Những sai lầm khi chăm sóc trẻ mắc bệnh tay chân miệng tại nhà

03/04/2021 - 07:21

PNO - Bệnh tay chân miệng đang vào mùa, bên cạnh những trẻ bệnh nặng phải nhập viện, có những trẻ chỉ cần chăm sóc tại nhà.

 

Bác sĩ Trí khám bệnh cho trẻ mắc TCM tại BV quốc tế Hoàn Mỹ Đồng Nai
Bệnh tay chân miệng xảy ra chủ yếu ở trẻ nhỏ

Bác sĩ Trần Đình Minh Trí, khoa Nhi, Bệnh viện Quốc tế Hoàn Mỹ Đồng Nai cảnh tỉnh: thời điểm này, trẻ mắc bệnh tay chân miệng đến khám và nhập viện bắt đầu tăng nhanh. Dù vậy, đa phần là các ca bệnh ở thể nhẹ, có thể chăm sóc tại nhà. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh mắc nhiều sai lầm khi chăm con bị tay chân miệng.

- Kiêng tắm bé: Trẻ bị tay chân miệng cần được tắm rửa và vệ sinh thân thể sạch sẽ để vi khuẩn không tích tụ trên da bé, giúp vết thương mau lành. Chưa kể, việc tắm rửa thường xuyên còn giúp bé tránh mắc các bệnh viêm nhiễm ngoài da như nấm da, viêm da… Nếu kiêng tắm sẽ làm cho bệnh của trẻ trở nên trầm trọng hơn. Cha mẹ cũng chú ý không cho trẻ tắm nước lá theo lời truyền miệng. Điều này chỉ làm trẻ bội nhiễm và viêm da toàn thân. 

- Đưa trẻ đi truyền dịch: Nhiều cha mẹ tự ý đưa con đi truyền dịch (truyền nước, truyền đạm, truyền dung dịch hoa quả) có thể khiến trẻ bị sốc do lượng dịch đưa vào. Việc truyền dịch phải được bác sĩ chỉ định và thực sự cần thiết. Tốt cho là cho bé uống nhiều nước lọc, nước trái cây như cam, bưởi… để bổ sung vitamin C tăng sức đề kháng. Bên cạnh đó cũng nên bổ sung vitamin A, kẽm để giúp vết thương mau lành hơn. Các bậc phụ huynh cần xay đồ ăn nhuyễn và để nguội cho trẻ ăn.

- Không dám vệ sinh răng miệng hoặc vệ sinh sai cách: Người lớn thường hạn chế, thậm chí không vệ sinh răng miệng cho trẻ khi thấy lở miệng, nổi bóng nước. Nếu không được vệ sinh răng miệng hay vệ sinh sai cách (dùng khăn sữa, bông gạc thấm nước muối rửa răng cho bé,…) có thể làm xước hoặc vỡ các nốt phỏng dẫn đến nguy cơ bị bội nhiễm, viêm nha chu, nấm miệng… điều này khiến bệnh của bé nặng hơn. Do đó, cần vệ sinh răng miệng cho trẻ bằng nước muối sinh lý, súc miệng nước muối đặc biệt là sau khi ăn, trước khi đi ngủ và sau khi ngủ dậy.

- Thấy bé ngủ giật mình tưởng bình thường: Trẻ bị bệnh tay chân miệng từ độ 2 trở lên phải nhập viện chữa trị. Chỉ cần thấy trẻ có cơn giật mình khi đang ngủ phải đưa trẻ nhập viện ngay, để tránh tình trạng bệnh diễn tiến nặng.

Bệnh tay chân miệng lây từ người sang người qua đường tiêu hóa hoặc tiếp xúc với nước bọt, dịch tiết mũi họng, các bọng nước vỡ ra từ người bệnh.

Bệnh lây lan nhanh, khi trẻ có dấu hiệu nghi ngờ bị bệnh cần được nghỉ học, ít nhất là 10 ngày. Khi con mắc bệnh, phụ huynh cũng cần chủ động liên hệ với giáo viên để cách ly các bé có triệu chứng bệnh; khử khuẩn đồ chơi, bình sữa, dụng cụ ăn uống, đồ nắm cầm cửa… 

Gia Huy (ghi)

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI