PNO - Hồng - cô chị, gây dựng sự nghiệp, xây dựng gia đình và an cư giữa lòng thành phố. Phượng - cô em, là bông hoa đẫm đầy hương sắc phương Đông của điện ảnh Việt, hơn một lần được xướng tên trên thảm đỏ quốc tế. “Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười”, song cả hai cô gái Nùng ấy cùng chung một niềm thương nhớ quê nhà. Mảnh đất Hữu Lũng vừa hiện hữu, vừa vô hình như sợi dây diều giúp hai chị em vươn đến những chân trời mới. Và cũng sợi dây thương mến đó đã luôn nhắc nhớ về nguồn cội mà cả tâm hồn và trái tim họ luôn neo đậu.
10 năm trước, Hoàng Thị Minh Hồng rời bản người Tày ở xã Quyết Thắng, H.Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn về Hà Nội học Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn. Hoàng Thị Bích Phượng, 15 tuổi, cũng về Hà Nội học nội trú tại Trường Hữu nghị Việt - Lào (chuyên đào tạo tiếng Việt cho lưu học sinh Lào và đào tạo văn hóa bậc trung học phổ thông cho học sinh dân tộc thiểu số có thành tích tốt). Tốt nghiệp phổ thông, Phượng đậu vào chính ngôi trường mà chị gái đang theo học. Ra trường, Hồng lấy chồng và sinh sống tại TP.Lạng Sơn, cách nhà tròn trăm cây số. Hồng làm chủ một cửa hàng thực phẩm sạch, rồi điều hành một công ty du lịch. Phượng thì năng động với công việc chính là MC truyền hình, tay ngang làm mẫu ảnh, rồi thành diễn viên chính trong nhiều dự án đẳng cấp quốc tế.
Ngô là cây lương thực chính của người Nùng ở Hữu Lũng. Cây ngô cũng giúp vợ chồng bà Nhung nuôi ba chị em Hồng ăn học
Gặp hai cô gái Nùng nền nã ấy giữa cảnh sắc sơn thủy hữu tình Quyết Tiến, tôi mới cảm nhận được hết vẻ đẹp của câu ca “Ai lên xứ Lạng cùng anh/ Bõ công bác mẹ sinh thành ra em”. Song tôi cũng phải thú thực là dù sinh ra và gắn bó với làng xã đã gần 40 năm, tôi vẫn chẳng thể hình dung được sợi dây thiêng liêng nào đã bảo toàn được phẩm chất thôn quê và khát khao trở về của hai cô gái ấy mãnh liệt đến vậy. Mà chẳng phải riêng tôi đâu, bất kỳ ai biết đến thành tích trong sự nghiệp của Hồng và Phượng đều không thể lý giải được vì sao họ lại sẵn sàng rời bỏ danh vọng, tiền tài lẫn nhiều cơ hội nơi phố thị để trở về quê nhà còn nhiều khốn khó. Bản Kép của họ mới biết đến đường dây điện được 13 năm. Vài tháng trước có thêm bưu điện trung tâm xã. Còn đường đất lên thị trấn thì vẫn dày đặc ổ trâu, ổ voi…
Hồng cười giòn tanh tách như tiếng ngô bung nở trắng phau trên bếp, lửa cùi ngô bập bùng gợi lên những sợi khói lam, đôi má “gái một con” càng ửng hồng trong nắng gió hanh hao xứ Lạng. “Do COVID-19, công ty du lịch của tôi hoạt động chưa đầy năm đã phải đóng cửa. Trong lúc loay hoay tìm hướng đi, chưa biết bắt đầu từ đâu, như thế nào thì một thành viên trong nhóm xuất khẩu nông sản - tôi quen biết từ những năm kinh doanh thực phẩm sạch - gợi ý, hay là làm các loại mì gạo, ngô để xuất đi châu Âu!? Dịch bệnh, nhu cầu trữ đồ khô đang lớn, thị trường xuất khẩu mì, bún đang phát triển rất mạnh” - Hồng kể. Chỉ sau hai tuần cùng bàn bạc, nghiên cứu tài liệu, “sự nghiệp mì ngô” của Hồng và Phượng đã bắt đầu. Hai tuần để đi từ gợi ý đến hành động, nhưng COVID-19 không phải nguyên nhân mà như chất xúc tác khiến khao khát làm gì đó cho quê hương suốt bao năm của họ sớm trở thành hiện thực.
Thành tích gần nhất của Phượng trong điện ảnh là giải thưởng Nữ diễn viên chính xuất sắc tại Liên hoan phim Quốc tế Paris 2021, với phim Invisible Love. Từ thảm đỏ quốc tế, Phượng chọn trở về để hiện thực hóa khát vọng “một sản phẩm mang “mã vạch” quê hương”, cũng là trở về với hạnh phúc bình dị bên những người thân
Lúc bạn gợi ý, tuổi thơ của mấy chị em đã ùa về trong Hồng, cả không gian văn hóa Nùng với những “đèn ngô” vàng rực trước hiên nhà cũng hiện lên sống động. Bao đời nay, ngô là cây lương thực nuôi sống người Nùng ở Hữu Lũng. Chị em Hồng lớn lên cùng những ruộng ngô, bé thì chạy nhảy, trốn tìm; lớn lớn một chút đã biết phụ bố mẹ làm cỏ, xới đất vun gốc cho cây; rồi phơi, rồi tẽ hạt đỏ rát tay non, rồi những buổi cuống quýt dọn ngô chạy cơn mưa chiều… Và cũng chính cây ngô đã giúp bố Hoan, mẹ Nhung của Hồng nuôi ba đứa con - mỗi đứa đều 16 năm ăn học. Lúc nghe hai chữ “mì ngô”, Hồng đã tự hỏi liệu đây có phải là cơ hội của chị em mình, bởi cả Hồng và em gái từ lâu đã mơ ước làm ra một sản phẩm mang “mã vạch” quê hương.
Giá trị bản địa trong từng sợi mì
Cuối tháng Mười, mì ngô từ Hữu Lũng được gửi sang Nhật để đối tác kiểm tra. Tháng Chín, ngày “sản phẩm mang “mã vạch” quê hương” có mặt ở hệ thống siêu thị thực phẩm hữu cơ khắp ba miền; Hồng và Phượng gọi đó là “ngày lịch sử của hợp tác xã nông dân”. Tháng Tám, chị em Hồng đã rớt nước mắt ôm nhau khi nhìn mẻ mì ngô đầu tiên ra đời sau hơn một năm thất bại. Một năm ấy là năm tấn ngô thuần chủng, canh tác hữu cơ, phải đổ bỏ vì vón cục, vì cứng, đứt gãy, bết dính, thậm chí cho vào máy mà không thể ra được sợi. Hồng và Phượng lại cầu toàn, cô chị muốn mì ngô phải tuyệt đối an toàn cho sức khỏe nên kiên quyết nói không với các chất bảo quản. Phượng có những tháng ngày đóng phim ở Nhật, cô nể phục và muốn học người Nhật cách dùng công nghệ hiện đại để trân trọng nông sản - công sức của người nông dân một nắng hai sương, nên máy sấy lạnh đắt đỏ được nhập về thay cho cách phơi khô truyền thống.
Tiền bạc, tâm huyết hai chị em đổ vào, chưa kể những ngày tự nâng cao ngoại ngữ để đọc, dịch cả ngàn trang tài liệu nước ngoài về thực phẩm hữu cơ. Công sức của cả cô dì, chú bác, cậu mợ trên những cánh đồng; rồi hy vọng của bà con chòm xóm khi “theo nhà ông Hoan, bà Nhung trồng ngô không biến đổi gen”, canh tác tự nhiên, không dùng thuốc diệt cỏ, sử dụng phân trâu, phân bò, phân dê thay thế phân bón hóa học… Thế mà tất cả cứ chìm mãi như sương mờ Hữu Lũng những ngày đông giá. Không biết bao nhiêu mẻ bột đã thử nghiệm, bao nhiêu lần ghi chép kín cả cuốn sổ dày để mẻ trước rút kinh nghiệm cho mẻ sau. Ông Hoan thì vì “sự nghiệp mì ngô” của hai cô con gái mà phải nằm viện. Ông bị đứt gân bàn tay, một bên mắt suýt không nhìn thấy vì gặp sự cố khi vận hành thiết bị ở xưởng. Em chồng Hồng cũng bị tai nạn khi giúp anh chị sửa chữa máy móc. Một năm, cả mồ hôi, nước mắt và máu đã đổ trên đất ngô theo đúng nghĩa đen. Gia đình lớn của ông Hoan, gia đình nhỏ của Hồng cũng vì thế mà nảy sinh ít nhiều mâu thuẫn.
Để có bột ngô hoàn thiện và sợi mì ngô mang những giá trị bản địa như thế này; cả tiền bạc, tâm huyết, mồ hôi, máu và nước mắt của đại gia đình Hồng đã đổ trên đất ngô
Những kỹ năng, kiến thức, tinh thần cầu thị, dám nghĩ dám làm cùng khát vọng phải làm gì đó cho quê hương đã luôn hướng hai cô gái Nùng nhìn về phía trước. Ngày mì ngô ra đời thành công, chị em Hồng nâng trên tay những sợi mì vàng ươm như nắng, những đôi mắt còn nhiều lắm nét nguyên sơ của núi rừng đã rưng rưng: “Việt Nam tôi đây, quê nhà tôi đây. Tuổi thơ của chị em tôi đây, lớn lên từ cây ngô, từ những bát cơm bát cháo độn ngô đây”.
Điều gì xuất phát từ trái tim sẽ chạm đến trái tim. Khi mì ngô đưa ra thị trường, Hồng và Phượng cũng chẳng thể ngờ rằng thứ mì tưởng như quá đỗi bình thường ấy lại khơi gợi nhiều điều từ người sử dụng nó. “Những sợi mì làm từ ngô đã gợi lại cho tôi những năm tháng đói khổ. Là những bát cơm trộn ngô khi chum gạo nhà đã hết. Năm đó cả gia đình còn đủ đầy, giờ bố đã mất, tự nhiên sống mũi cay cay. Cảm ơn vì đã tạo ra một sản phẩm tuyệt vời từ những điều bình dị cũ kỹ. Không chỉ ngon, lành, mỗi lần cùng gia đình ăn mì lại như một cách để trốn về những điều xưa cũ ấy. Có một điều gì đó vừa như là hàm ơn, vừa là động lực, lại thấy bình an nữa”. Trong quãng thời gian kinh doanh thực phẩm sạch của Hồng và cả những tháng năm làm báo - gặp gỡ không ít người trẻ khởi nghiệp từ chế biến nông sản của tôi; chưa bao giờ tôi và Hồng được nghe những chia sẻ gạn chắt từ sâu thẳm trái tim như thế.
Hạnh phúc từ những điều bình dị
COVID-19 đã làm thay đổi cả nhân loại. Bản thân mỗi người cũng đã, đang và sẽ nghĩ khác, nhìn khác, sống khác. Những hoạt động bình thường đến nhàm chán hằng ngày bỗng trở thành xa xỉ. Chưa bao giờ quê nhà, tình thân lại thiêng liêng đến thế. COVID-19 gián tiếp khiến mì ngô của Hồng và Phượng ra đời, để rồi từ đó hai chị em có thêm thật nhiều những chuyến về quê cho thỏa đầy nỗi nhớ. Nếu không về lại bản Nùng nơi mình sinh ra và lớn lên để làm nông nghiệp, có lẽ Hồng sẽ không được cùng ra đồng làm cỏ ngô, gặt lúa, không có những cái ôm và nụ cười tự tại bên một người mẹ mang tên “bà ngoại” - người đã cùng mẹ chăm bẵm ba chị em từ thuở lọt lòng. Và Hồng nhận thấy rất rõ: Hạnh phúc không phải là tiền tài, danh vọng, quyền hành tất bật nơi phố thị. Hạnh phúc, đơn giản là luôn được thấy, được ở bên cạnh những người thân yêu.
“Đèn ngô” vàng rực trước hiên, hình ảnh quen thuộc trong các bản Nùng ở Hữu Lũng
Phượng như nàng thơ của điện ảnh. Mấy ai hình dung cô gái được vinh danh ở các liên hoan phim quốc tế, nhận được không ít lời mời từ các dự án cả trong và ngoài nước ấy lại chính là giám đốc kiêm chủ tịch hội đồng quản trị hợp tác xã mì ngô. Tự tin, song vẫn đầy khiêm tốn, Phượng bảo: từng bước trên thảm đỏ, đứng ở những sân khấu lớn, vinh quang cũng đã từng được chạm tay, song những điều mộc mạc, bình dị ở thôn quê mới là chốn cô luôn hướng về. Hạnh phúc với Phượng là được thoải mái mặc những bộ đồ làm nông của bà, của mẹ; được quây quần bên gia đình, mỗi sáng được thức dậy thường xuyên ở căn nhà xưa cũ, được nhìn khói lam chiều vấn vít trên các mái bếp trong bản; trước mặt, sau lưng là bóng hình của núi. Cô gái ấy chọn về quê, bởi nơi ấy có gia đình, có những người thân yêu đang lam lũ, vất vả với nghề nông. Và hơn hết thảy, cô muốn cùng chị gái góp phần thay đổi những bản làng còn nhiều khó nhọc. Ngày thành công với mì ngô cũng là ngày Phượng và chị lập quỹ “Tô mì yêu thương”. Quỹ được trích từ doanh thu của hợp tác xã, một phần sử dụng vào việc bảo vệ môi trường, tạo cảnh quan cho Quyết Thắng, một phần dành tặng những học sinh nghèo vượt khó của địa phương.
Những khát vọng đẹp đẽ ấy theo từng bước chân trèo đèo lội suối, vượt qua hết quả núi này đến quả núi khác để khảo sát vùng nguyên liệu của Hồng. Cô đã gặp được khu rừng mà mình ao ước, hình dung trong đầu từ cái ngày người trẻ khắp nơi nô nức với phong trào khởi nghiệp từ nông nghiệp sạch. Bốn thung lũng nằm cạnh nhau, sâu trong rừng Hữu Lũng, mỗi thung lũng đều tứ bề là núi. 15ha biệt lập này đã được chính quyền và bà con các xã sẵn sàng cùng chị em Hồng xây dựng vùng nguyên liệu ngô không biến đổi gen, canh tác hữu cơ chất lượng nhất để đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu.
Những thung lũng ấy như món quà tạo hóa dành tặng “sự nghiệp mì ngô” của chị em Hồng. Đất đai bằng phẳng, nước ở mặt hồ, nước trong hang sâu, thung lũng nào cũng róc rách suối chảy. Ngô trong các thung lũng kết trái từ những hạt giống bản địa gieo xuống, ngày ngày tháng tháng hút chất dinh dưỡng từ lòng đất mẹ, từ “món quà” tặng lại đất của các đàn gia súc, từ thảm thực vật trù phú… Những thung ngô uống sương mai trong vắt, hít khí cacbonic từ rừng già và tặng lại con người bầu không khí trong lành. Những bắp ngô vàng rực từ các thung lũng xa đã được đưa về làm nguyên liệu cho hợp tác xã sản xuất mì. Còn tương lai, Hồng “bật mí”: “Ngay khi nhìn thấy khu vực này, trong đầu tôi đã hiện ra bản quy hoạch chi tiết và rõ ràng cho từng phân khu, như một cuốn phim chỉ chờ ngày công chiếu”. Điều mà hai chị em Hồng hướng đến không chỉ là sản xuất, chế biến các sản phẩm từ cây ngô, mà họ còn xây dựng thêm nhiều phần việc để bà con cùng hưởng lợi từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của hợp tác xã cũng như phát triển giống ngô bản địa.
Hoàng Thị Minh Hồng, Hoàng Thị Bích Phượng - hai cô gái Nùng thương mến đã viết nên bài ca thật đẹp về tuổi trẻ: Đi xa là để trở về, đền ơn quãng thời gian ăn đói, mặc rét của tuổi thơ. Đi xa là để trở về, mỗi sớm mai được đón ánh bình minh nhảy nhót, nghe tiếng chim kêu, thưởng thức vị đồng quê đượm mùi khói rạ, nhìn những ruộng lúa, nương ngô lớn lên từng ngày, vẳng bên tai tiếng í ới rủ nhau ra đồng của bà con làng trên xóm dưới…
Đi xa là để trở về - ai bảo với những người rất trẻ, đó không phải là khát vọng, là lựa chọn?
Giá vàng trong nước và thế giới quay đầu giảm, giá vàng trong nước giảm 400.000 đồng/lượng ở cả chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên liền trước.
Ngày 16/1, Nutifood đã đồng hành với Hội LHPN TPHCM trong chương trình 'Xuân yêu thương-Tết nghĩa tình', trao 530 suất quà sữa NutiMilk với tổng giá trị gần 50 triệu đồng.
Liên bộ Công Thương - Tài chính quyết định tăng 320 đồng/lít với xăng E5RON 92 lên 20.750 đồng/lít; trong khi đó, giá xăng RON95 tăng lên 21.220 đồng/lít.