Sáng 12/4, Hội LHPN TP.HCM tổ chức Ngày hội phụ nữ khuyết tật (PNKT) năm 2017 chủ đề “Vẻ đẹp vầng trăng khuyết”, với sự có mặt của 100 PNKT sống tại TP.HCM.
|
Quầy hàng của anh chị Phạm Thị Thủy - Nguyễn Văn Út nổi bật với những sản phẩm chế tác tinh xảo từ gỗ |
Khu hội trường lớn của nhà hàng Hoa Hồng nằm cạnh rạp hát Hòa Bình (Q.10, TP.HCM) sáng 12/4 khác lạ hơn ngày thường. Đa số người đến nếu không ngồi xe lăn cũng có dáng liêu xiêu trên những chiếc nạng gỗ, hoặc đeo kính đen, tay cầm những chiếc gậy quơ qua quơ lại, bước dò dẫm, khó nhọc... Một phần của hội trường là khu quầy hàng với đủ chủng loại, màu sắc sặc sỡ, được làm từ chính bàn tay của những PNKT.
Mò mẫm đôi tay trên chiếc bàn bày sẵn các sản phẩm như chổi quét, cây chà lưng, bàn chải cước, bà Nguyễn Thị Dung (64 tuổi, ngụ tại đường Bà Hạt, Q.10) nghiêng nhẹ một bên tai theo hướng người phát ra tiếng nói. Đôi mắt không nhìn thấy từ khi lọt lòng mẹ, với chiếc gậy dẫn đường, bà đã trải gần hết quãng đời mình với nghề bán vé số nuôi thân.
20 năm trước, bà gặp gỡ và kết duyên với người đàn ông khiếm thị như mình, cùng mưu sinh bằng nghề bán vé số. Năm 2013, chồng qua đời sau cơn bạo bệnh, bà Dung cũng mang trong mình nhiều căn bệnh mạn tính nên cuộc sống rất khó khăn. “Lúc trước bán 100 tờ vé số, giờ bị đau thần kinh tọa, đau khớp, dì chỉ bán được 50 tờ/ngày. Cách đây vài năm, được sự hỗ trợ của Hội PN, dì tập tành làm thêm các sản phẩm này, mỗi ngày bán vé số cầm theo vài cái, bán hết lại làm tiếp” - bà Dung nói.
Ở một góc khác, quầy hàng của vợ chồng chị Phạm Thị Thìn, 40 tuổi, đến từ Q.Tân Bình khá nổi bật với những món hàng được làm từ len: áo, mũ trẻ em, đồ cài tóc, các con thú nhồi bông được bao tết bằng len bên ngoài bắt mắt. Quầy hàng của đôi vợ chồng thấp lùn bẩm sinh này luôn tràn ngập tiếng cười nói, khi bên cạnh họ còn có cậu con trai tám tuổi theo cùng.
Gian hàng sản phẩm từ len của chị Đinh Thị Tuyết Đào (quận 7) đoạt giải nhất cuộc thi Giới thiệu sản phẩm sáng tạo của phụ nữ khuyết tật.
|
|
Mười mấy năm mưu sinh bằng nghề đan len, nhờ sự kết nối, giúp sức từ cộng đồng, anh chị đã làm được rất nhiều sản phẩm, được nhiều nơi đặt hàng. Anh chị vừa làm sản phẩm mưu sinh, vừa nhận dạy nghề miễn phí cho nhiều người khuyết tật, phụ nữ nghèo.
Trưng bày quầy hàng trễ nhất do mất nhiều thời gian di chuyển, nhưng các sản phẩm được chế tác từ gỗ của vợ chồng chị Phạm Thị Thủy (SN 1984, ngụ tại xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn) gây được sự chú ý đặc biệt của mọi người. Tất cả các sản phẩm nhỏ như móc khóa xe hình 12 con giáp, kệ đựng bút, khung để treo tranh, đến các bức tranh treo tường lớn… đều được chế tác tinh xảo, khéo léo từ gỗ thật 100% nhưng giá bán rất “mềm”.
Vợ chồng chị Thủy bị dị tật chân bẩm sinh, trong đó chồng chị là anh Nguyễn Văn Út (SN 1982) bị nặng hơn vì bị teo cơ cả hai chân, nhưng với ý chí vươn lên cộng với sự tài hoa, anh đã được Trung tâm Dạy nghề cho người tàn tật huyện Hóc Môn đào tạo nghề chạm khắc gỗ, được giữ lại trường làm giảng viên. “Anh ấy giỏi lắm, ngoài làm giảng viên ở trung tâm, về nhà, thời gian rảnh, anh còn tự làm ra các sản phẩm cung cấp cho sinh viên để bán ở các khu trưng bày. Trước, em làm kế toán, nhưng giờ cũng về phụ anh một tay, vẽ trang trí lên các bức tranh” - chị Phạm Thị Thủy khoe.
Với 20 quầy hàng bày đủ chủng loại, từ hàng đơn giản dùng trong sinh hoạt hằng ngày như chổi quét nhà, bàn chải, xâu chuỗi hạt trang trí, áo mũ đến những mặt hàng cao cấp như tranh ghép gỗ, tranh sơn dầu, tranh ghép đá quý, điểm chung của những sản phẩm này là đều được làm ra từ chính bàn tay, khối óc của những người bị khiếm khuyết một phần cơ thể.
Bà Đỗ Thị Chánh, Phó chủ tịch Hội LHPN TP.HCM tỏ ra thích thú khi lần đầu tiên được thấy bộ cánh áo dài cách tân được làm từ chỉ dù bọc khoen nhựa, sản phẩm sáng tạo của chị Lâm Thị Kim Thảo, 42 tuổi, đến từ Hội Người mù TP.HCM. Tâm sự với phóng viên, chị Kim Thảo khoe: “Đây là sản phẩm mới ra lò của tôi. Với vật liệu trên, chỉ cần có số đo, tôi có thể may được những bộ cánh như váy, áo dài, đồ tây, giá mỗi bộ của người lớn chỉ 420.000đ, của trẻ em
là 200.000đ”.
Phát biểu trước 100 PNKT vượt khó, bà Nguyễn Thị Ngọc Bích, Chủ tịch Hội LHPN TP.HCM xúc động bày tỏ: “Dù không may mắn có được cơ thể hoàn hảo, nhưng trái tim và ý chí của các chị thật đáng ngưỡng mộ, khâm phục. Các chị là những tấm gương tiêu biểu trên nhiều lĩnh vực như lao động, học tập, sản xuất, kinh doanh, văn hóa, thể thao… Nghị lực sống vươn lên của các chị, ngay cả những người lành lặn cũng khó có thể làm được”.
Trong nhiều năm qua, Hội LHPN các cấp trên địa bàn TP.HCM đã phối hợp với các ngành chức năng đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ PNKT nhằm tạo điều kiện cho các chị học tập, nâng cao kiến thức, kỹ năng cần thiết cũng như được học nghề, vay vốn, tạo việc làm phù hợp.
“Các chị đã vượt lên số phận bằng tất cả nghị lực, trí tuệ, năng lực của mình để học tập, lao động, trở thành người chị, người con dịu hiền, đảm đang, hiếu thảo, xốc vác trong gia đình, góp phần xây dựng “Gia đình văn hóa” và thực hiện hiệu quả tám tiêu chí của cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” - bà Nguyễn Thị Ngọc Bích nhận xét.
Trong Ngày hội PNKT năm 2017, ngoài hội thi giới thiệu sản phẩm thông qua quầy hàng của 20 PNKT tự sản xuất, kinh doanh, Hội LHPN TP.HCM cũng đã tổ chức giao lưu và tuyên dương 28 gương PNKT vượt khó, đồng thời tặng quà cho 100 PNKT. Dịp này, báo Phụ Nữ TP.HCM cũng đã trao vốn làm kinh tế cho 26 PNKT. |
Hoài An