Những số phận ngoài trang sử

24/11/2015 - 13:52

PNO - Khi tiếp cận với lịch sử khởi nghĩa Nam kỳ, một cảm xúc mãnh liệt trào dâng ttrong tôi, đó là niềm rung cảm trước số phận con người.

Sự bi tráng của cuộc khởi nghĩa, bởi đấy là cuộc khởi nghĩa có quá nhiều tổn thất, quá nhiều hy sinh.

Gặp bà Nguyễn Thị Ngọc Ngân trong ngôi nhà tuềnh toàng ở đường Đất Thánh, Q.Tân Bình, TP.HCM, chúng tôi không xua được cảm giác có lỗi khi biết bà từng là con gái của một gia đình có công lớn với cách mạng, ngay trong những ngày phong trào đấu tranh còn trứng nước. Cha bà là Nguyễn Ngọc Nhuận - một điền chủ có “nhà ngang dãy dọc” trong vườn cây ăn trái 10 mẫu thênh thang, có trong tay 100 mẫu ruộng cò bay thẳng cánh.

Vào những năm 1937-1940, miếng vườn của gia đình ông Nhuận là địa điểm được Đảng chọn mở các lớp học về Mácxít, là nơi che chở và nuôi giấu các đồng chí như Tạ Uyên - Xứ ủy Nam kỳ, đồng chí Bảy Cùi - Liên tỉnh ủy Cần Thơ, đồng chí Tám Lùn - Bí thư Huyện ủy Tam Bình… Sau khởi nghĩa Nam kỳ, ngoại trừ người con trai tham gia du kích nên thoát, cả gia đình ông Nhuận đều bị bắt.

Ông Nhuận bị Pháp kết án 20 năm khổ sai, bị đày đi Côn Đảo rồi hy sinh năm 1943 (ngày 12/9/1989, ông Nhuận được công nhận liệt sĩ). Nguyễn Ngọc Bình, con trai ông Nhuận cũng bị Pháp bắt năm 1940, bị kết án một năm tù ở rồi đày đi căng Bà Rá (tới kháng chiến chống Pháp, ông Bình làm công tác binh vận, hy sinh năm 1947).

Con gái Nguyễn Thị Ngọc Kim, tham gia khởi nghĩa Nam kỳ bị bắt, sau tham gia chống Pháp, hy sinh năm 1947. Bà Nguyễn Thị Ngọc Oanh bị kết án bốn năm tù ở Khám Lớn Chí Hòa (ra tù, bà Oanh vẫn tiếp tục hoạt động cách mạng, tham gia dân quân quận Tam Bình từ 1945-1949).

Bà Nguyễn Thị Ngọc Ngân bị bắt trước ngày khởi nghĩa ít lâu, bị kết án 5 năm tù, sau đó bị đày đi căng Bà Rá. Người con gái út của ông Nhuận là Ngọc Anh đang học trung học ở thị xã Vĩnh Long, vì quá nóng lòng trước đại cuộc đã về Tam Bình giúp các anh chị viết, vẽ, in truyền đơn, bị bắt với những tang chứng tuyên truyền cho cộng sản, bị tra tấn vô cùng tàn nhẫn.

Nhớ lại chuyện cũ, nước mắt bà Ngọc Ngân lăn dài trên má: “Sau này ra tù, nghe bà con kể lại, nhà của chúng tôi bị đốt cháy đến 10 ngày vẫn chưa tắt. Những cây cột bằng gỗ lim to hơn người ôm cứ ngun ngún lửa trong đêm.

Nhà tan cửa nát, cả gia đình vào tù, thương nhất là Ngọc Anh. Ngày xưa nó đẹp lắm, lại là con út nên rất được cha mẹ cưng chiều. Vậy mà… Cô không tưởng tượng những gì em gái tôi phải chịu đựng đâu.

Khi bọn Pháp đẩy nó vào khám chung, mấy chị em tù sững sờ, chính tôi còn không nhận ra em mình. Đầu nó bị cạo trọc, sưng vù, người tím bầm, quần áo tả tơi… Chừng nhận ra Ngọc Anh, cả trại òa khóc.

Nó bị đánh, ngất đi, bọn cai tù tưởng nó đã chết, đem xuống nhà xác, tính đem đi chôn. Một trong số người phát hiện em gái tôi còn sống đã mang nó vứt vô trại tù. Mấy anh ở trại tù nam cũng gửi quần áo cũ qua cho Ngọc Anh. Tôi cắt, may lại thành những bộ quần áo vừa vặn cho em. Sau đó, tôi và Oanh bị đưa lên nhà tù Phú Mỹ ở Sài Gòn. Ngọc Anh ở lại tù Vĩnh Long, một năm sau được thả…”.

Bà Ngọc Anh thì rưng rưng nhớ lại những năm tháng đầy khổ nhục của “chị Tư Ngân”: “Khi ấy, bụng bầu của chị tôi đã lớn. Cha đứa nhỏ là anh Nguyễn Hữu Thuần, người gốc Cần Thơ, cũng là một đảng viên Cộng sản. Anh sang Vĩnh Long hoạt động, từng ở lại tiệm may Thanh Hồng nên nảy sinh tình cảm với chị tôi.

Vì hoàn cảnh trái ngang, anh chị chưa kịp công bố mối quan hệ, anh đã phải trốn khỏi Vĩnh Long vì có lệnh truy nã. Trong tù, chị tôi đã cắn răng nuốt mọi tủi nhục, một mình sinh con, bền chí nuôi cháu Kiệt lớn lên trong sự đùm bọc của bạn tù cho đến khi bọn Pháp bắt những đứa trẻ đi…

Bà gác ngục Goory là một phụ nữ nhân hậu. Lâu lâu bà sang chỗ mấy đứa nhỏ bị cách ly rồi mang hung tin về cho những bà mẹ bị cướp mất con. Trong số những đứa trẻ đó, có bé gái sáu tuổi, vì quá nhớ mẹ nên đã khóc đến chết. Tình thế bi thảm như vậy, chị tôi đành nhắn về gia đình anh Thuần, nhờ họ mang cháu Kiệt về nuôi”.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI