Những suất ăn sáng ấm lòng người nghèo

04/01/2019 - 18:00

PNO - Từ đầu năm 2018 đến nay, cán bộ, hội viên phụ nữ khu phố 3, P.15, Q.8 đã đi bán vé số, thu gom ve chai để tích cóp tiền nấu những bữa ăn sáng tươm tất, ngon miệng cho người nghèo.

Sáng thứ Tư, chưa tới 5g, trụ sở Ban điều hành khu phố 3 đã sáng đèn. Gần 10 cán bộ, hội viên phụ nữ đứng quanh cái bàn nhỏ, người cắt chả, dưa leo, người cắt hành, chuẩn bị muối, tiêu, không khí rộn rã cả một góc đường Lưu Hữu Phước. 6g, những ổ bánh mì nóng hổi, giòn rụm với đầy ắp chả và hành ngò đã sẵn sàng đến tay mọi người. 
 

Nhung suat an sang am long nguoi ngheo

Cán bộ Chi hội Phụ nữ khu phố 3, P.15 trao bánh mì tận tay người lao động nghèo.

 

Cầm xấp vé số, bước đi chậm rãi vì cái chân đau, chị Nguyễn Thị Thảo rụt rè lại gần tủ bánh mì, hỏi: “Cho tui xin một ổ được không, tui mới tới lần đầu”. Chị Nguyễn Thị Thịnh - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu phố 3 - xởi lởi: “Tụi em ở đây vào sáng thứ Hai, Tư, Sáu hằng tuần, chị cứ tới lấy đồ ăn sáng, đừng ngại”. Chị Thảo đứng tần ngần một lúc, nói: “Bán vé số gần 10 năm nay, chưa bữa sáng nào tui dám mua một ổ bánh mì”. Cũng như chị, rất nhiều vị khách của tủ bánh mì đặc biệt này đã bỏ qua bữa sáng dù biết như vậy sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe.  

Mới hơn 1 giờ, 120 ổ bánh mì chả đã hết veo. Cả nhóm lật đật chạy đi mua thêm 120 ổ nữa rồi lại tất bật cắt chả, rửa rau. Chiếc xe đạp cọc cạch dừng lại bên vệ đường, ông Lê Văn Giang - ở khu phố 3, P.15 - bước xuống, chân tay hơi lóng ngóng vì có tật. Chị Trần Thị Kim Liên chạy đến đỡ, những thành viên khác nhanh chóng gói bánh mì đặt vô giỏ xe. Ngoài 70 tuổi, đi nhặt ve chai kiếm sống, vợ mắc bệnh tim, phải thuốc thang thường xuyên nên ông Giang không dám bỏ tiền ra ăn sáng. Một năm nay, ông trở thành “khách quen” ở đây.

Nhung suat an sang am long nguoi ngheo

Cán bộ Chi hội Phụ nữ khu phố 3, P.15 chuẩn bị chả, dưa leo làm bánh mì ngay từ sáng sớm.

 

Từ năm 2016, mỗi sáng thứ Hai, Tư, Sáu hằng tuần, Chi hội Phụ nữ khu phố  3  đã tặng người già neo đơn, người bán vé số, lượm ve chai từ 40 - 60 ổ bánh mì không. Bản thân phải phẫu thuật cắt bỏ một quả thận, sức khỏe yếu, nhưng mong muốn người nghèo ăn được những món ngon, chị Nguyễn Thị Thịnh đã bỏ tiền ra làm cái tủ rồi xung phong đi bán vé số, mỗi đợt 100 - 150 tờ, đồng thời thu gom ve chai trong nhà, xin thêm hàng xóm để mang bán, lấy tiền gây quỹ.

Việc làm ý nghĩa này thôi thúc các chị Trần Thị Kim Liên, Lê Thị Thu Thủy, Võ Thị Thu Hương, Nguyễn Thị Xê, Phùng Ngọc Loan Anh, Phạm Ngọc Quỳnh cùng góp sức. “Mình không có tiền thì xin góp công. Thường thì mỗi sáng, chúng tôi làm chừng 120 - 150 ổ bánh mì, nhưng có những bữa khách đông, chúng tôi làm 200 - 250 ổ” - chị Thịnh chia sẻ. 

Ngoài bánh mì, lâu lâu, Chi hội Phụ nữ khu phố 3 còn nấu bún xào, tráng bánh ướt tùy theo số tiền gom góp được mỗi tuần. Ông Phạm Hữu Ngọc - Trưởng ban điều hành khu phố 3 - cho biết, bên cạnh những bữa sáng được chuẩn bị bằng cả tấm lòng, hằng năm, các chị còn cùng đoàn thể trong khu phố tặng hơn 4.000 cuốn tập, tặng cặp đi học, bút, thước cho học sinh nghèo. 

Theo bà Hoàng Ngọc Loan - Phó chủ tịch Hội LHPN Q.8 - hiện ở Q.8, có nhiều chi hội đã chủ động lựa chọn mô hình hoạt động phù hợp với điều kiện địa phương, trong đó công tác chăm lo, hỗ trợ người nghèo. Tại P.15, mô hình "Kết nối yêu thương" ra đời, ban đầu triển khai cấp phường, đến năm 2018 thì triển khai về các khu phố, có nơi nấu bữa ăn sáng, có nơi tặng học bổng, nhu yếu phẩm cho hội viên. Tại các phường 4, 16, cán bộ Hội cũng tự gây quỹ mua dụng cụ thể dục thể thao đặt trong công viên cho bà con cùng tập hoặc gom góp hàng chục tấn quần áo, dụng cụ nhà bếp tặng các gia đình đặc biệt khó khăn ở TP.HCM và các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên. Những hoạt động này đã làm tăng sức hút của tổ chức Hội. 

Thảo Nguyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI