edf40wrjww2tblPage:Content
"Thư viện lưu động" ươm mầm văn hóa đọc, góp phần giáo dục nhân cách cho học sinh
Ươm mầm “văn hóa đọc”
Vì thư viện không đủ rộng nên từ ba năm nay, Ban giám hiệu (BGH) Trường tiểu học Tô Vĩnh Diện (Q.Tân Phú) đã sáng tạo ra mô hình “thư viện lưu động” để phục vụ học sinh (HS). Đều đặn mỗi ngày, cứ vào đầu giờ học và đầu giờ ra chơi mỗi buổi sáng, chiều là đội trực nhật của trường kéo “thư viện lưu động” từ chân cầu thang ra hẳn ngoài sân, hoặc ra hành lang (nếu trời mưa), để phục vụ các bạn đọc nhí. Thư viện gồm ba tủ sách, được thiết kế những ngăn đựng sách mở, có bốn bánh xe chắc chắn để dễ di động. Nhìn HS ngồi kín cả hành lang và hàng rào bê tông quanh các gốc cây dưới sân trường đọc sách mới thấy được ý nghĩa của mô hình này. HS Nguyễn Xuân Ngân, lớp 5/2, cho biết: “Mỗi tuần con đều đọc sách ba bốn lần. Con thích đọc truyện về những anh hùng và truyện cổ tích”. Rồi cô bé rành rọt kể chúng tôi nghe vài chuyện mà cô bé rất thích.
Lê Thanh Khoa, HS lớp 3/2 nói: “Đầu năm học này em đóng góp hai quyển truyện, nhưng ngày nào em cũng được đọc sách nên “lời rất nhiều”. Thầy cô luôn khuyến khích em đọc sách. Em thích nhất là truyện cổ tích như Sơn Tinh-Thủy Tinh, Thạch Sanh...”.
Cô Nguyễn Thị Kim Thoa - cán bộ thư viện trường cho biết, đầu năm học, trường phát động phong trào tặng sách. Trường có hơn 2.000 HS, thu được khoảng hơn 1.000 quyển. Cô và các thầy cô khác kiểm tra, lọc lựa lại nội dung, chủ đề trước khi đặt vào tủ sách để giới thiệu cho HS. “Phải quản thêm cái “thư viện lưu động” chắc là thêm cực? Có bao giờ sách bị mất mát, hư hao?” - chúng tôi hỏi. Cô Kim Thoa nói: “Mất thì không, nhưng sau một thời gian phải kiểm tra lại. Cuốn nào quá cũ thì loại bỏ. Mình làm thư viện thì chỉ mong có người đến đọc. Sách mau cũ chứng tỏ các em chịu đọc. Đó là niềm vui”.
Cô Lê Thị Thanh Thủy - Hiệu trưởng trường, khẳng định: với khối lượng khoảng 1.000 sách truyện thiếu nhi mà HS đóng góp mỗi năm, dù có trùng lắp, vẫn có thể thỏa mãn sức đọc của các em. Ngoài ra, thư viện trường còn khoảng 3.500 sách truyện thiếu nhi khác (sách này chỉ đọc tại thư viện vì mua bằng kinh phí nhà nước), đầu giờ và giữa giờ đều có 40-50 HS lên đọc. Chúng tôi khuyến khích các em đọc sách bằng cách thường xuyên giới thiệu sách mới, sách hay vào đầu tuần trong buổi sinh hoạt dưới cờ. Đồng thời, chúng tôi khuyến khích giáo viên (GV) thực hiện các tiết dạy tại thư viện (đọc sách truyện, thảo luận và rút ra bài học) để các em đọc sách.
Lắng nghe ý kiến của học sinh để dần hoàn thiện việc giáo dục là công việc thường xuyên của giáo viên Trường THCS Lý Phong - Ảnh: Phùng Huy
Xây dựng môi trường giáo dục
“Môi trường học đường ngày càng mất đi tính thân thiện là lý do Bộ GD-ĐT phát động phong trào xây dựng lại môi trường học thân thiện những năm qua. Nhưng củng cố, xây dựng lại ở những khâu nào?”. Trước câu hỏi đó, Trường THCS Lý Phong (Q.5) bắt đầu cụ thể hóa những gì đã và chưa làm được, đi đến quyết định phải củng cố niềm tin cho tất cả các đối tượng từ HS, phụ huynh, ban giám hiệu, thầy cô giáo, đến các nhân viên của trường bằng một diễn đàn với chủ đề HS nào cũng có quyền có GV tốt.
Nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm được tổ chức. Các chuyên gia giáo dục đã được mời đến báo cáo các chuyên đề GV tốt trong mắt HS, Tình thương yêu gia đình, Dạy con thời hiện đại, Thái độ vô cảm trong HS hiện nay… Riêng GV và GV chủ nhiệm sẽ được nghe các chuyên đề về phương pháp thu phục và giáo dục HS chưa ngoan. Trước mỗi hội thảo, tọa đàm, GV và HS đều phải viết tham luận theo chủ đề. Theo cô Nguyễn Thị Thu Ngân - Hiệu trưởng trường, khi thầy cô giáo và HS phải suy nghĩ để viết tham luận là đã tự nâng mình lên một bước. Sau khi dự tọa đàm, được trao đổi ý kiến với các chuyên gia, họ sẽ được nâng thêm một bước nữa.
Trường cũng tổ chức những chuyên đề đặc biệt cho nhân viên phục vụ và bảo vệ nhằm giúp họ nắm bắt được tâm sinh lý lứa tuổi và cách ứng xử với HS sao cho đúng mực. Bên cạnh đó, trong các cuộc họp hội đồng sư phạm hay họp Ban giám hiệu với các bộ phận phục vụ và bảo vệ, trường cũng tập trung vào việc phân tích, mổ xẻ từng tình huống ứng xử cụ thể để ý thức đổi mới trong giáo dục và phục vụ HS được liên tục duy trì.
Từ đó, một môi trường thân thiện, nhân văn dần được hình thành một cách bền vững. Kết quả thu được sau hai năm xây dựng lại môi trường học thân thiện là hơn 99% HS được đánh giá khá, tốt về đạo đức vào cuối năm học 2012-2013. Chị Ngô Huệ - nhân viên phục vụ bộc bạch: “Ngày xưa, tôi vừa lau xong mà mấy em HS đi qua là tôi mắng liền. Nhưng càng mắng, HS càng chọc phá mình, thậm chí có đứa còn len lén đập bể cả cái xô của tôi. Sau khi được tập huấn, tôi đổi “chiến thuật”: không la mắng nữa, mà cần thì gọi các em đến nói ngọt. Vậy mà bọn trẻ lại nghe, còn biết xin lỗi tôi nữa”.
Cô Đặng Thị Bạch Yến - GV của trường nhận xét: “Nếu như trước HS nói tục, chửi bậy, yêu đương, thậm chí đánh nhau đến mức bị công an mời, thì nay những hiện tượng đó đã không còn nữa”. Về chuyên môn, cô Yến cho biết, đã có những chuyển biến lớn trong hai năm qua nhờ việc thao giảng và thi đua dạy tốt để rút kinh nghiệm lẫn nhau trong nội bộ trường diễn ra đều đặn. “Tự thay đổi mình không dễ, nhưng thay đổi để tốt hơn cho HS thì phải làm và nên làm”, cô Yến chia sẻ.
Nhiều HS của trường cho biết, ngoài việc triển khai Hộp thư điều em muốn nói, trường còn tổ chức gặp gỡ đối thoại với HS một năm hai lần để lắng nghe ý kiến. Cô Thu Ngân nhìn nhận: “Từ ý kiến của các em mà trường tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện. Cụ thể, chúng tôi đã xây thêm 33 bồn hoa để vừa có cây xanh, vừa có chỗ ngồi khi ra chơi cho các em; sửa chữa toàn bộ nhà vệ sinh, trang bị phòng nha, làm bốn sân bóng mini, trang bị thêm xích đu, xà đơn và mới nhất là vào ngày 8/9 vừa qua, chúng tôi đã khai trương phòng tập đa năng để phục vụ việc rèn luyện của HS”.
Anh Lê Bá Lượng - phụ huynh có con đang học lớp 9 tại trường nói: “Trường thay đổi nhiều lắm, không chỉ về cơ sở vật chất, về điểm số của HS mà cả mối quan hệ giữa nhà trường và GV với HS và phụ huynh. Nhận thức của tôi và nhiều phụ huynh về giáo dục ở trường cũng thay đổi. Chúng tôi không quan tâm nhiều đến điểm số của các cháu nữa mà quan tâm đến sự chuyển biến về cách sống, trách nhiệm với môi trường và sự hiểu biết về xã hội của các cháu hơn”.
Sách tiếng Anh cho học trò Việt
Giờ học tiếng Anh, nhóm học sinh lớp 3 của Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (Q.4) hào hứng xé dán hình để tạo thành bản đồ đất nước vào từng trang sách. Phần Việt Nam - đất nước tôi, cung cấp cho các em những hiểu biết cơ bản về đất nước như Việt Nam nằm ở châu lục nào, tiếp giáp với quốc gia nào, có bao nhiêu tỉnh thành, quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nằm ở đâu, lá cờ Việt Nam ra sao; các em được làm hướng dẫn viên giới thiệu với bạn bè các nước những món ngon, những địa điểm du lịch, những bảo tàng thú vị… Tất cả các nội dung trên được truyền tải một cách nhẹ nhàng, sinh động qua các hình vẽ, trò chơi vui nhộn như cắt dán, ghép hình, sưu tập hình ảnh, tạo sự tương tác giữa HS và bài học. Đặc biệt, tất cả thao tác trên đều được thực hiện ngay trong sách.
Cô Nguyễn Thị Ánh Tuyết, GV tiếng Anh Trường tiểu học Lạc Long Quân hào hứng kể: Khi học đến phần tìm hiểu về các vị chủ tịch nước, các em đã hăng hái tìm các câu nói nổi tiếng, lời khuyên của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Qua bài học, các em tự tin viết thư bằng tiếng Anh cho Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, với những câu hỏi thật dễ thương như: Con rất thích ăn kem, vậy ngài chủ tịch có thích ăn kem không? Ngài chủ tịch thích học môn gì nhất? Ngài chủ tịch có thích đọc truyện không? Sau tiết học đó, các em được học về hoạt động tranh cử và bầu cử lớp trưởng.
Những hoạt động trên xuất phát từ cuốn sách I am proud to be a Vietnamese (Tôi tự hào là người Việt Nam), do chuyên viên tiếng Anh Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Hồ Thụy Anh biên soạn, giúp HS “học mà chơi, chơi mà học”. Nói về “đứa con tinh thần” này, cô Thụy Anh chia sẻ: "Mình ấp ủ ý tưởng về một quyển sách về văn hóa, con người Việt Nam đã lâu, muốn cả thầy cô và các em có dịp để tìm hiểu nhiều hơn về đất nước. Mình muốn cùng các em và các thầy cô bước vào một hành trình cùng khám phá những điều thú vị trong những điều thật quen thuộc về quê hương, đất nước con người Việt Nam qua từng trang sách. Một quyển sách về văn hóa, con người Việt Nam sẽ giúp trẻ tự tin khi nói về Việt Nam với bạn bè thế giới".
Cô Thụy Anh đã mất khoảng ba năm để biến những gì mình ấp ủ thành sách. Bà Lê Thị Ngọc Điệp, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1) đánh giá: "Sách được triển khai tại một số lớp tăng cường tiếng Anh cho HS lớp 3- lớp 5. Trẻ được tô màu, xé dán, làm poster, tập trình bày trước lớp... Đa phần HS rất thích thú khi được học tương tác vừa chơi vừa học".
Hiện Sở GD-ĐT chỉ mới khuyến khích các trường sử dụng sách trong giảng dạy văn hóa cho trẻ. “Chúng tôi đã tổng hợp những bức thư mà các em viết gửi Chủ tịch nước và thật bất ngờ là phía Văn phòng Chủ tịch nước cho biết ông đã viết thư trả lời bằng tiếng Anh và sẽ gửi cho các cháu”, cô Thụy Anh hạnh phúc cho biết.
Minh Nhật - Tiêu Hà