Vị giác của bé phát triển ngay từ trong bụng mẹ
Thực phẩm mà mẹ bầu ăn mỗi ngày có thể ảnh hưởng trực tiếp đến hương vị nước ối bao quanh em bé. Khi bé nuốt nước ối, bé sẽ nếm luôn mùi vị. Nếu nước ối có vị ngọt, bé sẽ nuốt nhiều nước ối hơn và bé có xu hướng “chê” nước ối nếu nó có vị đắng.
Điều này giải thích tại sao khi chào đời, trẻ con lại bày tỏ sự yêu thích đặc biệt với một loại hương vị nào đó. Có nghiên cứu đã chứng minh được rằng một đứa trẻ sẽ thích nước ép cà rốt hơn nếu khi mang thai mẹ thường xuyên uống loại nước ép này.
Đến giai đoạn tam cá nguyệt thứ 3, em bé trong bụng mẹ có thể uống tới 1 lít nước ối mỗi ngày để chuẩn bị sẵn sàng cho việc bú mẹ sau khi sinh.
Vị giác của trẻ sơ sinh phát triển từ trước khi chào đời. Vào khoảng tuần thứ 8 của thai kỳ, em bé đã bắt đầu phát triển vị giác. Những chồi vị giác này sẽ hoàn thiện khi thai nhi 14 tuần tuổi.
So với bố mẹ thì thai nhi có nhiều chồi vị giác hơn, khoảng 10.000 chồi. Chúng không chỉ có ở bề mặt lưỡi mà còn xuất hiện ở trên, dưới vòm miệng và hai bên lưỡi. Những chồi vị giác dư thừa sẽ dần dần biến mất.
Cùng theo dõi quá trình thai nhi nhận dưỡng chất trong bụng mẹ nhé:
10 loại “thực phẩm vàng” mẹ bầu nên bổ sung trong thai kỳ
1. Trứng
Trứng chứa hơn 12 loại vitamin, khoáng chất và rất nhiều protein, chất rất quan trọng cho sự phát triển của bé.
Ngoài ra, trứng cũng rất giàu choline, một chất giúp thúc đẩy tăng trưởng và phát triển não bộ của trẻ, đồng thời ngăn chặn nguy cơ bị bệnh về ống thần kinh. Omega 3 cũng là một chất dinh dưỡng có trong trứng, rất quan trọng cho não bộ và thị lực của trẻ.
Nếu mẹ bầu còn lo lắng về lượng cholesterol thì hãy yên tâm rằng chất béo tự nhiên trong trứng an toàn hơn nhiều so với các loại chất béo đã qua xử lý như dầu ăn, mỡ động vật,… Hơn nữa, dù trứng có hàm lượng cholesterol cao nhưng lại có rất ít chất béo bão hòa - nguyên nhân gây béo phì cho cơ thể.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng thì một người phụ nữ khỏe mạnh có hàm lượng cholesterol trong máu trung bình, có thể tiêu thụ được 1-2 quả trứng mỗi ngày. Nhưng nếu cholesterol vẫn là nỗi lo của bạn thì chỉ cần ăn lòng trắng trứng là đủ.
2. Cá hồi
Không chỉ giàu protein, cá hồi còn là nguồn cung cấp dồi dào omega-3. Hai loại chất dinh dưỡng này không những rất tốt cho sự phát triển của trẻ mà còn có thể thay đổi tâm trạng đang chán nản của bạn.
Khác hẳn với nhiều loại cá khác, cá hồi chỉ có một lượng rất thấp thủy ngân, hợp chất có thể gây hại cho hệ thần kinh đang phát triển của thai nhi. Nhưng các chuyên gia cũng khuyến cáo không nên ăn nhiều hơn 2 bữa cá mỗi tuần để tránh việc tiêu thụ quá nhiều thủy ngân.
3. Các loại đậu
Các chuyên gia dinh dưỡng đã chỉ ra rằng trong đậu có chứa nhiều chất xơ và protein nhất so với các loại rau củ khác.
Bạn đã biết rằng điều cần thiết là cung cấp đủ protein trong quá trình mang thai thì giờ đây bạn cần phải cho thêm chất xơ vào danh sách ưu tiên này. Khi mang thai, quá trình tiêu hóa của bạn sẽ chậm lại và rất nhiều mẹ bầu đã gặp phải nhiều vấn đề về tiêu hóa như táo bón hay trĩ trong thai kỳ. Và việc bổ sung nhiều chất xơ là giải pháp cho những vấn đề đó.
Ngoài ra, các thực phẩm chứa nhiều chất xơ còn rất giàu các loại dinh dưỡng khác như sắt, canxi và kẽm.
4. Khoai lang
Khoai lang ngọt có màu cam từ chất carotenoid – sắc tố có chứa trong cà rốt, sẽ chuyển đổi thành vitamin A trong quá trình tiêu hóa trong cơ thể.
Mặc dù tiêu thụ quá nhiều vitamin A có trong các nguồn thức ăn như gan, sữa và trứng có thể gây nguy hiểm, nhưng chất carotenoids ở trong thực vật lại hoàn toàn khác. Chúng sẽ chỉ chuyển đổi thành vitamin A khi cần thiết nên các mẹ không cần phải hạn chế những thực phẩm này.
Khoai lang cũng là một nguồn dinh dưỡng giàu vitamin C, folate và cả chất xơ.
5. Các loại ngũ cốc
Các loại ngũ cốc rất quan trọng trong quá trình mang thai vì chúng giàu chất xơ, vitamin E, selenium và chứa cả các hợp chất có trong thực vật có tác dụng bảo vệ các tế bào.
6. Quả óc chó
Óc chó là một trong những loại thực vật giàu omega-3 nhất. Mặc dù omega-3 có trong thực vật không cung cấp nhiều DHA cho trẻ như các loại thực phẩm khác nhưng việc ăn nhẹ bằng một đĩa óc chó rất tốt cho cả mẹ và bé đấy.
Ngoài ra protein và chất xơ cũng là những dinh dưỡng có mặt trong loại quả kỳ diệu này.
7. Sữa chua
Sữa chua rất giàu canxi và protein, những chất quan trọng trong chế độ ăn uống khi mang thai. Nếu bạn không cung cấp đủ canxi cho bản thân và em bé thì cơ thể sẽ làm giảm lượng canxi trong xương của bạn để tập trung cung cấp đủ cho bé. Những mẹ bầu không cung cấp đủ canxi trong quá trình mang thai sẽ thường xuyên phải đối mặt với nhiều vấn đề như đau lưng, vọp bẻ, chuột rút,… và ảnh hưởng lớn đến sức khỏe sau này.
8. Các loại rau màu xanh đậm
Rau bina, cải xoăn hay bất cứ loại rau xanh nào cũng chứa rất nhiều vitamin và dinh dưỡng, bao gồm vitamin A, C và K và cả folate, dưỡng chất rất quan trọng đối với sự phát triển của thai nhi.
9. Thịt nạc
Nhắc đến protein thì loại thực phẩm đầu tiên được nhắc tới là thịt. Thịt là một nguồn cung cấp “protein chất lượng cao”, đặc biệt là các loại thịt nạc. Thịt bò và thịt lợn là những loại thịt được ưu tiên nhất vì chúng giàu protein và choline hơn cả.
Các bác sĩ cũng khuyên mẹ bầu hạn chế ăn các loại xúc xích hay thịt nguội vì những loại thức ăn này tiềm ẩn nhiều vi khuẩn và kí sinh trùng có hại cho cơ thể.
10. Các loại rau củ nhiều màu sắc
Ăn nhiều rau quả màu xanh lá, đỏ, cam, vàng, hay tím,… là biện pháp chắc chắn nhất để bạn và bé cùng nhận đầy đủ dinh dưỡng. Khoa học đã chứng minh được rằng mỗi thực phẩm mang màu sắc khác nhau thì sẽ cung cấp những loại vitamin và khoáng chất khác nhau.
Trong giai đoạn cuối thai kỳ, con đã có thể “nếm” được các loại thực phẩm mà bạn ăn thông qua nước ối. Vì thế nếu bạn tăng cường ăn rau quả thì con bạn sẽ có thể làm quen và yêu thích hơn với rau củ khi ăn dặm.
Hồng Anh