Những sợi len kể chuyện về một thế hệ trẻ bất khuất

12/05/2024 - 07:08

PNO - Những chiếc áo ấm, khăn len, chỉ thêu, bao gối… được trưng bày tại Di tích quốc gia Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt như kể với du khách hôm nay về một thế hệ trẻ anh hùng đã từng sống, chiến đấu bất khuất ở thành phố sương mù.

Để lại đời những chiếc áo em thơ

Trong khuôn khổ Trại sáng tác dành cho văn học trẻ và văn học thiếu nhi (do Hội Nhà văn TPHCM tổ chức tại Đà Lạt mới đây), những người cầm bút đã được dịp đến thăm Di tích quốc gia Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt. Lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc lưu dấu những câu chuyện không quên từ nhà tù Côn Đảo, Phú Quốc, nhà lao Tân Hiệp hay khám Chí Hòa… Nhưng câu chuyện về Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt chừng như rất ít được nhắc đến, kể cả trong các tác phẩm văn học nghệ thuật. Tuổi trẻ bất khuất - Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt ngày ấy (Nhà xuất bản Đà Nẵng ấn hành năm 2006) là cuốn sách hiếm hoi viết về khu di tích đặc biệt này.

Những kỷ vật được trưng bày tại Nhà truyền thống, Di tích quốc gia Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt
Những kỷ vật được trưng bày tại Nhà truyền thống, Di tích quốc gia Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt

Hướng dẫn viên dẫn đoàn qua các khu vực tham quan gồm: dãy phòng giam nam, dãy phòng giam nữ, phòng cải huấn, khu xà lim, hầm đá… Nơi này từng giam giữ hơn 600 chiến sĩ nhỏ từ 12-17 tuổi, được đưa về từ các tỉnh miền Trung và miền Nam. Trong suốt thời gian tồn tại (từ 1971-1973), nơi này được Mỹ đặt tên là Trung tâm Giáo huấn thiếu nhi Đà Lạt nhằm che mắt công luận trong nước và quốc tế. Các em nhỏ ngày ấy được mặc đồng phục, quần kaki, mang giày bata trông như học sinh. Nhưng thực chất, đó là nơi tù đày, tra tấn trẻ em với những hình thức dã man không kém gì đối với người lớn. Và các chiến sĩ cách mạng nhỏ tuổi, với lòng yêu nước và tinh thần quả cảm cùng lý tưởng cách mạng sáng ngời đã cùng đoàn kết, đấu tranh, vượt ngục và lên tiếng tố cáo tội ác của kẻ thù.

Trong phòng trưng bày của Nhà truyền thống hôm nay là những bộ quần áo được may chắp vá, những chiếc khăn choàng, áo len, khăn tay, bao gối… được các bé gái may/thêu trong thời gian bị giam giữ. Trong đó có bộ quần áo của cựu tù Ngô Thanh Hùng đã mặc trong suốt thời gian ở nhà lao và vượt ngục. Cho đến khi bị bắt trở lại, bộ quần áo này được 7 anh em tù nhỏ tuổi cùng sử dụng chung. Chiếc áo màu xanh nhạt có thêu dòng chữ “Kỷ niệm ngày xa… 6.1972” của cựu tù Nguyễn Thị Phải (sinh năm 1956) được bạn tù may tặng, bà đã mặc suốt 2 năm ở nhà lao. Có chiếc khăn được cựu tù Nguyễn Thị Hồng thêu hình bàn hương và di ảnh để tưởng nhớ người cha đã mất ở quê nhà mà bà đã không thể về chịu tang…

Giữa mùa đông Đà Lạt, có những cô bé đã ngồi đan khăn áo tặng đồng đội. Họ chăm sóc, động viên nhau cùng chống chọi với cái lạnh buốt da, vượt qua bệnh tật và dành trọn niềm tin về ngày chiến thắng. Những mô hình tái hiện hình ảnh tù nhân thiếu nhi trong phòng giam, xà lim hôm nay khiến người xem rơi nước mắt. Những đứa trẻ ngày ấy đã phải chịu đựng bao cực hình, thậm chí tự mổ bụng để chống chào cờ, chống đàn áp. Một thế hệ tuổi nhỏ vì nghĩa lớn đã không hề khuất phục, họ đứng dậy chống kẻ thù ngay trong nhà lao, tổ chức vượt ngục…

Viết về các em cũng là một phần lịch sử

Cầm quyển sách Tuổi trẻ bất khuất - Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt ngày ấy (do Ban Liên lạc cựu tù yêu nước Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt thực hiện), nhà văn Trần Quốc Toàn không khỏi ngậm ngùi vì cho đến giờ, vẫn chưa có tác phẩm văn học khai thác đề tài rất đắt giá này. Thành phố ngàn hoa đã xuất hiện trong nhiều tác phẩm thơ, văn nhưng phần lớn ở góc độ tiếp cận về lịch sử - văn hóa cùng vẻ đẹp nên thơ, trữ tình của Đà Lạt. Tuổi trẻ bất khuất - Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt ngày ấy ra đời từ nỗ lực của Nhà xuất bản Đà Nẵng cùng những cựu tù - chứng nhân từng bị giam giữ trong nhà lao ngày ấy (chỉ in 500 bản).

Khách tham quan mô hình tái hiện hình ảnh các chiến sĩ nhỏ tuổi vượt ngục trong nhà lao thiếu nhi ngày ấy
Khách tham quan mô hình tái hiện hình ảnh các chiến sĩ nhỏ tuổi vượt ngục trong nhà lao thiếu nhi ngày ấy

Tù thiếu nhi dù là nam hay nữ đều bị giặc đánh mỗi ngày 3 đợt, đêm xuống lại bị dội nước lạnh vào người. “Chúng tôi bị xé lẻ và bị giam ở từng phòng khác nhau, đêm không ngủ được, các vết thương tấy lên và nhức nhối. Chúng tôi tựa lưng vào tường và cảm nhận rằng mình đang dựa vào bạn bè”, “Tôi mò vào trong thau nước tiểu, tay đụng phải cục cơm, đưa cơm lên mũi. Mùi cơm trộn lẫn với nước tiểu nhưng vẫn kích thích cơn đói ghê gớm. Tôi đưa cơm vào miệng, khai nồng, đắng ngắt” - trích những lời kể của cựu tù Mai Bốn trong sách.

“Ngoài chiến trường em diệt giặc bằng tay/ Trong lao xá em diệt thù bằng miệng/ Dẫu có nói muôn ngàn lần vạn tiếng/ Không bằng nay giáp mặt với quân thù/ Chỉ một lời mà tiếng để ngàn thu…” - trích bài thơ Những người lính nhỏ của tác giả Lê Văn Thơm, hiện được đề tại Di tích quốc gia Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt. Những gương mặt tù thiếu nhi ngày ấy có Thái Bá Tro (Thái Bá Trọng), Ngô Tùng Chinh, Thái Đức Mỹ, Võ Thị Hóa, Phan Thị Hồng Tươi… Các chiến sĩ khi bị bắt giam đều dưới 18 tuổi, nhỏ nhất là em Huỳnh Yên Trầm My (12 tuổi). Sau khi Trung tâm Giáo huấn thiếu nhi Đà Lạt phải giải thể vào tháng 6/1973, họ đều trở về với cách mạng, lưu dấu mãi mãi về một thế hệ thiếu nhi bất khuất.

Vùng đất thơ Đà Lạt vẫn luôn là niềm cảm hứng sáng tác cho những người cầm bút. Dấu chân chinh phục cao nguyên Langbiang của bác sĩ Yersin, thành phố tình yêu trong ký ức cùng cảm xúc trữ tình của lữ khách hôm nay… Tất cả đều đã xuất hiện trong nhiều tác phẩm truyện ký, biên khảo, văn xuôi và thi ca. Lịch sử từ thành phố ngàn hoa vẫn còn ẩn trong sương mù những đề tài hay và cần thiết, được mong chờ thêm từ sáng tác của những người cầm bút.

Lục Diệp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI