Những sai lầm khiến du học sinh Việt Nam mất lợi thế

21/04/2021 - 12:24

PNO - Trong buổi thảo luận “Người gốc Á ở Mỹ: Qua lăng kính người Việt” của Lãnh sự quán Mỹ tại TPHCM, các diễn giả đã chỉ ra một số sai lầm đáng tiếc trong hồ sơ du học của sinh viên Việt Nam.

Theo báo cáo hàng năm Open Doors của Viện Giáo dục quốc tế (IIE), Việt Nam đứng thứ sáu trong những nước có sinh viên du học tại Mỹ, với 23.777 sinh viên ở bậc đại học trong năm học 2019-2020.

Giữa đại dịch COVID-19 và làn sóng kỳ thị chủng tộc gốc Á, tưởng chừng số lượng hồ sơ đăng ký tuyển sinh tại Mỹ sẽ giảm sút, nhưng bà Chi Thuc Ha - cố vấn Nội trú kiêm Giám đốc Tư vấn cho Tập đoàn Giáo dục Mỹ tại Việt Nam cho biết, số lượng hồ sơ đăng ký du học Mỹ đã tăng lên cho cả học kỳ mùa thu năm 2021 và mùa xuân năm 2022.

Dường như những thông tin cho thấy các gia đình tại Mỹ lo lắng về việc cho con em học đại học, cũng như nền kinh tế suy sụp cùng các kỳ thi đánh giá năng lực tại Mỹ bị hủy bỏ đã khiến phụ huynh các quốc gia châu Á, bao gồm Việt Nam, tự tin hơn về tỷ lệ trúng tuyển của con em mình nếu nộp hồ sơ ngay bây giờ.

Tuy nhiên, du học sinh Việt Nam có ba điểm yếu khiến họ kém cạnh tranh hơn so với du học sinh từ các nước khác. Đầu tiên là kỹ năng giao tiếp, nhiều bạn vẫn chưa chuẩn bị cho mình đủ trình độ tiếng Anh ở mức học thuật để thích nghi với môi trường học đường.

Thứ hai chính là hệ thống networking – mạng lưới quan hệ; và cuối cùng là định hướng nghề nghiệp - kinh nghiệm làm việc chưa cao.

Thay vào đó, phụ huynh và học sinh chỉ chú trọng vào bảng điểm, cũng như tên tuổi của ngôi trường mình chuẩn bị theo học.

Các khách mời trong buổi thảo luận “Người gốc Á ở Mỹ: Qua lăng kính người Việt” (từ trái sang): Người dẫn chương trình- tác giả Andrew Lam, chị Hien Vuong, Giáo sư Chung Hoàng Chương, chị Chi Thuc Ha, anh Eddie Thai
Các khách mời trong buổi thảo luận “Người gốc Á ở Mỹ: Qua lăng kính người Việt” 

Anh Eddie Thai – người đồng sáng lập 500 Startups, quỹ đầu tư mạo hiểm giai đoạn đầu toàn cầu – chia sẻ thêm rằng, người châu Á rất giỏi về tính toán và có điểm số cao nên điều đó đôi khi trở thành sự ngộ nhận cho những nhà tuyển dụng. Lấy ví dụ trong nhóm ngành công nghệ, khá nhiều nhân viên là kỹ sư gốc châu Á, nhưng ở cấp quản lý, con số này rất thấp vì không có hệ thống networking hiệu quả.

Đồng thời, theo anh Eddie, phụ huynh không nên chạy theo một hình mẫu “con nhà người ta – chuẩn châu Á” khi cho con em mình du học. Bản thân anh cũng từng trăn trở về ước mơ trở thành bác sĩ như mong muốn của mẹ, nhưng cuối cùng, anh chọn học cử nhân Ðại học Harvard chuyên ngành Chính phủ (Government) và Thạc sĩ Quản trị kinh doanh (MBA) tại Ðại học Yale theo nguyện vọng của bản thân.

Giáo sư Chung Hoàng Chương - nguyên giáo sư khoa Á Mỹ Học của City College Of San Francisco, hiện là nghiên cứu viên cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu quốc tế, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – giải thích, nếu như các thế hệ người châu Á tại Mỹ trước đây tập trung vào việc thích nghi, kiếm sống và ít trở nên nổi bật, thì thế hệ hiện tại đã thay đổi rất nhiều.

Những người trẻ tuổi năng động hơn, bộc lộ tài năng, sở thích của mình nhiều hơn và từ đó cũng tạo ra một tiêu chuẩn cao hơn cho lực lượng sinh viên, cũng như người lao động mới ra trường. Do đó để thích nghi với môi trường mới, việc dành 2 năm học tập tại một trường cao đẳng cộng đồng trước khi chuyển sang đại học danh tiếng để hoàn thành bậc cử nhân trong 2 năm tiếp theo, và tạo cho mình một hệ thống networking có thể hiệu quả hơn việc dành tất cả thời gian nghiên cứu học thuật tại một ngôi trường đại học “điểm” suốt 4 năm.

Bà Hien Vuong - Giám đốc Bền vững của EZLand, cựu du học sinh với gần 20 năm sinh sống và làm việc tại Mỹ - bày tỏ lo ngại rằng phần lớn các du học sinh Việt Nam thiếu chuẩn bị cho mình kinh nghiệm làm việc phù hợp với ngành nghề mình theo học, bởi dường như các bạn sợ rằng việc thực tập, làm thêm tại một công ty sẽ khó khăn và tốn thời gian hơn so với việc làm thêm tại các quán ăn, siêu thị để kiếm tiền trang trải học phí. Lựa chọn này trong thời gian ngắn sẽ giúp các bạn dành nhiều thời gian hơn cho việc học, nhưng lại có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hồ sơ xin việc và khả năng nhận visa làm việc (H-1B) sau này.

Bản thân là một du học sinh dạng trao đổi, chọn sinh sống cùng người dân bản xứ tại một thị trấn nhỏ ở bang Oklahoma để tiết kiệm chi phí, bà Hien Vuong cho biết: “Lúc ban đầu, các bạn có thể cảm thấy sốc về thay đổi văn hóa, môi trường sống… Nhưng khác với thế hệ trước, ngày nay mọi thông tin cần thiết đều có sẵn trên internet, điều các bạn cần chính là tìm kiếm và trải nghiệm”.

Hiện tại, số lượng người Việt Nam tại Mỹ đứng thứ 4 trong số hơn 20 nhóm các dân tộc châu Á sinh sống tại Mỹ, vào khoảng 4,4 triệu người. Bà Marie Damour - Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại TP HCM  khẳng định, người Việt Nam cùng các dân tộc gốc Á khác đã đóng góp rất nhiều cho nước Mỹ trên lĩnh vực khoa học -  công nghệ, nghệ thuật, kinh tế và cả chính trị.

Tấn Vĩ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI