Những sai lầm khi chăm sóc trẻ bị tiêu chảy

23/10/2022 - 15:59

PNO - Rất nhiều bà mẹ hiện đại vẫn mắc sai lầm khi chuẩn bị bữa ăn cho bệnh nhi tiêu chảy.

 

Cà rốt là thực phẩm cần thiết khi trẻ bị tiêu chảy -  ẢNH: INTERNET
Cà rốt là thực phẩm cần thiết khi trẻ bị tiêu chảy (Ảnh từ Internet)

Bổ sung dinh dưỡng cho trẻ bị tiêu chảy vô cùng quan trọng. Nếu thực hiện không đúng, trẻ sẽ bị suy giảm thể trạng, từ đó ảnh hưởng tới quá trình tăng trưởng. Tiến sĩ Lưu Thị Mỹ Thục - Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Nhi Trung ương - đã giải đáp những thắc mắc của phụ huynh, giúp các bà mẹ có thể chăm sóc dinh dưỡng cho bệnh nhi tiêu chảy một cách đúng đắn, khoa học.

Kiêng khem, chế biến thực phẩm chưa đúng cách

Theo bác sĩ Mỹ Thục, nhiều phụ huynh kiêng cho trẻ bị tiêu chảy ăn chuối, uống sữa, ăn cà rốt... Không chỉ vậy, nhiều bà mẹ còn pha loãng cháo cho bệnh nhi tiêu chảy ăn bởi nghĩ rằng làm như thế sẽ bù nước. Tất cả những điều trên là không đúng. Chuối dễ tiêu hóa sẽ được hấp thu tốt hơn khi đường ruột của trẻ không ổn. Ngoài ra, trong chuối có hàm lượng kali cao, bổ sung lượng kali bị mất do tiêu chảy. Bên cạnh đó, chuối cũng giàu pectin và inulin (chất xơ hòa tan), hỗ trợ hấp thụ dịch trong lòng ruột của trẻ.

Vì mọi người hay cho trẻ ăn cà rốt để dễ tiêu lúc trẻ bị táo bón nên nhiều phụ huynh cho rằng trẻ tiêu chảy phải kiêng cà rốt. Thực ra, cà rốt giúp bổ sung vitamin A cho trẻ.

Các bà mẹ hay cho cà rốt vào sau cùng khi chế biến thức ăn cho trẻ nhằm tránh làm mất vi chất nên cà rốt chưa kịp mềm, trẻ không thích ăn. Một số người mẹ ngại cà rốt cứng nên chỉ luộc rồi chắt nước nấu cháo cho con. Cách chế biến trên sẽ làm mất đi hàm lượng vitamin trong cà rốt, không tận dụng được chất xơ từ bã cà rốt. Cách tốt nhất để khắc phục tình trạng này là bằm nhỏ cà rốt rồi cho vào cháo khi nấu. Như vậy, cà rốt sẽ mau mềm và ta cũng tận dụng được hết chất xơ trong cà rốt.

Việc pha loãng cháo, sữa để bù nước cho bệnh nhi tiêu chảy hoàn toàn sai. Làm vậy, lượng dinh dưỡng trong bữa ăn của trẻ sẽ không đủ, trong khi trẻ đang tiêu chảy nên thể trạng suy kiệt. Nếu trẻ không được cung cấp đủ dinh dưỡng, bệnh có nguy cơ trầm trọng hơn, ảnh hưởng tới thời gian hồi phục.

Bên cạnh những sai lầm trên, phụ huynh còn kiêng bổ sung dầu ăn vào bữa ăn của trẻ, kiêng cho trẻ uống sữa vì ngại dầu mỡ và sữa sẽ làm số lần đi tiêu của trẻ tăng. Thật ra, chỉ tránh mỡ động vật, còn dầu ăn vẫn cần thiết bổ sung vào bữa ăn của trẻ theo hàm lượng quy định như cũ. Dầu ăn là chất dinh dưỡng rất quan trọng đối với trẻ, đóng vai trò chính trong việc cung cấp năng lượng.

Ngoài ra, trong dầu ăn có chất béo không bão hòa omega 3 rất cần thiết cho não bộ của trẻ (giúp tăng cường trí nhớ, nhận thức, điều khiển hành vi). Chất béo trong dầu ăn còn giúp hình thành mô mỡ, nhờ vậy cơ thể trẻ có khả năng điều hòa thân nhiệt. Nếu không có dầu ăn, cơ thể trẻ sẽ khó hấp thu các vitamin quan trọng cần cho sự phát triển của cơ thể như A, D, E, K. Không hấp thụ được vitamin D, trẻ sẽ còi xương, chậm lớn, chậm tăng cân.

Ngay từ khi trẻ bắt đầu ăn dặm, người mẹ cần bổ sung từ 1 - 2 muỗng cà phê dầu ăn vào chén cháo hoặc bột của con.

Có nên cho trẻ uống sữa?

Việc kiêng sữa lúc tiêu chảy sẽ khiến cơ thể trẻ thiếu hụt dinh dưỡng trầm trọng
Việc kiêng sữa lúc tiêu chảy sẽ khiến cơ thể trẻ thiếu hụt dinh dưỡng trầm trọng

Thức ăn của trẻ nhỏ chủ yếu là sữa. Việc kiêng sữa lúc tiêu chảy sẽ khiến cơ thể trẻ thiếu hụt dinh dưỡng trầm trọng. Sau khi trẻ uống sữa, nhiều phụ huynh lo lắng vì thấy trẻ đi tiêu nhiều hơn. Phụ huynh mới chỉ nhìn vào khối lượng phân trẻ đi tiêu mà chưa hình dung được những lợi ích từ sữa đối với trẻ bị tiêu chảy. Trên thực tế, sữa làm thời gian lưu thông trong ruột nhanh hơn, từ đó sẽ giúp đẩy hết độc tố trong đường ruột, giúp trẻ mau hồi phục.

Bác sĩ Mỹ Thục có một số lưu ý dành riêng cho trẻ bị tiêu chảy cấp và tiêu chảy kéo dài khi sử dụng sữa.

Trước hết, đối với trẻ tiêu chảy cấp, cần tiếp tục cho trẻ bú mẹ. Ngay sau khi trẻ được bồi hoàn đủ nước và điện giải, vẫn tiếp tục cho trẻ bú sữa (nếu dùng sữa công thức thì cần xem xét sử dụng loại có nồng độ đường lactose giảm) để đảm bảo cung cấp đủ năng lượng và các yếu tố vi lượng.

Nếu trẻ không dung nạp đường lactose, tình trạng tiêu chảy sẽ nặng hơn khi dùng sữa có đường lactose. Phụ huynh có thể nhận biết thông qua mùi chua ở phân của trẻ. Lúc này, bắt buộc phải giảm sữa hay dùng sữa không có đường lactose.

Đối với trẻ tiêu chảy kéo dài cũng cần thực hiện nguyên tắc giảm sữa chứa đường lactose. Tiêu chảy kéo dài ít gặp ở trẻ bú mẹ hơn là trẻ dùng sữa ngoài. Tình trạng bất dung nạp lactose thường gặp ở trẻ suy dinh dưỡng nặng. Cụ thể, lượng đường lactose nên giảm còn lại 2 - 3g/kg (cân nặng của trẻ)/ngày. Nếu phụ huynh cho trẻ uống sữa đậu nành (không có đường lactose) thì tránh áp dụng với trẻ dưới sáu tháng tuổi. Tốt nhất chỉ cho trẻ uống sữa đậu nành khi trẻ bị bất dung nạp đường lastose.

Tóm lại, sữa mẹ và sữa công thức đúng độ tuổi, đặc biệt là sữa công thức bán nguyên tố có giảm đường lactose phù hợp với những trường hợp tiêu chảy nặng, kéo dài.

Thực phẩm cần tránh

Những nhóm thực phẩm trẻ tiêu chảy cần tránh là các sản phẩm chứa nhiều đường đơn (bánh, kẹo, nước ngọt…) vì chúng sẽ làm tăng áp lực thẩm thấu trong lòng ruột, khiến trẻ bị tiêu chảy nặng hơn. Các thức ăn nhiều chất béo như hamburger, đồ chiên xào, pizza… dễ gây tình trạng tăng co bóp ruột. Đậu, cải bắp, súp lơ, hành, cải xanh… là những thực phẩm sinh hơi, cần tránh sử dụng cho trẻ bị tiêu chảy. Ngoài ra, phụ huynh còn cần hạn chế cho trẻ dùng các chế phẩm từ sữa như bơ, phô mai, kem (dù con không bị bất dung nạp lactose) bởi khi tiêu chảy thì một lượng enzym lactose cũng bị mất. 

Mục tiêu của dinh dưỡng trong điều trị đối với trẻ bị tiêu chảy là giúp các nhung mao ruột phục hồi nhanh chóng, giảm bớt số lần tiêu chảy, từ đó giảm sự mất nước và nguy cơ bị rối loạn điện giải. Ngoài ra, việc cải thiện dinh dưỡng cho trẻ sẽ giúp trẻ bắt kịp sự tăng trưởng.

Qua đó, bác sĩ Mỹ Thục lưu ý phụ huynh, khi con đã khỏi tiêu chảy thì dinh dưỡng vẫn đóng vai trò vô cùng quan trọng. Trong hai tuần kể từ lúc trẻ khỏi bệnh, cần tăng thêm một bữa ăn trong ngày nhằm phục hồi cân nặng. Nếu khó khăn trong việc tăng bữa vì phụ huynh bận rộn, không có thời gian, giải pháp thay thế là tăng dinh dưỡng có thành phần năng lượng cao trong mỗi bữa ăn của trẻ. Tóm lại, trong thời gian hồi phục, trẻ cần ăn ít nhất 125% so với thông thường. 

Tiêu chảy là một trong các bệnh thường gặp ở trẻ em. Ước tính, trẻ dưới hai tuổi sẽ bị trung bình 3 - 4 đợt tiêu chảy/năm. Nguyên nhân chính gây tử vong ở bệnh nhi tiêu chảy là mất nước, rối loạn điện giải và suy dinh dưỡng. Mỗi đợt tiêu chảy làm trầm trọng thêm tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ do lượng thức ăn đưa vào và sự hấp thu chất dinh dưỡng giảm, mất nguồn dự trữ dinh dưỡng trong cơ thể…

Hậu quả của tiêu chảy nhiều lần là làm tổn thương đường ruột, ngăn cản sự hấp thu chất dinh dưỡng, chức năng của hệ miễn dịch cũng suy giảm. Não và các cơ quan quan trọng khác của cơ thể cần đầy đủ chất dinh dưỡng để phát triển. Tình trạng cơ thể bị cạn kiệt dinh dưỡng sau các đợt tiêu chảy sẽ ảnh hưởng rất lớn tới sự tăng trưởng thể chất, sức khỏe tâm thần của trẻ. Vì vậy, việc chăm sóc dinh dưỡng đúng cách vô cùng cần thiết đối với sự phát triển và tăng cường khả năng chống lại bệnh tật cho trẻ.

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI