Những sợi len màu

19/09/2022 - 15:19

PNO - Với những đứa trẻ lớn lên trong những ngày tháng mẹ miệt mài đan áo như chúng tôi, sợi len màu luôn là những đốm lửa nhỏ lạc quan, tựa như hình ảnh “đêm bão biển, luôn có một vì sao trong lòng thủy thủ”.

Một hôm, trong nhóm bạn học hồi phổ thông giờ sắp lên hàng ông bà, cô bạn thả tấm hình cây kẹp ba lá rồi hỏi có ai nhận ra chiếc kẹp này không. Thế là cả nhóm đua nhau nhắc đến nhiều đồ vật từng trở thành biểu tượng của đất nước thời chưa mở cửa, những đồ vật mà có người nói đùa là độ bền có khi còn hơn nhiều cuộc hôn nhân.

Giữa những hình ảnh giờ đã xa mờ, với tôi, áo len, mũ tai mèo quả bông, vỏ gối thêu tay, túi cước, mũ nan… các bà các mẹ khi ấy có thể tự làm vẫn rực rỡ.

Tôi thường nói với các con mình, những đốm lửa ấy nên được giữ, không chỉ vì sự khéo léo hữu dụng suốt mấy chục năm qua vẫn còn, thậm chí bây giờ là xu hướng, mà vì chúng ta cần ký ức của cả một thời kỳ khó khăn đã trải qua để biết trân trọng những gì đang có.

 

Nguồn thu nhập thêm không chỉ là tiền

Thu nhập chính của gia đình tôi những năm 1980 chủ yếu từ đôi tay búp măng và những đôi kim đan áo của mẹ - một giáo viên văn. Áo len cho mùa đông được mẹ đan quanh năm. Ba tháng hè thường là thời gian các cô dì đem len, sợi đến nhờ mẹ đan để thu đông có áo mặc.

Một chiếc áo đơn giản, nhanh nhất cũng cần mười ngày vì mẹ chỉ có thể đan vào buổi tối, sau giờ lên lớp. Những cuộn len mới cũng có, thường là của những cô rất trẻ, biết diện và chưa có gia đình. Những cô đã có gia đình thường đem những áo đã mặc, nhờ tháo ra, đan lại.

Áo đặt cũng nhiều kiểu, từ gi-lê cổ tim đến áo dài tay, cổ lọ cao gập xuống cho ấm để mùa đông không cần khăn. Kỳ công hơn cả là chiếc áo khoác giống măng-tô, dài cách đầu gối chừng một gang tay. Mẹ tôi có biệt tài, giờ đây được gọi là sáng tạo, độc đáo chứ lúc đó các cô toàn kháo nhau và khen mẹ “đan đẹp”. Áo mẹ đan pha lẫn các màu hài hòa, có những đường bện vặn lớn nhỏ phù hợp vóc dáng từng cô, thậm chí có những chiếc áo đan từng miếng rồi khâu lại, khéo léo giấu đường kim, có thể mặc cả hai mặt phải trái.

Giày sơ sinh mẹ đan luôn có những mũi chiết để phân biệt trái phải mà đến giờ, ai được tặng cũng vẫn xuýt xoa vì trông rất đáng yêu. Mẹ còn tách nhỏ và ghép trộn hai, ba sợi khác màu thành một sợi len ba màu sặc sỡ để làm những quả bông vui mắt trên mũ len, làm thắt lưng, làm khăn…

“Phải tự nghĩ cách đan nhiều kiểu để luôn có mẫu mới. Nhiều cô năm nào cũng đặt mẹ đan nhưng thực ra cả mùa đông mỗi người chỉ có vài cái áo, đâu có nhiều và thời trang như bây giờ. Phụ nữ luôn muốn đẹp, muốn nổi bật. Dù thời ấy “ăn diện” được coi là tính từ không mang tính tích cực thì có một chiếc áo len đẹp mặc những ngày đông, vào dịp tết… vẫn luôn là mong muốn của nhiều phụ nữ miền Bắc, giống như các cô Sài Gòn thì phải có vài bộ áo dài.

Cũng vì mong muốn không chỉ mặc ấm mà còn đẹp ấy nên nghề đan áo đã nuôi được gia đình mình bớt khó khăn” - mẹ tôi thường nhớ lại những ngày đan áo xưa với một chút bùi ngùi. Ngoài khéo léo, sáng tạo như đã nói, phải vô cùng kiên nhẫn và biết bằng lòng với công việc tay trái cũng là một trong những điều kiện để những chiếc áo mẹ tôi đan luôn được đón nhận và yêu thích. 

Hồi ấy, cả nước ai cũng phải tiết kiệm. Giữa thời khó khăn chung, đan len vẫn còn là nhẹ nhàng, đỡ vất vả mà thu nhập lại khá hơn so với dán hộp giấy, nuôi lợn gà, trồng rau. Bao người phải làm thêm đủ mọi việc để nuôi mình, nuôi gia đình… Cô giáo dạy văn xinh đẹp có đôi bàn tay búp măng giờ đã nhăn và nhiều chấm đồi mồi thường kể về tháng ngày làm nghề tay trái nuôi nghề tay phải bằng giọng nhẹ tênh, không trách móc, so đo, tiếc nuối thanh xuân đã vất vả, nhọc nhằn.

Hiện tại, mẹ của tác giả  vẫn tìm được niềm vui trong việc đan len - nghề tay trái đã đưa cả gia đình bà  qua những ngày khốn khó
Hiện tại, mẹ của tác giả vẫn tìm được niềm vui trong việc đan len - nghề tay trái đã đưa cả gia đình bà qua những ngày khốn khó

 

Sự biết ơn, trìu mến luôn dành cho công việc mình từng làm giúp mẹ tôi sống những ngày về hưu an nhàn, nhẹ nhõm, vui vẻ. Mẹ hay nhắc một kỷ niệm: trong sơ yếu lý lịch tiểu học, em gái tôi đã bình thản ghi nghề nghiệp của mẹ là “đan len”. Những chiếc áo len của mẹ khi ấy không chỉ giúp bữa cơm gia đình tôi có thêm thịt cá, chúng tôi có nhiều áo ấm cho mùa đông mà còn giúp chị em tôi khi lớn lên luôn trân trọng lao động chăm chỉ, luôn tự nhắc mình lương thiện là điều cần nhất ở mỗi con người. trải nghiệm có ích 

Mẹ tôi đan nhiều nên những bộ kim đan bằng tre lên nước sáng bóng ngả màu nâu vàng. Những cây kim đan đủ độ dài, kích cỡ… Những bộ kim đan được xếp thành đôi trong hộp gỗ lớn. Rất nhiều trong số đó là quà mẹ được tặng bởi những người nhờ mẹ đan áo hoặc bạn bè thân. Phụ nữ biết đan áo, móc khăn, may túi xách… như mẹ tôi thời đó không hiếm nhưng có khách thuê làm riêng kiểu đo ni đóng giày, được trả tiền để thành một nguồn thu nhập ổn định cho gia đình như mẹ thì không nhiều.

Sau này, công nghiệp dệt phát triển, đất nước mở cửa, hàng hóa phong phú, đời sống tiêu dùng nhanh, áo khoác, áo dệt tiện dụng hơn… đã khiến những chiếc áo đan tay cẩn thận của mẹ tôi trở thành “lỗi mốt”. 

Rồi khi mọi thứ quá nhanh, quá nhiều, quá giống nhau, người ta quay lại muốn có những chiếc áo không đụng hàng, tỉ mẩn mũi đan đường khâu. Khi đó, đồ thủ công lại thành hàng hiếm. Tuy nhiên, thẩm mỹ và sáng tạo của thế kỷ XXI, của thời đại số đã khiến đồ thủ công hiện tại mang nhiều màu sắc khác. Đôi khi, tôi cũng tiếc cho sự khéo léo của mẹ, cho nghề đan tay của gia đình đã không trở thành truyền thống, không được nối dài.

Thế nhưng, mỗi thế hệ có đam mê, mục tiêu và sự lựa chọn khác nhau. Móc tay vài chiếc túi đơn giản, đan một chiếc khăn ngộ nghĩnh là việc tôi có thể làm nhưng chỉ là khi tôi muốn sống chậm lại một chút, như một cách thiền trong tâm trí… chứ không là công việc khiến chúng tôi tập trung, làm vì thu nhập hay yêu thích và say mê. Dù không là nghề, đan móc vẫn là vài kỹ năng có ích khi cần trong cuộc sống, là trải nghiệm mang lại những cân bằng nội tâm, nhất là để tập kiên nhẫn. 

Năm đầu của dịch COVID-19, có ngày con gái tôi đang du học gọi điện về nhà, màn hình camera rất tối. Hỏi tại sao thì con nói tòa nhà con ở vừa có sự cố, bị cháy nổ, chập điện nên con đang dùng máy phát, phải hạn chế các thiết bị điện, chỉ cắm sạc pin, làm việc online và gọi cho mẹ yên tâm. Theo quán tính, tôi lo lắng con sẽ sưởi bằng gì, nấu ăn ra sao thì cô nhỏ cười: “Mấy gia đình cùng tầng cũng đang náo loạn, hình như họ chưa bị cúp điện bao giờ.

 

Con còn nhớ hồi 6-7 tuổi thỉnh thoảng nhà mình cúp điện, bố cũng dùng đèn sạc cho phòng khách, còn lại tối mò mò. Những ngày cúp điện đó khiến cho những chuyện như thế này không gây sốc đối với con, chỉ có chút nhớ nhà…”.

Không khó khăn, người ta vẫn có thể trưởng thành nhưng bằng cách thiếu trải nghiệm, mà trải nghiệm thì luôn khiến chúng ta bớt nhạt.

Con tôi không chỉ trấn an mẹ cho qua chuyện bằng câu nói ấy. Sự thật là khi không được sinh ra từ vạch đích, không ngậm thìa vàng từ lúc mới chào đời, những ngày tháng và trải nghiệm khó khăn sẽ khiến bạn không quá hốt hoảng, thích nghi nhanh, tìm cách vượt qua hay chờ đợi cũng kiên nhẫn hơn.

Quan trọng hơn, sau khi đã trải qua khó khăn, người ta sẽ trân trọng cuộc sống hiện tại, bớt phàn nàn. Với những đứa trẻ lớn lên trong những ngày tháng mẹ miệt mài đan áo như chúng tôi, sợi len màu luôn là những đốm lửa nhỏ lạc quan, tựa như hình ảnh “đêm bão biển, luôn có một vì sao trong lòng thủy thủ”. 

Lê Lan Anh

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI