúm chím cười...
Chị kỹ tính và cầu toàn đến mức cái khung tranh cũng phải suy nghĩ và thiết kế riêng mẫu khung cho phù hợp. Nếu khung bình thường chỉ có độ sâu 5cm thì Phương đặt làm 7cm. Bức tranh đặt trong khung thoáng và sáng hẳn lên. Mỗi lần làm xong bức tranh 3D, Phượng lại chụp ảnh gửi cho “sư phụ” để được góp ý và hoàn thiện hơn.
|
Những bình hoa tươi ướp được chị Phượng chăm chút từng chi tiết |
Đối với hoa cắm trong bình thủy tinh, chị Phượng chọn bình giá cao một chút, trong suốt, mỏng vừa phải, để tôn vẻ đẹp của hoa.
Làm nghề cũng lắm công phu, Phượng kể: “Lần tôi trang trí hoa tươi ướp cho ốp lưng điện thoại, ốp lưng có chất liệu nhựa dẻo nên không thể viết thư pháp trên đó được. Mực vào là trượt đi, còn dùng keo thì vừa ra khỏi máy đã đông cứng, không viết được. Tốn biết bao thời gian, cuối cùng tôi phát hiện ra, “mực thư pháp” dùng trên ốp lưng chính là… sơn móng tay”.
|
Chiếc ốp lưng điện thoại được đính hoa tươi ướp và viết thư pháp bằng sơn móng tay |
Không vừa lòng với những sản phẩm hiện có, thời gian gần đây, Phượng phát triển thêm việc sử dụng hoa tươi ướp để trang trí đèn ngủ, bầu hồ lô, đá cảnh, ốc… Riêng đèn, chị tốn đến một năm rưỡi nghiên cứu. Làm mãi vẫn không ưng ý. Vì không khéo thì chụp đèn sẽ che hết hoa. Làm đi làm lại không biết bao nhiêu lần. Khi chị hoàn thành khoảng 90% thì có thư mời tham gia hội chợ hàng Việt - Nhật.
|
Chụp đèn và bầu hồ lô |
Khi đó sản phẩm chưa hoàn thiện vì đèn chưa chỉnh được độ sáng - tối, Phượng từ chối. Lỡ mất cơ hội quảng bá sản phẩm ra nước ngoài, Phượng tiếc, nhưng chị nói không muốn đưa sản phẩm mình chưa hài lòng đến cho khách hàng. Giờ đèn đã hoàn thiện, Phượng đã bán cho khách hàng rất nhiều, riêng cái đèn một năm rưỡi đó chị vẫn giữ lại làm kỷ niệm, để nhắc nhở bản thân phải chăm chút cho từng sản phẩm.
"Khách hàng ngày nay rất thông minh, do đó nếu muốn tác phẩm của mình đáp ứng được nhu cầu và mong muốn của họ, phải đạt được "chân, thiện, mỹ" - Phượng chia sẻ.
|
Chị Phượng ngắm nghía nâng niu tác phẩm do mình làm ra |
Trong các tác phẩm của Phượng, nguyên liệu thật chiếm 90 - 95%. Hoa thật, lá thật, cỏ cây và những chú bướm sặc sỡ cũng là thật. Việc chế tác, trang trí các sản phẩm hoàn toàn thủ công nên rất tốn thời gian. Cũng vì vậy mà mỗi tác phẩm là một sáng tạo riêng, không “đụng hàng”.
Vượt qua những khó khăn trong giai đoạn đầu, sau 3 năm, sản phẩm hoa tươi ướp của chị Phượng được khách hàng ở nhiều nơi trong nước biết đến. Có người chỉ mới nhìn tác phẩm của Phượng từ người quen đã chủ động xin số điện thoại và nhắn tin cho chị đặt hàng. Mẫu mã thế nào tùy ý Phượng lựa chọn, thiết kế, vì khách bảo rằng tin tưởng vào tay nghề của chị.
|
Những đóa hồng bắt mắt hơn qua bàn tay của chị Phượng |
Chị Phượng cho biết: "Tôi muốn đưa thương hiệu hoa tươi ướp của mình đi xa hơn và tạo được việc làm cho nhiều lao động. Đến với nghề là từ đam mê, tôi muốn từ nghề này tạo ra nhiều phúc lợi xã hội, nhất là cho những người kém may mắn, người khuyết tật. Tôi muốn có xưởng riêng, trực tiếp tuyển dụng và đào tạo họ, để hoa tươi ướp vừa làm đẹp cho đời, vừa làm đẹp cho cuộc sống của nhiều người".
Nghiêm Hà