Những sai lầm khi chăm sóc trẻ bệnh

20/12/2015 - 08:01

PNO - Trong quá trình chăm sóc trẻ ốm, rất nhiều phụ huynh mắc sai lầm trong chăm sóc và xử trí, khiến bệnh của trẻ trầm trọng hơn.

Nhung sai lam khi cham soc tre benh

Bác sĩ (BS) Đinh Tấn Phương - Trưởng khối cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP. HCM cho biết, trong quá trình chăm sóc trẻ ốm, rất nhiều phụ huynh mắc sai lầm trong chăm sóc và xử trí, khiến bệnh của trẻ trầm trọng hơn.

Ủ ấm trẻ sốt, lau mát bằng chanh, dấm

Hầu hết các trường hợp cha mẹ đưa trẻ bị sốt đến bệnh viện đều ủ kín bé trong chăn, khăn. Nguyên nhân: khi bé sốt cao thường có phản xạ run. Thấy trẻ run, phụ huynh lo lắng con đang yếu và bị lạnh nên ra sức ủ ấm. Càng ủ, nhiệt càng không thoát ra được nên sốt càng tăng cao.

Cách xử trí mà phòng cấp cứu các bệnh viện nhi hướng dẫn là, sau khi cho trẻ uống hoặc đặt thuốc hạ sốt, phụ huynh cần lau mát cho bé. Cách lau như sau: Dùng năm khăn ướt nhỏ: hai khăn đặt ở nách và hai khăn ở bẹn, khăn cuối cùng dùng để lau toàn thân. Thay khăn mỗi hai-ba phút. Khi lau mát cần kiên trì đến khi thấy bé hạ nhiệt độ xuống dưới 38,50 . Vì vậy, không phải chỉ lau mát khoảng 5-10 phút là xong, mà có thể kéo dài 30 phút. Khi nhiệt độ xuống dưới 38,50 thì lau khô người và cho bé mặc quần áo thoáng mát.

Nhiều gia đình thay vì lau mát cho trẻ lại dùng chanh, dấm thoa khắp người. Cách này cũng hạ nhiệt nhưng sau đó sốt dễ dàng bùng lại và gây dị ứng trên da. BS khuyến cáo phụ huynh không được sử dụng cách này.

Vắt chanh vào miệng khi bị co giật

Nếu phụ huynh không biết cách lau mát và hạ sốt cho trẻ, khi cơn sốt tăng cao có thể gây co giật, có nguy cơ tổn thương não. Khi bé bị co giật, mắt sẽ trợn ngược, sùi bọt mép, người lớn lay gọi không tỉnh, tay chân co giật liên tục. Khi gặp trường hợp này, không ít người vắt chanh vào miệng trẻ để bé tỉnh; có người nhét thìa muỗng vào miệng để bé không cắn lưỡi; có người bấm môi cho rách để bé đau mà tỉnh.

Thực tế, theo BS Đinh Tấn Phương, Trưởng khối cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM), cơn co giật chỉ kéo dài từ một đến hai phút, sau đó sẽ chấm dứt. Như vậy, cha mẹ nặn hay không nặn chanh vào miệng bé thì cơn co giật cũng hết, nhưng cách cấp cứu nêu trên lại có thể gây sặc, nghẹt đường thở, để lại sẹo trên mặt… Sơ cấp cứu ngay lúc ấy là để bé nằm nghiêng sao cho đường thở thông thoáng, đàm nhớt không gây tắc đường thở. Bình tĩnh dùng nước ấm lau cho trẻ, chờ bé thở đều, đặt thuốc hạ sốt vào hậu môn và đưa đi bệnh viện.

Kiêng tắm, kiêng ăn

Nhiều phụ huynh hễ thấy con bệnh là lập tức không cho tắm sợ nhiễm lạnh. Thực tế, khi trẻ bệnh cần tắm nước ấm, tắm nhanh nơi không có gió lùa. Sau khi tắm, lau thật khô. Bên cạnh việc tắm rửa, cần làm vệ sinh răng miệng cho trẻ sạch sẽ vì đây cũng là cách “loại” bớt vi trùng có hại ra khỏi cơ thể bé.

Hiện nay, khi trẻ bị tiêu chảy, nhiều gia đình đã biết cách cho bé uống bù nước bằng oresol nhưng vẫn kiêng uống sữa, ăn thịt cá… Thực tế, tùy tình hình bệnh mà có cách xử lý khác nhau, những trường hợp tiêu chảy nhẹ, ngày đi tiêu hai-ba lần thì nên cho bé uống sữa, ăn thức ăn mềm, nấu xong ăn ngay.

Nhung sai lam khi cham soc tre benh
Ảnh minh họa

Cho trẻ uống thuốc sai cách

Có nhiều sai lầm khi cha mẹ cho con uống thuốc.

- Toa thuốc BS cho thường theo cân nặng của trẻ. Do đó, khi thấy bé có triệu chứng bệnh giống như trước, phụ huynh cho dùng lại toa cũ là sai vì sẽ thiếu thuốc do cân nặng của trẻ không đúng như thời điểm BS đã cho toa.

Trong một toa thuốc luôn có lời dặn tái khám sau bao nhiêu ngày uống thuốc để BS gia giảm hoặc xem lại tổng trạng bệnh của trẻ. Do đó, phụ huynh tự ngưng thuốc khi thấy bé khỏe là không đúng, dẫn đến lờn thuốc, càng tốn kém hơn khi nhiễm bệnh.

BS Đinh Tấn Phương hướng dẫn liều an toàn hạ sốt cho bé như sau: “Cho trẻ uống liều hạ sốt paracetamol từ 10-15 mg/kg/một lần, ngày lặp lại bốn lần mỗi sáu tiếng. Khi chăm con bị bệnh, phụ huynh cần lưu ý diễn tiến bệnh vì hiện nay có rất nhiều bệnh diễn tiến nhanh, sáng trẻ sốt nhưng chiều bệnh đã trở nặng.

Đã có trường hợp bị tiêu chảy, chỉ trong một ngày diễn tiến đến nhiễm trùng, sau đó nhiễm trùng huyết; hoặc triệu chứng sốt, co giật cũng có thể là khởi đầu của viêm não… Vì vậy, nếu bé sốt lại sau khi uống thuốc một thời gian ngắn, lừ đừ, quấy khóc, phụ huynh cần đưa trẻ đi BS”.

Phương Nam

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI