Những sẻ chia với người nghèo của cô giáo mầm non

26/12/2023 - 06:24

PNO - Dù hoàn cảnh không mấy dư dả nhưng chị Trần Thị Hoàng Oanh - 38 tuổi, chủ nhóm trẻ Hoàng Oanh (phường Phước Long B, TP Thủ Đức, TPHCM) - vẫn luôn dành những sẻ chia ân cần cho những người nghèo.

Chủ nhật đầu tháng Mười hai, chị Oanh dậy từ 5 giờ sáng để chuẩn bị cho bữa cơm tình thương sẽ phát vào buổi trưa. Giữa buổi, mấy cô giáo của nhóm trẻ và cán bộ hội cũng tới phụ. Họ nấu canh bắp cải - cà rốt, đậu hũ nhồi thịt xốt cà chua.

Gần trưa, 100 phần cơm đã được chia vào hộp. Mỗi phần còn có thêm chai nước, quả chuối. Nhận hộp cơm, chị Huỳnh Thị Xuyên (40 tuổi) xúc động kể: quê chị ở Đồng Tháp. Chị lên TPHCM bán vé số dạo, cùng chồng nuôi 3 con. 

Sau thoáng ngần ngại, chị Xuyên hỏi xin thêm 1 hộp cho bác bảo vệ ngoài đầu đường. Vui miệng, chị cho biết thêm, chồng chị đi phụ hồ, năm nay khó khăn, thu nhập của vợ chồng èo uột. Nhiều lần chị được nhóm trẻ Hoàng Oanh tặng cơm. Tết năm ngoái nhóm còn tổ chức siêu thị cho những người nghèo vào mua không mất tiền. 

Chị Oanh trao suất ăn cho bà con nghèo ngay trước cửa nhóm trẻ Hoàng Oanh tại địa chỉ 145/4 Đỗ Xuân Hợp, phường Phước Long B, TP Thủ Đức
Chị Oanh trao suất ăn cho bà con nghèo ngay trước cửa nhóm trẻ Hoàng Oanh tại địa chỉ 145/4 Đỗ Xuân Hợp, phường Phước Long B, TP Thủ Đức

Bếp tình thương của nhóm trẻ Hoàng Oanh mới thành lập vào tháng Mười vừa qua. Nhưng trước đó, chị Oanh đã có những san sẻ với bà con, với bệnh nhân nghèo đang điều trị tại các bệnh viện trên địa bàn thành phố thông qua siêu thị “0 đồng” và những suất cơm đầy ắp tình thương.

Chị Oanh tâm sự: “6 năm trước, mẹ tôi bị nhồi máu não, điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Tới lui bệnh viện, chứng kiến sự thiếu thốn của nhiều cảnh đời, lòng tôi có chút bùi ngùi. Từ đó, vợ chồng tôi cùng tâm nguyện, mỗi tháng làm ra 10 đồng thì chi tiêu 6, để dành 2 đồng phòng khi đau ốm, còn 2 đồng để san sẻ cho người khó hơn mình. Khả năng chúng tôi chỉ chuẩn bị được 100 phần ăn mỗi lần nấu, xoay vòng từ Bệnh viện Chợ Rẫy qua Bệnh viện Nhi Đồng 2, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới và phát trước cổng nhóm trẻ ở 145/4 Đỗ Xuân Hợp. Với siêu thị cũng vậy, những dịp lễ, tết hoặc Trung thu, tôi mua bánh trái, nước ngọt về tự gói, bày biện rồi mời bà con tới”.

Trước đây, chị Oanh từng nhiều năm phụ mẹ bán thức ăn sáng, làm công nhân, kinh doanh văn phòng phẩm. Khi con trai được 3 tuổi, việc buôn bán của mẹ không còn thuận lợi nên chị xin vào làm bảo mẫu tại trường con học. Làm việc trong môi trường dạy học, ước mơ được làm cô giáo đã thôi thúc chị. Vậy là vừa làm, chị vừa ôn thi vào ngành sư phạm mầm non, Trường đại học Sư phạm TPHCM.

Chị thổ lộ: “Tôi muốn có tấm bằng rồi ra đi dạy chứ không dám nghĩ tới chuyện mở trường. Nhưng sau khi tốt nghiệp năm 2018, 2 người bạn cùng khóa rủ hùn vốn, mỗi đứa 150 triệu đồng, mở trường mầm non. Vợ chồng tôi đánh liều bán mảnh đất do ba mẹ cho lấy mấy trăm triệu để tôi tiếp tục học khóa quản lý rồi đánh liều theo bạn mở trường. Nhưng do chúng tôi còn bỡ ngỡ, chưa có kinh nghiệm, nên chỉ một thời gian đã phải sang nhượng lại. Đến năm 2020, tôi mở nhóm trẻ Hoàng Oanh, ổn định được vài tháng thì dịch COVID-19 bùng phát. May mắn, tôi được Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế (trực thuộc Hội LHPN TPHCM) cho vay 50 triệu đồng nên mới duy trì được nhóm trẻ tới bây giờ”.  

Dù phải đối mặt với hàng loạt biến cố nhưng tâm nguyện chia sẻ khó khăn với người nghèo ở chị Oanh vẫn nguyên vẹn. Có những “gương mặt thân quen” (hay tới nhận quà) được chị Oanh khuyên đi học nghề rồi nhận vào làm bảo mẫu. Những trường hợp gia đình đặc biệt khó khăn, được Hội Phụ nữ phường giới thiệu đến, chị chỉ lấy tiền ăn, miễn tiền học và không thu thêm tiền ngoài giờ. Chị cũng thường chở bánh kẹo, tập, sách tới các cơ sở chăm sóc trẻ mồ côi, trẻ khuyết tật. 

Hỏi về những dự tính tương lai, chị Oanh cười: “Trước mắt, tôi đang chuẩn bị bữa tiệc nhỏ cho các cháu trong khu phố và bếp ăn đỏ lửa vào ngày Giáng sinh. Tôi nhủ lòng sẽ luôn cố gắng duy trì những việc đang làm trong khả năng của mình” - chị Oanh khẳng định. 

Mẫn Nhi

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI